Với nhiều thính giả của đài TNND TPHCM thì LÝ BẠCH HUỆ là một giọng ca quen thuộc trong chương trình ca cổ. Cô đã thu âm khá nhiều bài cho đài. Giọng hát của nghệ sĩ Lý Bạch Huệ nghe rất "ngọt ngào", truyền tải cảm xúc đến người nghe và có chút tự sự.
Đối với đài TNND TPHCM, cô hoạt động mạnh trên lĩnh vực ca cổ và ngâm thơ. Đặc biệt, Lý Bạch Huệ là một giọng ngâm thơ rất hay.
Ngày xưa cũng có nghe trên đài nhiều bài hát của Lý Bạch Huệ, Cao Thị Thắng, những nghệ sĩ chỉ nghe qua giọng hát. Giờ kiếm ko ra bài nào của Lý Bạch Huệ, cũng như của Cao Thị Thắng, anh chị em nào có chia sẻ nhe! Thanks
Trước đây trên đài TNNDTPHCM có phát bài ca cổ ; Mai anh về sáng tác Hoàng Đức & Phạm Sỹ Sáu do nghệ sĩ Minh Cảnh & Lý Bạch Huệ ca . Q.Tài đã yêu cầu rất nhiều lần mà không nghe phát lại . ACE nào có bài ca này hãy up lên cho mọi người cùng thưởng thức nha . Xin cảm ơn nhiều .
Nữ nghệ sĩ Lý Bạch Huệ sinh ngày 08/05/1956, quê quán tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Nghệ danh đi hát cũng chính là tên thật của cô.
Từ thuở nhỏ, cô bé Lý Bạch Huệ đã có niềm đam mê ca hát nhưng vì gia đình ngăn cấm nên cô không có cơ hội nào được tham gia rộng rãi mà chỉ chuyên tâm vào việc học văn hoá.
Hè năm 17 tuổi, nhân dịp được gia đình cho xuống Sài Gòn học tiếng Anh, Lý Bạch Huệ đã tự tìm đến Đài tiếng nói Quân đội, gặp NS hài Tùng Lâm để xin hát trong chương trình "Lính hát lính nghe". Chương trình này có sự tham gia của các ca sĩ Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm.... Sau khi thử giọng, thấy giọng ngọt ngào nên NS Tùng Lâm đồng ý cho Lý Bạch Huệ tham gia với một tiết mục ngâm thơ, bài "Đôi mắt người Sơn Tây". Bài thơ này đã được phát trên sóng phát thanh.
Hè năm 18 tuổi, Lý Bạch Huệ tham gia tuyển lựa giọng ca tỉnh Hậu Nghĩa với hai tiết mục : ngâm lại bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây và bài nhạc Nửa hồn thương đau của NS Phạm Đình Chương, đoạt được một giải thưởng khá cao. Từ đó, cô được mời hát thường xuyên hơn trong các chương trình thời đó với mức thù lao tương đối cao.
Năm 1976, Lý Bạch Huệ theo học kế toán tại Ty Thương nghiệp Tây Ninh. Sau đó, do tiếng lành đồn xa về giọng hát ca nhạc và ngâm thơ ngọt ngào của cô mà Ty Văn Hóa Tây Ninh đã xin cô về để cộng tác cho Đoàn Văn công Tây Ninh, là đoàn tổng hợp ca múa nhạc. Trong thời gian ở đoàn, Lý Bạch Huệ vừa tham gia biểu diễn ca nhạc, ngâm thơ, vừa học nghề (ca cổ) với các thầy, các nghệ sĩ đàn anh trong đoàn.
Năm 1977, tại tại thi văn nghệ ngành GTVT toàn quốc, Lý Bạch Huệ đã tham gia và đoạt được 03 giải thưởng cá nhân : HCV ngâm thơ, bài Hoa Lục Bình của nhà thơ Xuân Quang; HCB bài ca cổ Tiếng hát giao thông trên đường mới; HCB bài nhạc Lên Ngàn.
Sau này, khi đoàn Văn công Tây Ninh tách riêng thành đoàn Cải lương, Lý Bạch Huệ đã có vai diễn đầu tiên trên SKCL, vai Thái hậu Linh Sa trong vở tuồng Ngày tàn bạo chúa, diễn chung với Đăng Minh, Ánh Tuyết, Kim Thoại.
Ở Đoàn Văn công Tây Ninh, Lý Bạch Huệ còn diễn một số vai khác như Lệ Nga (chia vai hát chánh với Ánh Tuyết) trong vở Trăng sáng làng Kha, đóng cặp với kép chánh Vương Minh Lâm; vai Jackly Hương trong Tìm lại cuộc đời (Ánh Tuyết vai Lan, Kim Thoại vai Oanh).
Năm 1980, nữ NS Lý Bạch Huệ về cộng tác cho đoàn CL Tây Ninh 2, cô đã hát chánh lần lượt với các nam NS Linh Vương, Vũ Minh Vương trong các vở Bình minh trên hoang đảo (vai Nàng Ba), Mùa gió chướng (vai Sáu Linh và Út Sương), Tấm Cám (vai Tấm),...
Năm 1981, Lý Bạch Huệ hát cho đoàn cải lương Quê Hương Bến Tre của đôi nghệ sĩ Minh Phụng – Kiều Tiên, cô hát trong các vở Bảy mùa Mai nở (vai Bùi Thị Xuân), Gánh cỏ sông Hàn (Oanh Kiều), Gấu trắng rừng thiêng,...., hát chánh với nam NS Thanh Tuấn.
Năm 1982, khi đoàn cải lương Sông Bé 3 của nữ NS Kiều Hoa đi Hà Nội diễn phục vụ Đại hội 5 của Đảng, Lý Bạch Huệ cũng có đi theo đoàn khi cô về công tác trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên trên SK Sông Bé 3, Lý Bạch Huệ chưa có vai diễn nào. Cũng trong năm này, Lý Bạch Huệ về hát cho đoàn Văn công Sông Bé. Đây là đoàn nghệ thuật tổng hợp ca múa nhạc chuyên lưu diễn phục vụ khán giả các huyện thị trong tỉnh Sông Bé.
Năm 1983, khi đôi nghệ sĩ tài danh Thanh Sang và Phượng Liên vừa nghỉ đoàn cải lương Cao su Việt Nam, đoàn đã mời Lý Bạch Huệ về đoàn để hát chánh lần lượt với các nam nghệ sĩ Điền Thanh – Thanh Tuấn – Vũ Minh Vương – Linh Vương – Minh Trung. Cô đã hát trong các vở Đưa em về quê mẹ (vai Thảo Sương), Tấm Cám (hát lại vai Tấm), Lâm Sanh Xuân Nương (Xuân Nương),.....
Khoảng năm 1984-1985, khi mà đôi nghệ sĩ Châu Thanh – Phượng Hằng chưa về hát cho Đoàn cải lương Trung Hiếu (thuộc Sở CA TPHCM) thì nữ NS Lý Bạch Huệ đã có vai ở đoàn này trong các vở Sóng gió cuộc đời, Huơng lúa tình quê,...
Năm 1986, nữ NS Lý Bạch Huệ về cộng tác cho đoàn cải lương Sài Gòn 2- một đoàn đại bang của TPHCM lúc bấy giờ. Trên SK này, cô đã lần lượt thế vai hoặc chia vai với các NS Ngọc Bích, Mỹ Châu để hát trong các vở Tiếng hò sông Hậu (vai Lài), Khách sạn Hào Hoa (Hiếu), Tìm lại cuộc đời (Lan), Cánh én mùa xuân (Linh Phi), Ánh lửa rừng khuya (cô Hai Hiền), Tô Ánh Nguyệt (vai Thu Dung - vợ của ông Minh. Sau này Lý Bạch Huệ đóng vai Nguyệt hai màn đầu, Ngọc Bích hát hai màn sau).
Đặc biệt, thời gian công tác cho đoàn SG 2, Lý Bạch Huệ có một vai diễn khá hay và được khán giả yêu thích, đó là vai cô du kích Hường trong vở Người không cô đơn, hát chung với nữ NS Ngọc Bích (vai Nguyễn Thị Hạnh). Sau này, khi Đài truyền hình TPHCM thu hình vở tuồng này năm 1990 thì khán giả biết đến Thanh Hằng (Nguyễn Thị Hạnh) và Cẩm Thu (Hường).
Sau khi nghỉ đoàn Sài Gòn 2 thì nữ NS Lý Bạch Huệ không cộng tác cho đoàn nào nữa, cô chủ yếu thu âm cho Đài TNND TPHCM. Trên sóng của đài, Lý Bạch Huệ đã thu hơn 100 bài ca cổ và chập cải lương, ngâm khoảng 500-600 bài thơ của các tác giả khác nhau, trong đó có nhà thơ Thu Bồn - ông xã cô.
Ngoài ra, cô còn tham gia đóng trong một số bộ phim như : Tuổi thơ dữ dội, Kỳ tích Bà Đen, Lục Vân Tiên, Chiến trường chia nửa vầng trăng, Gia đình số đỏ (2010),...
Hiện nay, nữ NS Lý Bạch Huệ công tác thường xuyên cho đài truyền hình Bình Dương trong các tiết mục văn nghệ của đài. Cuối tuần, cô thường từ TPHCM về quê nhà Trảng Bàng để nghỉ ngơi cùng với vợ chồng người con gái duy nhất của mình.