Cải lương truyền hình chưa hay
Cải lương truyền hình vẫn làm theo kiểu ăn xổi, không quan tâm đến chất lượng nghệ thuật khiến các vở diễn ngày càng nhạt nhòa, kém hấp dẫn.
Khi sàn diễn cải lương còn khó khăn trăm bề, thị trường video cải lương đóng băng dài hạn, màn ảnh nhỏ đã mở ra hướng đi mới cho nghệ thuật cải lương với rất nhiều kênh truyền hình xây dựng các chương trình cải lương phục vụ khán giả xem đài. Tuy nhiên, nhiều hệ lụy đã nảy sinh từ đây.
Một ngày quay hình một vở
Kênh SCTV 7 đã thực hiện hơn 100 vở cải lương truyền hình với nguồn kinh phí 10 triệu đồng/vở diễn có thời lượng 100 đến 120 phút. Điều đáng nói là các vở này được làm theo cách thu tiếng trước, nghệ sĩ ra sàn diễn nhép theo từ lời thoại cho đến lời ca, nên trong hai ngày thu âm 5 vở và quay hình mỗi ngày một vở!
Khác với SCTV 7, phim truyện cải lương của HTV có thời gian quay hình trong 3 ngày nhưng vẫn bị chi phối bởi diễn viên chưa thuộc lời thoại, ra sàn quay vẫn “diễn cương”, “diễn ẩu”. Vì sử dụng công nghệ thu tiếng trực tiếp trên trường quay nên không thể có người nhắc tuồng như trên sân khấu, do đó diễn viên được trang bị máy nhắc tuồng. Buồn cười là hình ảnh diễn viên khi lên sóng, ai nấy đều đeo phone trên tai, rất phản cảm.
Hiện nay, ba ê kíp thực hiện cải lương truyền hình đang tung ra các tỉnh, thành phía Nam để quay hình các vở diễn đã từng đạt doanh thu cao trong nhiều năm qua với kinh phí đầu tư 10 triệu đồng/vở nhằm cung cấp cho các kênh truyền hình.
NSƯT Thanh Ngân trong vai Giáng Hương – vở Tô Hiến Thành xử án
NSƯT Thanh Vy cho biết: “Khó có thể thực hiện hay được khi mà kịch bản chưa thể ngấm vào hơi thở, lời ca chưa thẩm thấu vào cảm xúc người diễn, nghệ sĩ ra sàn quay như một con rối, chỉ biết làm theo những gì ê kíp thực hiện đã sắp đặt. Số lượng phim cải lương truyền hình vì thế khó đạt được chất lượng như cách làm hiện nay”.
NSƯT Bảo Quốc vừa qua được mời đóng vai Tô Hiến Thành trong vở Tô Hiến Thành xử án, nhất quyết không chịu quay trong một ngày, mà phải quay trong 3 ngày kể cả quay đêm khi diễn viên của vở bị kẹt sô.
Ông nói: “Diễn trên sàn diễn, vai tuồng có thể bị dở, bị hỏng một vài phân đoạn thì hôm sau cố gắng hoàn thiện để không phụ lòng công chúng; còn khi đã quay hình, mỗi vai diễn sẽ được đóng khuôn, không sửa chữa được nên rất cần sự chăm chút, đầu tư. Với cách làm hiện nay, phim cải lương truyền hình sẽ phá hỏng những kịch bản kinh điển”.
Chất lượng quá tệ!
Với kinh phí ít ỏi, trong giai đoạn hiện nay, những người thực hiện khó có thể mang lại chất lượng nghệ thuật cho vở diễn. Điều đáng nói hơn là sự cắt xén vô tội vạ của những người biên tập thiếu trình độ và kiến thức về sân khấu nên những kịch bản kinh điển như: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Trăng soi dòng Bảo Định, Giọt máu oan cừu, Thời con gái đã xa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Tô Hiến Thành xử án… bị cắt xén hết sức tùy tiện.
HTV với chương trình Phim truyện cải lương truyền hình, có phần thu tiếng trực tiếp, đã tạo sự sinh động trong diễn xuất của nghệ sĩ nhưng phần lời ca được thu âm trước không khớp âm thanh thu trực tiếp trên trường quay, khiến người xem bị hẫng.
Đó là chưa kể đến phần hóa trang của nghệ sĩ trong các phim cải lương truyền hình. Một số nghệ sĩ quen với lối hóa trang của sàn diễn nên hết sức lòe loẹt, còn một số lại hóa trang như diễn viên điện ảnh, nên các tính cách cứ chênh nhau trong cùng một vở diễn. Trang phục sân khấu, cảnh trí, tiếng động trong vở đều làm một cách chắp vá, hời hợt, thiếu sự đầu tư nên thời gian qua, hiếm có vở diễn trên truyền hình đạt được chất lượng nghệ thuật.
Nhiều nghệ sĩ cải lương hiện nay đang xem phim truyện cải lương truyền hình của HTV và chương trình Sàn diễn 360 độ của SCTV7 là chiếc phao cứu sinh để có thể tìm được vai diễn, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trong thời buổi sân khấu tối đèn liên tục.
20 năm trước, cải lương video làm theo kiểu “mì ăn liền”, mỗi ngày quay một vở, khiến cho thị trường cải lương video chết yểu ngay sau đó; nay đến cải lương truyền hình vẫn làm theo kiểu ăn xổi, không quan tâm đến chất lượng nghệ thuật khiến các vở diễn ngày càng nhạt nhòa, không hấp dẫn người xem.
“Hồn” cải lương, “da” truyền hình
Hầu hết ý kiến của các nhà chuyên môn khi xem phim truyện cải lương truyền hình trên HTV và các vở diễn cải lương trên sàn diễn 360 độ của SCTV7 đều có chung thắc mắc: “Các chương trình này đang góp phần vực dậy nghệ thuật cải lương hay làm cho bộ môn này càng thụt lùi?”. Phân tích việc này, NSND Thanh Tòng nói: “Ngôn ngữ phim truyện cải lương truyền hình chưa có điểm nhất quán.
Trước đây, các chương trình Nhà hát truyền hình của VTV 3, Dưới ánh đèn sân khấu của HTV ghi hình trong khán phòng một vở diễn, đã phần nào trung thành với vở diễn dựng trên sân khấu và cứ thế truyền hình trực tiếp đến người xem. Tuy nhiên, ánh sáng của truyền hình đã phá hỏng hết các xử lý ánh sáng của vở diễn sân khấu, do đó khó đạt được hiệu quả nghệ thuật như mong muốn. Còn phim truyện cải lương lại được quay ngoại cảnh, hành động diễn viên phải tuân thủ theo đúng hành động điện ảnh, do đó xem một số vở đã thấy hỏng về mặt xử lý tình huống”.
Trên thực tế, vở Tô Hiến Thành xử án, cảnh thái tử Long Xưởng hãm hại cung nữ Giáng Hương, trên sàn diễn của Đoàn Cải lương Minh Tơ ngày trước được dàn dựng ước lệ, tạo hiệu ứng sân khấu thuyết phục người xem; còn khi lên phim truyện, hành động nhân vật quá giả, gây phản cảm đối với lớp diễn này.
Ngôn ngữ phim truyện khi đưa vào cải lương rất khó xử lý bởi hành động và các tình huống đòi hỏi phải thực tế, diễn ra đúng tâm trạng, còn chuyển tải được hình thức ca diễn của cải lương theo ngôn ngữ phim truyện thì không những không tạo được sự thăng hoa mà càng làm cho người xem khó chịu.
Chưa nói đến nghệ sĩ, trong phần thu tiếng trước các bài ca vọng cổ, bài bản cải lương, ca diễn theo lối diễn sân khấu nhưng khi diễn thoại thu âm trực tiếp trên trường quay thì phải theo tâm lý của phim truyện. Hai ngôn ngữ này triệt phá nhau và không tạo được sự thăng hoa cho vở diễn.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn: NLDO