Thanh Hải là một nghệ sĩ lớn của SK Cải lương, một thời được mệnh danh là Vua Tao Đàn - Sa Mạc bởi lối ngâm thơ độc đáo mang sắc thái riêng, mới lạ, để lại cho người nghe niềm xao xuyến, bâng khuâng về một giọng ca vàng. Anh được mệnh danh là giọng ca triệu phú chỉ đứng sau Vua Vọng cổ út Trà Ôn (Thanh Hải từng là học trò được sự dìu dắt của út Trà Ôn). Trong số các giọng ca ảnh hưởng út Trà Ôn thì Thanh Hải là người có làn hơi, phong cách ca giống út trà Ôn nhất. Giống rất tự nhiên, không bị gò bó, cố bắt chước cho giống, đây là sự giống nhau ngẫu nhiên.
NS Thanh Hải có chất giọng đồng, âm vực rộng và cao, ca rất ngọt, giống thời út Trà Ôn còn trẻ. Vì vậy, mà ngày xưa các ông bầu thường chọn Thanh Hải hát thay vai út Trà Ôn. Sự giống nhau giữa Thanh Hải với út Trà Ôn không nằm ở thế ngang bằng mà như cha với con. Bởi chất giọng Thanh Hải mượt mà, trữ tình, mềm mại hơn, nghe út Trà Ôn ca, dễ dàng nhận ra phong cách của một người trung niên sang trọng, chững chạc. Nghe Thanh Hải ca, lại có cảm nhận khác hơn, đó là một chàng trai tuổi xuân phơi phới, lang bạt kỳ hồ, chất phong trần lãng tử thể hiện trong nét hào hoa, bay bổng. Thanh Hải ca chân phương, không ''độc'' như út Trà Ôn, nhưng cũng đủ sức đứng đầu hàng danh ca vọng cổ của thập niên 60-70. Chính nhờ giọng ca vang lên như chuông đổ đã làm tưng bừng một Thủ Đô lừng danh, một Kim Chưởng nghề nghiệp, một Kim Chung có số thu kỷ lục,...
Dấu ấn của các đoàn hát đại ban kể trên có phần đóng góp rất lớn của danh ca Thanh Hải. Những nữ danh ca: út Bạch Lan, Ngọc Hương, Diệu Hiền, ánh Hồng, Lệ Thủy, Ngọc Bích...một thời là bạn diễn ăn ý, ăn khách nhất với Thanh Hải, tạo nên những liên danh theo từng thời kỳ, từng sân khấu mà Thanh Hải là ngôi sao sổ 1.
Ca giống út Trà Ôn ở vào thời điểm út Trà Ôn đang là vua, dễ bị so sánh và cũng dễ bị khuất chìm sau cái bóng quá lớn của sư phụ, nhưng NS Thanh Hải đã biết khai thác những ưu thế mạnh của mình, tạo ra một lối đi riêng mà khán giả ghiền út Trà Ôn cũng phải mê Thanh Hải. Có những sân khấu, Thanh Hải và út Trà Ôn cùng hát chung với nhau nhiều năm đã cống hiến cho khách mộ điệu nhiều vai diễn hay, nhiều cách vô vọng cổ xoáy động tim người. Thanh Hải có thể ca dây thật cao như dây xề {hò nhì), dây xề đậy hoặc xuống thấp dây hò nhứt (dây lai), mà giọng vẫn không thay đổi (cách ca này chỉ có Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước, Minh vương, Kim Tử Long thể hiện tốt nhất). Thanh Hải không ca nhịp chẻ, nhịp giựt như út trà Ôn dù là đệ tử ruột; mà Thanh Hải ca nhịp lăng, đong đưa như nhịp võng, lối ca này mới nghe qua tưởng rất dễ nhưng lại là một lối sắp nhịp rất độc đáo, đòi hỏi người ca phải có bản lĩnh căn bản. Trong thời hoàng kim của mình, NS Thanh Hải đã thu rất nhiều dĩa hát như Nắng chiều trên sông Dịch, Cô gái sông Đà, Tống Tửu Ô Hắc Lợi... nhưng để đời, trở thành bất hủ và cho tới hôm nay trong lớp nghệ sĩ đàn em chưa ai ca hay hơn Thanh Hải bài hát Triệu Tử Long đoạt ấu Chúa, xuất sắc nhất là bài Tần Quỳnh khócc bạn, nổi tiếng không kém gì út Trà Ôn với bài ánh anh bán chiếu, hay Minh Cảnh với bài Võ Đông Sơ, Thành Được với Đêm lạnh trong tù, Hữu Phước với Nấm xương tàn... Thanh Hải thuộc hàng tài danh bậc nhất của SK Cải lương thời hoàng kim nhất. Thường khi vô vọng cồ, NS Thanh Hải chồng hơi lên rất cao, rõ từng chữ rồi nhẹ nhàng xuống hò rất ngọt.
Đến nay để tìm một giọng ca có chất giọng tương tự như Thanh Hải vẫn chưa có, mặc dù không ít người có thể nháy giọng út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước, Minh Cảnh, Tấn Tài, Minh Phụng, Minh Vương... nhưng giống Thanh Hải thì chưa. Giọng Thanh Hải không phải là giọng dễ bắt chước nháy theo. Vì là chất giọng cao, mạnh, nên những nghệ sĩ hát với Thanh Hải đều là những người có sở hữu làn hơi dữ dội. NS Thanh Hải, NS Ngọc Hương là một bộ đôi ở Thủ Đô, rồi Kim Chưởng, đã một thời mở ra một lối ca ngâm mới, lạ. Người ta phong vua cho Thanh Hải là Vua ngâm thơ Tao Đàn, ngâm Sa Mạc trong cải lương, thật ra, NS Ngọc Hương xuất sắc cũng không kém. Sau này khi Ngọc Hương rời đoàn Thủ Đô cùng chồng là soạn giả Thu An lập đoàn Hương Mùa Thu thì ánh Hồng là người thay thế hát với Thanh Hải, ánh Hồng cũng là giọng ca lạ, cao vút nên cũng rất hòa hợp với giọng ca của Thanh Hải. Đặc biệt, khi út Bạch Lan và Thanh Hải kết hợp trên sân khấu Kim Chung, khán giả đã không thể quên một Thanh Hải - Hoàng Kiếm Phi trong vở Bão biển cùng với út Bạch Lan đã tạo nên những ''cơn bão'' dữ dội. Các đoàn nghệ thuật khác nhìn họ biểu diễn ăn ý mà tâm phục, khẩu phục. Sự ăn ý giữa Thanh Hải và út Bạch Lan khiến khán giả nhớ lại liên danh út Trà Ôn - út Bạch Lan, một thời lẫy lừng trên các hãng dĩa, nhưng khi đó thì út Bạch Lan quá trẻ trung, còn út Trà Ôn già dặn, đến khi Về Kim Chung thì út Bạch Lan đã sắc sảo, sâu lắng hơn, giọng ca buồn như những giọt nước mắt, trong khi Thanh Hải tràn đẩy sinh lực, hào hùng và không kém chất hào hoa, trữ tình. Đây là một liên danh nghệ thuật độc đáo, rất tiếc là những dấu ấn của họ chỉ để lại trên sân khấu, ít lưu lại trên các băng dĩa và thời gian sau này họ ít có dịp hát chung với nhau.
Ở Kim Chung 6, Thanh Hải và Diệu Hiền cũng gây ''sóng gió'' với vở Đào Hoa Khách Tuyệt Tình Nương. Đây là thời kỳ tài năng Diệu Hiền bộc phát. Khi hát với út Trà Ôn ở đoàn Thống Nhất thì Diệu Hiền còn rất trẻ, bước khởi nghiệp dự báo tương lai triển vọng chớ chưa khẳng định tầm cỡ một ngôi sao, khi về hát cặp với Thanh Hải ở Kim Chung thì Diệu Hiền trở thành một cô đào ăn khách bậc nhất. Thanh Hải thì đang ở đỉnh cao phong độ. Nên sự tương tác của họ đã tạo nên những hiệu ứng tích cực mà SK Kim Chung hưởng lợi rất nhiều từ đôi liên danh này, một thời, liên danh Thanh Hải - Diệu Hiền là niềm ước muốn của các ông, bà bầu ở những đoàn cải lương khác, có xem họ thi tài ca diễn trên sân khấu mới thấy yếu tố ca quyết định sự thành công của một vở cải lương như thế nào. Chất ca ngâm cải lương trong một vở diễn được họ thể hiện rất xuất sắc SK Cải lương bây giờ vẫn còn ca ngâm nhưng chất cải lương đã nhòe, nhạt đi rất nhiều. Vẫn ca ngâm đó mà dường như cái hồn nhạc cải lương thì đã... ''bay'' đâu mất, có phải chăng đây cũng là một nguyên do khiến cho cải lương mất dần chất hấp dẫn?
Sau này cũng trên SK Kim Chung, Thanh Hải hát cặp với Lệ Thủy nhưng mức thành công thì không vang dội như trước. Chỉ đến sau này, Thanh Hải - Lệ Thủy tái hợp trên SK đoàn Văn công TPHCM qua vở Cây sầu riêng truông. Trong khi Lệ Thủy đang đứng trước chân trời bình minh thì Thanh Hải đã qua bên kia triển dốc sự nghiệp. Sau Văn Công Thành Phố, Thanh Hải về cộng tác với Phước Chung một thời gian rồi giải nghệ luôn...
Bây giờ đã ngoài bảy mươi tuổi, NS Thanh Hải sống cuộc đời nhàn nhã với bạn bè. Thỉnh thoảng, ông cũng vào thăm các quán nghệ sĩ, lai rai với anh em rồi lên sân khấu ca vài câu vọng cổ chơi. Chất giọng đồng của Vua Tao Đàn vẫn còn âm vang sang sảng, vẫn gợi nhớ một thời xa xưa... Nhìn NSUT Ngọc Hương nhắc lời cho Thanh Hải ca trong một lớp Sầu quan ải, họ không còn những giây phút thăng hoa lộng lẫy của một thời tuổi trẻ lừng danh, nhưng vẫn ấm áp, nồng nàn nghĩa tình nghệ sĩ. Nhắc giọng ca vàng của Vua Tao Đàn - Thanh Hải để nhớ Cải lương đã từng có những danh ca kiệt xuất như vậy.
Việt Khang - BSK