Hà Bửu Tân, một ngôi sao sớm tắt! Một tài hoa bạc mệnh! ôi, thương tiếc làm sao! Giọng hát của anh đúng là cổ lai hi (xưa, sau hiếm có). Một giọng ca sang trọng, ngọt ngào, nhưng không phải lả lướt, bay bướm. Đó là chất giọng một trung niên rắn rỏi uy nghi đường bệ đậm khí thế nam nhân. Thế mà vóc hình thực tế lại mâu thuẫn giọng ca, anh sở hữu một hình thể thư sinh bạch diện hao gầy, khá đẹp. Nếu dung mạo kia được hóa trang nhân vật biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu cũng đáng liệt vào hàng ngũ kép đẹp hào hoa. Phong cách ca của Tân, từ hai bài ca lẻ Hạng Võ Sở bá vương, Xuân đất khách (CD Tiếng hát Hà Bưu Tân) đến ba vai diễn Mã Vi (vở Gái rừng ma), Yama (vở Kiếm sĩ điên), Hai Thôn (vở Sài Gòn thác bạc) chịu ảnh hường sâu nặng từ Hoài Vĩnh Phúc, danh ca đất Mỹ Tho một thời tỏa sáng qua phát thanh (Đài Sài Gòn) và dĩa. Đó là cách sắp ca từ trong lòng câu vọng cổ; và giống như đúc khi nhả chữ ở cuối mỗi khung nhạc(8 nhịp). Mà Hoài Vĩnh Phúc lại là cái bản sao đẹp mỹ miều của đại danh ca Hữu Phước - một kẻ gần như quán thế qua cụm từ "Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả". Chẳng thế mà Hữu Phước mừng vui như bắt được vàng sau khi nghe Hà Bửu Tân ca vọng cổ: "Cậu trai trẻ này, tương lai sẽ thay thế mình đây!". Khi ấy là đầu những năm 1 970.
Được lời ca ngợi của đại thụ vọng cổ như thân phụ ca sĩ Hương Lan quả là món quà quý hiếm hơn bất cứ kỳ trân nào. Bởi ai cũng biết, những út Trà ôn, Hữu Phước là những tài năng kiệt xuất góp công đưa vọng cổ lên ngôi vua, nên mỗi "xuất ngôn như phá thạch". Hà Bưu Tân chịu ảnh hướng trường phái Hữu Phước ở phong cách thể hiện, nhưng không rập khuôn. Như đã nói, Tân sắp xếp ca từ vọng cổ lòng câu giống Hoài Vĩnh Phúc; riêng kỹ thuật trường canh chắc nịch,sắc sảo điêu luyện từ thuở mới vào nghề, tựa như tài năng bẩm sinh, không cần lệ thuộc chiều dài thời gian tôi luyện từ chỗ non yếu để dần dẫn đến độ tinh xảo như một số ngôi sao nào đó nổi danh khi kỹ năng ca vọng cổ hãy còn trong vòng lận đận. Cái riêng của Tân, do nắm vững nhịp trường canh, anh ca như cợt đùa khung nhạc, nghĩa là ít tuân thủ, nhưng xuống song lang dứt câu lại rất thần tình. Anh ca tự nhiên, tự tin như nhịp thở sinh học, như không vận dụng, không gò bó làn hơi, không cường điệu lên gân, khoe để tạo nét riêng, để tranh thủ đẳng cấp; cũng bởi anh quá đủ đầy do thiên phú một làn hơi khỏe khoắn, lạ lẫm, quý hiếm chẳng giống ai, ai muốn giống em không như ý. Đài từ Tân rõ chữ, tròn vành, hấp lực truyền cảm cao sâu, mê đắm cực kỳ. Ca quá tốt bản vọng cổ, Tân còn ca giỏi, điệu nghệ các thể loại bài bản; chẻ nhịp, nhảy lót các bản hơi Bắc; êm dịu, ray rứt các bản Nam; song không bi ai như Hữu Phước, Hoài Vĩnh Phúc. Vậy mà độ thẩm thấu nào kém chi do chất sang cả diễm tình của làn giọng. Anh ca Phú lục rất tuyệt,song Tây thi và Xuân tình chưa đủ độ "xôm", dù kỹ thuật nhịp hảo hạng.
Người nghệ sĩ đất Mỹ Thuận (Tiền Giang) này sinh ra và lớn lên trong thời loạn. Sự nghiệp cầm ca đang độ thăng hoa, hứa hẹn một tài năng lớn của nghệ thuật bản sắc. Thế mà do định mệnh cay nghiệt nào trá my khiến tâm tư hôn ám, anh sa đà vào "cơn say ma quỷ" (ma túy) với ngộ nhận: nó giúp làn hơi anh tuyệt diệu và bền vững với thời gian hơn. Đang ngụp lặn trong mê cung không lối thoát, anh lại sa vào khổ dịch đời trai: bị bắt lính (chế độ cũ). Tiếp theo là đòn sấm sét thứ ba: anh chết vì sốc" ma túy (quá liều lượng). VÔ tình hay cố tình vì tuyệt vọng? ôi! Dù có thế nào, người hâm mộ cũng vô cùng thương tiếc và người hằng tâm với nghệ thuật sao khỏi đau lòng vì một tổn thất lớn lao không đáng có.
Đặt giả thiết: Nếu Hà Bửu Tân không yểu mệnh, tương lai anh ra sao? Với các ưu thế sẵn có, nếu anh trung thành tuyệt đối với trường phái Hữu Phước, cố gắng rèn luyện tuyệt chiêu "vận dụng ca từ đua tốt độ với cung đàn, khung nhạc", sự thành đạt ắt nắm trong tay. Có thể chăng, nếu giả thiết biến thành sự thực? Thế thì câu hai vế: "Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả" dành riêng cho tài năng ca vọng cổ của Hữu Phước sẽ chỉ tổn tại vế đầu? Và làm sao có nỗi niềm thương tiếc một "ngôi sao sớm tắt”?
Hồ Quang