SGTT.VN - Sáu mươi bảy tuổi, sau nhiều lần thập tử nhất sinh, sức khoẻ của đệ nhất đào võ – Diệu Hiền bây giờ kém lắm. Gai cột sống, tim và cả xẹp cột sống làm cho bà đi lại khó khăn, vậy mà bà vẫn nhận lời mời đi hát. Sân khấu là sân chùa, khán giả bình dân và nghệ sĩ cũng đã qua mùa nhan sắc...
Cuộc sống của NSƯT Diệu Hiền bây giờ rất giản đơn. Bà lấy việc đi hát làm niềm vui, chọn cửa Phật làm nhà, làm việc thiện để đền ơn khán giả.
Ảnh: Bích Uyên
Còn chưa kịp lau nước mắt khi nghe NSƯT Diệu Hiền hát hết bản vọng cổ kể nỗi niềm của người con mất mẹ thì bà lại xin khán giả cho hát tiếp hai câu ca tiễn đưa tướng Lê Minh trong vở Nhuỵ Kiều tướng quân, vở diễn đã đưa tên tuổi bà và nghệ sĩ Hoài Thanh lên đỉnh cao. Không phải là sân khấu của đoàn Tháp Mười mấy mươi năm trước mà sao nghe tiếng hát, xem cách diễn, vẫn có cảm giác đó là Diệu Hiền của ngày xưa: dứt khoát, khoẻ khoắn, xứng danh đệ nhất đào võ!
Cô bé mồ côi theo nghề hát
Vào những năm của thập niên 70, với giọng ca khoẻ và ngân vang cùng nhiều vai diễn cá tính trên sân khấu các đoàn cải lương tên tuổi, NSƯT Diệu Hiền được báo chí ca ngợi là “ngôi sao nữ hàng đầu của sân khấu cải lương, một giọng ca vàng, một cô đào võ xuất sắc”.
Con đường để cô bé mồ côi cha, nhà nghèo, không biết chữ đến với cải lương đâu thể dễ dàng. Bà kể rằng khi cha mất, mẹ bà cõng con lưu lạc đến Sài Gòn. Đêm ngủ trong chiếc ghe nhỏ dưới gầm cầu, ngày theo mẹ đi làm mướn. Mẹ ghiền cải lương, bà thường mua vé “cá kèo” coi hát, đứa con gái nhỏ được theo mẹ, chui rạp vô xem. Mê sân khấu bởi những cô đào hát hay mà xiêm y lộng lẫy, Diệu Hiền còn thật thà rằng “nghe nói đi hát kiếm được nhiều tiền”. Vậy nên bà bỏ nhà theo gánh hát, mong rằng có thể kiếm được tiền nuôi mẹ. Biết ca cũng bằng cách học lóm như khi đi học chữ, dần dà Diệu Hiền cũng được ra sân khấu khi đoàn hát thiếu người đóng vai phụ. Và rồi người ta đã biết đến đào chánh Diệu Hiền khi bà mới mười sáu tuổi.
Không thích khóc, mê trò chơi con trai nên Diệu Hiền chọn những vai diễn mạnh mẽ, không nhiều nước mắt dù ngày trẻ giọng ca bà khoẻ và mùi, nhan sắc cũng rất đỗi mặn mà. Và sự lựa chọn ấy thuận lòng tổ nghiệp, đã đưa bà lên vị trí đệ nhất đào võ lừng lẫy một thời. Có lẽ sự mạnh mẽ ấy đã giúp bà vượt qua được những biến cố lớn của cuộc đời. Khó có thể tin một nghệ sĩ bị phỏng nặng khi nhan sắc và sự nghiệp đang ở độ chín muồi, trở lại sân khấu sau một năm trời gần như nằm liệt. Khó tin bà có thể vượt qua và còn đứng được trên sân khấu đến ngày nay.
Sau những vinh quang
Hơn 50 năm ăn cơm tổ nghiệp, cuộc sống của NSƯT Diệu Hiền bây giờ thật giản dị. Căn nhà nhỏ và cũ kỹ nằm trong khu tập thể của đoàn Văn công thành phố mà bà đang sống hiện có đến tám nhân khẩu. Con gái, con trai, con dâu, cháu nội rồi cả em gái của bà đều quây quần với nhau tại đây. Vậy nên, bà tự dọn cho mình một chỗ để nghỉ ngơi trên khoảng trống nhỏ hẹp phía ngoài bancông, với chừng năm, sáu mét vuông, đủ để bà kê tấm ván gỗ, trải chiếc chiếu nhỏ ra mà ngả lưng. Đó là nơi mà những đêm mưa, bà phải ôm gối mền vào trong nhà nằm đỡ vì mưa tạt ướt. Cũng chẳng có vật dụng gì quý giá trong cái phòng được dựng lên tạm bợ bằng gỗ tạp ấy. Có chăng là những kỷ niệm về một thời đi hát được bà đánh thức bằng những bức ảnh cũ treo dán khắp phòng.
Nếu có dịp đến thăm bà, chắc hẳn nhiều người sẽ tỏ ra ái ngại, nhưng bà từ lâu đã xem đó là chuyện bình thường. Chọn cách bình an tự tại trong tâm hồn, bà để những nỗi buồn trôi qua theo ngày tháng, để những thăng trầm trôi theo tiếng kệ lời kinh mà vui sống, mà quên đi chuyện thiếu đủ, no đầy. Hiểu rằng Diệu Hiền đi hát là để thoả đam mê, để đền ơn khán giả, để đi đến cuối cùng cái nghiệp cầm ca nhưng ai cũng biết, bà còn có trách nhiệm lo cho cuộc sống của em, của con, của cháu…
Chia tay bà, nhớ câu bà tâm sự khi bỏ nhà theo gánh hát, rằng “đi hát sẽ có nhiều tiền”, sao thấy quá xót xa! Một kiếp cầm ca, một kiếp con tằm, rút hết ruột làm vui cho thiên hạ, nơi đi về của đệ nhất đào võ bây giờ, sao vẫn quá đơn sơ!
Bài và ảnh: Bích Uyên
http://sgtt.vn/Loi-song/142481/Nhung...at-dao-vo.html