HỀ SA: Giọng ca hài vượt thời gian!
Năm nay Hề Sa đã bước qua tuổi 68, ở cái tuổi mà lớp nghệ sĩ trang lứa với ông đã giã từ sân khấu, hoặc nếu còn hoạt động thì chỉ cầm chừng. Dù tuổi đời không còn trẻ nhưng nhìn ông ca trên sân khấu vẫn thấy một Hề Sa nội lực sung mãn, phong cách tươi vui, dí dỏm. Ông vẫn còn đủ sức truyền tải đến khán thính giả những bài ca vọng hài đặc sắc bằng một giọng ca cao vút, bằng một kỹ thuật sẳp nhịp, hành văn chỉ đứng sau văn Hường một bậc còn các nghệ sĩ hài trẻ ngày nay chưa đủ sức để ca, soán ngôi vị của Hề Sa.
Hề Sa có chất giọng thiên phú, khỏe khoắn, cao vút, làn hơi của ông khiến các danh ca vọng cổ cải lương phải kiêng nể, cho tới bây giờ,ông vẫn ca dây xề đậy (tương đương với nốt si bên tân nhạc), vẫn lối hành văn, sắp nhịp độc đáo đúng với phong cách ca vọng cố hài, vừa ca vừa nói, nhịp nhàng, bay bổng, hồn ai nấy giữ, nhưng khi dứt song loan thì ca và đờn cùng về một lúc. Trong làng danh hài ca vọng cố, Hề Sa là người giữ được phong độ lâu dài nhất, có tuổi thọ nghề nghiệp nhiều nhất. Tính đến nay, ông đã có trên 50 năm đi hát liên tục không ngơi nghỉ.
Tên thật là Lê Văn Sa, sinh năm 1941 tại Long Bình - Thủ Đức nay là Quận 9 - TPHCM. 18 tuổi đã đi hát, sân khấu đầu tiên là Tiếng Vang Thủ Đô Sau đó về Thủ Đô l hát thế vai quái kiệt Bảy Xê, đúng chung sân khấu với Tấn Tài, Trương ánh Loan rồi về đoàn Trăng Mùa Thu. Đến năm 1969, ông về đoàn Kim Chung lại diễn chung Tấn Tài, Lệ Thủy, sau đó đi Pháp biểu diễn. Đã từng ký công tra một triệu đồng với đoàn Kim Chung thời đó. Năm 1970, ông rời đoàn Kim Chung và lập đoàn hát riêng cho mình lấy tên là Sóng Hề Sa, sau giải phóng đổi thành Sóng Trường Sơn. Năm 1976, ông giải tán đoàn, tạm dứt nghiệp làm bầu, tiếp tục nghề hát của mình. Đã cộng tác với các đoàn Tiếng Ca Trung Hiếu, Thanh Nga, Phước Chung, đoàn ca múa nhạc Song Kim, Sao Mai. Năm 1989, ông lại tiếp tục nghiệp làm bầu, lập đoàn cải lương Hoa Hông huyện Củ Chi, rồi đoàn Hồ Thị Hương tỉnh Đồng Nai. Đến nam 1995, lại từ giã nghiệp bầu tiếp tục đi hát cho tới ngày hôm nay. Suốt quá trình hoạt động, Hề Sa đã có những thành công đáng kể, là người thứ hai sau đệ nhất hề ca Văn Hường. Bắt đầu thu dĩa từ năm 1968 cho hãng dĩa Tứ Hải với những bài hát nôi tiếng: Trời sanh trâu sanh cỏ, Tôi đi làm rể, Hề Sa đi Pháp, Hề Sa cầu hôn, Lệnh xé xác lệnh xé túi... Sau này, tiếp theo là bài Khi người say biết yêu, Lính già vui vẻ …rất được nhiều người yêu thích. Gặp Hề Sa là người ta yêu cầu hát lại những bài hát đó. Bây giờ thường ngày, Hề Sa cùng nghệ sĩ Minh Tiến các đàn em đi hát show lẻ, thỉnh thoảng tham gia các chương trình trực tiếp truyền hình.
Cuộc đời nghệ thuật và cuộc sống riêng của Hề Sa hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu trên sân khấu, từ đoàn này qua đoàn khác, Hề Sa liên tiếp gặt hái nhũng thành công, rồi làm bầu, tạo được những dấu ấn đáng kể thì cuộc đời riêng của ông là những dấu chấm than buồn, tiền bạc, danh vọng có đủ nhưng hạnh phúc gia đình đối với ông là những ước mơ không trọn vẹn, ba lần lập gia đình, có ba dòng con là ba lần để lại trong lòng ông một nỗi buồn không sao bày giải. Hề Sa trường tự thán: ông bà nói, giàu nhờ vợ, còn tôi nghèo vì vợ''. Ông không trách ai, chỉ tự trách mình: ''Có lẽ thời trẻ tôi lo làm ăn, nghĩ tới sự nghiệp và tiền bạc nhiều, ít quan tâm, chăm sóc đến gia đình nên hạnh phúc đến rồi cũng tan biến nhanh". Hiện tại, ông đang sống hạnh phúc với chị Hà Uyên. Uyên, có được một cháu trai 9 tuổi. Bây giờ đối với ông, gia đình và cậu con trai là tất cả. Tổ nghiệp còn thương nên show diễn của ông đều đặn, đời sống kinh tế thoải mái, vẫn còn đủ sức lo cho mái ấm của mình.
Bất chợt nhìn lại, có được một giọng ca hài như hề Sa cho sân khấu cải lương quả là hiếm hoi, dùng giọng ca hài để đi đến vinh quang thật không phải dễ. Mấy mươi năm dài giờchỉ nổi đình đám có mỗi giọng ca Thanh Nam... nên dù đã xấp xỉ 70, giọng ca hài Hề Sa vẫn còn là một bảo vật quý hiếm của sân khấu cải lương. Nhiều nghệ sĩ hài cũng muốn đi theo con đưòng của Văn Hường, Hề Sa, Thanh Nam nhưng ngặt nỗi, họ không có được giọng ca thiên phú và kỹ thuật hành văn quăng bắt nhịp nhàng đạt đến trình độ kỹ thuật cao trong nghệ thuật ca vọng cổ hài. Bởi diễn hài là để người ta cười còn nghe vọng cổ hài là để người ta nghe mà nghiền ngẫm thế thái nhân tình. Ngày nay, ca vọng cổ hài trong băng dĩa trên phát thanh truyền hình mất dần đi tính độc đáo, bởi hiếm vắng những giọng ca vọng cổ hài có bản lĩnh đủ sức làm lay động lòng người. Tiếc thay!
Bích Trâm
Báo Sân Khấu