Từng mơ ước trở thành luật sư để tìm sự công bằng cho nhiều người, không hiểu số phận đưa đẩy thế nào, Thanh Ngân lại theo nghiệp cầm ca.
Với một gương mặt đẹp, một giọng ca mượt mà, truyền cảm cùng diễn xuất "có thần", cô con gái út của đôi nghệ sĩ tài danh Hoài Châu - Kim Hoa đã tạo ấn tượng đẹp trong lòng công chúng với hàng trăm vai diễn trên sân khấu cải lương.Như "Tô Ánh Nguyệt", "Bên cầu dệt lụa", "Tiếng trống Mê Linh", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Duyên kiếp", "Chuyện tình Lan và Điệp", "Trà Hoa Nữ" hay bài ca cổ "Điệu buồn phương Nam"...
34 tuổi đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, sự thành công của Thanh Ngân có lẽ cũng ít nhiều xuất phát từ cái nôi nghệ thuật lâu đời của gia đình chị - bốn đời theo nghề cải lương.
3 tuổi đã bập bẹ tập tuồng
Thanh Ngân là con gái út của hai nghệ sĩ Hoài Châu – Kim Hoa. Sinh ra trong đại gia đình nghệ sĩ tài danh có 3 đời theo nghề hát từ thập niên 1930 đến nay: bà cố là bầu gánh hát Tân Hí Ban, bà ngoại là nghệ sĩ Tư Hai Len và mẹ là nghệ sĩ Kim Hoa nên dòng máu cải lương dường như đã thấm sâu vào Thanh Ngân từ thuở còn trong bụng mẹ.
Ngay từ khi lên 3 tuổi, dù ngọng líu, ngọng lô nhưng cô bé đã bập bẹ bắt chước bà và mẹ trong những lúc mọi người tập tuồng. Thông minh, lanh lợi, nên bé Ngân học lỏm rất nhanh.
Có một dịp, Ngân được theo bà ngoại sang nhà nghệ sĩ Phùng Há chơi, khi nghe bà kêu biểu diễn thử, bé đã không ngần ngại, mạnh dạn chạy ra giữa nhà vừa ca cải lương vừa làm những điệu bộ minh họa, mọi người khi đó không ai nhịn được cười và ai cũng thầm nghĩ rằng sau này Ngân sẽ là một nghệ sĩ cải lương có tài.
Lớn lên một chút, Ngân đã theo cha mẹ lưu diễn qua các gánh hát từ miền Tây, miền Ðông tới các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Đến tuổi đi học, Thanh Ngân được cha mẹ gửi cho người cô ruột nuôi để đi học, còn cha mẹ theo gánh hát đi diễn khắp các tỉnh lân cận.
Lớn lên trong niềm đam mê sân khấu, ước mình sẽ trở thành một nghệ sĩ tài danh được nhiều người yêu mến, nhưng bên cạnh niềm đam mê lớn lao đó, Ngân còn ấp ủ cho mình một ước mơ khác là trở thành một luật sư giỏi, đem công bằng đến cho mọi người, cho xã hội.
Chính vì thế mà Ngân rất chăm học, dù thiếu vắng tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ nhưng Ngân rất tự lập, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi của lớp. Học đến hết lớp 9, gia đình lâm vào cảnh sa sút về kinh tế nên cha mẹ không thể tiếp tục gửi tiền cho Ngân theo học nữa.
Phải bỏ học, từ bỏ ước mơ của mình, Ngân buồn và thất vọng lắm. Để phụ giúp thêm kinh tế cho gia đình, Thanh Ngân bắt đầu đến với sân khấu cải lương – năm ấy cô vừa tròn 18 tuổi. Cha cô, kép chính Hoài Châu, đã nhận thấy ở cô tố chất tốt của một nghệ sĩ cải lương nên động viên cô đi theo bộ môn nghệ thuật này. Với sắc vóc mảnh mai, khuôn mặt xinh đẹp và giọng ca mượt mà, sâu lắng, Ngân nhanh chóng được nhiều người biết đến.
Chị nhớ lại: "Những năm 90 là những năm vất vả nhưng rất đáng nhớ, vất vả là vì lúc ấy Thanh Ngân gần như là người lo kinh tế chính trong gia đình và đáng nhớ là đi đến đâu cũng được đón nhận nồng nhiệt".
Theo các đoàn hát như Hương Tràm, Hương Bưởi, Minh Tơ... đi diễn khắp các tỉnh, khó khăn, vất vả trăm bề đối với một cô gái nhỏ nhắn, yếu ớt như Ngân. Nhưng cũng chính từ đó Thanh Ngân mới thấy rằng cô không thể dứt "cái nghiệp" này ra được.
NSƯT Thanh Ngân
18 tuổi, bắt đầu đến với sân khấu cải lương chuyên nghiệp, theo cha mẹ lưu diễn qua các đoàn hát như Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Sông Hương (Huế), Sài Gòn 1, Minh Tơ, Huỳnh Long… và tới khi được vào đoàn nhà hát Trần Hữu Trang, Ngân đã là một nghệ sĩ thực thụ với giọng ca ngọt ngào, lối diễn xuất “có thần”. Khi vào nhà hát Trần Hữu Trang, Ngân được cho đi học ở trường nghệ thuật sân khấu của nhà hát.
Năm 1996, vừa tốt nghiệp xong là chị nhận được huy chương vàng giải Trần Hữu Trang. Chị nhớ lại kỷ niệm lần đầu tiên được đứng trên bục vinh quang: "Khi đứng trên bục vinh quang nhận huy chương vàng, Ngân dường như không tin đó là sự thật, Ngân đã khóc thật nhiều.
Khóc vì hạnh phúc, vì vui mừng và vì nhiều thứ nữa, nhưng điều quan trọng nhất mà Ngân nghĩ đến lúc ấy là mình đã thực sự chiến thắng được bản thân, biết đứng lên sau thất bại của giải lần trước...".
Trước đó một năm (năm 1995), chị cũng đánh liều ghi tên tham dự giải nhưng may mắn không mỉm cười với chị. Ngân buồn và hụt hẫng nhiều lắm. Đến giải Trần Hữu Trang năm sau, mọi người động viên Thanh Ngân tiếp tục dự thi.
Lúc đầu Ngân từ chối vì sợ rằng thất bại lại sẽ đến với mình, sợ rằng chị sẽ phải buồn một lần nữa..., nhưng rồi trước sự động viên rất lớn của các thầy cô trong Hội Sân khấu và sự quyết tâm của chính bản thân mình, Ngân "nhắm mắt đánh liều" đi thi.
Muốn là “hậu duệ” của Thanh Nga
Không chỉ có bố mẹ đều là nghệ sĩ, khi đến với sân khấu cải lương, Thanh Ngân đã có một người chị nổi tiếng trong lĩnh vực này là nghệ sĩ Thanh Hằng. Nhiều người cho rằng, đó là lợi thế của Ngân so với các diễn viên khác, là con “nhà nòi” nên chị dễ dàng nhận được nhiều lợi thế hơn.
Thế nhưng ít ai biết rằng, đó cũng chính là áp lực đối với Ngân, áp lực phải vượt qua cái bóng của những người đi trước. Chị chia sẻ: “Ngân vào nghề năm 18 tuổi, tính đến nay đã theo nghề được hơn 20 năm. Ngân có 3 người chị theo nghề này, đó là ca sĩ Ngân Quỳnh, nghệ sĩ cải lương Thanh Ngọc và Thanh Hằng.
Theo khách quan bên ngoài thì là thuận lợi khi Ngân có người chị đi trước, là bệ phóng cho mình để tạo bước nhảy nhanh hơn những người khác. Nhưng Ngân thấy cũng bị áp lực lắm, thực tế thì Ngân và chị Hằng ít gần gũi, chị còn phải lo gia đình. Ngân học bạn bè là chủ yếu, sau đó thì học từ những đạo diễn giỏi, các cô, các chú đi trước”.
Chị bảo, mỗi khi tập một vở tuồng mới, bố mẹ thường là người góp ý cho chị. Với kinh nghiệm đi diễn nhiều năm của mình, ba mẹ chỉ cho chị những chỗ thiếu, chỗ thừa. “Có nhiều lúc, mình diễn thiếu thì vai diễn sẽ bị cứng, còn nếu bị dư thì người xem sẽ bị ngán. Giống như mình ăn no quá sẽ mất ngon, thành ra mình diễn sao cho vừa phải là được” - chị nói.
Thanh Ngân được khán giả cho là hậu duệ của cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga bởi chị có một mái tóc dài đen tuyền như mái tóc của Thanh Nga ngày xưa, nét mặt xinh đẹp, thanh tú, nước da trắng hồng, đôi mắt long lanh, gợi cảm. Và ngay cả giọng hát mượt mà của chị cũng giống cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga đến lạ lùng.
Chị bảo, thần tượng của chị chính là cố nghệ sĩ Thanh Nga: “Ngân mê, thần tượng cô Thanh Nga dù chỉ được coi cô diễn qua truyền hình, băng phim thôi.
Từ hồi 15 tuổi, được mẹ cho một tấm hình cô Nga là Ngân cất kỹ, ngắm hoài. Ngân cứ ao ước có cơ hội diễn lại một vở tuồng nhắc nhớ thần tượng của mình. Cô Nga đã để lại ấn tượng quá sâu sắc trong “Bên cầu dệt lụa”, bây giờ Ngân có diễn thế nào đi nữa cũng khó mà so sánh được với cô.
Vì mê và thần tượng Thanh Nga, muốn làm điều gì đó cho người mình yêu kính nên dù biết vai diễn Quỳnh Nga trong vở “Bên cầu dệt lụa” vốn gắn liền với tên tuổi Thanh Nga, chị vẫn quyết định diễn lại. Và sự táo bạo của chị đã được đông đảo khán giả đón nhận.
Chị chia sẻ: “Mà dù có bị chê trách đi nữa qua vai diễn Quỳnh Nga, Ngân cũng chịu. Chỉ cần qua vai diễn đó, khán giả yêu cải lương có dịp nhắc lại cô Nga là Ngân thấy vui, như đã làm được điều gì cho người mình yêu kính... Còn có niềm tự hào nào sánh bằng được là hậu duệ của cô. Thật tình, chuyện Ngân có nét diễn giống cô Nga do duyên bẩm sinh, nếu Ngân cố tình bắt chước, sao chép cô thì sẽ rất vô duyên…”.
Dấn thân theo nghiệp hát, đến nay, gặt hái được khá nhiều vai diễn hay như các vở: “Tô Ánh Nguyệt”, “Bên cầu dệt lụa”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Tiếng trống Mê Linh”… nhưng Ngân chưa bao giờ cảm thấy tự mãn với những gì mình làm được.
Chị bảo nghệ thuật là một con đường dài vô tận, đòi hỏi người nghệ sĩ phải đi, đi mãi… Chị luôn đòi hỏi mình phải cố gắng, cố gắng thật nhiều trong từng vai diễn để đáp lại tấm chân tình của khán giả một cách tốt nhất.
“Tôi thấy, cái hạnh phúc nhất của nghệ sĩ là mỗi lần xuất hiện trước công chúng, được đông đảo công chúng tán thưởng, tạo nên sự cộng hưởng, giọng hát sẽ bay bổng hơn, ngọt ngào hơn”. Ngân bộc bạch, chị không bao giờ bị áp lực trong nghề nghiệp, bởi vì nghiệp diễn là một nghề chị đam mê nên mỗi khi bước lên sân khấu là chị đều diễn đầy nhiệt huyết, máu lửa.
Mỗi câu hát chị đều gửi nội tâm vào đó, phải hiểu từng câu văn của tác giả, chứ không ỷ lại làn hơi mình hay mà hát sao cũng được. “Cải lương gần như đã ăn vào máu thịt của tôi. Dù khổ cực đến mấy cũng nguyện một lòng theo đuổi nó đến cùng” - chị nói.
Gần đây, mọi người ít thấy chị trên sân khấu bởi lẽ chị đang tập trung cho những dự định làm từ thiện của mình. Chị bảo, trước kia, trong nước hay nước ngoài, cứ có show mời là chị nhận lời. Và chị đã dành 90% thời gian sống mỗi ngày cho việc ca hát, nên hầu như rất ít được nghỉ ngơi, thư giãn.
Nhưng vài năm trở lại đây, chị đã suy nghĩ và quyết định điều tiết lại một chút để có thời gian cho những dự định riêng đang còn dở dang.
"Hồi đó do hoàn cảnh gia đình, cuộc sống khó khăn, ba mẹ tôi đều là nghệ sĩ nhưng đời sống vất vả, nghèo khó, may mắn là tôi cũng biết ca hát, nên tôi đã mạnh dạn bước chân vô nghề để mưu sinh, để kiếm tiền phụ giúp gia đình, và cũng vì thế tôi phải giã từ ước mơ học tập lên cao…
Hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật vừa qua, tôi đã ổn định cuộc sống gia đình, lo được cho cha mẹ, thu nhập ổn định cho bản thân, do đó bây giờ là lúc tôi dành nhiều thời gian cho việc bồi dưỡng kiến thức và tìm lại ước mơ học tập của mình…" - Ngân bộc bạch.
Với tài năng bẩm sinh và giọng ca trời phú, dù ít xuất hiện trên sân khấu nhưng chắc chắn khán giả sẽ không bao giờ quên giọng ca của chị. Chị đã là một cái tên sáng giá mà mỗi khi nhắc đến sân khấu cải lương Việt người ta không thể quên, cũng giống như cố nghệ sĩ Thanh Nga - người mà chị ngưỡng mộ.