(Theo Thanh Niên Online)
NSƯT Lệ Thủy vừa có căn nhà mới. Chị không làm tiệc tân gia, chỉ những ai có việc thăm chị thì đến rồi cùng chia vui. Một căn biệt thự rất đẹp ở Q.7, TP.HCM xanh tươi cây lá, tĩnh lặng, nhẹ nhàng. Chị nói không ngờ mình có được căn nhà như mơ ước…
Lệ Thủy đi hát 50 năm, vậy mà chị nói: “Tôi không giàu lắm đâu. Có điều hễ vừa hết tiền thì lại có, lai rai có hoài”. Vì chị làm từ thiện rất hào phóng, nên ai cũng tưởng chị giàu. Chị cười thoải mái, còn nói rằng quần áo của mình chỉ mua loại vừa vừa thôi, không xài đồ mắc tiền, uổng phí, để tiền đó làm từ thiện vui hơn. Nghệ sĩ mà “dám” nói như vậy là… dũng cảm. Bởi đa số đều muốn mình có “đẳng cấp” trong mắt người khác, chứ không ai lại thiệt tình như vậy. Chị chân thành và giản dị từ cách nói năng, ứng xử, gần chị cứ thấy lòng nhẹ tênh, dễ chịu.
Chị dẫn tôi đi quanh nhà. Căn nhà phố của chị trước kia tuy ở khu trung tâm nhưng rõ ràng ồn ào, mệt mỏi. Bây giờ thì chị đã có sự tĩnh lặng, có chút đất chung quanh để trồng rau ngò, rau thơm, cây đu đủ, xoài… vui mắt. Lại có con gà trống đi loanh quanh trong vườn, gáy ó o vui tai. Và nơi ngồi đọc báo nhìn ra xanh mướt tàng cây, nơi tụng kinh thanh thoát hương trầm, một ban công ngồi uống cà phê đầy gió.
NSƯT Lệ Thủy và con trai là ca sĩ Đình Trí thường hát chung với nhau - Ảnh: H.Kim
Chồng và con của chị đã lo hết chi phí xây cất nhà, để chị có một chốn đi về thoải mái và được nghỉ ngơi. Những đứa con của chị đã lớn, làm việc ở nước ngoài, rất hiếu thảo. Chỉ riêng Đình Trí thì đi về Việt Nam thường xuyên để ca hát và tổ chức show.
Gia đình Lệ Thủy gần như là một mẫu mực về hạnh phúc, được giới sân khấu khen ngợi. Tính chị cũng không thích đàn đúm la cà, hát xong thì về nhà với chồng con, mê làm từ thiện, đi chùa, vậy là quá đủ. Không thích sự thay đổi, bon chen, không tạo những điều tiếng, giật gân, không se sua đua đòi. Lệ Thủy sống êm đềm như một dòng sông của đồng bằng, cứ chảy ngọt ngào phù sa lặng thầm nuôi đất, nuôi cây.
NSƯT Lệ Thủy sinh năm 1948 tại Vĩnh Long, sau theo gia đình lên Sài Gòn sinh sống. Những vai diễn nổi tiếng của chị là Hồ Bảo Xuyên (Đêm lạnh chùa hoang), Hạnh (Cây sầu riêng trổ bông), Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt), Kim Anh (Đời cô Lựu), Thiên Kiều công chúa (Trắng hoa mai), Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa).
Ngay cả sự nghiệp ca hát của chị cũng bình lặng và thủy chung. Từ một cô bé nhà nghèo ở khu Khánh Hội, quận 4, theo thầy Năm Truyền học hát, 13 tuổi đã theo gánh cải lương, không bao lâu chị trở thành một giọng ca thu đĩa sáng giá. Và chỉ 3 năm sau, lúc 16 tuổi, chị đoạt giải Thanh Tâm cùng lúc với nghệ sĩ Thanh Sang. Tính từ khi mới vào nghề hát ở đoàn Trâm Vàng, sau đó chuyển qua đoàn Kim Chung mới được giải Thanh Tâm, rồi ở luôn đó cho đến ngày giải phóng. Tiếp đó chị hát cho đoàn Văn công TP.HCM, rồi đoàn này tách ra thành đoàn 284, sau lại sáp nhập với Nhà hát Trần Hữu Trang, chị cũng gắn bó một lòng, không hề bay nhảy nơi khác. Chị nói: “Tôi thích ổn định, rất ngại sự xáo trộn. Ở đâu miễn sống vui vẻ thì còn quý hơn tiền. Nghệ sĩ ai không muốn cát sê cao, nhưng có những điều mà tiền không thay thế được”.
Có lẽ vì tính tình dễ chịu ấy mà sau giải Thanh Tâm người ta lại thấy chị đóng vai phụ. Thật ra trên sân khấu Kim Chung chị vẫn là đào chánh, nhưng khi những vở ấy được thu đĩa thì các cô đào khác không chịu đóng vai phụ, thế là Lệ Thủy vui vẻ nhận lãnh. Chị cười: “Không có vai phụ rồi làm sao tuồng hát hoàn thành. Nhưng may sao, mấy ông tác giả thấy thương tôi quá, bèn viết thêm bài ca, thêm hành động, đẩy nhân vật của tôi lên, khán giả lại ái mộ nhiều hơn. Thôi kệ, mình cứ sống thoải mái đi, có người giúp mình hết mà!”.
Bây giờ Lệ Thủy vẫn đi hát hằng tuần, thường khi gộp 2, 3 sô gần nhau rồi đi một lèo mấy ngày. Xong trở về nhà sống yên tĩnh mấy ngày. Mà chị lại có tính “cả nể”. Những vùng xa xôi bà con ít được gặp nghệ sĩ, hoặc những ngôi chùa làm lễ Phật đản, Vu lan, có mặt Lệ Thủy là một niềm vui lớn, cho nên chị không nỡ từ chối. Cát sê của chị vẫn vào hàng cao, nhưng chị thường cho lại đoàn hát, hoặc cúng dường Tam bảo. Có nơi khi đã hát rồi, chị quay trở lại dẫn theo nhóm bạn từ thiện của mình, cứu trợ bà con. Nhiều ít gì cũng là tấm lòng, cứ đi tới đâu thấy bà con khổ sở là bụng không yên. Thành ra vòng quay của chị cứ đều đặn như thế, vừa tích cực mà cũng vừa yên bình, vừa đi hát đúng sức, vừa nghỉ ngơi hợp lý, thật là một cuộc sống lý tưởng.
Chỉ có một nét lo hiện lên trên mặt chị: “Tôi sợ cái ngày mình quá già, không còn hát nổi nữa, ở nhà buồn chắc chết!”. Tôi liền trấn an chị rằng ngày đó xa lắm. Nhìn chị tươi tắn như vậy thì chắc chắn là còn đi hát rất lâu.
Hoàng Kim