Hoạt động nghệ thuật cải lương thời thập niên 1930-1940 có nữ nghệ sĩ Thanh Tùng là cô đào có thể thay thế vai trò của nữ nghệ sĩ Phùng Há, mà khán giả thời bấy giờ coi như mặc nhiên chấp nhận. Ðó là điều khó khăn khi phải thủ một vai mà trước đó đã có một nghệ sĩ tên tuổi đảm trách. Do vậy mà các bầu gánh hát thời xưa đã không ngần ngại trao vai cho nữ nghệ sĩ Thanh Tùng và đã thành công. Ðặc biệt vai Ðắc Kỷ với cái “nhõng nhẽo” tài tình.
Nữ nghệ sĩ Thanh Tùng tên thật là Lê Thị Thanh tự Bé Tư, sinh năm 1916 tại xóm Thiểng Ðức, tỉnh Vĩnh Long, và Bé Tư mê hát từ năm 14 tuổi, nên thường lân la đến chỗ đờn ca tài tử ở Cầu Lâu để xin học hát. Cũng như nhiều lần chui rào vào xem cọp mỗi khi có đoàn hát về diễn.
Vốn thông minh và cần cù luyện tập từ bài dễ đến bài khó, và đến năm 16 tuổi đã thuộc nhiều bản Nam, Bắc, oán và diễn tả được cái đẹp cái hay của bài hát do học lóm điệu bộ và tài ca diễn của cô Bảy Phùng Há.
Năm 1933, khi cô Bảy Phùng Há rời đoàn Huỳnh Kỳ, bầu Phước Georges trong cơn lúng túng đã tìm đến Bé Tư (lúc đã 17 tuổi) để mời gia nhập đoàn Huỳnh Kỳ. Ở đoàn Huỳnh Kỳ, cô Thanh Tùng được đóng vai chánh trong tuồng “Ðiên Vì Thế Sự” hát chung với các nghệ sĩ: Sáu Ngọc Sương, Ba Vân, Năm Út, Minh Tạo.
Năm 1937 đoàn Huỳnh Kỳ đổi bảng hiệu là Thanh Tùng, và đến năm 1941 thì cô lập gánh Thanh Tùng 2. Năm 1942 cô đưa gánh ra Bắc trình diễn và ở lại được một năm. Cũng trong thời gian này nghệ sĩ Thanh Tùng quen với chàng sinh viên gốc người Cần Thơ là Nguyễn Văn Kỉnh đang học trường Y. Ông Kỉnh sang Pháp, bỏ ngành y theo theo học ngành điện tử và đậu bằng kỹ sư. Khi về nước Kỉnh làm đám cưới với nghệ sĩ Thanh Tùng và lập hãng dĩa Tri Âm ở đường Géneral Marchant (đường Nguyễn Cư Trinh sau này).
Tuy đã là bà kỹ sư chủ hãng dĩa hát, nhưng nghệ sĩ Thanh Tùng vẫn mang nặng nghiệp cầm ca, năm 1950, cô về hát cho đoàn Phụng Hảo cùng với các nghệ sĩ: cô bảy Phùng Há, Bích Thuận, Ngọc Hải Tường Vi, Ngọc Xứng, Ba Vân, Từ Anh, Minh Tạo, Hai Tiền.
Ðáng nhớ nhứt là năm 1955 các nữ nghệ sĩ gạo cội họp chung hát tuồng Phụng Nghi Ðình cho Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Tương Tế với các vai được phân chia như sau: cô Tư Thanh Tùng vai Ðiêu Thuyền lớp “bái nguyệt”. Cô đào đất Bắc là Kim Chung vai Ðiêu Thuyền lớp “Hí Lữ Bố” cô Kim Cúc vai Ðiêu Thuyền lớp “đãi yến Ðổng Trác”. Kỳ nữ Kim Cương vai Ðiêu Thuyền lớp “nhập trướng” và đào thương Kim Lan vai Ðiêu Thuyền lớp Phụng Nghi Ðình.
Buổi hát hội này quả là có một không hai, báo chí và khán giả thời ấy hoan nghinh nhiệt liệt. Nữ nghệ sĩ Thanh Tùng tánh tình nhân hậu hiền lành và luôn hướng về quê hương xứ sở, khi gánh Thanh Tùng về hát tại Thiểng Ðức, vàm sông Long Hồ. Cầu Lâu (Vĩnh Long) cô thường ghé về làng xóm cũ thăm hỏi những người thân đã sống cùng quê tặng quà và mời họ xem hát.
Khi về già không còn lên sân khấu nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn thấy nghệ sĩ tiền phong Thanh Tùng đến sinh hoạt tại hội Nghệ Sĩ Ái Hữu và hậu trường các rạp hát thăm các nghệ sĩ đàn em, chỉ dẫn những kinh nghiệm của sân khấu.
Cô mất ngày 15 Tháng Chín, năm 1989.