Nữ nghệ sĩ cải lương Kim Thoa
Hình của Soạn giả Nguyễn Phương
Chúng ta được biết các nghệ sĩ như Thanh Tòng, Thanh Nga, Kim Cương, Bạch Lê, Thanh Bạch, Bạch Mai, Kim Cúc, Kim Thanh, Kim Thoa…vân vân… đều xuất thân từ những gia đình có nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh hoặc từ những gia đình làm bầu gánh hát...
các nghệ sĩ con nhà nòi đó tiếp tục sự nghiệp sân khấu nhờ vào truyền thống của gia đình hoặc nhờ hoàn cảnh thuận tiện của gia đình tạo cho....
Nguyễn Phương xin giới thiệu một nữ nghệ sĩ tài danh quê ở Biên Hòa, xuất thân từ một gia đình lâu đời làm nghề bầu gánh hát cải lương, đó là nữ nghệ sĩ Kim Thoa, ái nữ của bà bầu Mười Cơ, đoàn hát cải lương Tinh Hoa.
Nữ nghệ sĩ Kim Thoa tên thật là Trần Thị Kim Thoa, sanh năm 1968 ở xã Bình Trước, tỉnh Biên Hòa. Thân phụ của cô là ông Trần Nhật Quang tức soạn giả Vũ Minh Quang, còn được gọi nghệ danh là Mười Quang. Mẹ của cô là bà Đổ Thị Cơ tức Mười Cơ, bà bầu của gánh hát Tinh Hoa, nổi tiếng trên 30 năm qua trong giới sân khấu cải lương. Bà Mười Cơ được kể là một trong bốn bà bầu gánh hát tài giỏi nhứt ở miền Nam. Đó là Nhứt Thơ, Nhì Chưởng, Tam Cơ, Tứ Yến.
Nói cho rõ, Nhứt là bà bầu Thơ đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Nhì là bà bầu Kim Chưởng, đoàn hát Kim Chưởng, Ba là bà bầu Mười Cơ, đoàn hát Tinh Hoa và bốn là bà bầu Tư Yến, đoàn hát Trùng Dương.
Từ nhỏ, Kim Thoa sống theo cha mẹ ở đoàn hát Tinh Hoa nên thường đêm em ngồi bên cánh gà xem hát, lâu ngày nhiểm cách ca cách hát của các nghệ sĩ trên sân khấu. Nhạc sĩ trong đoàn cũng trực tiếp dạy cho Kim Thoa ca các bài bản sân khấu. Đoàn hát Tinh Hoa lưu diễn thường xuyên ở các tỉnh cao nguyên miền Trung, đến tháng 4 năm 1975 đoàn hát kẹt ở Pleiku, và tan rã tại đó, bà bầu Mười Cơ và nghệ sĩ bỏ gánh hát, tìm đường lánh nạn về quê ở Biên Hòa.
Kim Thoa học văn hóa ở trường Nguyễn Du, tỉnh Biên Hòa. Về Đồng Nai, Biên Hòa, bà Mười Cơ lập lại gánh hát Tinh Hoa, lưu diễn các tỉnh ở miền Đông và các tỉnh ở Hậu Giang. Năm 1983, đoàn Tinh Hoa diễn ở Sadec, nhân dịp nghĩ hè, Kim Thoa theo đoàn hát chơi. Lúc nầy đoàn Tinh Hoa có các diễn viên: Vương Chí Dũng, Liên Chi, Nhật Quỳnh, Hồng Nhung, Phượng Mai, Lê Xệ, Phượng Hằng, Minh Tiến, Minh Hoàng, Minh Hùng, Giang Tự, hề Dừa…
Hàng đêm Kim Thoa xem hát, cô rất mê sân khấu nên thuộc lào các vai tuồng. Nhân dịp nữ nghệ sĩ Hồng Nhung lâm bịnh, không hát được, Kim Thoa xin mẹ cho cô hát thế vai của Hồng Nhung trong tuồng Ngai Vàng và Nữ Tướng.
Bà Bầu Mười Cơ chấp thuận, giao cho nghệ sĩ Minh Tiến tập cho Phượng Hằng hát 2 màn đầu và Kim Thoa hát hai màn sau, cùng một vai Dương Ngọc trong tuồng Ngai Vàng và Nữ Tướng.. Buổi hát đó rất thành công, mỗi lần Kim Thoa ca vô vọng cổ đều được khán giả vổ tay tán thưởng nhiệt liệt.
Sau đó soạn giả Vũ Minh Quang đến đoàn hát, ông xem Kim Thoa hát, thấy Kim Thoa có khả năng và triển vọng trong nghề hát, ông mới đồng ý cho Kim Thoa nghĩ học văn hóa để đeo đuổi theo nghề hát. Nữ nghệ sĩ Hồng Nhung lâm bịnh nặng, phải về Saigon chữa trị lâu ngày nên các vai tuồng của Hồng Nhung được chia cho Phượng Hằng và Kim Thoa hát thế.
Suốt một thời gian hai năm, Kim Thoa được khán giả miền Trung khen ngợi qua những vở như Ngai Vàng và Nữ Tướng, Chén Thuốc Ân Tình, Hoàng Hậu Ba Tư, Đêm Lạnh Chùa Hoang, Tâm Sự Một Loài Chim Biển, Tô Ánh Nguyệt, Nắng Sớm Mưa Chiều, Tâm Sự Ngọc Hân, Tình Hận Thâm Cung.
Năm 1987, Nữ nghệ sĩ Kim Thoa bị bệnh, phải trở về Biên Hòa điều dưỡng. Chỉ vài tháng sau, đoàn hát Hải Đăng Vũng Tàu thiếu diễn viên, yêu cầu Kim Thoa hát tăng cường giúp đoàn. Kim Thoa cũng muốn thữ sức nghề nghiệp của mình ỏ một đoàn hát khác nên cô hát giúp cho đoàn Hải Đăng Vũng Tàu trong 3 tháng, cùng đứng sân khấu với các nghệ sĩ Vương Cảnh Phụng, Chiêu Tuấn, Hạnh Dung, Kiều Oanh, Ngọc Tuyết, Thanh Phương, Quang Minh, Dũng Linh, hề Tùng Quang. Kim Thoa đã hát qua các vai Phà Ca tuồng Sơn Nữ Phà Ca, vai Lan Trinh, tuồng Nước Mắt Chàng Gù, vai Thúy Oanh tuồng Dòng Sông Ly Hận, vai Lượm, tuồng Sông Dài.
Sau đó Kim Thoa trở về hát cho đoàn hát Tinh Hoa. Đến năm 1989 đoàn hát Tinh Hoa bị giải thể khi hát ở quận Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Năm 1990, Kim Thoa về nhà ở Biên Hòa, mở quán bán cà phê, cô dự định không đi hát nữa mặc dầu cô còn yêu nghề và còn sức khoẻ.
Đến năm 1992, phó đoàn cải lương Saigon 3 và soạn giả Đức Hiền tìm đến nhà mời Kim Thoa về hát chánh cho đoàn cải lương Saigon 3. Lúc đó Kim Thoa được 24 tuổi nhưng đã được trui rèn ở sân khấu 10 năm rồi nên Kim Thoa không dễ gì quên ánh đèn sân khấu. Cô nhận lời mời đi hát cho đoàn Saigon 3. Bấy giờ thành phần diễn viên đoàn hát Saigon 3 có : Ngân Tâm, Trang Mỹ Khanh, Phương Thảo, Châu Tâm, Giang Châu, Điền Tử Lang, Lệ Thu, Lan Chi, Dũng Thanh, Ngân Dũng, hề Giang Tâm, hề Tí Nị. Kim Thoa ký hợp đồng hát 6 tháng với đoàn Saigon 3, cô đã hát qua các tuồng Ai là Chú Rể, Lỡ Một Cuộc Đời, Khi Người Điên Trở Lại. Cô đã hát ở nội thành, vùng ven, ở Vũng Tàu, Phước Hải, Long Điền, Long Đất, và Kim Thoa rời đoàn Saigon 3 khi mãn hợp đồng.
Năm 1993, đoàn cải lương tuồng cổ mời Kim Thoa cộng tác. Dịp nầy Kim Thoa được nghệ sĩ Thanh Tòng giúp rèn luyện thêm về nghệ thuật hát tuồng cổ và nghệ thuật hát hồ quảng, Kim Thoa hát với các nghệ sĩ Kim Tử Long, Khánh Tuấn, Bảo Ngọc, Bữu Truyện, Thanh Thế, Ngọc Đáng, Bữu Ấn, Bữu Khánh, Minh Tuấn, Minh Hùng, Thanh Kim Mai, Hồng Lan, Tuấn Hùng, Tuấn Châu và hề Vũ Quang.
Nữ nghệ sĩ Kim Thoa hát thay cho nữ nghệ sĩ Ngọc Huyền đã rời đoàn, vai Trương Quế Anh tuồng Văn Võ Kỳ Duyên, vai Chung Vô Diệm, tuồng Chung Vô Diệm. Thời gian hát cho đoàn Minh Tơ, Kim Thoa đã hát các tuồngTang Đại Giả Gái, Song Nữ Loạn Viên Môn, Hoàng Hậu Hồ Ly Tinh, Ngọc Sáng Vương Triều, Mùa Xuân Sen Trắng Nở.
Nữ nghệ sĩ Kim Thoa được giải Diễn viên Trần Hữu Trang 1993 được ưa thích nhất, khi lãnh giải Kim Thoa đã hát vai Tô Ánh Nguyệt. Bà Mười Cơ lúc ấy đã già yếu, bà từ Biên Hòa xuống Saigon xem con hát, bà rất xúc động trước thành công của Kim Thoa.
Kim Thoa hát các tuồng mặc y phục cổ trang rất là đẹp, nghệ thuật ca hát, vũ đạo có căn bản. Cô hát những tuồng cải lương xã hội cũng rất hay. Có lần cô vào vai một cô gái bị nhiểm bịnh sida trong tuồng Chuyện Một Ngôi Mộ, trên sân khấu cô nhập vai, đã khóc cho số phận dại dột của người con gái nhẹ dạ, nông nổi, ham tiền và phải trả cái giá rất đắc là huỷ hoại chính mạng sống của mình.
Kim Thoa hát rất chân thật, giọng ca sâu lắng làm cho biết bao khán giả đã xúc động, khóc theo nhân vật tuồng. Vai diễn của Kim Thoa chuyên chở lời cảnh tỉnh lối sống buông thả phù phiếm, nghệ thuật ca diễn của Kim Thoa đã khắc họa hình tượng nhân vật đó và được đánh giá là một vai hát để đời của cô.
Ông Mười Quang, thân phụ cô mất vào năm 1995, Bà Mười Cơ, mẹ của cô mất ngày 07 tháng 7 năm 2003 nhằm ngày 08 tháng 6 Quí Mùi, hưởng thọ được 78 tuổi, an táng nơi nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp.
Về gia đình, cô Kim Thoa có một em trai tên Trần Minh Trung, hai người chị tên Thu Vân và Thu Trang. Thu Trang cũng là nghệ sĩ cải lương, từng hát cho các đoàn Tinh Hoa, Vũng Tàu, Trùng Dương, Saigon 3.
Tình hình cải lương ngày một xuống dốc, Kim Thoa cũng như các bạn nghệ sĩ khác, khi có dịp hát thì cô không bỏ lở cơ hội được sống dưới ánh đèn sân khấu mặc dù tiền lương không đủ chu cấp cho cuộc sống gia đình như xưa. Kim Thoa đã thữ tiếp tục nghiệp làm Bầu gánh hát của mẹ, Kim Thoa đã đứng ra tổ chức hát trọn tuồng cải lương tại rạp Hưng Đạo, mỗi tuần một xuất hát vào tối thứ năm.
Kim Thoa cho biết những xuất đầu lổ vốn rất nhiều. May nhờ có gia đình, các mạnh thường quân và các bạn nghệ sĩ thông cảm, tiếp sức, Kim Thoa sẽ cố gắn làm cho sân khấu sáng đèn như kế hoạch dự liệu để vực dậy sận khấu cải lương và nối tiếp nghiệp làm bầu của mẹ.
Cầu mong cho nữ nghệ sĩ Kim Thoa đạt được ước nguyện và thành công nhiều trong việc góp sức vực dậy sân khấu cải lương
Theo Nguyen Phuong