-
Phiên bản 1: Huyền thoại táo quân – NS: Vũ Linh, Tài Linh, Linh Châu, Thanh Hằng, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Vân Hà, Thanh Tòng, Chí Linh.
-
Phiên bản 2: Sự Tích táo quân – NS: Kim Tử Long, Quế Trân, Thanh Hằng…
Tôi đã từng nghe rất nhiều lần vở CL Huyền Thoại Táo Quân do Vũ Linh – Tài Linh – Linh Châu diễn, và cũng được xem qua vở Sự tích Táo Quân do Kim Tử Long – Quế Trân – Kim Tiểu Long diễn xuất. Hôm nay xin mạo muội viết một bài cảm nghĩ về 2 vở này một chút.
Cốt chuyện của 2 vở không có gì khác nhau lắm. Vẫn xoay quanh 3 nhân vật: Đỗ Thanh Tâm – Mai Tuyết Trinh – Triệu Khắc Phú thôi. Nhưng điểm khác ở đây là cách xây dựng cốt chuyện. Đó mới là cái riêng để đánh giá cái hay của 2 vở diễn.
VỀ NỘI DUNG KỊCH BẢN:
1. Vở HTTQ mở đầu bằng tình huống nhân vật Thúy Liễu (Thoại Mỹ) đi chợ mua đồ cúng Táo quân (TQ). Trên đương đi chợ, Liễu gặp người láng giềng là dì ba (Vân Hà). Dì ba quả là người tốt, biết vợ chồng Liễu nghèo không có tiền mua đồ cúng TQ nên đã đưa cái giò heo mình có trong tay cho Liễu đem về và bảo
“trời phật dụng lòng chứ không dụng thịt”.
Về nhà thấy chồng đang bệnh mà vẫn ráng cố gắng viết chữ kiếm tiền, Liễu rất lo lắng. Rồi nàng kể cho chồng nghe việc mình gặp dì ba thế nào. Vốn là người ít học, Liễu không biết về sự tích TQ ra sao, tai sao phải cúng TQ vào ngày 23 tháng chạp hàng năm? Vì lẽ đó, Lữ Mông Chính – chồng Liễu (Kim Tử Long) đã kể cho nàng nghe về HTTQ. Câu chuyện về TQ trong vở này cũng không khác gì mấy với vở STTQ do Quế Trân diễn. Điều này sẽ bàn sau.
Ở đây tôi muốn nói về những nhân vật phụ như vợ chồng Lữ Mông Chính (Kim Tử Long – Thoại Mỹ) và vợ chồng Lợi Đồ (Thanh Tòng – Vân Hà) là những nhân vật rất có nét riêng và cũng rất hay. Thúy Liễu vất vả chịu thương chịu khó nuôi chồng ăn học,
"ngày thì bắt ốc hái rau, tối khâu vá, dệt may gia công cho hàng xóm"; lại rất chung thủy và yêu chồng:
"áo cũ sờn vai một sương hai nắng em vẫn thản nhiên lao nhọc nuôi chồng, mặc người cao sang, nhung lụa bạc vàng, không hề vọng tưởng. Em đẹp biết bao, đẹp tấm lòng đẹp cả dung nhan". Còn về chồng nàng cũng là 1 nho sinh cầu tiến, lo học hành để thi cử đỗ đạt làm quan không phụ lòng mong mỏi của vợ con. Nhân vật dì 3 – vợ Lợi Đồ là 1 người tốt, không phân biệt sang hèn, biết giúp đỡ kẻ sĩ trong lúc khốn khó, để rồi bị chồng (vốn là kẻ tham sang phụ khó, ích kỷ nhỏ nhen)ghen tương, nghi là ăn cắp tiền cho trai nên đuổi đi.
Ngày đỗ đạt thành danh, trạng nguyên gia trở về làng đền đáp ơn nghĩa bà con xóm giềng. Vợ chồng Thúy Liễu đã không quên người đàn bà láng giềng thưở xưa đối xử tốt với mình. Lúc này họ mới biết được vì giúp đỡ mình có tiền lai kinh ứng thí mà dì ba đã bị chồng nghi oan, đánh đập và ruồng bỏ. Họ càng yêu thương người đàn bà kia hơn nữa. Rồi đến lúc gặp lại gã Lợi Đồ tham lam, họ cũng ko muốn bới móc chuyện xưa, nhưng vì muốn tìm lại công đạo cho dì 3 nên họ đã nói ra sự thật. Cuối cùng nhận ra tấm lòng người vợ và sự nhỏ nhen ích kỷ của mình Lợi Đồ đã thốt lên trong hối hận:
"Lợi Đồ tôi quỳ giữa nơi đây mong thượng quan nhủ lòng thương cho người hối lỗi. Xin được rước người đàn bà không văn hoa bóng sắc mà lòng dạ sáng trong như ngọc quý tỏ hang... cùng. Vợ yêu ơi anh quỳ trước mặt em bái phục tấm lòng vàng. Hành động của anh dạy cho em bài học quý. Học làm người đừng phụ khó tham sang. Rước nàng như rước trạng về. Võng điều tàng lụa đề huề trước sau. Tự hào anh có vợ hiền, như tiên như ngọc nghĩa nhân rạng ngời."
Kết thúc vở tuồng là hình ảnh sum họp của vợ chồng Lợi Đồ trong ngày vinh quy bái tổ cùa chàng nho sinh nghèo (vì đã lâu nên mình quên mất tên nhân vật mà NS Kim Tử Long diễn rồi). Một cái kết thật có hậu!
2. Trong khi đó vở STTQ mở màn là đi thẳng vào cảnh mẹ chồng nàng dâu luôn. Như vậy thì chẳng có 4 nhân vật phụ kia. Đây là lối kể chuyện trực tiếp của tác giả.
Tuy nhiên, trong câu chuyện kể của chàng nho sinh (Kim Tử Long) thì người mẹ (Thanh Hằng) bị bọn cướp giết chết. Vì ôm xác mẹ trong lúc trời mưa giông bão bùng nên chàng Đỗ Thanh Tâm bị phát bệnh cùi. Sau này gặp lại vợ trong tình cảnh éo le, nên đã xảy ra kết cục thảm thương là cả 3 người cùng nhảy vào lửa quyên sinh.
Chuyện kể trong vở STTQ cũng như thế, nhưng người mẹ đã không chết. Bà vẫn sống, khóc thương cho mối tình bọn trẻ và ân hận vì sự khắc nghiệt của mình. Về điểm này vở diễn STTQ đã thể hiện 1 sự sơ hở lớn. Đó là LÒNG HIẾU THẢO CỦA ĐỖ THANH TÂM. ĐTT vì là một hiếu tử, sợ mẹ mình quyên sinh nên đành cắn răng nuốt lệ lập tờ ly dị với vợ. Đã là một hiếu tử như thế, sao đến lúc gặp lại vợ, không nghĩ đến mẹ mình còn sống mà lại quyên sinh? Một hiếu tử không thể hành động như thế được. Cha mẹ còn thì mình phải sống để lo lắng phụng dưỡng. Đã là hiếu tử thì phải chết sau cha mẹ. Để như thế khi cha mẹ còn thì ta lo phụng dưỡng, khi cha mẹ mất ta phải lo mồ yên mả đẹp cho mẹ cho cha. (Trừ những trường hợp phải hy sinh để cứu lấy mạng sống mẹ cha, và những tai họa ko lường trước được). Về điểm này ĐTT trong vở STTQ chưa thật sự là một hiếu tử toàn vẹn như nhân vật ĐTT trọn hiếu vẹn tình trong vở HTTQ.
Tôi còn nhớ, khi kể xong câu chuyện, Thúy Liễu đã thốt lên câu đánh giá: “Tục lệ gì mà khắc nghiệt, làm phân vợ rẽ chồng!” Chồng nàng lại là người có đầu óc rất tân tiến và tích cực: “Phong tục tập quá cũng có cái đúng có cái sai”. Đúng thì giữ lấy tiếp tục phát huy, sai thì phải loại bỏ đi. “Lệ Tam niên vô tử bất thành thê, theo anh ta nên bỏ!” Quả là một nhận xét rất tích cực mà chỉ có đời sau mới có được tư tưởng như vậy. Còn trong vở STTQ, người nói câu “Tục lệ khắc nghiệt,…” lại là nhân vật người mẹ, điều này chưa hợp lý lắm!
VỀ DIỄN XUẤT CỦA CÁC NGHỆ SĨ:
Mặc dù chỉ nghe vở HTTQ qua băng catset nhưng tôi có thể hình dung ra nét diễn xuất của từng nghệ sĩ qua lời thoại của từng nhân vật. Tất cả các nghệ sĩ đều đóng rất tròn vai. So với Kim Tử Long – Quế Trân – Kim Tiểu Long thì bộ ba Vũ Linh – Tài Linh – Linh Châu ca diễn tốt hơn, có thần hồn hơn. Ngoài ra các nhân vật phụ cũng được thể hiện rất đặc sắc qua giọng ca của các nghệ sĩ: Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Vân Hà, Thanh Tòng, Thanh Hằng, Chí Linh. Tất cà các NS đã tạo nên một vở HTTQ hoàn hảo!
VỀ LỐI DIỄN XUẤT CỦA NGHỆ SĨ THANH HẰNG
Trong vở STTQ, NS Thanh Hằng thể hiện 1 nhân vật mẹ chồng hung dữ, chua ngoa, ác nhiều hơn độc.. Bà mẹ này không đáng sợ bằng bà mẹ “ngọt ngào”, độc nhiều không kém gì ác trong vở kia.
Thanh Hằng diễn vở HTTQ rất hay. Hay hơn trong video STTQ nhiều. Trong vở này TH giọng nói rất nhẹ nhàng, ko hung dữ quát tháo như vở kia. Nhưng mỗi lời nói thốt ra như một mũi dao đâm vào tim người khác vậy. Rất là "thâm ác"!
"Hễ xưa bày thì nay bắt chước! Hễ tam niên vô tự là bất thành thê! Con biết chưa?"
Rõ ràng bà ta không hề làm gì sai trái cả. Tất cả đều là do phong tục tập quán để lại cả => rất là “thâm”!
"Gì đó? Cái gì mà Vinh Thọ? Phải là Tứ xuyên làng Vĩnh thọ mới đúng chứ? Sai một nét là hỏng bét nghe Tâm? Đọc lại coi! Phải đọc từng chữ, rõ từng lời con nhé!"
Điều này cho thấy bà ta quả là một người rất “kỹ tính”, đanh đá, soi mói từng thứ một.
"Mai Tuyết Trinh, mẹ cũng thương con lắm! Nhưng chẳng qua thyền muốn xuôi mà nước lại ngược dòng! Con cầm tờ ly dị này được quyền thay chồng khác! Đây 500 nén bạc, mẹ cho con để làm lộ phí! Cầm đi con! Nhớ, khi nào con có chồng nhớ cho mẹ hay, để, mẹ mừng con được yên thân yên phận!"
Giả nhân giả nghĩa vô cùng. Từng chữ từng lời thốt ra rất từ tốn nhẹ nhàng mà tính chất thâm độc cũng cao siêu lắm!
Phải nói những câu này Thanh Hằng thốt ra rất hay! Không cần la hét, không cần trợn mắt ra oai mà khiến người ta thấy sợ và thật đáng ghét! Trong vở này TH đã thể hiện một bà mẹ chồng độc, thâm và cũng rất thông minh. Vì vậy mà vai diễn này của NS Thanh Hằng đã rất ấn tượng và thu hút tôi.
Nói chung, vở HTTQ là một vở CL đặc sắc từ nội dung kịch bản đến lối diễn xuất của các NS. Rất tiếc hiện nay tôi vẫn chưa tìm lại được trọn tuồng này, đây quả là 1 sự thiếu sót!