NS Phượng Liên - Kỹ thuật phong phú: Đối với cơ cấu thanh giọng trong cơ sở sinh học của con người thì thông thường đa số nam giới có giọng ''Đồng'', nữ giới đa số có giọng ''Kim''; còn ''Thổ'' là loại giọng trung tính. Những cô đào có hơi - giọng ''Đồng'' khá hiếm. Cũng xin nói thêm, hơi - giọng nữ có mấy đặc điểm khác với nam: âm lực mạnh và cao hơn vì giọng nữ ít âm trầm, ngược lại âm vang nhiều hơn; âm giọng khi ca nghe vừa rổn rảng vừa âm vang khi xử lý kỹ thuật rung, ngân, luyến láy âm điệu nghe càng dìu dặt, trữ tình hơn nam. Nói khác đi, giọng ''Đồng'' nữ âm sắc mềm mại, âm vang, uyển chuyển hơn nam.
NS Phượng Liên được thiên phú cho làn hơi chất giọng đồng rặc, chị là người sáng tạo cách buông hơi và ngân đơn giản hơn NSND út Trà Ôn và NSUT Phương Quang; nói khác đi, chị ít xử lý kỹ thuật, chất giọng chân phương mà tự bộc lộ âm sắc riêng.
Chúng tôi đã khảo sát hơi - giọng của NS Phượng Liên trước năm 1975 qua băng cassette là chính, như Bích Tuyền trong “Đêm lạnh chùa hoang”, Mộng Cầm trong “Chuyện tình Hàn Mạc Tử"; Liễu trong “Lấy chồng xứ lạ”...; những bài Vọng cổ như “Tâm sự mộng Cầm” của Viễn Châu, tân cổ giao duyên “Con gái của mẹ” của Quế Chi...
Sau 1975, NS Phượng Liên vai Kiểu Nguyệt Nga trong “Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga” của Ngọc Cung, Sáu Nghĩa trong “Người Ven đô” của Minh Khoa, và bài Vọng cổ để đời của chị là “Hoa mua trắng” của Ngự Bình. Nổi bật nhất về kỹ thuật xử lý hơi - giọng của NS Phượng Liên là ngậm dấu nặng, ngân thanh ngang (không dấu) và độc đáo là buông hơi, luyến nhả dấu huyền. Cách lấy hơi của chị cũng như nhiều người khác, xử dụng hơi bụng hay hơi miệng thì nín mũi lại phát âm, còn sử dụng hơi mũi thì nín cổ họng tức làm tắt thanh quản, chân luồng hơi từ phổi lên rồi phát âm; nhưng chị xử lý bằng cách điều tiết âm lực và âm lượng hài hoà nên âm sắc không quá rỗn rảng, cũng không có âm trầm xuất hiện đồng thời; do vậy, mà tiếng ca trong trẻo, âm vang nghe truyền cảm, ngọt ngào...
Với những ca từ mang thanh điệu dấu nặ ng, khi trọng âm hay nhịp chính phải rơi ngay đó thì NS Phượng Liên khép đôi môi, ngậm miệng xử lý kỹ thuật hơi mũi để ca; giống như một số người ca ém hơi nhưng không phải, mà đó là dùng hơi mũi vì kỹ thuật hơi mũi hoá (nasal) sẽ hãm sự bật hơi ở các âm nổ.
Trong câu 1, vô Vọng cổ bài “Tâm sự Mộng Cầm “ NS Phượng Liên nhấn trọng âm ở hai âm tiết mang dấu nặng theo kỹ thuật này: “Ai mua trăng mà người đem trăng đi bán, người định bán bao nhiêu một ánh trăng vàng, người ở trần gian hay tận chốn cung hằng..”, thoạt nghe âm lực như nặng lắm, nhưng khi chị nhấn trọng âm có kèm theo sự luyến nhẹ độ cao hơi đi lên làm âm mang dấu nặng mà không nặng rất hay, khiến người nghe hồi hộp tưởng chừng như chị bị hụt hơi trước khi xuống “Hò”. Sự hồi hộp đó khi chị xuống “Hò” ngọt và mát tai làm cho người ta thoả mãn thính giác.
Đối với những ca từ mang dấu huyền, thông thường người ca phát âm trầm, dùng kỹ thuật phát âm hơi tròn môi, buông hơi, nhả chữ bình thường các ca từ có dấu huyền. Còn với NS Phượng Liên thì có khác, chị phát âm ca từ có dấu huyền rất độc đáo; mà âm tiết mang dấu huyền ấy không phải rơi vào “Hò hay Xề” Vọng cổ, mà nó nằm trong câu ca, cũng không phải là nhịp chính; chị xử lý kỹ thuật ở vị trí cổ họng ém hơi bằng cách thót bưng lại ngân bằng hơi mũi; âm sắc nghe tròn trịa và có chút cuốn lên tựa hồ như âm trầm có độ vang rất khoái nhĩ. Trong bài Vọng cổ “Tâm sự Mộng Cầm” ở câu 2, "Nàng hỏi ta điên hay tỉnh còn nàng tỉnh hay điên mà mua ánh trăng vàng, trăng trong thơ của Hàn Mạc Tử dù khuyết hay tròn dù đục hay trong....”. Nét khu biệt khi chị phát âm những âm tiết có dấu huyền này, phía sau âm còn có cái đuôi (âm hưởng) “ờ..." làm cho giọng ca thêm dìu dặt.
Sau lăm 1975, NS Phượng Liên đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lòng thính giả mộ điệu qua bài Vọng cổ “Hoa mua trắng” của tác giả Ngự Bình; kỹ thuật xử lý hơi - giọng của chị càng rõ nét, tinh tế hơn như đã định vị một phong cách ca ngâm riêng của mình. Lúc này, NS Phượng Liên không chỉ nhấn luyến dấu nặng và huyền, mà chị lại còn luyến dấu hỏi và ngân chữ không dấu. Về luyến giọng ở dấu sắc, dấu hỏi thì chị không ngân giọng mà cất cao lên rồi nhấn; chữ không dấu (thanh ngang) chỉ khi nào chữ đó đứng trước chữ xuống "Hò" thì chị mới ngân giọng; và khi ngân chị không cần rung giọng như một số nghệ sĩ khác, nên âm sắc không bị hoạ âm ù, rè; mà rất tròn đầy thẩm âm, chỉ nghe hơi gió rồi xuống “Hò”: ngọt lịm.
"Chị bỗng nhìn tôi cái nhìn thông cảm. Rồi tay vuốt nhẹ vào tay tôi như nói hãy yên... lòng (Hò). Chị nói với tôi ở đây không có hoa lan, hoa huệ, hoa hồng..."... (câu 1, Vọng cổ Hoa mua trắng)
NHỮNG CÔ ĐÀO KẾ THỪA
Cố NS Kiều Hoa từng hát đào chánh, chị nổi tiếng chỉ sau NS Phương Liên và chị ảnh hưởng lớn về kỹ thuật hơi - giọng của NS Phương Liên. Tuy nhiên, sư ảnh hưởng đó không chi phối toàn bộ phong cách ca ngâm của chị, nhưng rất tiếc là chị không có bài ca cổ nào để đởi, cho dù chị đã ca Vọng cổ trên đài khá nhiều từ sau GP.
NS Kiều Hoa thiên phú cho làn hơi khá tốt, chất giọng “Đồng" nhưng trong xử lý kỹ thuật có lúc âm giọng pha một chút “Thổ", sự khác nhau về giọng của chị và NS Phượng Liên là ở chỗ đó. Kiều Hoa cũng thường ca: Tâm sự mộng Cầm, Hoa mua trắng, Lá trầu xanh... Hầu như kỹ thuật xử lý hơi - giọng của Kiều Hoa luôn không nằm ngoài vòng kỹ thuật của Phương Liên. Nét riêng của Kiều Hoa là do hơi "Đồng" pha chút "Thổ" nên nhiều hoạ âm trầm hơn bổng, vì lẽ đó chị không thể ca chồng hơi hoặc ca cấn như NS Phượng Liên có thừa khả năng này. Ngược lại "Thổ" lại có đặc điểm riêng là âm giọng trầm lắng, tuy không "bốc" nhưng đượm buồn và mùi mẫn hơn. Nét riêng để chinh phục khách mộ điệu của NS Kiều Hoa là vậy, ở vẻ buồn và mùi của âm giọng trầm lắng.
NS Thanh Hằng có giọng ca dễ thu hút đối tượng của mình, làn hơi chất giọng nằm trong nhóm "Đồng" nhưng là Đồng pha Kim, cái độ vang rốn rảng của Thanh Hằng lại trong trẻo và thanh thoát hơn do một chút âm Kim pha vào khi ca. Thanh Hằng có kỷ thuật xử lý hơi - giọng khá riêng, dưỡng như ít chịu sự ảnh hưởng kỹ thuật thanh đới của hai nghệ sĩ đi trước mình. Nét chấm phá của chị có thể thấy cách xử lý thanh điệu (dấu của chữ) chị không đi theo Phượng Liên và Kiều Hoa, có nghĩa là kỹ thuật xử lý hơi-giọng chân phương, không cầu kỳ; do vậy, mà âm giọng của chị lúc nào cũng có độ vang dài hơn một cách tự nhiên, những ca từ mang dấu huyền và không dấu, Thanh Hằng chỉ luyến nhẹ hoặc lướt qua, chị nhấn trọng âm ở những nhịp chính là chủ yếu. Tuy nhiên, chị cũng như NS Kiều Hoa là đã ca trên đài nhiều bài Vọng cổ, nhưng không có bài đề đời như NS Phương Liên.
NS Kiều Hạnh là cô đào của thế hệ trẻ nhất cô vừa chớm có tên thì Cải lương suy yếu, ở lảnh vực ca lẻ cô cũng chưa khắc hoạ được ấn tương gì. Kiều Hạnh có nhiều ảnh hưởng về kỹ thuật hơi giọng của Kiều Hoa, nhưng giọng "Đồng" của cô rặc hơn, giống Phượng Liên hơn là Kiều Hoa; do vậy, Kiều Hạnh khó định hình phong cách ca ngâm riêng, cô chỉ "photo" một nửa của Kiều Hoa, một ít của Phượng Liên... Nếu với làn hơi chất giọng trời cho của Kiều Hạnh mà đươcđầu tư rèn luyện, tự tư duy sáng tao nét riêng cho mình thì có thể là người đủ sức kế thừa nghệ sĩ đàn chị.
Làn hơi chất giọng của mỗi người là do cha mẹ tạo nên, gọi theo nghề là thiên phú, mà cơ sở sở sinh học gọi là bộ máy phát âm, ít ai giọng ai. Trong nghệ thuật ca ngâm ngoài ''''thiên Phú" còn do bản thân cá nhân tôi luyên, sáng tạo để có nét giọng cho mình. Học hỏi cái hay của người khác cũng là điều tốt nhưng phải biết sáng tạo từ cái có sẵn thành cái mới hơn thì mới là nét riêng; còn nếu không, người ta cho rằng đó là hành vi bắt chước. Nếu bắt chước người khác mà ta hay hơn mới là điều đáng nói, còn nếu bắt chước mà không bằng hoặc tệ hơn thì thật không nên vì chỉ là cái bóng mờ nhạt.
ngocanh - cailuongvietnam (Theo Báo sân khấu)