Giữa tiếng cười và giây phút thăng hoa nghệ thuật, ít ai biết rằng người nghệ sĩ từng bật khóc. Và câu chuyện của “kép Tư Bền” luôn diễn ra trong mọi thời đại. Sự chia sẻ nỗi lòng của những nghệ sĩ nổi tiếng phía sau chiếc rèm nhung lung linh nụ cười, nước mắt và những niềm riêng...
Cải lương Số xin trân trọng giới thiệu loạt Ký sự hay này từ Tuoitre.vn
Khoảng lặng sau tiếng cười - Kỳ 1: “Kép Tư Bền” của Minh Nhí
Năm 1997, khi ấy nhóm hài Hữu Châu - Minh Nhí đang nổi như cồn. Một đêm, khi đang đứng trong cánh gà chuẩn bị diễn ở sân khấu Trống Đồng (TP.HCM), Minh Nhí nhận được tin cha mất. Anh nghĩ bạn bè đùa. Nhưng linh cảm đã khiến anh gọi điện thoại về quê. Nghe giọng nói nghẹn ngào đứt quãng bên kia đầu dây, Minh chết lặng...
Nước mắt của đời
Anh nhớ lại cảm giác lúc đó: “Rất kinh khủng. Tôi nhắm mắt lại và không muốn mở mắt ra nữa... Tôi như lơ lửng giữa bóng tối, khoảng trống cùng với nỗi đau quá đột ngột”. Vừa lúc đó, người dẫn chương trình đã giới thiệu tên Minh Nhí và Hữu Châu.
Minh ngẩn ngơ bước ra sân khấu, nhớ đến câu nói “Phải bỏ đôi giày dơ bẩn của mình ngoài nhà hát” mà ráng quên đi nỗi đau mất cha để hết mình với vai diễn. “Đã diễn hài thì phải làm khán giả cười. Khán giả đâu cần biết đêm đó cha mình vừa mất! Có lúc đang diễn bất chợt nhớ ra tôi như mất hồn. Nhưng mình không được phân tâm vì đang là diễn viên trên sân khấu” - Minh ngậm ngùi kể.
Diễn xong anh phải chạy qua bốn tụ điểm khác diễn tiếp. Đến khi quay về sân khấu 135 Hai Bà Trưng diễn suất thứ 11 thì Minh không chịu đựng được nữa. Anh thuê ngay xe về Sa Đéc (Đồng Tháp).
Lúc đó hơn 11g đêm. “Tôi ngồi trên xe, không ngủ, không nói chuyện với anh trai, nước mắt cứ chảy dài. Lúc đó tôi mới thấm thía nỗi đau của “kép Tư Bền” vì thấy mình giống quá. Đau, đau lắm, đau đến quắt queo và trống rỗng như vô hồn nhưng vẫn phải chọc cười thiên hạ, trong khi chỉ muốn về ngay để thấy mặt cha lần cuối... Tôi nhớ hồi mới đi làm, mỗi lần cha lên thăm gặp được chút xíu phải về ngay vì không có chỗ ngủ.
Hồi nhỏ tôi hay nói mai mốt giàu sẽ nuôi ba má. Vậy mà tới lúc vừa mua được nhà mấy ngày, tính đón cha lên ở thì cha lại không còn... Tôi nghiệm thấy cuộc đời mình cứ mỗi lần được cái này thì mất cái kia. Hai lần mất người thân đều là lúc tôi vừa mua nhà mới” - nghệ sĩ Minh Nhí chùng giọng...
Bốn năm sau, khi Minh vừa mua được căn nhà lớn hơn và chuẩn bị đón mẹ lên ở cùng thì bà lại ra đi! Hơn hai năm sau cái chết của mẹ, khi Minh Nhí diễn tập vở Mẹ yêu, theo kịch bản, vai của anh (người anh Năm) là vai “không khí” vui vui. Diễn viên hài Hoàng Sơn (vai người em út) kể: “Khi tôi khóc, anh Minh Nhí cũng òa khóc rất dữ dội, khóc như không kìm nén được dù trong kịch bản nhân vật của anh không có cảnh khóc”. Khi hỏi, Minh Nhí chỉ nói ngắn gọn: “Tôi khóc thật vì nhớ và thương má tôi...”.
Nghệ sĩ Minh Nhí hóa trang trước giờ diễn - Ảnh: My Lăng
Khoảng lặng thách thức
Những thử thách vẫn chưa dừng lại. Có nhiều nỗi đau đi qua đời Minh Nhí. Gần nửa năm trời không được biểu diễn là khoảng thời gian thử thách khủng khiếp nhất. Ba tháng đầu Minh lang thang quanh những tụ điểm, sân khấu sáng choang đèn, lặng lẽ nhìn từ xa và đến tháng thứ tư thì không dám đi đâu nữa. Minh lủi thủi quanh quẩn ở nhà. Cô độc. Lạc lõng. Bế tắc. Suy sụp. Những ngày tháng quá nhiều nước mắt. “Có nhiều lúc tôi thấy mình yếu đuối quá, cùng đường quá, tới chừng tưởng như mình không còn gượng dậy mà thở được nữa” - Minh Nhí chùng giọng kể.
Minh lấy những đĩa mình diễn ra xem. Lặng lẽ và buồn tủi. Nước mắt chảy lúc nào không hay. Mỗi lần bật tivi thấy bạn bè, học trò diễn, anh lại khóc. Nhớ nghề đến quay quắt, anh đứng trước gương diễn lại những vai hài mình thích mà mặt buồn tênh. Rồi khóc. Đó là khoảng thời gian Minh khóc nhiều nhất. “Đó là khoảng lặng lớn nhất trong đời tôi!” - Minh Nhí trầm ngâm khẽ lắc lắc đầu khi nhớ lại.
Anh thẳng thắn thừa nhận: “Hồi còn trẻ lại giỏi nên tôi hồ đồ, kiêu ngạo, ngông cuồng, ăn chơi, thích nghe đàn em và học trò tâng bốc. Sau cú sốc, tôi nhận ra giá trị thật của bản thân mình và những người xung quanh”.
Cuối năm 2005, trong đêm cúng tổ nghề Minh khấn: “Nếu con còn duyên với nghề xin tổ nghề cho con được đi diễn lại”. Buổi diễn đầu tiên đánh dấu sự trở lại của Minh Nhí là một chương trình từ thiện ở rạp Nguyễn Du. Minh Nhí đến rất sớm. Anh đứng trong cánh gà, toàn thân run như bị sốt, chắp tay vái tổ nghề liên tục.
“Sau một năm rưỡi mới diễn lại, không biết khán giả có còn đón nhận mình nữa hay không? Mình diễn còn hay như ngày trước không? Khi MC xướng tên mình, nghe tiếng khán giả ồ lên vỗ tay rần rần và vỗ tay rất lâu, tôi sướng run người, nổi cả da gà và gần bật khóc” - nghệ sĩ Minh Nhí không giấu được sự xúc động khi nhớ lại thời khắc đầy xúc cảm ấy.
Kể từ thời khắc đó Minh Nhí đã nhận chân một điều sâu sắc: phải nỗ lực tâm sức đến mức cuối cùng để xứng đáng nhất với tấm chân tình của khán giả.
Cái giá của nụ cười
Chính vì nghĩ quá nhiều cho khán giả, người diễn viên ấy không ít lần đánh đu với sức khỏe trong tình huống mạo hiểm có thể dẫn đến tai nạn nghề nghiệp đau đớn. Trước khi diễn vở Đứa con tiền kiếp ở CLB Phụ nữ (Q.3), Minh Nhí bị tắt tiếng. Nhưng hợp đồng đã ký, không thể hủy diễn. Tên Minh Nhí đã xuất hiện trên băngrôn. Anh không dám để người khác đóng vai thằng mõ thay mình.
Minh Nhí kể: “Tôi tới bác sĩ chích luôn một lúc hai mũi thuốc trong khi bình thường chỉ dùng một mũi. Đúng 8g tối mở màn thì hết tắt tiếng. Có đồng nghiệp bảo tôi giả bộ, làm eo. Vừa diễn xong thì tôi tắt tiếng trở lại!”. Nhiều lần cố gắng như thế, Minh Nhí đã bị hư giọng. Bây giờ giọng anh lúc nào cũng khàn khàn chứ không trong và cao như trước.
Có lần khi diễn hài ở sân khấu quận 10, Minh Nhí đóng vai ông già đánh xe ngựa. Tới cảnh chở người bộ đội đang ôm hũ cốt của người đồng đội về cho gia đình, đèn tắt. Minh Nhí đang di chuyển sát mép sân khấu nên lỡ đà, ngã dúi dụi xuống bục sân khấu cao gần 3m.
Cú ngã bất ngờ làm chân phải anh rách toạc một đường dài gần 10cm. Khi đèn bật sáng, cẳng chân đã loang đỏ máu tươi. Đau thấu xương nhưng Minh Nhí vẫn lấy khăn rằn cột vết thương lại, diễn tiếp. Hơn một giờ sau, khi vở diễn kết thúc, người ta tức tốc đưa anh đến bệnh viện khâu vết thương. Cú ngã ấy đã “đóng dấu” một vết sẹo dài bên chân phải Minh Nhí.
“Càng già đi, tôi lại càng thấm đẫm nỗi cô đơn và sợ vì thời gian được đứng trên sàn diễn càng teo tóp lại. Với người nghệ sĩ, khi rời bỏ sàn diễn là lúc cô đơn nhất. Cảm giác đó nặng nề còn hơn nỗi cô đơn không có vợ có chồng...” - nghệ sĩ Minh Nhí chia sẻ. Cảm giác đó đang gặm nhấm trái tim người nghệ sĩ đa cảm từng ngày khi mái tóc anh cứ thêm nhiều sợi bạc...
The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:
MEM
Khoảng lặng sau tiếng cười - Kỳ 7: Thơ tình của Vượng
Nếu có ai hỏi trong làng hài Bắc ai mau nước mắt nhất, chắc chắn đồng nghiệp và đàn em đều đồng thanh: Minh Vượng. “Hình khối khổng lồ vật vã và trái tim mong manh”, đấy là chị tự nói về mình, hài hước và buồn bã.
Nghệ sĩ Minh Vượng - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Sợ nhất: giờ lên đèn
Chị kể, lúm đồng tiền tròn xoe, giọng khàn đặc và mắt mở to nhưng ngấn nước. “Trước nay cứ đến giờ lên sân khấu là phấn khích, còn từ ngày mẹ mất đến giờ cứ đến giờ gà lên chuồng, nhập nhoạng, thành phố lên đèn là thấy sợ. Hôm ấy vừa lên xe vào Hà Đông diễn, thấy điện thoại cậu em: “Mẹ mất rồi, chị về ngay” rồi cúp máy. Đần mặt ra một lúc mới bàng hoàng: Sao bố mất mà thằng này lại báo nhầm là mẹ nhỉ? Chả là bố chị ốm nặng cả 5-7 năm rồi. Gọi lại cho nó quát: “Sao mày báo nhầm là mẹ mất thế?”. Nó mếu máo: “Mẹ đấy, chị ơi”.
Thế là người như hóa đá luôn. Gần 50 tuổi đầu vẫn ở với mẹ, từ bé đến giờ cái gì cũng mẹ, mẹ đang chăm bố ốm liệt giường, con cái đi suốt… vậy mà mẹ đi đột ngột thế này. Cậu bầu sô gãi đầu gãi tai khổ sở: “Chị ơi, chị thương em, không có chị bây giờ thì khán giả họ sẽ bảo em lừa đảo mất!” -“Chị thông cảm với em lắm, nhưng chị không làm kép Tư Bền được đâu. Mẹ chị chết thì chị chả thiết gì nữa, xin lỗi khán giả hộ chị”.
Rồi một năm sau thì đến lượt bố.
Đêm ấy tổng duyệt vở Hà My của tôi của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Minh Vượng làm trợ lý đạo diễn kiêm diễn viên thì chiều ấy bố chị cấp cứu. “Đưa bố vào bệnh viện xong, nhìn bố bất tỉnh, dây nhợ lòng thòng khắp người mà vẫn phải gạt nước mắt đến nhà hát. Công sức tập luyện cả mấy tháng của anh em, mà Nhà hát Kịch Hà Nội thì đúng là cái nôi của mình. Cha mẹ sinh mình còn nhà hát cho mình cái nghề, cái tên, trốn sao được?!
Ngồi hóa trang mà cứ nghĩ đến bố trong phòng cấp cứu, lại sợ bố giống mẹ, đi mà không kịp nói gì với mình, thế là nước mắt cứ chảy ròng ròng, chì với phấn lem nhem hết. Vai diễn cũng lại vai hài, nhỏ thôi, nhưng là sợi chỉ làm cho chính kịch đỡ nặng nề, mọi người cứ thấy Minh Vượng xuất hiện là cười.
Đêm diễn thành công lắm, mọi người hân hoan chúc mừng nhau, khán giả ào lên tặng hoa mà mình tai ù mắt mờ có nghe có nhìn thấy gì đâu. Chạy ào vào bệnh viện với bố, may mà bố còn sống được một tháng nữa, nhưng là sống thực vật thôi, từ lúc đưa vào viện ông đã hôn mê hoàn toàn. Bố mẹ mất hết rồi, tin dữ toàn đến lúc chị sắp bước lên sân khấu. Đời chị từ đấy sợ nhất giờ lên đèn!”.
Thơ cho riêng mình
Tự nhận mình xấu, tướng thô, hình khối khổng lồ, không bao giờ vào được vai đào thương trên sân khấu, nhưng Minh Vượng không buồn vì điều đó, mỗi người mỗi nghề, ai cũng có phần trong cuộc đời này.
Chị vào các vai hài, xù xì nội tâm, gai góc mà tưng tửng ngon ơ, chọc khán giả cười lăn cười bò mà không bao giờ thô tục hay làm người ta ghét nhân vật của chị, đấy là điều chị tâm đắc nhất. Chị chỉ buồn khi cái số “không được làm đào thương” vận vào đời mình. Ba lần suýt lên xe hoa, cuối cùng vẫn ở nhà với mẹ.
Cha mẹ mất thì ở với em và nuôi một đàn cháu. Chị buồn vì mình yêu trẻ con đến thế mà chưa một lần được làm mẹ. Nhìn chị diễn cho trẻ con mới thấy “sức quyến rũ Minh Vượng” lớn nhường nào. Cả sân khấu tưng bừng lên khi chị xuất hiện và tất cả đều gọi chị là… Minh Vượng mà không có cô, bác… gì cả. Sau giờ diễn, ào lên cánh gà là những câu tâm tình rất riêng tư mà thay vì nói với cha mẹ và thầy cô, trẻ con tâm tình với... bạn Minh Vượng của mình: “Minh Vượng này, có bạn trai ở lớp sáng nào cũng mang cho tớ gói xôi xéo nhá, thế có phải bạn ấy yêu tớ không (?!)”.
Minh Vượng hạnh phúc âm ỉ trong cái không gian trong veo nồng ầm ấy, tưởng như nó là của mình, mình thuộc về nó, để rồi tan đêm diễn, đèn tắt, chị lại trở về một mình, đối diện với nỗi buồn của mình. Có những khi buồn đến không nói được, chị viết những vần thơ say:
Đêm nay buồn ta uống chút cay cay
Đêm nay buồn ta hút thuốc say say
Và ai nữa cũng nên lần thử
Thử uống rượu nồng thử hút thuốc say
Thử nghiêng ngả trong vòng tay không quen thuộc không tình yêu
Như ta
Rồi ngủ vùi đi trong lần mơ lạ
Ta đã say rồi ta đã phát điên
Ừ điên thật, điên rồi hóa dại
Đêm nay buồn uống chút cay cay
Đêm nay buồn hút thuốc say say
Cô học trò từng thi học sinh giỏi văn miền Bắc, mơ thành nhà văn hoặc người viết kịch bản phim truyện, nhưng số phận lại đưa đẩy làm nghề mang tiếng cười cho nhân gian đã âm thầm làm rất nhiều thơ. Giai đoạn 1978-1987, trái tim còn loạn nhịp thổn thức vì tình yêu, Minh Vượng làm đến 3-4 tập thơ, không gửi không in, chỉ để đọc một mình.
Sau này, cơm áo gạo tiền, cùng với những vấp ngã, bầm giập, sóng gió làm trái tim chai sạn, thơ “ra” không dễ nữa và nội dung cũng buồn hơn. Chị buồn thế thái nhân tình, buồn đời nghệ sĩ. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là những nỗi buồn trong trẻo, những nỗi buồn của người “biết phận mình như con tằm nhả tơ”. Chuỗi bài thơ Một mình rất đặc trưng cho giọng thơ của “nữ hoàng sân khấu hài” đất Bắc:
Chỉ còn lại một mình, ta về khi tan rạp
Chỉ còn lại một mình, ta về trong trống vắng
Ta cứ đi cứ đi, chân đếm thầm từng nhịp
Mong đường xa cứ xa, cho lòng thôi thổn thức
Cho tim đừng rạo rực
Cho mình quên hẳn nhau
Ta nào khóc đâu em
Chắc sương rơi trên má
Hạt sương sa lành lạnh
Giọt giọt rơi rơi rơi
Trên môi mình mằn mặn
Ta cứ đi cứ đi
Chân đếm thầm từng nhịp.
Mùa hè này Minh Vượng chuyển hướng sang hài với sân khấu… chèo. Mê chèo từ bé, hát chèo và múa chèo đều khá, chị sẽ vào vai Phú ông trong vở Quả táo thần mà đạo diễn Lê Hùng dựng cho Nhà hát Chèo Hà Nội. “Đó lại là vở hài cho thiếu nhi, tôi thích được làm cho các con cười suốt mùa hè này. Cuộc sống vốn bận rộn và ít niềm vui, tôi cứ làm cho trẻ con cười rồi đêm về khóc một mình cũng được” - chị nói, lúm đồng tiền tròn xoe, giọng trầm, cười mà mắt đầy nước.
The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:
MEM
Khoảng lặng sau tiếng cười - Kỳ cuối: Sứ mạng cuộc đời
Mỗi người có một số phận. Nghệ thuật đã chọn tôi hay tôi đã đến với nghệ thuật thì đều là sự sắp đặt của Thượng đế. Chưa bao giờ tôi hối tiếc việc trở thành nghệ sĩ. Với tôi, được nhiều hơn mất.
NSƯT Thành Lộc trong hậu đài trước giờ diễn vở Hồn Trương Phi da Hàn Tỷ - Ảnh: Gia Tiến
Khai sáng tâm hồn mình
Đánh đổi lớn nhất của tôi là sức khỏe, tuổi trẻ, đau khổ, nước mắt và thậm chí cả máu. Sức khỏe và tuổi trẻ là hai thứ không bao giờ quay lại được. Tiếc nuối lớn nhất trong cuộc đời tôi là thấy mình ngày càng già đi. Già đi nghĩa là thời gian làm nghệ thuật không còn lâu nữa. Tôi ước có được sức khỏe của một thanh niên để làm việc, để cống hiến được lâu hơn, nhiều hơn với khán giả.
Nhưng giá trị của những cái được lớn hơn nhiều so với giá trị của những cái mất đi. Tôi trưởng thành hơn, hiểu biết hơn, vị tha hơn và trái tim rộng mở hơn. Nếu không có nghệ thuật, có lẽ tôi sẽ là người hẹp hòi, ích kỷ hơn. Vì cái đích cuối cùng của nghệ thuật là hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Người nghệ sĩ là kỹ sư của tâm hồn. Chưa cần biết anh khai sáng được tâm hồn ai, nhưng trước hết người nghệ sĩ đã khai sáng được chính tâm hồn mình.
Môi trường nghệ thuật là nơi người ta dễ tạo được tên tuổi nhưng cũng dễ gây tai tiếng nhất. Tôi hạnh phúc vì mình đã có một chỗ đứng khá đặc biệt trong lòng công chúng. Ngoài sự ngưỡng mộ, tôi còn nhận được sự yêu thương, quý trọng của khán giả. Mà sự quý trọng, yêu thương thì không phải ai cũng có được. Nó không thể đánh đổi, không thể mua được bằng tiền.
Làm diễn viên được sống cả trăm đời người, trở thành hàng trăm con người khác nhau với những tính cách, số phận không phải là mình. Bất cứ nhân vật nào cũng có một phần ít nhiều tính cách của tôi. Kể cả những cái chưa hoàn thiện. Tôi gửi tình cảm thật vào vai diễn. Còn ở ngoài đời đôi khi phải đóng kịch để tồn tại, để được an toàn. Vì người làm nghệ thuật trình diễn luôn thể hiện mình ra trước công chúng. Nhưng thành công của người này lại tạo sự khó chịu, thậm chí ganh ghét, thù hằn cho người khác.
Ngay từ lúc mới vào nghề, tôi đã được giao nhiều vai chính lẫn phụ đến mức không còn quan tâm tới vai chính hay thứ. Tôi rất nhớ lời dạy của cha: Chỉ cần sống hết mình với nhân vật thì dù đứng ở góc tối nhất trên sân khấu con vẫn tỏa sáng. Đóng vai phụ mà hay thì mới là người diễn viên giỏi. Tôi cũng rất tâm đắc câu nói: Không có vai diễn nhỏ. Chỉ có người diễn viên nhỏ bé. Càng vai phụ vai thứ, càng ít đất diễn thì tôi càng đầu tư nhiều tâm lực vì phải suy nghĩ, sáng tạo để đắp da đắp thịt cho nhân vật hoàn thiện hơn.
Để là thiên sứ của đời
Nhưng những vai phụ của tôi lại tỏa sáng hơn diễn viên thủ vai chính. Đó là căn nguyên của những năm tháng dài tôi phải đối mặt với những đấu đá, ganh ghét. Trong một cuộc họp gồm các diễn viên ngôi sao kịch nói của nhiều thế hệ tại nhà hát Hòa Bình, tôi được giao một vai phụ của một vở hài lớn. Trong một lớp diễn, tôi phải nhào tới ôm chầm lấy nhân vật chính - một người bạn lâu ngày mới gặp. Nhưng người này đã nói một câu làm tôi ngỡ ngàng: Đừng có xô đẩy tôi nhiều quá làm mất hình tượng của một diễn viên chính! Suốt vở diễn đó tôi nhất định không chạm tới áo của diễn viên này, chỉ diễn từ xa. Nhưng vai diễn ấy lại được khán giả yêu thích như vai chính. Kể từ sau đó, những vai thứ của tôi có những đoạn nhiều đất diễn đều bị đề nghị cắt bớt.
Nghệ thuật dù là thánh đường thì vẫn là nơi người ta làm việc để sống. Có những lúc người ta phải “nanh nọc” mới an toàn. Mà khi nhìn như thế thì chả có gì vui. Người nghệ sĩ nhạy cảm và mong manh lắm. Thế nên, dù ít hay nhiều, những ganh ghét, đố kỵ cũng làm mình bị tổn thương. Bởi vậy, dù muốn hay không, tôi phải diễn xuất ngoài đời để được tồn tại, để được bình an hơn.
Nghệ thuật là nơi người ta dễ bị tai tiếng nhất. Bởi nghệ sĩ là người của công chúng nên nhất cử nhất động của họ đều bị lọt vào tầm ngắm, hay bị để ý, xét nét. Từ đó, vô hình trung người ta tước đi quyền tự do, quyền được sống thật với chính mình của một con người bình thường với một nghệ sĩ.
Không ai đo đếm được giá trị của một vở kịch, giá trị của một vai diễn. Đó là giá trị vô hình nhưng len lỏi vào trái tim con người, tồn tại bền bỉ từ ngày này qua ngày khác, có sức sống trường tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Công việc của người nghệ sĩ như công việc của một thiên sứ nghệ thuật. Tôi ngầm hãnh diện vì điều đó. Cho nên tôi luôn tâm niệm: phải sống sao cho xứng đáng với giá trị nghệ thuật mà mình tạo ra.
Nếu coi cả nhân loại là trăm ngàn loài hoa thì người nghệ sĩ là loài hoa sặc sỡ nhất, thậm chí dị thường hơn. Chính vì sặc sỡ nhất nên chóng tàn nhất. Cho nên, khi người nghệ sĩ đang ở độ rực rỡ nhất, ngát hương nhất thì hãy bung mình tỏa hương sắc ngào ngạt nhất, tươi tắn nhất để làm cho cuộc đời thêm đẹp. Nhưng ngay cả khi đóa hoa đó tàn, người nghệ sĩ không còn tuổi trẻ, sức lực cống hiến cho khán giả nữa, thì thân xác của đóa hoa tàn úa đó cũng phải hóa thành loại phân tốt nhất, màu mỡ nhất cho các loài hoa khác mọc tươi tốt hơn.
Khoảng lặng là những phần thưởng, là món quà mà Thượng đế ban cho người nghệ sĩ. Nếu không có những khoảng lặng đó họ sẽ là người hời hợt, và khi đó tác phẩm của họ không có chiều sâu. Họ sẽ không thăng hoa được trong nghệ thuật. Những khoảng lặng sẽ là lúc chạm vào tâm hồn con người. Người nghệ sĩ đích thực cần phải chịu nhiều cô đơn hơn một chút, đau khổ hơn một chút. Cuộc đời họ phải chịu nhiều bất trắc, tai ương hơn người thường một chút. Khi đó họ mới đồng cảm và chia sẻ được với nỗi đau của nhân loại và thăng hoa trong nghệ thuật.
NSƯT THÀNH LỘC (My Lăng ghi)
Nhìn lại 23 năm đi diễn, tôi thấy mình là người có diễm phúc. Cuộc đời tôi đã trải qua những khoảnh khắc đau đớn nhất, chua chát nhất, cay đắng nhất trên sân khấu. Tôi coi đó là khoảnh khắc lưu giữ dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Tôi không vì niềm đau mà hối tiếc, trách nghề, không bao giờ nghĩ nếu không làm nghệ sĩ có lẽ sẽ không đau đớn hơn người khác khi gặp những tình huống như thế.
Sau vở diễn khán giả vỗ tay rần rần. Còn tôi một mình lặng lẽ chạy xe về nhà trên con đường vắng. Lặng lẽ mở cửa. Lặng lẽ ăn cơm khi đồng hồ gần 12g đêm. Lặng lẽ tắm rửa. Lặng lẽ lên giường, ngả lưng, tựa gối và... đọc kịch bản cho vở diễn mới. Đó là những khoảng lặng, rất lặng, sau cánh gà của người diễn viên. Khoảng lặng là những khoảnh khắc cần thiết với nghệ sĩ. Nhưng họ phải thoát ra được nỗi đau cá nhân để sống trọn với vai diễn. Vì khi trên sân khấu, họ không còn là người bình thường nữa. Họ là một diễn viên. Mà đã là diễn viên thì phải làm tròn sứ mệnh, vị trí và vai trò của mình.
cái gì cũng có cái giá của nó. đổi lại người nghệ sĩ có danh tiếng và tiền bạc. đâu phải ai muốn đánh đổi sự cô đơn mà cũng được nổi tiếng như các nghệ sĩ này.
The Following User Says Thank You to nguoingoaipho For This Useful Post:
Giang Tiên
Hihihi, hơn nữa... những cái thăng trầm mới cho người nghệ sĩ được nhiều bài học kinh nghiệm để đem vài vai diễn anh nhỉ. Chứ cứ phẳng lì suông sẻ thì... nhạt nhẽo quá.
cuộc đời một người bình thường cũng trải qua thăng trầm cưng ơi!! mỗi cuộc đời là một câu chuyện mà.
đúng như Thành Lộc nói: làm nghệ sĩ được nhiều hơn mất.....
trên đây là nghệ sĩ kịch nói vốn có cuộc sống khá bình dị, còn nghệ sĩ cải lương thì đa dạng hơn vì họ mới là sao trên trời cao.....