NSƯT Lệ Thủy - Trái tim có những phút giây xao động
01/08/2002 00:00 (GMT+7
CHUYỆN ÐỜI, CHUYỆN NGHỀ.-
35 năm làm đào chánh, NSƯT Lệ Thủy là một cô đào giữ được cảm tình của khán giả bằng giọng thổ pha kim mộc mạc, chân phương. Ðêm 3 và 4-8 chị sẽ diễn tại rạp Hưng Ðạo trong vở Kiếp chồng chung
Phóng viên: Trên sân khấu và ở đời thường, trông chị lúc nào cũng phong độ, duyên dáng, chắc lúc trẻ chị... “còn hơn thế nữa”?
-
NSƯT Lệ Thủy: Ðã là nghệ sĩ thì phải chấp nhận. Có nhiều kỷ niệm “quấy rầy” rất dễ thương. Ví dụ tôi nhận được một bó hoa rất quen liên tục suốt 30 suất diễn của một nam khán giả hồi tôi tròn 20 tuổi. Người này đã xem tôi hát ở đoàn Kim Chung 1, đặc biệt mê tôi ca Xuân tình, nghe riết anh thuộc và chỉ mời tôi đi ăn tối để ca lại lớp Xuân tình cho... một mình anh nghe. Rồi có một chàng sinh viên viết thư làm quen, gởi mấy lá thư tôi không trả lời, nhưng khi thấy vắng những cánh thư quen quen ấy, tự nhiên tôi lại buồn và chính chàng sinh viên đó sau này là. .. ông xã tôi.
Sinh ra ở Vĩnh Long, thành danh ở Sài Gòn. Con đường Lệ Thủy đi có thể gọi là “hái lộc trời cho”?
- Có câu: “Lộc trời cho không nên hưởng tận”, hiểu điều đó nên tôi luôn đem những lộc trời chia cho mọi người qua công việc từ thiện. Hồi nhỏ gia cảnh nhà tôi bấp bênh lắm. Năm tôi lên 10 tuổi, ở Vĩnh Long có xảy ra một trận hỏa hoạn đốt cháy cả làng. Tôi mất giấy khai sanh, lên Sài Gòn không được vào trường công, học trường tư thì quá đắt nên tôi phải vừa học, vừa phụ má bán bánh cam. Dấu chân tôi quen thuộc với những con hẻm chằng chịt ở khu Khánh Hội, quận 4. Thú vui hồi nhỏ là được bế em chiều chiều ra đầu ngõ nghe ké radio, máy dĩa nhựa của một tiệm sửa đồ điện. Hồi đó, tôi mê giọng ca chị Thanh Hương qua bài Cô gái bán đèn hoa giấy, rồi nghêu ngao ca theo. Má tôi biết được đã cho theo học lớp ca cổ của thầy Năm Truyền (1948), rồi tôi được giới thiệu vào gánh hát Trâm Vàng của bầu Lợi, chuyên đóng những vai thiếu nhi. Ðến khi được soạn giả Viễn Châu mời thu dĩa Quan Âm Thị Kính (đóng vai Tiểu Ðồng), lúc đó khán giả mới biết đến Lệ Thủy. Vĩnh Long và Sài Gòn đã trở thành hai miền quê không tách rời trong tâm tưởng của tôi. Từ đây con đường tôi chọn gặp nhiều may mắn và cũng nhiều... gian khổ.
Hàng trăm vai diễn đi qua cuộc đời của chị, điểm lại chị thích số phận nào nhất?
- Tô Ánh Nguyệt, một vai diễn tôi đã được anh Hai Diệp Lang giúp đỡ, để thể hiện thành công số phận một người phụ nữ dám vượt qua định kiến khắt khe của lễ giáo phong kiến. Cô Nguyệt đã dám sống, dám yêu và được làm mẹ. Nhưng cô Nguyệt vẫn không thoát khỏi định kiến đó, để rồi đánh mất cái quyền làm mẹ. “Số” tôi thường được đóng những vai bất hạnh như: Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa), Thiên Kiều công chúa (Trắng hoa mai), Kim Anh (Ðời cô Lựu)... qua đó tôi cảm nhận một điều, trong cuộc sống phải biết quý trọng hạnh phúc đang có. Con người có trái tim thì ắt sẽ có những phút giây xao động trước cái đẹp, nhưng đừng lẫn lộn tình yêu bất chợt với hạnh phúc gia đình...
Có một kỷ niệm nào của khán giả làm chị nhớ nhất?
- Lần đó, tôi về miền Tây biểu diễn, một chị khán giả trông khá lớn tuổi đến ôm tôi khóc và nói: “Má thương con quá! Con vẫn trẻ như ngày nào. Năm nay con bao nhiêu tuổi?”. Bất ngờ quá, tôi vội đáp: “Dạ, con 58 tuổi”. Chị gạt nước mắt: “Vậy là con lớn... hơn má hai tuổi”...
Người xem đã nhiều lần nhầm lẫn số tuổi của chị với nhân vật, bởi nói theo lời NSND Diệp Lang, chị là cô đào ngoại hạng, 35 năm vẫn đóng vai đào chánh?
- Nhờ tổ nghiệp thương, tôi chẳng bao giờ giấu số tuổi của mình. Nhưng bây giờ thì không thể “cưa sừng làm nghé” được. Diễn với mấy em nhỏ tôi đã đóng vai bà mẹ, bà ngoại rồi.
Ðiều gì khiến chị vui nhất hiện nay?
- U50 lại ra quân để được đồng hành với diễn viên trẻ. Trên sân khấu rạp Hưng Ðạo qua hai suất hát Ðời cô Lựu và Nửa đời hương phấn khán giả đã ủng hộ chúng tôi nồng nhiệt. Ðội U50 gồm: Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, tôi, anh Minh Vương, Thanh Tòng, Diệp Lang, Bảo Quốc, Kim Ngọc, Thanh Nguyệt... sẽ tiếp tục dựng Hoa Mộc Lan sau hai suất diễn Kiếp chồng chung vào đêm 3 và 4-8 tại rạp Hưng Ðạo.
Thanh Hiệp (thực hiện)
NLDO