NAM DANH CA CẢI LƯƠNG: MỘT THỜI VÀ MUÔN ĐỜI
KỲ II: "NGỌN SÓNG THẦN" HÙNG CƯỜNG
Hơn 10 năm trước, sau thành công của những công trình nghệ thuật thể nghiệm - độc diễn như Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm… một ký giả kịch trường đã hỏi tôi: “Vì sao Bạch Tuyết chọn cuộc chơi độc diễn này?”
Ảnh: NS Hùng Cường
Câu hỏi không lời đáp; một dấu hỏi vô hình đeo đẳng từ hơn 20 năm khiến tôi nao lòng. Khán giả vẫn dành tình yêu cho tôi cùng Tấn Tài, Thanh Sang, Minh Vương, Thanh Tuấn… nhưng cất giữ một góc trong lòng họ, và trong chính tôi, không thể bù đắp, không ai thay thế - là Anh: nghệ sĩ Hùng Cường.
Trước khi là nghệ sĩ cải lương, Hùng Cường đã sở hữu giọng Tenor xuất sắc của làng tân nhạc Việt Nam. Chỉ riêng đĩa hát Ông lái đò với con số phát hành đạt kỷ lục đương thời, anh đã khuấy động thị trường âm nhạc lúc bấy giờ. Với chất giọng mạnh mẽ, nhiệt thành như cuốn người nghe vào một dòng thác, khi bước sang sàn diễn ca kịch - anh cuốn tôi theo, tạo nên những đợt “sóng thần” - cũng là “ngôi vị” mà công chúng trao tặng cho tôi và anh trong lâu đài cải lương.
Nếu so anh với NSƯT Ngọc Giàu vốn rất hạp khẩu, thì tôi và anh lại luôn khắc khẩu. Anh tài hoa, vừa lãng tử, kiêu bạc, vừa tinh tế, ân cần; còn tôi, cái chất trẻ con lấn át lúc đó khiến tôi thích khiêu khích và thách thức anh. Những buổi tập tuồng tranh cãi có, thăng hoa có; cứ vài suất hát, vừa quay vào hậu trường là y như rằng, anh trách móc, giận hờn tôi vì cái tật… lơ đễnh, không theo đúng ý đồ diễn xuất đã sắp xếp. Đáp lại sự khắt khe của anh, tôi nửa biết lỗi, nửa cằn nhằn: “Trời ơi, thì em biết rồi mà. Nhưng, khán giả đâu có để ý tỉ mỉ như anh…”. Đến một ngày, đi ngang qua chiếc bàn hóa trang, lẫn giữa mớ phấn son là cuốn sổ ghi chép tập tuồng của anh, tôi lướt thấy những dòng chữ “…Chỗ này tay mặt đặt lên vai Bạch Tuyết, tay trái vuốt tóc nhưng mắt không nhìn thẳng vào mắt BT mà chỉ nhìn lướt qua trán”. Ở cảnh khác, anh ghi “…Chỗ này quay hẳn người đi, quỳ xuống nhưng tay trái vẫn nắm chặt cái khăn choàng đã rớt xuống phân nửa vai BT…Từ giữa câu vọng cổ đứng lên, đi xa hẳn BT chừng ba thước rồi bất thần chạy thật nhanh, đối mặt với BT, nắm hai vai BT lắc mạnh, không rời cho đến khi dứt câu…”
Khỏi phải nói, trong tôi dậy lên một niềm kính phục xen lẫn chút xấu hổ, ân hận, ray rứt. Anh chi tiết và cẩn trọng bao nhiêu, tôi lơ đễnh và hời hợt bấy nhiêu. Không trách cho những cơn giận của anh khi một nhạc công đàn trật dây, một diễn viên ca rớt nhịp. Ngày ấy, dàn đờn cải lương còn phong phú và giàu có lắm, đủ cả bộ gõ, bộ kéo, bộ dây. Đang giờ tập tuồng, ca diễn say sưa, bất chợt anh dừng lại, chỉ thẳng luôn vào anh chàng đang ôm cây đờn nguyệt “Sợi dây trên lên còn thiếu nửa cung… nghe sống nhăn, kỳ cục lắm…”. Ai nấy lắc đầu bởi sự tinh nhạy trong thẩm âm của người nghệ sĩ biểu diễn như anh.
Vào những thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, với Vân Hùng, La Thoại Tân, Hùng Cường hợp cùng Kỳ nữ Kim Cương, “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng và ca sĩ Túy Hồng đã tạo nên một “đặc chủng” nghệ thuật mang tên kịch nghệ Sài Gòn: trung hậu, nghĩa tình, hào sảng, phong lưu.
Có lẽ, trên cái nền kiến thức nhạc lý tân - cổ vững chắc, kinh qua những kinh nghiệm trên phim trường, sàn diễn ca nhạc… mà NS Hùng Cường đã dành hết cho sân khấu cải lương những gì anh say mê, những gì anh tâm huyết. Những “bộ sưu tập” của anh và tôi trên sân khấu nghệ thuật ca kịch đương thời như Yêu người điên, Yêu người say, Tiền rừng bạc biển, Tuyệt tình ca, rồi Trăng thề vườn thúy, Má hồng phận bạc, Cho trọn cuộc tình… đã định vị danh xưng “Cặp sóng thần”.
NSƯT Bạch Tuyết thắp nén nhang lên mộ phần NS Hùng Cường ở Bến Tre
Khán giả thỉnh thoảng vẫn tò mò: “Ai cũng mê Hùng Cường. Bạch Tuyết đóng chung với Hùng Cường đẹp và hợp nhau đến vậy, Bạch Tuyết có mê Hùng Cường không?”. Tôi hỏi lại: “Thế mọi người thấy tôi có mê Hùng Cường không?”. Khán giả hồn nhiên bảo: “Mê quá chớ sao không. Vì không mê thì làm sao ca diễn tình tứ, hòa quyện vào nhau như thế được…”. Vậy là, khán giả trả lời hộ tôi rồi còn gì. Chỉ có điều, sự tình tứ, độ nồng nàn, sức cuốn hút vào nhau trên sàn diễn chỉ còn lại cái dè chừng, nghi hoặc ở ngoài đời. Đêm - nhân vật của anh và tôi bay bổng cùng nhau. Ngày - hai con người, hai cá thể cứ chực sẵn vẻ lạnh lùng, thách thức cố ý. Tôi ẩn náu trong sự kiêu hãnh mà kỳ thực, luôn yếu đuối, trẻ con, khờ khạo trước anh lẫn cuộc đời…
Đã hơn 30 năm rồi, kể từ cái ngày cuối cùng anh gọi cho tôi, qua điện thoại là những giọt nước mắt nửa mừng nửa tủi khi anh nghe tin tôi trở lại sàn diễn với vai Thái hậu Dương Vân Nga: “Em xuất hiện trở lại đi. Anh mừng cho em lắm…”. Những giọt nước mắt đã âm thầm căn dặn và gửi gắm hết cho tôi “…Em phải diễn luôn cả phần của anh nữa đấy…”.
Đọc 3 bài viết còn lại của NSƯT Bạch Tuyết về các nam danh ca:
Kỳ 1 - Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn
Kỳ 3 - "Hoàng đế đĩa nhựa" Tấn Tài
Kỳ 4 - Lãng tử Thanh Sang