“Ai chè đậu đen nước dừa hôn?…”. Tiếng rao ngọt ngào từ cánh gà vừa cất lên, chưa thấy mặt diễn viên đâu, khán phòng đã rộ tiếng vỗ tay tán thưởng. Trong trang phục áo bà ba quần đen với đôi gánh trên vai, nghệ sĩ (NS) Ngọc Giàu bước ra sàn diễn không giấu được đôi mắt ngấn lệ vì xúc động. Ở Nhà hát Sân khấu (SK) nhỏ 5B này, thật hiếm có NS nào được đón chào trân trọng như vậy.
Chị đóng vai bà Sáu bán chè, một vai nhỏ thuộc dạng “dàn bao” trong vở kịch đầu tay Chưa yêu sao hiểu được của đạo diễn Cát Phượng khai trương dịp Tết vừa qua. Ở bất cứ suất diễn nào, chị cũng nhận được những tình cảm ấm áp như vậy
* Không ít người lấy làm lạ là được gặp NS Ngọc Giàu ở đây, bởi ai cũng biết mười mấy năm nay, chị vốn là “của quý” của SK Kịch Sài Gòn. Duyên cớ nào “má” Ngọc Giàu năm nay lại đổi sân?
- SK Kịch Sài Gòn là nơi cho tôi cơ hội được đến với khán giả suốt mười mấy năm qua và có lúc tôi cũng từng cộng tác với Nhà hát Thế Giới Trẻ. Nhưng thời gian gần đây, những nơi này chỉ diễn lại những vở cũ, không dựng được vở mới vì hầu hết các diễn viên trẻ bận đi đóng phim. Những người phụ trách các SK này nói “má ơi, người ta vẫn đi coi đông”, nhưng tôi diễn hoài mấy vở cũ thấy “chai” lắm, chán lắm, thích có cái gì mới hơn. Tới từng tuổi này, thấy thời gian cứ trôi vùn vụt nên rất mong có được những vai hay, tôi nhận lời Cát Phượng về đây diễn cũng vì điều đó.
* Nhưng bà Sáu bán chè là một vai… nhỏ xíu, nghệ sĩ “lớn” Ngọc Giàu không thấy ngại sao?
- Mấy chục năm đi hát, tôi chưa hề so đo vai lớn vai nhỏ, miễn vai hay là khán giả sẽ thương thôi. Vở Chưa yêu sao hiểu được không phải là vở hài, nhưng có nhiều tình huống gây cười. Trong vở, tôi làm một bà ngoại có đức hy sinh, đi bán từng chén chè để nuôi đứa cháu bị cha mẹ nó bỏ. Trong một cảnh khuyên cháu đừng trách hờn cha mẹ, tôi đã tự viết một câu vọng cổ để ca vì quá ghiền. “Khóc đi con, khóc cho vơi đi niềm uất hận. Nhưng con không nên trách những người đã tạo ra con và đã có công dưỡng dục sinh thành. Trách làm chi, đó chẳng qua là số phận của đời mình. Nếu có phước duyên thì mình được hưởng. Còn vô phước bạc phần thì chịu lắm truân chuyên. Con ơi, trên thế gian này còn biết bao nhiêu người đau khổ và cũng có biết bao nhiêu người bất hạnh hơn ta. Thôi đừng sầu tủi xót xa, ở đây với ngoại sẽ lo cho con trọn đời…”. Sau câu dạo của đàn bầu là tôi vào vọng cổ, khán giả bị bất ngờ, liền vỗ tay. Còn tôi, rất sung sướng vì lâu rồi mới được ca.
* Cảm giác của chị thế nào khi lần đầu tiên diễn ở một SK không micro? Nhiều người cũng muốn biết NS Ngọc Giàu dạo này có còn hoạt động “sung” như trước?
- Không ai chống lại được quy luật của tuổi tác. Tôi có rất nhiều lời mời diễn kịch lẫn đóng phim, nhưng thú thật, sức khỏe cũng có phần yếu đi nên tôi không ráng, tự cho phép mình được nghỉ ngơi bớt. Nói vậy chứ Tết vừa rồi, vì không nỡ từ chối, tôi cũng chạy liên tục ở ba SK: 5B Võ Văn Tần, 7 Trần Cao Vân và Kịch Sài Gòn. Giữa năm 2010, tôi tham gia đóng phim Những nàng công chúa xinh đẹp (80 tập) và đang chờ đến tháng 4/2011, khi phim đóng máy sẽ nghỉ một thời gian để đi mổ cườm mắt. Đúng là chưa diễn ở 5B bao giờ nên buổi ban đầu tôi cũng có cảm giác khác lạ. Thỉnh thoảng đang diễn, sờ không thấy micro, tôi giật thót, nghĩ mình quên mang. Nhưng diễn quen thấy thích, vì khán phòng nhỏ, gần gũi với khán giả, diễn mà như được nói chuyện với họ.
* Mấy chục năm qua không được diễn cải lương thường xuyên, nỗi đau của chị chắc đã nguôi dần theo năm tháng?
- Cũng đã hơn hai mươi năm rồi chớ ít gì! Tôi còn nhớ vở cuối cùng là vở Dương Vân Nga, tôi với Bạch Tuyết chia nhau một vai (Dương Vân Nga). Những NS thuộc thế hệ tôi hầu hết xem cải lương là lẽ sống, là hơi thở của đời mình thì nỗi đau mất sàn diễn luôn làm cho nhức nhối. Nó “sống” với mình hằng ngày, cả trong giấc ngủ cũng ray rứt nhớ. Trong suốt những năm tháng đó, thỉnh thoảng, tôi chỉ được mời hát ca cổ nhưng ở nhà ngày nào tôi cũng nằm võng hát cho chính mình nghe hết tuồng này đến tuồng khác để đỡ nhớ.
* Nhưng khán giả bây giờ vẫn dành cho chị nhiều tràng pháo tay, cho dù không phải ở SK cải lương. Điều gì đã giúp chị sống lâu trong lòng khán giả như vậy?
- Từ khi bắt đầu đi hát tới nay, tôi luôn tâm niệm một điều, NS phải có đạo đức, thủy chung, sống chết với nghề. Tôi lúc này còn được khán giả thương như thế, tối về nhà nhiều đêm ngủ không được. Bây giờ, mình khỏe được phần nhiều là nhờ vào thuốc, không bao lâu nữa thế hệ của tôi sẽ “tiêu” hết nên nếu làm gì đem lại được niềm vui cho khán giả thì tôi cũng ráng làm.
* Thế hệ của chị được mệnh danh là thế hệ vàng của cải lương mà ngay đến bây giờ, sau nhiều chục năm, vẫn chưa tìm ra một thế hệ kế tục xứng đáng. Theo chị, nguyên do nhờ đâu, phải chăng là chỉ nhờ tài năng bẩm sinh?
- Do nhiều yếu tố gộp lại, không phải chỉ một thứ tài năng của một mình mình mà thành được. Có được cái tên Ngọc Giàu ngày nay là nhờ tôi có những vai hay, trong những kịch bản hay, bạn diễn hay, dàn dựng hay, âm nhạc hay… tóm lại là hay đồng đều. Chính cái hay đồng đều đã kéo mình theo, cộng với lòng yêu nghề, chết sống với nghề. Tôi đâu được học hành trường lớp đàng hoàng như các em bây giờ, chỉ toàn học lỏm người ta rồi thêm cái riêng của mình vào.
Thế hệ chúng tôi may mắn có nhạc sĩ Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu). Đi hát quanh năm suốt tháng không ai biết đến tên, chỉ cần một lần được ca bài ca của Viễn Châu trên đĩa được phát hành (các hãng ASIA, Tứ Hải, Việt Nam…) là bà con từ thành thị tới nông thôn đều biết. NS nào được lọt vào tầm ngắm của giải Thanh Tâm cũng bắt đầu từ đĩa. Ban giám khảo nghe qua đĩa rồi mới theo NS ấy đến SK. Rồi phải theo dõi các vai diễn suốt cả năm mới bầu chọn. Ngày xưa, tạo dựng được một cái tên là rất khó nên khi có được, nó theo mình suốt đời.
* Có phải vì như nhiều người nhận xét, giọng ca của Ngọc Giàu bất chấp thời gian, vẫn dày và ngọt như xưa? Chị có bí quyết gì để giữ giọng không?
- Tôi thấy giọng ca mình đến nay tuy cũng còn… được, ít thay đổi, nhưng dù vậy, thời gian đã lấy đi của nó sự lảnh lót. Bốn năm năm trước, khi ba tôi còn sống, nằm võng nghe tôi học tuồng, ông nói, sao con ca dở hơn hồi xưa. Tôi thưa, ba ơi, ba quên là con nay đã là bà già sáu mươi rồi chớ đâu còn là Út Giàu của ba ngày mới đi hát nữa đâu! Ông cười, nói “à hén, ba quên”.
Ngày xưa, đi hát cực là vậy, có bao giờ chị muốn bỏ nghề?
- Không, chưa bao giờ trong đầu tôi có ý nghĩ đó. Nghề này đã nuôi sống tôi, đã cho tôi điều kiện để lo cho cha mẹ, anh em, dòng họ. Tôi còn nhớ lúc bảy, tám tuổi, khi mang gô cơm cho ba đang làm tài xế xe hủ lô làm đường, thấy ông phơi mình giữa trưa nắng mồ hôi nhễ nhại, tôi đã nghĩ “lạy trời cho con làm được năm đồng để cho ba con nghỉ làm”. Một bữa kia, tôi đang bì bõm tắm ở cầu Cống (Thủ Thiêm), nghe có bà chủ bar Lệ Liễu ở Sài Gòn qua kiếm vì “nghe nói bên này có con bé Ngọc Giàu ca hay lắm”. Tôi hát ở bar Lệ Liễu được trả một tháng 10 đồng, vậy là ba tôi được nghỉ làm. Một thời gian sau, tôi được người anh thứ ba đưa theo đoàn hát. Đi liền mấy năm, anh không cho tôi về thăm nhà, bảo khi nào nổi tiếng mới cho về. Nhớ nhà quá nên tôi phải cố nổi tiếng để được về thăm. Nghề hát là số phận của tôi. Nhìn lại, tôi thấy mình quá may mắn. Tôi cám ơn tất cả những người đã lo lắng cho tôi, cám ơn khán giả, cám ơn tổ nghiệp đã thương, cho tôi hưởng quá nhiều, tôi không than phiền điều gì hay trách giận ai hết.
* Năm 16 tuổi, khi về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, cùng với việc đoạt giải thưởng Thanh Tâm cao quý là việc chị trở thành triệu phú với hợp đồng giao kèo thuộc hạng sao, nhưng chị cũng nổi tiếng là người… không biết giữ tiền?
- Khi tôi còn độc thân, hợp đồng của tôi với đoàn hát đều do cha mẹ tôi ký và lãnh tiền. Khi lập gia đình, cả cha mẹ và chồng tôi đều ký, mỗi người lãnh một nửa tiền. Tôi chỉ biết đi hát, mọi việc chi tiêu có người lo. Chỉ sau này, khi sống một mình, tôi mới giữ tiền, nhưng thu nhập không còn được như xưa nữa. Sau khi con gái Ngọc Hân của tôi bị bệnh qua đời năm 12 tuổi, tôi ngộ ra rằng, có những điều mình tưởng là của mình nhưng bây giờ ngay cả máu thịt mình, mình cũng không nắm được, kể như mình không có gì. Nghĩ như vậy sẽ thấy thanh thản. Cái gì mình đã quyết định làm thì không bao giờ hối hận hay tiếc nuối.
* Chị đã rất thỏa mãn về nghề nghiệp, nhưng về gia đình riêng, chị có cho rằng mình hạnh phúc?
- Tôi nghĩ gia đình cũng là số phận. Tôi đã hai lần lập gia đình. Lần đầu là một người lớn hơn tôi trên hai chục tuổi, do cha mẹ sắp đặt, tôi lúc đó mới 17, chưa biết đàn ông là gì nên phải hai năm sau mới cho động phòng. Người chồng sau ít tuổi hơn tôi, là nhạc công một thời ở Nhà hát Trần Hữu Trang. Tôi có với mỗi người chồng một con gái. Con gái út của tôi hiện đã theo chồng định cư ở Mỹ và tôi sắp lên chức bà ngoại. Hỏi có hạnh phúc không, cũng thật khó trả lời, bởi tôi nghĩ, trong hôn nhân, hạnh phúc là do mình tự tạo. Tôi không đòi hỏi chồng mình phải thế này thế nọ. Sống chung phải hiểu biết, phải giãi bày cho nhau mọi điều thì mới hạnh phúc được. Nếu cứ nghĩ cho mình sẽ khó có hạnh phúc.
Theo Cát Vũ – Báo PNCT