1. MEM
    Avatar của MEM
    NSƯT Kim Cương: Ơn trời, Kim Cương già… đúng lúc



    NSƯT Kim Cương hay nhắc đi nhắc lại rằng chị với sân khấu gắn bó không khác gì cá với nước. Thế nhưng, đúng lúc tên tuổi Kim Cương đang là thương hiệu để thu hút khán giả, chị đột ngột rời bỏ nó.


    Hơn chục năm sau, gặp lại chị trong căn nhà bình yên tại TP.HCM, Kim Cương vẫn cười buồn, bảo rằng: Đó là quyết định khó khăn và đau đớn nhất trong đời mình. Nhưng, đến giờ nhìn lại, chị vẫn muốn cảm ơn trời, đã cho chị biết mình…già đúng lúc, "về hưu" đúng lúc.

    1. Kim Cương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến 4 đời hoạt động sân khấu, hơn thế còn thuộc những thế hệ đầu tiên khai phá con đường phát triển sân khấu, đặc biệt là sân khấu cải lương. Con đường ấy đầy gian khổ, tủi cực bởi quan niệm "xướng ca vô loài" còn nặng nề.

    Những vinh quang và tủi cực của thế hệ khai phá, mở đường đã được người nghệ sĩ tiền bối và cũng là người mẹ, người thầy lớn của Kim Cương - NSND Bảy Nam thể hiện phần nào trong tập hồi ký "Trôi theo dòng đời" mà Kim Cương vừa cho tái bản. Đó là niềm tự hào của Kim Cương nhưng chị bảo rằng càng tự hào, càng hiểu, càng thấm, càng trân trọng lại càng đau khi buộc mình phải rời xa con đường ấy. Khi thế giới ấy đã không còn vẹn nguyên, thiêng liêng như mong muốn, như lẽ ra nó phải thế.

    2. NSƯT Kim Cương kể, ngay từ thời trẻ, chị đã hay đùa với các đồng nghiệp là, ở bên ngoài, người ta đi làm việc, kiếm tiền, về hưu với cuộc sống cuối đời được đảm bảo; còn nghệ sĩ chúng mình, sống hết mình nhưng thường như cái diêm quẹt, chỉ rực rỡ huy hoàng khi nó cháy, cuộc đời đi theo quy trình ngược.

    Thông thường, người ta qua đào tạo, thành nghề, bắt đầu bằng đồng lương bậc 1, thâm niên càng cao, đồng lương càng cao, chức vụ càng lớn. Còn nghệ sĩ, bắt đầu với lương bậc 10 rồi giảm dần về con số không. Nếu người thợ mộc có công cụ hành nghề là cưa, bào, dùi đục; người thợ may có cái máy khâu… thì người nghệ sĩ làm nghề bằng chính hình thể, tâm hồn mình.

    Thân xác của họ vừa là công cụ, vừa là tác phẩm. Vào vai thành công trên sàn diễn bao nhiêu, càng tổn hại tinh thần, thể xác nhiều bấy nhiêu. Thế nên, việc người nghệ sĩ dễ mất cân bằng, dễ có nhiều cách ứng xử đi quá thông thường trong cuộc sống cũng là điều dễ hiểu. Cứ thử làm phép tính thế này, người bình thường hay khóc lúc buồn, còn người nghệ sĩ đứng trên sân khấu có khi phải khóc quanh năm, suốt tháng.

    Có khi lòng đau muốn chảy máu mắt nhưng đứng trên sân khấu vẫn phải cười. Mà phải khóc thực, cười thực, cảm xúc thực mới thuyết phục được khán giả. Diễn thành công, cảm xúc được thăng hoa là lúc người nghệ sĩ hạnh phúc nhất. Nhưng thành công đêm này không chắc có thành công đêm thứ hai, nếu không muốn nói là càng ngày càng giảm xuống.

    Chỉ bị phân tán một chút, cơ thể không khỏe một chút hay đơn giản điều kiện âm thanh ánh sáng cho đến thời tiết không tốt cũng đều ảnh hưởng đến vai diễn của nghệ sĩ đêm ấy. Ngay với bản thân Kim Cương, mặc dù thấy mình càng diễn càng nhiều kinh nghiệm, càng hay hơn nhưng nghịch lý là kinh nghiệm càng tăng, cái xuân sắc và sức khỏe lại càng giảm.

    Lấy thân làm công cụ, diễn phải nhập tâm, sống đời sống của nhân vật, vui buồn theo nhân vật, đủ mọi thành phần, từ vua chúa cho đến kẻ cố cùng dưới đáy của đáy xã hội nên bước ra khỏi sân khấu, nếu không đủ bản lĩnh, không biết thắng cảm xúc, dung hòa giữa cảm xúc sân khấu với đời thực, nghệ sĩ rất dễ mất thăng bằng. Những tai nạn từ sự thiếu cân bằng ấy, nghệ sĩ với nhau không lạ lẫm gì…


    NSƯT Kim Cương và Giáo sư - Nhạc sĩ Trần Văn Khê

    3. Tự nhận mình biết rạch ròi cảm xúc trên sân khấu và đời thực nhưng Kim Cương cũng cay đắng thừa nhận: Nghệ thuật sân khấu như người tình cả ghen, đã yêu là không chấp nhận chia sớt cho bất kỳ ai, nên nghệ sĩ phải chấp nhận việc bị nghề nghiệp ảnh hưởng, mất mát hạnh phúc gia đình là chuyện không lạ. Thời vàng son của Đoàn kịch Kim Cương, chị đi tối ngày.

    Có khi hàng tháng trời, vợ chồng gặp gỡ nhau chỉ qua các mẩu giấy ghim trên bàn, nhắc nhau làm chuyện này chuyện khác. Kim Cương diễn liên miên, lo tổ chức biểu diễn cho cả đoàn. Đêm nào cũng 12 giờ mới có mặt ở nhà. Gần trưa hôm sau mới dậy thì chồng đã đi làm. Quanh năm suốt tháng như thế. Bị cuốn vào guồng máy chung, Kim Cương không có điều kiện để nhận ra mình đang đánh mất dần hạnh phúc gia đình, những khoảnh khắc hạnh phúc riêng tư, bình dị như bao mái ấm khác.

    Dễ có đến cả chục năm liền, chuyện nghỉ ngơi, đoàn tụ với gia đình đón Tết chỉ là mơ ước với Kim Cương. Thời gian duy nhất tạm xa công việc bất tận ấy có lẽ là lúc Kim Cương được cử qua Bungari học. Tranh thủ ngày nghỉ, chị lang thang vào rạp chiếu phim, nhẩn nha giải trí. Nhìn từng cặp đôi, từng gia đình tay trong tay vào rạp, chị giật mình nhận ra, đã hàng chục năm rồi, chị không có được giây phút nào hạnh phúc cùng người thân như thế.

    Chỉ có điều, lúc trở về, sân khấu với bộn bề công việc đã như người khổng lồ giang tay chờ đón trước. Những chuỗi ngày không thoát khỏi công việc lại bắt đầu. Tuy chồng Kim Cương làm báo, yêu vợ và cũng rất hiểu cho công việc của vợ nhưng sức chịu đựng của anh cũng có giới hạn. Anh ra đi, Kim Cương không trách. Nhưng anh để lại nỗi đau, khoảng trống không gì bù đắp được.

    Mất đi một điểm tựa vững vàng trong khi thế giới sân khấu càng ngày càng phức tạp, Kim Cương chới với. Sức chịu đựng bị đẩy đến giới hạn sau một đêm diễn, Kim Cương về nhà sớm, bắt gặp hình ảnh mẹ, NSND Bảy Nam, khi ấy đã ngoài 80, lụm cụm lại phía tủ, rờ rẫm từng bộ phục trang sân khấu của bà. Thấy Kim Cương, bà bật khóc nức nở: Con à, má nhớ sân khấu lắm!

    4. Với NSND Bảy Nam, Kim Cương luôn gắn bó theo cả hai mối quan hệ: tình mẫu tử và bạn diễn ăn ý, người tri kỷ. Tất cả cứ đan xen để cùng đưa cảm xúc được thăng hoa trên sân khấu. Nào là những "Bông hồng cài áo", "Lá sầu riêng", "Hai màu áo"…

    Kim Cương kể rằng, thời hai mẹ con còn đứng trên sân khấu, NSND Bảy Nam vào vai bà mẹ bị con gái ruồng bỏ, khi nghe diễn câu thoại: Xưa má cho con cái bánh cái cái kẹo con đeo má riết, bây giờ má cho con cả cuộc đời mà con không nhận là vì sao?..., Kim Cương bàng hoàng, đau đớn, thương mẹ như đứt từng khúc ruột.

    Nhưng cũng đã không biết bao lần, sau bao đêm diễn, hai mẹ con cùng hạnh phúc hoặc trăn trở đến mất ngủ trước một vai diễn thành công hay chỉ là một chi tiết diễn chưa tới. Bà luôn nhắc nhở Kim Cương, nghề hát không phải là nghề để kiếm tiền mà là cái đạo, nó rất cao quý. Người nghệ sĩ đứng trên sân khấu là phải làm cho được, khiến cho được người xem sống tốt đẹp hơn chứ không đơn giản chỉ giúp họ mua vui.

    Sống với nghệ thuật cũng không phải vì những tràng vỗ tay của khán giả, càng không phải vì danh vọng mà phải là sống, phải chuyển tải bài học làm người, nói được cái hay cái đẹp của cuộc đời bằng chính vẻ đẹp tâm hồn mình.

    Trút hết mình cho những vai diễn, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sân khấu nhưng cùng với quy luật đào thải khắc nghiệt của nghề nghiệp, nghệ sĩ còn luôn mang trong mình một nỗi đau khác, ấy là khán giả có thể quên được nghệ sĩ, sân khấu có thể thay thế nghệ sĩ này bằng nghệ sĩ khác nhưng nghệ sĩ thì không bao giờ quên được sân khấu của mình.

    Với gia đình 4 đời hoạt động sân khấu, nhìn mẹ, nhìn lại mình, hơn ai hết, Kim Cương hiểu tận cùng của nỗi đau ấy, nỗi nhớ ấy. Đã có những đêm, khi rời bỏ sân khấu, không chịu đựng được, Kim Cương đã nhào đến bên bàn thờ mẹ, tràn nước mắt, vô thức lặp lại chính hành động của chính bà và gọi: Má ơi, con nhớ sân khấu quá.

    5. Kim Cương bây giờ không còn những giây phút quay quắt nhớ sân khấu của mình như thế nữa. Chị bảo, danh vọng buông khó nhưng may mắn là Kim Cương đã làm được và ơn trời, chị đã cho phép mình… già đúng lúc

    (CAND)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  3. vhfuong
    Avatar của vhfuong
    Thương em khắp phố khắp phường
    Đi đâu cũng thấy 1 nường Cương Kim.

    Nhà thơ Bùi Giáng mê bà này lắm , câu trên là 2 câu thơ của ổng nói về nghệ sĩ Kim Cương
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to vhfuong For This Useful Post:


ANH EM CHANNEL