Cô bảo mẫu mê dân ca
“Các con chú ý nhé. Khi con bướm lượn là nó bay cao, còn khi con bướm dạo là nó bay thấp. Vậy nên trong câu trên các con hát chữ bay thật cao, còn câu dưới các con hát thấp hơn một chút nhé...” - tiếng cô bảo mẫu Nguyễn Thị Thanh cứ thế văng vẳng suốt 30 phút mỗi ngày vào giờ ra chơi ở Trường Minh Đạo.
Cô Thanh (bìa phải) và các học trò của mình trong nhóm Nụ Hồng - Ảnh: Mễ Thuận
Ngay sau lời cô, cả lớp học có hơn 40 em đồng thanh: “Dạ, tụi con nhớ rồi”. “Giờ các con hát lại nhé. Ấy hoa nay là hoa... hai... ba...”, cô Thanh tiếp tục bắt nhịp lại bài dân ca Hoa thơm bướm lượn.
Từ một tình yêu âm nhạc...
"Việc làm của cô Thanh vừa giúp các em nuôi dưỡng cảm xúc văn hóa của dân tộc, vừa tránh cho các em khỏi bị thu hút vào các loại nhạc kích động không hay"
Giáo sư TRẦN VĂN KHÊ
Cô Thanh bắt đầu yêu tha thiết những giai điệu dân ca từ những ngày còn bé xíu ở quê hương Kinh Bắc của mình. Cô nhớ lại:
“Ai cũng hát và nghe hát. Mấy bà lớn tuổi khom lưng cấy trên đồng cũng hát, người ra giếng giặt đồ cũng hát. Mình lớn lên và quen với những câu hát ấy”.
Ngôi nhà của gia đình cô Thanh lúc bấy giờ cũng là nơi sinh hoạt văn nghệ của cha cô - vốn là cán bộ văn hóa thông tin địa phương - khi ông dạy học trò hát chèo, diễn văn nghệ.
Cô vẫn còn nhớ mình bắt đầu học đưa đẩy từng nhịp phách và hát theo từng bài khi nghe chương trình dạy hát dân ca trên Đài Tiếng nói Việt Nam. “Tôi thích hát lắm nên trưa nào có dạy trên đài là ngồi nghe cho bằng hết. Cũng từ đài mà tôi học hát dân ca Nam bộ đấy”.
Hàng chục năm dài đằng đẵng, từ tình cảm rất hồn nhiên của đứa trẻ quê hương quan họ đến một cô giáo bảo mẫu ở trường tiểu học, cô Thanh lúc nào cũng nghĩ ra cách nuôi lớn những cảm xúc rất riêng tư ấy với từng lời hát, điệu ngân đã ở sâu trong tâm hồn mình. Những đứa trẻ ở Trường tiểu học Minh Đạo (quận 5, TP.HCM) chính là ngọn lửa khơi ấm cảm xúc âm nhạc ấy trong cô.
Cô Thanh kể:
“Lúc nào rảnh chơi với các em, mình cũng hay hát. Mình hát xong rồi hỏi các con thấy hay không, các con thích không cô dạy?”. Thế là những học trò với cô giáo bắt đầu í a dìu dắt nhau đi vào từng điệu dân ca giản dị.
Lúc cô trò muốn được dạy và học hát bên nhau, cô Thanh không tìm đâu ra chỗ cho các em tập. Cũng thời gian đó, cô bé tên Ngọc Trâm của lớp cô Thanh bị bệnh hiểm nghèo. Mẹ của bé muốn con gái mình có thêm thời gian vui vẻ với bạn bè và cô giáo nên nhường cho cô giáo một phòng dạy các bạn nhỏ tập hát dân ca ngay tại nhà mình.
Cô Thanh nhớ lại khoảng thời gian đó:
“Lúc đó nhóm chỉ có hơn chục bé. Phụ huynh đó rất tốt với tôi và các em. Nhờ căn phòng đó mà những lời hát đầu tiên của các bé thành hình”. Ngọc Trâm và các bạn vui. Lớp dân ca đầu tiên của cô Thanh cũng tràn ngập niềm vui.
Lớp học dân ca miễn phí cho các em học sinh Trường tiểu học Minh Đạo của cô giáo Nguyễn Thị Thanh đã được thành lập gần hai năm. Lớp học bắt đầu từ một nhóm mười em được cô Thanh dạy hát vì yêu thích sau giờ lên lớp. Với sự hỗ trợ của nhà trường về phòng tập luyện, đến nay nhóm dân ca Nụ Hồng của cô đã có hơn 40 em thường xuyên đến học múa hát vào giờ ra chơi mỗi ngày và vài buổi trong ngày cuối tuần. Nhóm thường biểu diễn tại các buổi lễ của trường, biểu diễn khi đi giao lưu ở câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương của Cung văn hóa Lao động.
Nhưng chỉ ít lâu sau đó, căn phòng của gia đình phụ huynh quá tải vì số lượng học trò muốn tập dân ca tăng lên liên tục. Lớp học dân ca hoàn toàn miễn phí nên việc tìm ra chỗ có thể cho cả lớp tập luyện là điều cực kỳ nan giải với cô Thanh. Cô đánh liều xin với hiệu trưởng.
Ngay lập tức, căn phòng rộng 35m2 trên lầu 1 của Trường tiểu học Minh Đạo, nơi nghỉ giữa giờ của giáo viên, được các thầy cô nhường lại để các em cùng cô Thanh bắt đầu những ngày miệt mài đắm mình với niềm say mê âm nhạc.
Cô Đàm Thị Lý, hiệu phó Trường tiểu học Minh Đạo, cho biết:
“Nếu cô Thanh không đề xuất ý tưởng này có lẽ các giáo viên như chúng tôi cũng không khi nào nghĩ được việc mình sẽ mở ra một sân chơi văn hóa vô cùng có ích cho trẻ như thế này”.
Từ đó, những khoảng thời gian 15-30 phút ngắn ngủi của giờ ra chơi cũng là giờ cô Thanh cùng các học trò tụ tập về lầu 1, bắt đầu những bài hát đầy màu sắc của cánh đồng, vườn cây ở nhà quê và những tình yêu quê hương giản dị.
Dạy tình yêu quê hương
Giữa những lần tập hát, cô Thanh tách lời bài hát ra, giảng giải ý nghĩa và gửi gắm của bài hát đến các em. Đâu đó giữa những lời trong phần “Cội nguồn” của bài dân ca Trống cơm, các em sẽ thấy được đất nước mấy nghìn năm, thấy được thời vua Hùng lập quốc, thấy phải yêu quê hương nơi nào cũng đẹp của mình.
Không chỉ có quan họ, cô còn dạy những bài dân ca Nam bộ như Lý rẫy lý vườn, Lý đươn đệm...
Từ hơn 40 học sinh theo học múa hát ở lớp dân ca, cô Thanh chọn những bạn thật sự yêu thích và cả có năng khiếu bổ sung cho nhóm múa hát dân gian Nụ Hồng. Nụ Hồng vì thế nhanh chóng tạo được dấu ấn bởi có phong cách rất riêng mỗi khi xuất hiện trước các thầy cô trong trường cũng như khi tham gia các lễ hội của ngành giáo dục. Bởi lẽ Nụ Hồng không chỉ được cô Thanh và nhà trường mà tất cả phụ huynh đều rất mực chăm lo mọi mặt mỗi khi có “show” đi biểu diễn ở đâu đó.
Cô Thanh hồ hởi khoe rằng nhóm từng tham gia biểu diễn các ngày hội giáo dục từ cấp phòng cho đến cấp sở. Đi đến đâu cũng nhận được những lời khen, rằng lớp trẻ như thế mà biết hát dân ca, biết múa trống cơm thì thật đáng quý.
Tập hát nhuần nhuyễn mỗi ngày, tập múa theo chủ đề, quần áo lượt là chỉn chu, thế là cô trò đủ lệ bộ, cô Thanh bắt đầu dắt các em đến với câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương ở Cung văn hóa Lao động để hát cùng các cô chú lớn tuổi mê dân ca.
Nhiều buổi tối, các em hát và múa trong tiếng vỗ tay thán phục và nụ cười hạnh phúc của thầy Trần Văn Khê, cô NSƯT Thúy Hoan... khi thấy có những mầm non từ rất bé đã biết ngân vang từng lời của một bản cải lương hay một điệu chèo Bắc bộ.
Có những buổi nhà nghiên cứu Trần Văn Khê đến nói chuyện về làn điệu, về nội dung bài dân ca, về thể loại... tại câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương, và các em nhỏ trong nhóm dân ca Nụ Hồng của cô Thanh cũng được nghe trọn vẹn bài giảng của thầy về vẻ đẹp tinh tế nhất của dân ca từng vùng miền mà các em đang tập hát với cô giáo Thanh mỗi ngày.
Có lần, trong dịp sinh nhật thầy Khê, cô trò nhóm Nụ Hồng mang mấy bông hoa tươi đến tặng thầy. Các em hát cho thầy nghe cũng giống như các nghệ sĩ thành danh và lớn tuổi khác đến chúc thọ thầy. Có những lúc trong sinh hoạt văn nghệ, các em đứng cạnh chỗ thầy ngồi và hát thật hay những bài cô Thanh đã dạy.
Chính ở những tiếp xúc ban đầu rất chuẩn mực này, các em hiểu được sâu sắc hơn vẻ đẹp trong từng lời ca mà cô giáo dạy ở trường mỗi giờ ra chơi.
Sau tiếng trống giải lao, giữa những hò hét vui chơi rất vô tư của bọn trẻ, bây giờ Trường Minh Đạo có thêm những tiếng hát say mê cất lên từ căn phòng lầu 1 của trường, nơi cô Thanh và các em nhỏ đang chăm chỉ nuôi tiếng hát dân ca lớn thêm từng ngày...
Các cô học trò nhỏ của Trường Minh Đạo học hát dân ca trong giờ ra chơi - Ảnh: Mễ Thuận
Để đừng quên lãng dân ca
“Việc đưa những làn điệu dân ca kết hợp cùng những trò chơi dân gian tại Trường tiểu học Minh Đạo của cô Thanh phần nào giúp các em có một sân chơi lành mạnh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà lâu nay bị quên lãng. Chúng tôi luôn cố gắng trong khả năng của mình để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho lớp học có ý nghĩa này tiếp tục duy trì hoạt động” - thầy Lê Thanh Hải, hiệu trưởng nhà trường, nói.
MỄ THUẬN - LAN PHƯƠNG
Theo TTO