Người lưu giữ một thời vàng son của cải lương Sài Gòn
PN - Chính Huỳnh Công Minh (ảnh trên) cũng không nghĩ mình đang có một kho báu quý giá và đến cuối đời, tài lộc của ông đã phát lên từ kho báu này.
Khi ông khoe với giáo sư Trần Văn Khê bộ ảnh ông chụp, đã lưu trữ trong suốt 40 năm ông theo đuổi sân khấu cải lương, giáo sư Trần Văn Khê đã thốt lên: Trời, ông đang có một kho báu. Nói tới cải lương thời vàng son nhiều người nghe nói, chưa mấy được thấy. Kho tư liệu của ông đúng là vô giá!
Kho ảnh là kết quả một đời theo cải lương của Huỳnh Công Minh. Thuở nhỏ số phận đưa đẩy cậu bé Minh vào làm thợ chụp hình ở sở thú. Tình cờ một lần, Minh được giao mang hình đến rạp hát, lần đầu tiên đặt chân đến một thế giới lạ lẫm, Minh như choáng váng với những xiêm y mũ mão rực rỡ, diễn viên hát múa rần rần. Thế rồi Minh được cho vào rạp để chụp hình nghệ sĩ (NS). Nhớ buổi đầu ôm máy đứng thập thò ở cánh gà, ông bị NS Hoa Búp thấy vướng chân, muốn đuổi khéo nên la ầm lên, ông quê quá "lủi" luôn.
Được bà bầu Thanh Minh thuê làm người chụp hình cho gánh hát, Huỳnh Công Minh là người đầu tiên có sáng kiến chụp hình vở diễn và NS để treo trước cửa rạp. Thấy bà con bu đến xem đông, các gánh hát khác cũng bắt chước làm theo để quảng cáo. Ông vừa có tính cẩn thận, kỹ lưỡng vừa rất mê cải lương nên chụp xong là tự tay ông tráng phim và cắt thành từng bộ, lưu trữ cẩn thận. Trên 20.000 bức ảnh của hơn 500 vở tuồng trước năm 1975 đủ để xếp thành một bộ sách ảnh lịch sử cho sân khấu cải lương Sài Gòn thời vàng son. Phim ông giữ cũng rất kỹ, đến giờ in lại hình vẫn trong vắt. NS Thanh Nga là người được ông chụp và lưu giữ ảnh gần như trọn vẹn các vở diễn và rất nhiều những bức trong sinh hoạt đời thường. Ngay sau khi được lời động viên của giáo sư Trần Văn Khê, ông đã cầm nhà lấy tiền tự in cuốn sách ảnh Vang bóng một thời. Sách in xong, ông không đưa vào hệ thống phát hành mà gửi bán ở những nơi có khán giả và nhiều người lui tới như rạp Hưng Đạo, các nhà văn hóa, Hội sân khấu. Không ngờ, sách in không đủ để bán.
Tự tin hơn, ông cho ra mắt bộ sách thứ tư với tựa đề Thanh Nga - Sân khấu và cuộc đời, số phận và tình duyên. Ông cũng vừa triển lãm hơn 200 bức ảnh về NS Thanh Nga nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2009. Trong bộ sách này, ông in lại những bức ảnh của NS Thanh Nga từ khi mới bước lên sân khấu đóng những vai đào con cho đến một Thanh Nga lừng lẫy tiếng tăm. Bên cạnh đó, sách còn có những bài viết của bạn bè ông về NS Thanh Nga.
Những bức ảnh của nghệ sĩ Thanh Nga do Huỳnh Công Minh chụp
Những bức ảnh ông chụp trên sân khấu không chỉ là một bộ sưu tập gần đủ danh mục các vở diễn lớn của Sài Gòn thời bấy giờ mà còn có cả những bức ảnh nghệ thuật, chụp ra được cái thần thái hay nhất của diễn viên đang diễn. Để có được những bức ảnh đó, ông tâm sự: "Mình không được tiếc phim. Khi mới chụp, mình chỉ nghĩ cứ chụp để NS nào thích in hình trọn bộ, có thể kiếm thêm chút tiền, nhưng rồi không thấy ai muốn in. Thời đó, NS người ta hát có tiền là thích đi đánh bài".
Từ chụp ảnh, ông tiến sang cầm bút. Trong thế giới muôn màu của kịch nghệ, ông quan niệm mình chỉ viết để đưa lên một NS phải đúng mức đúng tài. Với mỗi NS, ông lưu giữ không chỉ hình ảnh mà còn gửi theo đó là muôn vàn những chuyện kể và những ấn tượng rất riêng. Thanh Nga chinh phục ông bởi chữ tài và chữ hiếu. Ngọc Giàu duyên dáng, giọng ca đẹp và hoạt bát... Rất nhiều NS cải lương đã in dấu trong ảnh của ông từ thời còn là đào con, kép con bé xíu như Hương Lan, Bảo Quốc.
Thời gian phôi pha, thật đáng quý khi ông vẫn đang giữ những bức ảnh ông chụp NS Kim Ngọc, NS Ngọc Giàu còn rất thon thả trong thời xuân sắc. Rồi, những bộ áo dài, những trang phục cảnh trí của sân khấu một thời vẫn hiện lên đầy đủ theo từng NS. Những bộ ảnh của ông còn kéo theo cả một danh mục chính xác tên vở, tên tác giả và tên diễn viên cả chính lẫn phụ.
Say nghề, yêu sân khấu, trân trọng những NS, nâng niu gìn giữ một thời vàng son của sân khấu, bản thân Huỳnh Công Minh đã giữ trọn được cái tâm của một NS.
Việt Nga(Theo Phụ Nữ Online)