NSƯT Bạch Tuyết:
Tôi chọn cách ứng xử hợp lý với số đông
Cuộc sống là thế. Có cách ứng xử, lựa chọn được cho là hợp lý với nhóm người này nhưng có khi lại không hẳn hợp lý với nhóm người khác. Bạch Tuyết chọn cách lựa chọn hợp lý với số đông.
- Gần đây khán giả ít thấy NSƯT Bạch Tuyết xuất hiện trên sân khấu, có lý nào đặc biệt không, thưa chị?
- Thời gian này, nghề diễn với Bạch Tuyết đã đứng ở vị trí thứ yếu. Nói cách khác là Bạch Tuyết không diễn để kiếm sống nữa mà chủ yếu là hoạt động nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật, tham gia hoạt động xã hội từ thiện, diễn ít đi và thường là lui về phía sau, làm nền cho lớp trẻ, giúp các bạn trẻ được chút nào hay chút ấy. Bạch Tuyết quan niệm, mình làm thế cũng là một cách trả nghĩa ở đời.
Trước đây, Bạch Tuyết được các nghệ sĩ bậc thầy đi trước chỉ dạy, trưởng thành, nay mình lại thế vào vị trí ấy, chung tay bắc tiếp một nhịp cầu trong cây cầu vô tận của nghề vậy. Bạch Tuyết có may mắn là được nhiều bậc tiền bối trong nghề chỉ dạy tận tình: nghệ sĩ Năm Châu, cô hai Kim Cúc, má Bảy Phùng Há… nên rất hiểu vai trò của người thầy quan trọng đến thế nào.
Đành rằng nghệ sĩ là phải có năng khiếu, có giọng ca trời phú, tâm hồn nhạy cảm, nhưng nếu thiếu kỹ thuật thì không thể thành tài. Ví dụ muốn ca hay, nghệ sĩ cải lương phải biết với bài Bắc phải vào giọng như thế nào, bài Nam phải vào giọng ra sao. Muốn diễn tốt phải hiểu, phân tích được tâm lý, hành động của nhân vật, phục trang như thế nào cho phù hợp.
Chỉ một vai công chúa thôi cũng có ba bảy đường. Công chúa thời Đinh Tiên Hoàng, các nghi lễ, thể thức cung đình chưa phức tạp, phục trang không cầu kỳ lộng lẫy, sang trọng như công chúa thời Lý, Trần. Đóng một cô gái bán hoa, làm nghề bán dâm vì đĩ tính khác cách thể hiện một cô gái nghèo buộc phải bán thân lấy tiền giúp gia đình như thế nào, buộc người diễn phải cảm nhận, phải hiểu được mới chuyển tải được, thuyết phục được người xem.
Sân khấu không giống các loại hình khác, người nghệ sĩ đứng lên sân khấu là diễn, không có chuyện làm lại, chỉnh sửa lại. Tính hợp lý trong nghệ thuật sân khấu cũng dữ dội hơn là vì thế…
- Chuyển nghề biểu diễn từ chính thành phụ vì chị không thích diễn nữa hay vì quy luật đào thải khắc nghiệt của nghề hát?
- Với người nghệ sĩ nào thì được đứng trên sân khấu vẫn luôn là hạnh phúc. Bạch Tuyết cũng thế. Nhưng hiện nay chỉ chọn lọc những chương trình thấy phù hợp, có giá trị nghệ thuật cao. Đây là cách lựa chọn hợp lý với Bạch Tuyết và cũng là hợp quy luật.
Nhưng có điều này, tôi không đồng ý khi nhiều người hay cho rằng vở diễn này cũ, vai diễn này cũ, gương mặt diễn viên không mới, riêng tôi cho rằng quan niệm đó là không chính xác. Có thể cũ với người này, với thế hệ này nhưng lại mới với người khác, thế hệ khác.
Có những vai diễn, vở diễn mà đến nay chưa bao giờ xưa cũ. Với vai nàng Kiều chẳng hạn. Thời trẻ tôi đóng vai Kiều, 40 tuổi đóng vai Kiều và 60 tuổi vẫn đóng vai Kiều nhưng đó không phải là sự lặp lại. Vai Thái hậu Dương Vân Nga, ngày xưa má Bảy Phùng Há đóng được khán giả yêu thích, Bạch Tuyết đóng rồi diễn viên hôm nay cũng đóng, diễn hay vẫn được yêu mến. Không có vở diễn cũ, vai diễn cũ mà quan trọng là làm thế nào để khán giả yêu mến vai diễn…
NSƯT Bạch Tuyết và Nhạc sĩ Khương Cường
- Nhưng cũng không thể phủ nhận tác động của thời gian, của tuổi tác đến người nghệ sĩ biểu diễn?
- Với một số lĩnh vực, ví dụ như điện ảnh, người diễn viên khó che giấu tuổi tác nhưng với nghệ thuật sân khấu cải lương thì khác, nhờ vào việc hóa trang và khoảng cách giữa khán giả với sân khấu. Khán giả cải lương cũng khác, đã yêu, đã thích giọng ca nào là khó bỏ. Hiện nay thiếu gì băng đĩa, thiếu gì chương trình, thiếu gì nghệ sĩ nhưng nhiều người vẫn thường xem, vẫn tìm, vẫn giữ những băng, đĩa về những vở diễn, vai diễn của người nghệ sĩ mà họ yêu mến cách nay vài chục năm…
- Xuất hiện trực tiếp trên sân khấu thì khác. Ví dụ như sau vài chục năm, giọng ca của nghệ sĩ sẽ không còn khỏe, còn ngọt như thời trẻ. Lớn tuổi quá, động tác cũng không linh hoạt, kém hoạt bát hơn?
- Đó là quy luật. Không thể chống lại quy luật. Nhưng như Bạch Tuyết đã nói, có những người đã mê giọng ca nào là khó bỏ. Có khi họ tìm đến với sân khấu để được gặp, được nhìn người mình mến mộ nhiều hơn. Cuộc sống là thế. Có cách ứng xử, lựa chọn được cho là hợp lý với nhóm người này nhưng có khi lại không hẳn hợp lý với nhóm người khác. Bạch Tuyết chọn cách lựa chọn hợp lý với số đông.
- Nhưng kể cũng lạ, nghệ sỹ tuổi đã 60 mà giọng hát trên sân khấu vẫn như tuổi 20. Ai cũng biết đó là hát nhép. Nghệ sỹ cải lương mà hát nhép, nghe cũng kỳ! Chị nghĩ sao?
- Phải khó khăn lắm nghệ sĩ mới xây dựng được hình ảnh của mình trong lòng công chúng. Ai chịu trách nhiệm khi nghệ sĩ đang hát mà âm thanh lại tậm tịt? Mà với hệ thống âm thanh của chúng ta hiện nay thì chuyện này rất dễ xảy ra… Về việc các nghệ sĩ lớn tuổi đứng trên sân khấu cũng có nhiều lý do, phải tùy thuộc từng trường hợp mới có thể có ý kiến chính xác được. Bạch Tuyết không theo dõi hết các chương trình nên chỉ có thể nói về mình nhưng có điều thế này, đã làm nghề thì phải trung thực.
- Cảm ơn chị!
(CAND)