Như cây lúa mọc thẳng
Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa gần giống với cuộc phiêu lưu của chính Thanh Nam để khám phá, để nhìn lại những gì thuộc về mình.
Bộ phim Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa đã thu hút khán giả bởi Hai Lúa - Thanh Nam tốt bụng nhưng khiến người xem không nhịn được cười. Với dáng đi thảnh thơi như chẳng có việc gì phải hối hả, cái chất nhà nông luôn được gọi yêu là “hai lúa” đã in sâu trong tính cách NSƯT Thanh Nam.
“Chết” tên Hai Lúa
Dù chỉ mới bén duyên với phim truyền hình nhưng anh đã có mặt trong 5 bộ phim mà vai chính hay vai phụ anh đều làm “hai lúa”. “Hễ những vai nông dân thật thà, chất phác là đạo diễn nghĩ đến tôi. Riết rồi ra đường gặp khán giả, bà con cứ gọi tôi là hai lúa” - Thanh Nam cười.
Quả nhiên không thể phủ nhận phong cách diễn xuất rặt nông dân của Thanh Nam khi anh hóa thân vào dạng tính cách “hiền như cục đất” nhưng luôn đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Ông Hai lúa trong bộ phim mới nhất của anh đang sống yên ổn nơi làng quê, bỗng dưng một khu công nghiệp mới mọc lên bên cạnh mảnh đất của nhà ông. Nhờ một vài công đất được đền bù với giá cao, ông Hai Lúa bị hút vào vòng xoáy “lên đời” cùng với bà con láng giềng. Ước mơ và hành động ngông cuồng của ông đã khuấy động ấp Xẻo Lá khi Hai Lúa tuyên bố dứt khoát không để thua kém một ai.
Nhân vật của Thanh Nam, trong bộ phim này, dù đơn giản nhưng khái quát cả một quá trình đô thị hóa nông thôn trong thời hội nhập, nơi mà những nông dân chưa được trang bị vốn sống của một người dân đô thị, chưa chuẩn bị bước vào đời sống thị trường đã bị cơn lốc “lối sống đua đòi” cuốn đi. Những Ba Đời, Tư Ếch, Hai Lúa, Tư Măng... hoặc những thanh niên mới lớn như: Sáu Nhú, Bảy Cò, Tám Tằng trong phim rất gần gũi với người xem hôm nay, dù một vài tình huống vẫn còn... kịch hóa, nhưng khán giả thích nhất vẫn là nhân vật Hai Lúa.
Cũng phiêu lưu như Hai Lúa
Với vốn liếng của hơn 30 năm sống trong thế giới màn nhung, anh đi vào mỗi tập phim, mỗi tình huống nhẹ nhàng như chính cuộc sống của mình vậy. Mỗi tập phim được đạo diễn Hồ Ngọc Xum dàn dựng theo từng chủ đề xoay quanh sự thích nghi của Hai Lúa khi nắm trong tay quá nhiều tiền: Hai Lúa sắm tivi, Hai Lúa nhập Sài thành, quán nhậu Hai Lúa, Hai Lúa đi mua chó... mà vui nhất là Hai Lúa chơi chứng khoán. Mỗi câu chuyện phim đã khiến người xem cười ra nước mắt, vì khác với các bộ phim trước đó, cách diễn mới mẻ của Thanh Nam đã không để khán giả biết trước mà anh bất ngờ tạo tình huống để đẩy người xem đến chỗ thú vị và bật tiếng cười. Tuy nhiên, tiếng cười không rơi vào khoảng trống giải trí đơn thuần mà đằng sau nó là nỗi thương cảm cho những người chân quê chất phác, thật thà, những thân phận quen cuộc sống tay lấm chân bùn đã choáng váng trước đồng tiền nên sử dụng đồng tiền không đúng chỗ. Ở góc cạnh nhân văn, bộ phim không lên án thói học làm sang mà qua đó cảnh báo những nguy hiểm luôn rình rập họ, những bất trắc có thể ập xuống không chỉ cho họ mà cho thế hệ con cháu họ.
Ở những tập cuối của bộ phim, nhân vật Hai Lúa đã ngộ ra một chân lý: “Chỉ có sức lao động mới tạo ra của cải bền bỉ. Và không nơi đâu đẹp, an toàn cho bằng quê hương mình”. NSƯT Thanh Nam tâm đắc: “Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa gần giống với cuộc phiêu lưu của chính tôi để khám phá, để nhìn lại những gì thuộc về mình. Qua vai này, tôi thấy cuộc sống của con người dù có hiện đại đến mấy, dù sống lừa lọc, gian trá đến đâu thì giá trị thật vẫn là tình nghĩa ở đời. Hai Lúa như cây lúa mọc thẳng, hướng mặt lên ánh sáng mặt trời giữa sự mênh mông của đồng ruộng. Lúa đón ánh nắng, reo cười khi những giọt mồ hôi tưới xuống. Đời tôi cũng như... Hai Lúa vậy”.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum nói: “Tôi thích cách diễn chân thật, mộc mạc của Thanh Nam. Khi nhận làm phim này, tôi đã nghĩ ngay đến cách thể hiện của Thanh Nam. Ưu điểm của anh trước hết là đã có một quá trình gắn bó với sân khấu cải lương, hiểu biết và có được sự quan sát chuẩn nhất về nông dân ở miền Tây sông nước nên khi thể hiện nhân vật, anh làm chủ được tình huống và chúng tôi không ngờ chính anh đã bổ sung vào đường dây bộ phim nhiều tình huống, nhiều vốn sống từ cuộc đời thật của anh”.
“Đệ nhất danh hài miền Tây”
Năm 17 tuổi, Thanh Nam được tuyển vào Đoàn Văn công huyện Châu Thành. Được các nghệ nhân đờn ca, như: Tư Bé, Sáu Chăm dạy nên anh ca được nhiều bài bản. Anh ôm ấp ước mơ làm kép hát, thích được đóng những vai anh hùng chiến sĩ, oai phong lẫm liệt. Nhưng bất ngờ như một định mệnh, anh về quản lý Đoàn Dạ Lan Hương lúc đất nước vừa thống nhất. Trong đoàn, có anh hề tên Sỹ Liêm bị bệnh, không ai đóng vai Tý theo hầu nhân vật Dương Lễ (vở Lưu Bình, Dương Lễ), thế là Thanh Nam đã đóng thế để rồi gắn cả sự nghiệp mình với những vai hài. Chị anh nói: “Cái số của em chỉ hợp với loại vai tính cách nên chuyển sang hài em sẽ thành công, còn đóng kép thì “hai lúa” khó làm kép lắm”.
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp sân khấu cải lương, tên tuổi Thanh Nam được bà con nông dân yêu mến qua nhiều vở cải lương vang bóng trên sân khấu Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang, nơi mà hiện nay anh đang là phó trưởng đoàn phụ trách nghệ thuật.
Khán giả yêu quý đã đặt cho anh biệt danh “Đệ nhất danh hài miền Tây”, sau hàng loạt vai, như: Mã nàm (Tình yêu tướng cướp), Sáu Thời (Không bán tình em), cậu Phú (Hàn Mạc Tử), Tư xích lô (Yêu và ghen), Đào Vĩnh Trạch (Một chuyện tình buồn), Tân (Tô Ánh Nguyệt), Tiểu Cẩu (Vụ án Mã Ngưu)...
Bài và ảnh: Thanh Hiệp