Mạnh Lệ Quân: Giấc mơ của người phụ nữ thời xưa?
Có người mê tích Mạnh Lệ Quân đến nỗi sáng tác cả một bản nhạc mang tên “Mạnh Lệ Quân Thoát Hài” (chưa rõ tác giả) được dùng trong các bài ca cổ, tuồng cải lương. Bản “Mạnh Lệ Quân Thoát Hài” được phổ biến hiện nay có 20 câu, mỗi câu có 2 nhịp, và thường được gõ song lang theo nhịp chiếc, tức mỗi nhịp gõ 1 song lang.
Tôi không được may mắn xem các nghệ sĩ diễn Tái Sanh Duyên trên sân khấu lẫn trên ti vi trước năm 1975, nhưng tôi được nghe hầu hết các thế hệ nghệ sĩ lần lượt diễn đi diễn lại Tái Sanh Duyên trong băng cassette. Vở đầu tiên do nghệ sĩ Bạch Tuyết, Hùng Cường đóng chánh. Kế tiếp là nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Vương đóng chánh, thu cho hãng dĩa Việt Nam. Sau năm 1986, nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Vương diễn lại tuồng này với những vai phụ mới và tên mới là “Kỳ nữ Mạnh Lệ Quân” (có video). Rồi nghệ sĩ Phượng Mai quay video với nghệ sĩ Kim Tử Long.
Tôi thích nghe tuồng Tái Sanh Duyên của hãng dĩa Việt Nam (soạn giả Loan Thảo) với dàn nghệ sĩ Lệ Thủy (Mạnh Lệ Quân), Minh Vương (Hoàng Phủ Thiếu Hoa), Thanh Bạch (Hoàng Phủ Kính), Thanh Thanh Hoa (Hoàng Phủ Trưởng Hoa), Thanh Kim Huệ (Tô Yến Tuyết), Dũng Thanh Lâm (Lưu Khuê Bích), Thanh Tuấn (Nguyên Thành Tôn), Tám Vân, Văn Chung, Phi Thoàng, Bích Hạnh, Hồng Nga.
Nội dung tuồng có thể tóm tắt như sau:
Mạnh Sĩ Nguyên tổ chức “tỷ tiễn tranh hôn”. Tô Yến Tuyết chạy ra xem mặt “thí sinh” thì Lưu Khuê Bích trông thấy ngỡ Yến Tuyết là Lệ Quân. Mãi lo nhìn giai nhân, Khuê Bích bắn trật mũi tên thứ 3 nên thua cuộc. Từ đây, Mạnh Lệ Quân coi mình như đã là vợ Thiếu Hoa. Khuê Bích âm mưu phóng hỏa đốt chết Thiếu Hoa, Thiếu Hoa được Lưu Yến Ngọc (em gái Khuê Bích) cứu thoát, Thiếu Hoa đính ước với Yến Ngọc. Hoàng Phủ Kính được lệnh xuất chinh trừ giặc Phiên, không may thua trận bị bắt làm tù binh. Nhân cơ hội, Khuê Bích xúi cha vu cáo Hoàng Phủ Kính đầu giặc. Hoàng Phủ phu nhân và Trưởng Hoa bị bắt về kinh, Thiếu Hoa bỏ trốn, đổi tên thành Vương Thiếu Phủ. Lưu Thái Sư xin vua ban chiếu gả Lệ Quân cho Khuê Bích. Lệ Quân cải nam trang bỏ trốn, đổi tên thành Lệ Quân Ngọc, nhờ Yến Tuyết giả Lệ Quân làm cô dâu. Trong ngày tân hôn, Yến Tuyết dùng dao ám sát Khuê Bích nhưng bất thành. Yến Tuyết nhảy xuống hồ sâu tự tử, được Lương Thừa Tướng cứu và nhận làm con nuôi, đổi tên là Tố Hoa. Lệ Quân đáo kinh thành dự thi đỗ Đệ nhất giáp - Trạng Nguyên, Lương Thừa Tướng gả Tố Hoa cho Lệ Quân Ngọc.
CD Tái Sanh Duyên với Minh Vương và Lệ Thủy
Lệ Quân Ngọc được vua “bổ nhiệm” chức Thừa Tướng, coi việc tuyển nhân tài đánh giặc. Được Lệ Thừa Tướng nâng đỡ, Vương Thiếu Phủ lãnh chức Bình Đông Nguyên soái đi dẹp giặc thắng trận, cứu được phụ thân về. Nguyên Thành Tôn xử tội cha con Lưu Tiệp và phong Thiếu Hoa chức Đông Bình Vương, gả Yến Ngọc cho Thiếu Hoa, phong Trưởng Hoa làm Hoàng hậu.
Trong ngày hôn lễ Thiếu Hoa với Yến Ngọc, Lệ Thừa tướng “nổi máu ghen” bèn có lời “xâm xỉ”. Mẹ con Thiếu Hoa nghi ngờ Lệ Thừa Tướng là Mạnh Lệ Quân, nhờ Hoàng Hậu giúp làm rõ chân tướng. Hoàng Hậu mời Lệ Thừa Tướng vào cung vẽ tranh, phục rượu cho say rồi cởi giày để xem, thấy Lệ Thừa Tướng… bó chân. Thành Tôn lâu nay “nhắm nhía” Lệ Thừa Tướng, nay biết rõ bèn lập tức đến phủ Lệ Thừa tướng “tỏ tình”. Lệ Thừa Tướng từ chối. Giữa triều, Lệ Thừa Tướng dâng biểu nói rõ mình là “nữ cải nam trang”. Thành Tôn ra lệnh xử trảm Lệ Quân. Cả triều đồng loạt xin tội cho Lệ Quân. Đang lúc “gay cấn” thì có lệnh của Thái Hậu xá tội cho Lệ Quân, phong làm Bảo Hòa công chúa. Thành Tôn không dám trái lệnh mẹ, đành để cho Thiếu Hoa cưới Lệ Quân, Yến Tuyết và Yến Ngọc.
Nhiều khán giả chết mê chết mệt anh chàng Thiếu Hoa trẻ tuổi đẹp trai, võ dõng ngang tàng may mắn lấy được ba người vợ đẹp. Riêng tôi, thì tôi không thích Hoàng Phủ Thiếu Hoa. Thiếu Hoa là nhân vật có tâm lý mờ nhạt, tính tình thờ ơ, không có chủ kiến, thiếu đặc điểm riêng nổi bật so với hình ảnh người anh hùng thời xưa. Thiếu Hoa thấy cô nào mặt mũi coi được, người ta mở lời, là “xáp dzô” liền. Đã hứa hôn với Lệ Quân, sang nhà Khuê Bích chơi, gặp em gái Khuê Bích nói “ba điều bốn chuyện” xong cũng “đính ước”. Sau này nghe nói Yến Tuyết yêu mình thì Thiếu Hoa cũng bằng lòng cưới luôn. Rõ ràng, Thiếu Hoa thiếu đi cái ý chí quyết tâm bảo vệ cuộc hôn nhân “danh chính ngôn thuận” của mình. Từ đầu đến cuối, Thiếu Hoa làm việc gì cũng phải nhờ phụ nữ “dẫn đường”. Ngược lại, tuy mang tiếng “tiểu nhân”, tính cách nhân vật Lưu Khuê Bích tình cảm nồng nhiệt hơn Hoàng Phủ Thiếu Hoa. Đang thi đấu, Lưu Khuê Bích nhìn thấy Yến Tuyết đã xuýt xoa: “Kìa, tiểu thơ. Quả là một giai nhân hữu sắc”, trong khi Thiếu Hoa thì như không hay không biết. Với địa vị Quốc Cựu, con trai quan Thái Sư, phong tư dung mạo chẳng kém ai, Khuê Bích có thể cầu hôn được nhiều cô Tiểu thư khác, nhưng Khuê Bích quyết tâm làm mọi cách để cưới cho được người mà Khuê Bích yêu. Khuê Bích tự khen cuộc hôn nhân của mình là duyên trời: “Sách có câu “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, duyên nợ đôi ta ắt cũng số định nơi trời. Nên trải bao lần thay đổi biển dâu rồi cũng có ngày Mạnh Lưu nên nợ. Vậy nàng hãy cùng ta cạn ba chén rượu gọi là thắt chặt mối lương… duyên. Hai cuộc đời kết hợp từ đây, như phụng được gần loan, ôi Châu Trần nào đẹp hơn”. Khuê Bích tức giận hăm dọa vì bị vợ mình “ám sát”, nhưng khi Lệ Quân (giả) nhảy xuống hồ, Khuê Bích vẫn kêu gào tên nàng thảm thiết. Khi âm mưu thất bại, Khuê Bích tự nhận lỗi về mình, xin vua xử tội y mà tha cho cả nhà họ Lưu, âu cũng là bậc hảo hán. Với chất giọng trầm, nồng ấm rất đặc biệt khác người, cách diễn qua giọng ca điêu luyện, nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm đã lột tả được một Lưu Khuê Bích vừa đáng ghét nhưng cũng rất đáng thương.
DVD Kỳ nữ Mạnh Lệ Quân làm lại với Minh Vương, Lệ Thủy và dành diễn viên phụ mới
Còn cái hay của nghệ sĩ Thanh Tuấn là chỉ cần qua giọng ca trầm ấm, nhấn nhá đúng chỗ, đã diễn tả được chất đa tình, lãng mạn của một ông vua trẻ nhưng không kém phần sang trọng, quyền uy: “Ôi nhìn vẻ e dè sợ hãi, ta cứ ngỡ là cánh hoa xuân ngại ngùng trước cơn gió lạ. Trong giây phút ta chợt quên đi tất cả, quên cả ngôi cao quên đi lộc cả, mà ngỡ rằng quả nhân là người khách lạ vừa lạc bước đến non tiên. Giữa ngàn hoa đua nở. Mà khanh là một vì tiên nữ. Đẹp như chúa tể loài hoa, ôi sắc hương bá mị thiên kiều. Cho trẫm ngẩn ngơ cả tâm hồn, một lần đối diện với thần tiên”. Rồi từ hăm hở, vui vẻ đùa cợt nhà vua chuyển sang… kể khổ: “Dẫu ta một đấng quân vương ngự trị trên chín từng ngôi báu, nhưng vẫn là con người có trái tim, có tình cảm, vẫn thấy nhớ thấy thương, thấy lòng rung động bởi một giai nhân sắc nước hương… trời. Là một vì vua cao quý hơn đời, lắm khi ta thấy không bằng một tên dân cùng đinh nghèo khổ sống âm thầm nơi thôn dã đìu hiu. Luật lệ triều đình, địa vị một quân vương đã làm cho ta yêu mà nghẹn lời không được nói. Không lẽ khanh không thấy lòng xúc động trước tấm chân tình của một đấng quân vương…”. Nghệ sĩ Thanh Tòng, có lẽ đã quen với những vai diễn “gương mẫu, mực thước” không biết “tán gái”, nên Nguyên Thành Tôn của Thanh Tòng hài hước, chân chất đến tội nghiệp.
Có thể nói, Tái Sanh Duyên của hãng dĩa Việt Nam thành công và thu hút người nghe cho đến tận bây giờ, nhờ tài nghệ ca diễn xuất sắc, bay bỗng của “dàn bao” hùng hậu gồm: Thanh Tuấn, Dũng Thanh Lâm, Thanh Bạch, Văn Chung, Thanh Kim Huệ…
Tuy nhiên, trong lịch sử, triều Nguyên tồn tại ở Trung Quốc từ năm 1271 đến 1368, sau triều Tống và trước triều Minh. Nguyên Thành Tôn còn gọi là Đại Hãn Thiết Mộc Nhĩ, là vị Hoàng Đế thứ 2 nhà Nguyên. Theo Từ điển Lịch Sử Chế Độ Chính Trị Trung Quốc (Tác giả: Chu Phát Tăng, Trần Long Đào, Tề Cát Tường. Dịch giả: TS Nguyễn Văn Dương), nhà Nguyên không có chức Thừa Tướng lẫn Thái Sư. Chức vụ cao nhất trong triều là Đạt Lỗ Hoa Xích (Giám Sát Quan) và Trát Lỗ Hốt Xích (Tổng Lý Quan). Chỉ người Mông Cổ mới có thể giữ chức. Ở các địa phương, nhà Nguyên chỉ cho phép người bản địa giữ chức Thổ Ty. Chế độ khoa cử triều Nguyên cũng dựa vào quy định có trước của triều Tống, Liêu, Kim. Những thí sinh sau khi thi đỗ (đăng khoa) thì phải trải qua cuộc thi “cởi áo vải” của Bộ Lại, gồm 4 nội dung: thân, ngôn, phán, thư. Trong đó, “thân” là xem thân thể, diện mạo có đầy đặn, phương phi hay không. (Thì ra tiêu chuẩn làm quan ngày xưa còn là phải “đẹp trai”).
Cứ theo Tái Sanh Duyên thì “lý lịch” của Hoàng Phủ Kính (huyện Giang Lăng tỉnh Hồ Bắc), Mạnh Sĩ Nguyên (huyện Côn Minh tỉnh Vân Nam) không thể nào làm quan to trong triều được. Còn tiểu thư nhà họ Mạnh với đôi bàn chân dị tật (nhân tạo) nhỏ xíu, chỉ có thể đi khập khiễng, liêu xiêu bằng gót chân, ra khỏi nhà đã khó, nói gì đến đi bộ từ Vân Nam đến Bắc Kinh. Làm sao Mạnh tiểu thư có thể leo trèo lên ngựa, xuống ngựa, đi đứng nghênh ngang, mạnh dạn như một nam nhân? Mà có đi thi được thì đến lúc Bộ Lại khảo sát “thân” cũng “lòi chành té mứa”.
Phải chăng khi xây dựng hình tượng nhân vật Mạnh Lệ Quân tiểu thư dám bỏ trốn khỏi nhà, giả trai, đi thi, làm quan cao nhất triều (không hề thua nam giới), người xưa đã phản ảnh giấc mơ về tự do, giấc mơ giải phóng người phụ nữ khỏi tập tục “khuê môn bất xuất”?
Tạ Phong Tần