Nữ đại gia ngầm của giới cải lương: Chửi thẳng mặt ngôi sao, đến Hồng Vân cũng phải khóc
Thập niên 1990, cải lương video và audio thịnh hành cả trong nước và hải ngoại. Đây là cơ hội vàng giúp NSƯT Hoa Hạ kiếm được rất nhiều tiền và trở thành đại gia của giới cải lương.
Nữ đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ là người đã đi qua nhiều thăng trầm trong nghệ thuật. Chị nhận được nhiều vinh quang nhưng cũng mất mát không ít cho cải lương lẫn thoại kịch.Dẫu vậy, chị không bao giờ muốn kể công vì chị đã tâm niệm với Tổ nghiệp sân khấu, dù có hy sinh đến thế nào, chị không bao giờ nghĩ đến hai chữ "hối tiếc". Điều khác nữa khiến đồng nghiệp rất ngưỡng mộ Hoa Hạ, bởi vì chị luôn là người tiên phong, dám làm những điều khiến nhiều người bất ngờ và thán phục.20 tuổi đã thành danh, đóng phim với Thương Tín, Chánh Tín
NSƯT Hoa Hạ tên thật là Ánh Phượng, chị sinh ra trong một gia đình nghèo tại Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang. Chính vì vậy, dù đi theo nghệ thuật trong thời bao cấp không có cơ hội kiếm nhiều tiền như ngày nay nhưng chị đã ý thức mang vác trách nhiệm lo cho gia đình.Năm 1977, từ quê nhà chị khăn gói lên Sài Gòn thi vào khóa 1 lớp đạo diễn trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM). Từ năm nhất đến năm thứ tư, chị học chuyên ngành đạo diễn. Đến năm thứ năm, chị được đào tạo thêm diễn xuất, cải lương, kịch nói và biên kịch.
Đạo diễn, NSƯT Hoa Hạ thời trẻ. (ảnh trong bài do NVCC)
Nhờ vậy mà vào độ tuổi 20, chị đã có cơ hội đóng vai chính cùng với ngôi sao Nguyễn Chánh Tín trong bộ phim nổi tiếng thời ấy, tựa đề "Con mèo nhung". Lúc này chị còn lấy nghệ danh là Ánh Phượng.
Năm 1981, chị lặng lẽ đăng ký một cuộc thi hát do TPHCM tổ chức. Vì sợ người quen nhận ra mình nên chị lấy tên là Hoa Hạ. Tại cuộc thi này, chị đoạt giải Nhất Đơn ca. Nghệ danh Hoa Hạ bắt đầu từ đấy. Sau đó, chị tốt nghiệp đạo diễn với vở "Mối tình qua tết Liboong" tại đoàn Cửu Long Giang.Vào năm 1984, khoảng 22 tuổi chị được nhận về lần lượt tại hai đoàn kịch nổi tiếng là Cửu Long Giang và Bông Hồng. Tuổi đời quá trẻ, nhan sắc vượt trội và diễn giỏi, nên thay vì được giao vai trò đạo diễn, chị được mời làm đào chính. Thời gian ấy, tài năng của Hoa Hạ hợp cùng với các kép chính Thương Tín, Minh Hoàng đã làm say mê nhiều khán giả yêu kịch nghệ.
NSƯT Hoa Hạ kể: "Nghệ sĩ thời bao cấp không có nhiều tiền, cũng không có cơ hội giải trí và hưởng thụ như ngày nay. Chúng tôi dành hết 80% thời gian trên sàn tập, sàn diễn nhưng hưởng lương cố định hằng tháng. Khi gặp nhau trong các buổi cafe cũng trao đổi kiến thức nghệ thuật. Nhờ vậy mà chúng tôi tạo ra nhiều tác phẩm có chiều sâu.Tôi vì phải lo cho gia đình nên tranh thủ đi dựng vở cho các đơn vị tham gia các liên hoan nghệ thuật phong trào. Nhờ vậy, tôi dành dụm được tiền để lo cho mẹ và nuôi các cháu ăn học. Sau này, tôi còn tạo cơ hội cho chúng về Sài Gòn ổn định cuộc sống".
Bà được mệnh danh là "người đàn bà thép", "nữ tướng" trên sân khấu cải lương
Đạo diễn "thét ra lửa", chửi tới mức Hồng Vân khóc ròng
NSƯT Hoa Hạ diễn kịch đến năm 1988. Lúc ấy, chị xác định mình phải tập trung vào sự nghiệp đạo diễn, mà một nữ nghệ sĩ muốn hoàn thành vai trò đạo diễn phải lăn xả và quyết đoán. Chị đã bỏ quên vẻ đẹp và nét nữ tính của mình, thay vào đó là hình ảnh một nữ đạo diễn vô cùng mạnh mẽ.Năm 1998, sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần bắt đầu hình thức xã hội hóa. NSƯT Hoa Hạ là người đầu tiên dám bỏ tiền túi đầu tư cho vở kịch mà mình đạo diễn. Đó là vở "Lôi Vũ". Chị đã bán chiếc xe cup cánh én lấy tiền đầu tư. Thời điểm ấy, có đến 5 sân khấu đang trình diễn vở "Lôi Vũ" với 5 phiên bản khác nhau nên, nhiều người khuyên chị bỏ cuộc.
Không nản chí, chị quyết tâm làm tới cùng. Kết quả vở kịch "Lôi Vũ" do chị dàn dựng tại sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần thành một sự kiện nghệ thuật chấn động dư luận. Vở kịch này đã giới thiệu gương mặt mới Hồng Vân đến công chúng, còn các NSƯT Thành Lộc, NSND Việt Anh, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Minh Trang đều thành công đặc biệt.Theo NSƯT Hoa Hạ, dẫu "Lôi Vũ" thành công lớn, chị là người bỏ tiền đầu tư nhưng doanh thu phòng vé do nhà hát quản lý. Cuối cùng nhà hát tính toán thế nào mà không trả lại chị đủ số vốn, chị mất trắng chiếc xe máy, một tài sản lớn thời ấy. Thế nhưng chị không buồn trách.
NSƯT Hoa Hạ (ngoài cùng bên phải) cùng nghệ sĩ Kim Ngân và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng.
Sau "Lôi Vũ", chị tiếp tục thành công vang dội với vở "Ngôi nhà không có đàn ông". Từ đấy, NSƯT Hoa Hạ đã bước vào hàng ngũ những đạo diễn tài ba. Và cũng từ đấy, chị gần như không còn gắn bó với cuộc đời của một cô đào, dù chị là một diễn viên tài năng.
Điều đặc biệt trong phong cách của đạo diễn Hoa Hạ, là chị chửi diễn viên rất bạo liệt. Trên sàn tập, chị là một nữ tướng đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Chị chửi nghệ sĩ đến mức họ phải khóc, phải xấu hổ, phải sốc. Nghệ sĩ Hoa Hạ chửi dữ dội đến mức, một vở nào đó mà chị không chửi, diễn viên tham gia sẽ rất ngạc nhiên.
Tuy nhiên, các nghệ sĩ bị đạo diễn Hoa Hạ chửi càng dữ họ càng trở thành ngôi sao hàng đầu. Trong danh sách này có thể kể đến NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Phương Hồng Thủy, Chi Bảo, Hồng Ánh, Võ Minh Lâm….
Thời điểm NSƯT Hoa Hạ dựng "Lôi Vũ", NSND Hồng Vân mới bước chân vào nghề, dù vậy nữ đạo diễn vẫn tin tưởng giao Hồng Vân vai khó. Trên sàn tập, NSND Hồng Vân đã cố gắng nhưng đạo diễn Hoa Hạ không hài lòng, đập bàn mắng: "diễn dở như hạch, thôi về nhà bỏ nghề đi".
Cú chửi ấy khiến NSND Hồng Vân khóc ròng, muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi chị đã bình tĩnh trở lại và tiếp tục chiến đấu. Sau cùng, đạo diễn Hoa Hạ mỉm cười hài lòng và nhân vật Thị Bình của NSND Hồng Vân đã thành công vang dội.
Nói về điều này, NSƯT Hoa Hạ chia sẻ: "Khi chọn diễn viên cho vở diễn của mình, tôi biết rõ khả năng của họ. Thế nhưng trong lúc tập vì thiếu tập trung hay vì nhiều lý do khác, họ không khai thác hết khả năng của mình. Điều đó làm tôi giận, nhưng việc tôi chửi là một biện pháp tâm lý kích vào lòng tự ái của nghệ sĩ, để họ làm tốt hơn. Lần nào tôi cũng thành công".
Không chỉ dám lớn tiếng với nghệ sĩ ngôi sao, NSƯT Hoa Hạ còn là đại gia ngầm trong giới cải lương.
Nữ đại gia ngầm của giới cải lương
Sau khi đã thành danh, NSƯT Hoa Hạ chơi thân và rất kính nể NSND Diệp Lang, NSND Ngọc Giàu, cố NSƯT Út Bạch Lan. Chính những vị tiền bối này đã truyền cho chị niềm đam mê cải lương và chị quyết định dấn thân.
Thập niên 1990, cải lương video và audio thịnh hành cả trong nước và hải ngoại. Với tài năng thiên bẩm, chị thực hiện vô số những vở tuồng dưới dạng video và audio. Đây chính là cơ hội vàng giúp chị kiếm được tiền. Với số tiền này, chị dùng kinh doanh bất động sản. Chị đầu tư đến đâu thành công đến đó.
Nhờ vậy, NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ trở thành một nữ đại gia tầm cỡ trong giới nghệ sĩ. Với số tài sản tạo lên từ bàn tay và khối óc của mình, chị đã chu toàn cho mẹ già và toàn thể gia đình một cuộc sống vững chắc tại Sài Gòn.
Nhờ có tiền chị cũng thực hiện được nhiều dự án cải lương đình đám. Đến giờ khán giả lứa U50 trở xuống vẫn còn nhớ hai vở cải lương hoành tráng do chị dàn dựng là "Kim Vân Kiều" và "Chiếc áo thiên nga". Sự hoành tráng được thấy trong tài dàn dựng độc đáo của đạo diễn, dàn diễn viên hùng hậu, sân khấu, trang phục lộng lẫy và cả sự thể hiện của diễn viên.
Cả hai vở đều do Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đầu tư nhưng ngân sách ban đầu không đủ. Lúc đầu, cố giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang, ông Phan Quốc Hùng định lấy sổ đỏ nhà đi cầm, nhưng đạo diễn Hoa Hạ đã đề nghị cho ông mượn 10 cây vàng để trang trải chi phí.Sau khi công diễn, mỗi vở diễn mang lại tiền lãi khoảng trên 2 tỷ đồng. NSƯT Hoa Hạ nhận lại tiền cho mượn và số tiền cát xê đạo diễn khiêm tốn đã định trước.
Thành công với cải lương nhưng chị vẫn đau đáu với sân khấu kịch. Chị đã thành lập sân khấu Tao Đàn trong khuôn viên Cung văn hóa Lao Động. Số ghế ở đây quá ít, ngay từ đầu NSƯT Hoa Hạ biết rằng nếu rạp luôn kín chỗ, vẫn khó có thể thu hồi vốn. Nhưng vì đam mê và cá tính làm việc gì cũng phải thật hoàn chỉnh nên chị đầu tư mạnh vào sân khấu này.
Chị bộc bạch: "Tại đây chúng tôi đã dựng lên nhiều vở chính kịch hay như "Nhân danh công lý", "Cơn mê cuối cùng", và vở cải lương "Trái tim trong trắng". Nhờ vậy, khán giả nhanh chóng biết và yêu thích sân khấu Tao Đàn.
Đó là sân chơi để những diễn viên chính như Chi Bảo – Hồng Ánh cũng có cơ hội thể hiện tài năng. Dẫu vậy, do số lượng ghế bị giới hạn và thiếu người quản lý nên sau 2 năm bị lỗ nặng.
Thú thật đến giờ, tôi chưa hề hối tiếc vì đã mất một khoản đầu tư lớn bằng cả gia tài vào sân khấu này vì tôi đã hứa với Tổ nghiệp rằng tôi sẽ làm hết sức mình cho cải lương, kịch nói và sân khấu nói chung".
Giờ đây, NSƯT Hoa Hạ đã vào tuổi nghỉ hưu. Đời sống cải lương và sân khấu đều chìm trong khó khăn. Chị không còn nguồn năng lượng dồi dào để cống hiến như trước. Thay vào đó, chị vẫn nỗ lực góp phần vào việc giúp cho sân khấu cải lương sáng đèn bằng các dự án cá nhân của mình.
Nhìn nhận một cách công tâm, NSƯT Hoa Hạ chính là một tín đồ dám tử đạo với cải lương. Chị đã tận hiến cho nghệ thuật truyền thống bằng cả tiền tài, máu và nước mắt.