NSƯT Thanh Thanh Tâm cho biết cha của chị - NSƯT Nam Hùng đã qua đời tại nhà riêng sau cơn co giật tim lúc 6 giờ sáng nay 21-10, thọ 83 tuổi.
NSƯT Nam Hùng bên mộ NSND Phùng Há
Cách đây không lâu, NSƯT Nam Hùng được người nhà đưa vào Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM) cấp cứu do bị suy tim, tiểu đường và sạn trong bàng quang. Năm nay, ông đã phải nhập viện cấp cứu hai lần. Chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động với sự đồng hành của Ngân hàng Nam Á đã đến nhà thăm ông và trao tặng số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng.
NSUT Nam Hùng thuộc thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu cải lương. Ông cùng thế hệ với các nghệ sĩ danh tiếng: Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước, Thanh Hải, Diệp Lang, Thanh Nga, Hùng Minh... Gần 70 năm trong nghề, ông diễn cho các đoàn hát lớn như Kim Chưởng, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Minh Châu, 284... Ông là con nuôi của cố NSND Phùng Há.
NSƯT Nam Hùng và Tô Kim Hồng
NSƯT Nam Hùng nổi tiếng với hàng chục vai: Mễ Kha Đan (Đêm huyền diệu), Hoàng Hạc Tử Lang (Thuyền ra cửa biển), Bình Thiếu Quân (Tiếng hạc trong trăng), Chu Phác Viên (Lôi vũ), Đổng Trác (Phụng Nghi Đình), thầy Đề (Ngao Sò Ốc Hến)...
Khán giả yêu mến tài năng NSƯT Nam Hùng luôn nhớ đến nghệ sĩ này qua những vai đã gắn với tên tuổi ông như: Mễ Kha Đan ("Đêm huyền diệu"), Hoàng Hạc Tử Lang ("Thuyền ra cửa biển"), Bình Thiếu Quân ("Tiếng hạc trong trăng"), Chu Phác Viên ("Lôi vũ"), Đổng Trác ("Phụng Nghi Đình"), thầy Đề ("Ngao sò ốc hến")… trên sân khấu các đoàn cải lương Hương Hoa, Kim Chưởng, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Minh Châu, Sài Gòn 1 và Đoàn Cải lương 284.
Tang lễ NSƯT Nam Hùng tổ chức tại nhà riêng ở đường số 3, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM. Sau đó sẽ an táng tại Nghĩa trang Bình Dương theo nguyện vọng của NSUT Nam Hùng.
NSƯT Nam Hùng có nhiều vai diễn xuất sắc, được các bậc thầy tuồng đánh giá là anh kép đa dạng, còn ông ví cuộc đời mình như con thuyền vượt bao ghềnh thác để đến với biển nghệ thuật.
Không thể về nước thọ tang cha do dịch Covid-19, NSƯT Thanh Thanh Tâm, con gái NSƯT Nam Hùng, đau buồn tâm sự đối với chị, ông vừa là người cha vừa là người thầy và là bạn diễn ăn ý.
Như một lời trăng trối
"Ba ra đi đột ngột quá. Cuối tháng 7, ông ngã bệnh. Ngày nào tôi cũng gọi điện thoại về thăm ông. Khi xem clip chương trình "Mai Vàng nhân ái" của Báo Người Lao Động đến thăm, thấy ba diễn lại một lớp vai Chu Phác Viên trong vở "Lôi Vũ", tôi khóc vì tin ba mình đã khỏe, vậy mà…" - nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm òa khóc.
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM (thứ hai từ phải sang), cùng chương trình “Mai Vàng nhân ái” đến thăm NSƯT Nam Hùng ngày 10-6-2020
NSƯT Tô Kim Hồng, người có hơn 40 năm mặn nồng cùng NSƯT Nam Hùng, kể khi chương trình "Mai Vàng nhân ái" đến thăm, ông phấn chấn hẳn lên. Ông muốn được cùng các đồng nghiệp của Sân khấu 284 tái diễn vở "Lôi Vũ", để ông được diễn vai Chu Phác Viên. Cách đây 1 tháng, khi NSND Kim Cương cùng Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM đến nhà thăm, ông lại diễn vai Chu Phác Viên. "Cho đến những ngày cuối đời ông vẫn khao khát được ca diễn, được đóng góp cho Ban Ái hữu Nghệ sĩ - nơi ông đã chăm lo cho tất cả những đồng nghiệp già yếu, bệnh tật, neo đơn" - NSƯT Tô Kim Hồng xúc động nói.
NSND Kim Cương cho biết trong lần đến thăm ông, nghệ sĩ Nam Hùng nói với bà: "Ở tuổi này nếu được diễn dù chỉ 1 suất rồi rời xa sân khấu luôn tôi cũng cam chịu". "Ai là nghệ sĩ mới hiểu lời trăng trối đó đau điếng như thế nào. Chúng tôi là kiếp tằm mãi nợ dâu xanh" - NSND Kim Cương xót xa.
Trước "biển", kép độc phải bản lĩnh
NSƯT Nam Hùng có một cuộc đời phiêu bạt. Từ nhỏ ông đã theo cha phụ việc ở các gánh hát. Ban đầu xem đó là công việc mưu sinh, dần dà ông bị cuốn hút vào thế giới màn nhung. Khi cha ông trở về Hà Nam tìm gia đình bị thất lạc, ông ở lại cùng các gánh hát. Thương ông côi cút, NSND Phùng Há đã nhận làm con nuôi, cho ăn học.
Từ gánh hát Phụng Hảo của mẹ nuôi, ông đúc kết niềm đam mê khám phá những vai diễn khó. Để theo nghề, ông làm thêm đủ việc, từ hậu đài đến khuân vác, thợ hồ… Năm 16 tuổi, ông xin qua đoàn cải lương Hương Hoa để thử sức. Sau đó ông đầu quân về đoàn Phước Cương của ông bầu Nguyễn Ngọc Cương - cha của NSND Kim Cương.
Trải qua nhiều thăng trầm trong nghề, NSƯT Nam Hùng vẫn hay nói mình đi theo đạo hát của NSND Bảy Nam, rèn luyện ý chí sắt thép trong học nghề của NSND Phùng Há. Nhờ đó, ông như một hoa tiêu đủ sức vượt trùng khơi để đứng trước cửa biển nghệ thuật. Và chỉ khi đủ sức đứng trước trùng khơi, ông mới thỏa sức đam mê, tìm lối đi riêng khi khắc họa sắc thái cho từng vai diễn. Thành công nhất trong hành trang nghệ thuật của ông là diễn vai kép độc.
Trên sân khấu cải lương thập niên 60-70 của thế kỷ trước, bên cạnh các mối tình của đào kép chánh được công chúng yêu mến đều có những anh kép phản diện gây cao trào. Nghệ sĩ Nam Hùng nhờ điển trai lại có giọng ca mùi mẫn nên bao giờ cũng để lại cảm tình cho nhân vật phản diện biết hối hận, ăn năn.
Gần 70 năm sống với nghề, ông trải qua nhiều đoàn hát như: Kim Chưởng, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Minh Châu, Sài Gòn 2, 284... Qua đó ông góp phần rất lớn trong việc tạo nên khuynh hướng sáng tác và dàn dựng để từ đó mỗi thương hiệu có được dấu ấn riêng. Thời hoàng kim của sân khấu cải lương, có bầu gánh chấp nhận bỏ hàng triệu đồng để mời ông về với họ. Nhưng ông không làm trái lương tâm, miệt mài sáng tạo và hành trang nghệ thuật từ đó tạc vào tâm trí khán giả về một Nam Hùng nổi tiếng với hàng trăm vai diễn, mà đỉnh điểm phải kể đến: Mễ Kha Đan (Đêm huyền diệu), Hoàng Hạc Tử Lang (Thuyền ra cửa biển), Bình Thiếu Quân (Tiếng hạc trong trăng), Chu Phác Viên (Lôi Vũ), Đổng Trác - Lữ Bố (Phụng Nghi Đình), thầy Đề (Ngao Sò Ốc Hến)...
Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là vai vua Chấn Phong - một vai diễn độc đáo trong vở "Thuyền ra cửa biển". Trong vở này, NSƯT Nam Hùng đã pha trộn giữa vai kép độc, mùi với tính cách hài hước, duyên dáng. Nhân vật Chấn Phong tàn bạo, chỉ ánh mắt căm hờn đã khiến khán giả ghê sợ, nhưng phút chốc như một đứa trẻ con thích được cười trước người đẹp. Ở vai diễn này, ông nâng niu nhân vật phản diện, hóa thân tinh tế để khán giả ghét cay ghét đắng rồi sau đó vỡ òa thương yêu.
Trong dịp đại diện chương trình "Mai Vàng nhân ái" đến thăm, phóng viên Báo Người Lao Động báo tin cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 có hạng mục kép độc, kép hài, kép lão dành cho diễn viên trẻ tranh tài, ông vui lắm. "Mong có em, cháu giống tôi, chịu lao ra cửa biển" - ông kỳ vọng.
NSƯT Nam Hùng tên thật là Nguyễn Xúy, sinh ngày 1-1-1937 tại tỉnh Hà Nam. Do bệnh nặng, ông qua đời lúc 6 giờ ngày 21-10, thọ 84 tuổi.
Ông được Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng huy hiệu "Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật" năm 1990, được nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT năm 1998.
Tang lễ của NSƯT Nam Hùng được tổ chức tại nhà riêng: Số 28 đường số 3, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM.
Lễ truy điệu lúc 7 giờ, động quan 8 giờ ngày 24-10, sau đó an táng tại nghĩa trang Bình Dương.
(NLĐO) - Thông tin NSƯT Nam Hùng qua đời sáng 21-10 khiến đông đảo nghệ sĩ và công chúng tiếc thương. Tối 21-10, NSND Lệ Thủy đã đến thắp hương, tiễn biệt người nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật cải lương.
Nhiều bạn bè đồng nghiệp, các thế hệ diễn viên sân khấu cải lương cũng như các lĩnh vực khác đã bày tỏ sự tiếc thương khi hay tin NSƯT Nam Hùng - người đóng vai "thầy Đề" nổi tiếng trong vở "Ngao, Sò, Ốc, Hến" - qua đời.
NSND Lệ Thủy đến chia buồn với NSƯT Tô Kim Hồng
NSND Lệ Thủy: Anh luôn là người tử tế
Hay tin anh qua đời đột ngột, tôi thật sự bàng hoàng. Trong sự nghiệp nghệ thuật và cả ở cuộc sống đời thường, anh luôn là người tử tế. Khi nhận diễn bất cứ vai gì, anh chuẩn bị đạo cụ, trang phục cho mình rất chu đáo. Ngoài đời, sự chăm chút đó càng được biểu hiện qua mỗi lần gặp gỡ đồng nghiệp, đến sàn tập hay nơi hội họp - lúc nào cũng áo sơ mi, quần tây, mang giày chỉnh tề, nghiêm túc.
NSND Lệ Thủy chia buồn với NSƯT Tô KIm Hồng
Tôi có quá nhiều kỷ niệm để nhớ về anh. Khi tôi và anh Minh Vương thực hiện chương trình Sân khấu Vàng nhằm xây dựng nhà tình thương, anh đã tích cực tham gia.
Xin thắp nén hương tiễn biệt NSƯT Nam Hùng. Thế hệ nghệ sĩ chúng tôi lần lượt ra đi, tôi tin anh vẫn sống mãi trong lòng khán giả mộ điệu.
NSƯT Nam Hùng và NSND Minh Vương trong vở "Giấc mộng đêm xuân"
NSND Minh Vương: Cởi "xiêm y" anh về với biển
Tôi thích nhất anh diễn trong vở "Thuyền ra cửa biển", vai diễn như chính cuộc đời của anh, hiên ngang trước phong ba. Anh luôn động viên, chia sẻ để anh chị em làm nghề thấy được điểm tựa quý giá trong nghệ thuật. Đi hát, lưu diễn xa, thu âm hoặc quay video cải lương, lúc nào anh cũng ngồi lặng lẽ, trầm ngâm. Nhưng hễ khơi chuyện, nhất là trăn trở về nghề, thì anh sẳn sàng tâm sự, đem những khó nhọc từng trải kể cho chúng tôi nghe, để sau mỗi câu chuyện là bài học đắt giá. Với tôi, mỗi lần gặp biến cố trong đời thì anh luôn khuyên giải, an ủi.
Những năm mới vào nghề, anh là người đi trước, truyền lại những bài học kinh nghiệm cho đàn em. Anh sống có trách nhiệm với nghệ thuật nên sự quan tâm của anh dành cho thế hệ diễn viên trẻ, đặc biệt những bạn đóng vai phản diện, rất sâu sắc. Anh không ngại phân tích, cũng không ngại nói về thất bại, nhằm giúp diễn viên trẻ đóng vai kép độc nhận ra giá trị của việc hóa thân. Hôm nay, cởi "xiêm y" anh đã về với biển, vẫn một nghệ sĩ Nam Hùng hiên ngang trước những khó khăn, đáng để anh em trong nghề nể phục.
NSND Kim Cương đến thăm NSƯT Nam Hùng
NSND Kim Cương: Anh sống rất chan hòa, tình cảm
Cách đây hơn một tháng, tôi đến nhà thăm, lúc đó anh khỏe, ngồi trò chuyện cứ nắm lấy tay tôi. Thuở còn trẻ, khi anh về học nghề tại sân khấu của ba tôi - gánh Phước Cương, chúng tôi có nhiều kỷ niệm. Khi tôi học đạo diễn ở Bulgaria về, gặp nhau tại Ban Ái hữu nghệ sĩ, anh rủ: "NSND Phùng Há sẽ tổ chức các suất hát gây quỹ, cô tham gia đóng vai Điêu Thuyền nhé, tôi làm Đổng Trác". Vậy là anh em chúng tôi bàn bạc, lên kế hoạch gây quỹ giúp xây trụ sở Ban Ái hữu, đồng thời giúp nghệ sĩ nghèo.
Ở góc độ làm công tác xã hội, anh Nam Hùng là một người xả thân chăm lo đời sống đồng nghiệp còn nhiều khó nhọc. Một tay anh chăm sóc khu vườn xung quanh Khu Dưỡng lão nghệ sĩ những năm đầu khánh thành, rồi một tay anh lo "chạy" bảo hiểm y tế cho các nghệ sĩ lão thành, công nhân hậu đài các đoàn hát nghèo. Hễ Ban Ái hữu nghệ sĩ cần số tiền lớn để cứu trợ khi thiên tai, bão lũ thì anh đều xung phong đảm nhận, tổ chức các suất hát, vận động các doanh nghiệp. Bên sân khấu kịch thì có tôi, bên cải lương thì không thể thiếu anh Nam Hùng. Anh sống chan hòa, tình cảm lắm.
NSƯT Thanh Thanh Tâm và NSƯT Nam Hùng, Tô Kim Hồng
NSND Hồng Vân: Mãi là một nghệ sĩ chuẩn mực.
Tôi bên sân khấu kịch nhưng những năm công tác trong Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP HCM thì may mắn được gặp chú, làm việc cùng chú mỗi khi hội tổ chức các đợt vận động gây quỹ cứu trợ người dân vùng bão lũ và đồng bào bị thiên tai. Tôi mê xem chú diễn, nhất là vai Chu Phác Viên trong vở cải lương "Lôi vũ". Lúc đó ở TP HCM có 5 bản dựng khác nhau, cải lương duy nhất có vở của Đoàn 284 do chú Diệp Lang làm đạo diễn. Tôi xem và xúc động vì Chu Phác Viên của NSƯT Nam Hùng đi vào chiều sâu tâm lý, cách ca trong nói, nói trong ca của chú ở các bài bản cải lương tuyệt vời, đúng chất.
Chú đã yên nghỉ trong giấc ngàn thu nhưng tài nghệ của chú mãi là điểm sáng chuẩn mực mà giới trẻ theo nghiệp sân khấu luôn học hỏi. Xin được chia buồn với cô Tô Kim Hồng và chị Thanh Thanh Tâm.
NSƯT Nam Hùng và NSƯT Hùng Minh trong vở "Giấc mộng đêm xuân" (Sân khấu Vàng)
NSƯT Hùng Minh: Mất mát lớn của sân khấu
Tôi vô cùng đau đớn khi hay tin anh ra đi đột ngột. Hai anh em từng hội ngộ trong chương trình vinh danh kép độc do Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP HCM thực hiện năm 2007 ở Nhà hát TP. Khi đó anh và tôi lên sân khấu, tâm sự với khán giả về quá trình làm nghệ thuật và hóa thân vào vai kép độc. Anh thị phạm vai Chu Phác Viên ("Lôi vũ"), tôi diễn lại vai Mã Tắc ("Tiếng trống Mê Linh") trong tiếng pháo tay của khán giả mộ điệu.
Anh sinh ra như để diễn những vai phản diện, vở tuồng nào có sự tham gia của anh đều tác động đến nghề nghiệp vì báo chí thời đó ca ngợi anh hết lời. Nhờ đi nhiều, lao động quá khứ rất tốt nên sự quan sát cuộc sống đã cho anh nhiều trải nghiệm và cứ đến đúng thời điểm thì anh lấy ra sử dụng. Vì thế, cảm xúc luôn dâng trào trong các vai tuồng anh đảm trách.
Hôm nay thì anh đã hội ngộ với má Bảy Phùng Há, cô Thanh Thanh Hoa và nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp thế hệ vàng chúng tôi. Xin nghiêng mình trước những cống hiến to lớn của anh đối với sân khấu cải lương. Một mất mát lớn không gì bù đắp.
NSƯT Quế Trân bày tỏ lòng tiếc thương: "Tôi vừa gặp NSƯT Nam Hùng cách đây không lâu trong chương trình mừng thọ bác do HTV tổ chức. Nghe tin một đại thụ của cải lương ra đi, lòng tôi trĩu nặng nỗi buồn. Xin vĩnh biệt NSƯT Nam Hùng. Nguyện cầu hương hồn bác sớm về cõi Phật. Xin chia buồn cùng gia đình cô Tô Kim Hồng, chị Thanh Thanh Tâm và khán giả mộ điệu đã mến thương tài năng của bác Nam Hùng".
Các nghệ sĩ: Bình Tinh, Lê Tứ, Quế Trân, Quốc Nhĩ, Thanh Nguyệt, Ca Lê Hồng trong chương trình mừng thọ NSƯT Nam Hùng 80 tuổi do HTV thực hiện
Nghệ sĩ Bình Tinh thổ lộ: "Tôi thuộc thế hệ hậu bối, may mắn có được những kỷ niệm với bác Nam Hùng, đó là đến HTV tham dự tọa đàm và mừng thọ bác. Tôi tin bác Nam Hùng luôn sống mãi trong lòng khán giả cải lương".