Báo Thanh Niên Online có đăng loạt bài về những vở diễn để đời. Theo MEM, để đời là những vở hay về nội dung và được khán giả yêu thích, nằm lòng dù đã nhiều chục năm trôi qua, chứ vở mà khán giả ít có cơ hội xem, hoặc chưa từng xem, hoặc quá mới thì khó mà dùng từ để đời.
Trong loạt bài theo MEM chỉ có Tiếng trống Mê Linh, Dương Vân Nga có thể gọi để đời. Dễ hơn chút xíu thì Tâm sự Ngọc Hân, Hoa độc trong vườn, Bão táp nguyên phong, Bức ngôn đồ Đại Việt cũng có thể dùng từ này. Chứ Nỏ thần or Thánh Gióng mới đây và độ phổ biến ko cao mà vào danh sách này thì hơi khập khiễng.
Xin cảm ơn tác giả và xin đăng lại các bài viết cho mọi người cùng tham khảo và chia sẻ.
Trong lịch sử sân khấu, có những vở diễn để đời, trở thành chuẩn mực, bởi không chỉ hay về nghệ thuật biểu diễn mà nó còn có ý nghĩa sâu sắc.
Tiếng trống đồng làm khán giả rơi nước mắt
NSƯT Thanh Nga và NSƯT Thanh Sang trong vở Tiếng trống Mê Linh - Ảnh: T.L
Năm 111 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế xâm lược Nam Việt, chia ra các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố… Vở diễn lấy bối cảnh vào năm 40 sau Công nguyên tại Giao Chỉ, thuộc nước ta bây giờ. Ách thống trị tàn bạo của thái thú Tô Định được tác giả Việt Dung và bàn tay đạo diễn Ngô Y Linh xử lý rất khéo. Chỉ bằng cảnh Giỗ Tổ Hùng Vương bị ngăn cấm cũng đủ cho người xem hình dung sự hà khắc, độc đoán trong chính sách cai trị. Bọn quan lại tìm mọi cách hủy diệt văn hóa dân tộc Việt, thản nhiên chà đạp lên tín ngưỡng đối với tổ tiên và luôn vơ vét của cải, công sức của người dân. Tô Định, Tào Uyên, Mã Tắc, Chương Hầu là hiện thân của bốn con vật “rắn, cáo, hổ, khỉ” đại diện cho bọn thống trị thâm độc, gian xảo, hung bạo và xu nịnh. Mỗi hình ảnh, mỗi tính cách đều để lại ấn tượng thú vị khó phai qua diễn xuất của Văn Ngà, Hoàng Giang, Hùng Minh, Bảo Quốc, tạo nên sự tương phản rõ rệt với tuyến nhân vật chính diện.
Trước tình cảnh ác liệt, những người con đất Việt đã phải đứng lên để đấu tranh, để phá tan xiềng xích áp bức. Đó là Thi Sách, là hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, là Đông Bảng, cụ Đô Trinh, nàng Tía, Lê Chân… Mỗi người có một hoàn cảnh, có xuất thân khác nhau nhưng đều tụ hội dưới lá cờ khởi nghĩa. Và tiếng trống đồng tượng trưng cho hồn thiêng sông núi đã được đánh lên thúc giục lòng người. Giữ được trống đồng là giữ được hồn nước, giữ được bờ cõi. Tiếng trống đã làm khán giả xúc động đến rơi nước mắt. Hóa ra hồn nước thật gần đến vậy!
“Thề hy sinh giết giặc cứu non sông”
NSƯT Thanh Nga đã biểu diễn thật xuất thần những đoạn hào khí anh hùng, và uy nghiêm của bà khiến ai cũng kinh ngạc. Bình thường, gương mặt Thanh Nga rất dịu dàng, thậm chí còn phảng phất nét buồn man mác, nhất là đôi mắt đen láy xa xăm như hút hồn người. Không ai tưởng tượng nổi khi bà vào vai Trưng Trắc thì gương mặt ấy lại trở nên uy nghiêm đáng nể, và đôi mắt ánh lên sự mạnh mẽ, căm hờn, còn đôi môi thì hơi mím lại cũng đủ thấy sự quyết đoán kiên cường. Đài từ của bà quá đẹp, từng cái nhấn nhá trọng âm như có sức nặng ngàn cân. Cho nên khi bà cất lên những câu hiệu triệu như thế này thì lập tức khán giả sởn gai ốc, như bừng bừng máu chảy khắp cả châu thân: Hỡi đồng bào trăm họ/Giặc Đông Hán đang xéo giày đất nước/Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang/Thà chết mà đứng thẳng/Không cam chịu sống quỳ/Đất nước Nam cẩm tú/Người dân Nam anh hùng/Trước đền thờ Quốc Tổ/Thề hy sinh giết giặc cứu non sông/Xin thề!
Người sành cải lương vọng cổ đều biết có khi ca vô bài bản lại dễ hơn nói lối, nói thoại trong cải lương. Đặc biệt những câu nói lối hào hùng kiểu ấy không khéo sẽ bị lên gân. Nghệ sĩ Thanh Nga đã xử lý đẹp không thể tả và mãi sau này chưa có ai đóng vai Trưng Trắc mà nói lối được như bà. Người sành điệu “nuốt” từng chữ của Thanh Nga, mới thấy “đã ghiền”.
Một lớp diễn rất hay nữa là cảnh tế sống Thi Sách để nghĩa quân nổi trống tấn công Luy Lâu thành. Bi tráng là ở đây. Nước mắt chảy vào trong để giữ cho lòng quân không nao núng, hy sinh thân mình cho đất nước thương yêu. NSƯT Thanh Sang cất giọng lên khiến cả khán phòng lặng phắc. Ông có chất giọng trầm thật buồn nhưng chắc nịch, âm vang như sóng biển bởi ông sinh ra từ vùng biển Bình Định, rồi lưu lạc vô Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày ngày ngồi vá lưới nhìn ra biển ầm ào tiếng vọng quê hương…
Phu nhân ơi khăn trắng đêm nay sẽ làm trắng khăn tâm sự và ba lạy tạ từ của phu nhân cũng đã trọn tình vẹn nghĩa. Đứng trên giàn hỏa ta nguyện làm mồi cho lửa đỏ để bao chiến sĩ hiên ngang không chậm bước oai… hùng. Lần gặp gỡ hôm nay là lần gặp gỡ sau cùng (…). Phu nhân ơi, sống thác là chuyện đi về, hợp tan là trò dâu bể, tất cả đều không đáng kể, mà điều đáng lo là sự trường tồn của dòng dõi Hùng Vương…
Lời lẽ trong vở diễn thật giản dị nhưng đầy chất văn học, đã phá tan định kiến của một số người cho rằng cải lương là “quê mùa”, “lạc hậu”. Chưa kể trong lời nói lối của Thanh Nga có tiết tấu và nhịp điệu rất hay, là một cách giáo dục âm nhạc cho lớp trẻ không thua gì tân nhạc. Cho đến bây giờ, Tiếng trống Mê Linh vẫn là một vở diễn vào hàng đẹp nhất của sân khấu cải lương Việt Nam.
“Đối với tôi, sẽ không bao giờ có một vai diễn nào đẹp hơn Thi Sách và không có một bạn diễn nào ăn ý hơn Trưng Trắc - Thanh Nga. Tôi vốn thích những nhân vật hào hùng như thế, để lớp trẻ thấy cái đẹp khỏe mạnh của cải lương, đừng nghĩ nó là bi lụy, mềm yếu. Đặc biệt những vai tướng là ra tướng, đầy nam tính chứ không ẽo à ẽo ợt. Và lịch sử của dân tộc mình có đủ các sự kiện để mình làm cải lương đầy chất anh hùng ca” - NSƯT Thanh Sang
Tuồng mà báo nói là của Nhà hát Trần Hữu Trang (do Ngọc Giàu + Bạch Tuyết) đóng chính, không phải tuồng của Thanh Minh Thanh Nga hát, tuồng của Thanh Nga hát do Huy Trường chuyển thể, còn tuồng của Bạch Tuyết + Ngọc Giàu do nhóm Hoa Phượng chuyển thể, 2 tuồng này cùng 1 đề tài nhưng nội dung khác nhau.
Ngay cả câu trích dẫn của báo cũng là câu thoại của Ngọc Giàu chứ không phải Thanh Nga nói! Nhà báo này chắc là không có xem cải lương, chỉ nghe người khác kể lại rồi viết báo nên râu ông này cậm càm bà kia!!!!!!!!!
Trong vở, Dương Vân Nga cất những lời dõng dạc không kém gì đường gươm của Lê Hoàn chém thẳng vào quân Tống: Đất này có chủ, nước này có vua. Thần dân có xã tắc để khuôn phò. Xã tắc có thần dân tông miếu để hợp thành khí thiêng sông núi. Từ lâu rồi Việt - Tống biên thùy đà chia cõi, cụm rừng, dãy núi, con suối, dòng sông đứng làm ranh mảnh đất của vua Hùng, còn vọng mãi tiếng trống đồng dựng nước. Đất hẹp, người thưa nhưng không là tiểu nhược! Những lớp diễn hào hùng chen lẫn xót xa đau đớn vì nhớ thương ấu chúa bị bắt đi, đều được NSƯT Thanh Nga diễn thật tinh tế.
Dọc xong đoạn này mình hết ý kiến, không biết tác giả xem (nghe) Thanh Nga diễn đoạn này khi nào mà viết!!!!!!!!
Theo Quốc Tài còn những vở cải lương sau 1975 cũng có thể đi sâu vào lòng giới mộ điệu yêu nghệ thuật cải lương không thể nào quên được . Như Tiếng hò sông hậu ( SG 2 ) . Khách sạn hào hoa ( SG2 ) , Cho rừng lại xanh ( THT ) , ....
2 tuồng này em thấy nội dung nó cũng khác nhau nữa! Em vẫn thích nhất của Huy Trường chuyển thể từ chèo Trúc Đường nhất, thấy văn vẻ hay hơn và cô Thanh Nga diễn cũng tuyệt vời!
Em thấy Ngọc Giàu cũng thu âm phiên bản này với Thành Được!
Nơi người hâm mộ được thỏa mãn tình yêu với Cải lương. Những vở cải lương đặc sắc được gìn giữ vẹn nguyên qua nhiều thế hệ như 1 sự tri ân cho những đóng góp của các Nghệ sĩ gạo cội của làng Cải lương Việt Nam.