Cho phép Thanh Hương xin được giới thiệu một bài ca cổ vang bóng một thời. Bài ca này đã in sâu vào lòng khán giả suốt 50 năm. Bài ca này là bài ca để đời của cô Thanh Hương, đã đem tên tuổi của cô lên đỉnh cao của sân khấu khải lương ở thập niên 50 của thế kỉ trước. Bài ca sau này được nhiều thế hệ trình bày lại, nhưng giọng ca của bà vẫn mãi sống trong lòng tôi cũng như giới mộ điệu. Lúc này Thanh Hương còn rất trẻ.
Ai mua đèn giấy hôn.
Đèn tôi này phất giấy hoa hồng đêm xuân này treo chốn thư phòng thêm vui.
Ai mua này đèn giấy của tôi quanh năm suốt tháng rạng tươi như đèn hồng.
1/Năm ấy em vừa mười bốn quả tim non chưa biết rộn ràng
Cứ mỗi độ mai vàng nở nhụy báo xuân sang.
Là mỗi độ em mang đem ra chợ bán.
Khách du xuân tấp nập ở ven đường.
Em tựa thân cây dừa ven sông lạnh để rao hàng.
Mái tóc chấm ngang vai em chưa biết cài suôn sẻ.
Em chưa biết niềm sầu hận đau thương
Chỉ say mê nhìn tua tuội chiếc đèn hồng phất phơ trước gió
2/Bỗng từ xa bước lại một thư sinh những vết mực nâu còn điểm trên chiếc áo học trò.
Người vừa nhìn chùm đèn hoa sặc sỡ vừa đưa lược gỡ mái đầu.
Em ngây thơ say mê nhìn lược quên trả lời với khách hỏi mua.
Khách vuốt má em cho chiếc lược
Em nhìn theo bóng người nhanh nhẹn bước đi
Mà lòng dâng lên một tình cảm lâng lâng
3/Chim tu hú cất tiếng đưa mùa gió lạnh xuân lại về tuổi em được mười lăm
Em vẫn bán đèn hồng như năm trước.
Kìa người khách năm xưa trở lại áo thư sinh đã lấm tấm bụi phong trần.
Em vội lấy lược cài lên mái tóc khách mỉm cười khẽ nói.
Hỡi cô bán đèn giấy hồng đèn hồng cô bán má hồng bán chăng.
Em thẹn thùng đáp lại.
Má hồng hãy hỏi song thân em đây chỉ bán cho anh đèn hồng.
Sơn Đông Hướng Mã
Năm em mười sáu thì khói chinh chiến bay vùng lên máu đổ đầu rơi
Em lìa quê tìm nơi bình an cùng cha mẹ ra ngoài thành thị
Nên mấy xuân liền em không còn bán đèn.
4/Khi thanh bình trở lại em vội mang đèn ra thân dừa thuở trước
Mỗi khi hoa xuân lả lướt tươi cười.
Em mong gió bốn phương đưa lại một người
Nhưng nào thấy bóng ai đâu, chỉ thấy bóng em và đèn lung linh bến nước.
Năm hai mươi xuân chẵn em vâng lời cha mẹ cất bước sang ngang
Xe hoa cuốn theo làn bụi mỏng che mờ những kỷ niệm êm đềm
5/Năm sau cây dừa ven sông đổ bông đơm trái cũng là ngày nở nhụy khai màu.
Có lần em dẫn con đi bán đèn hoa giấy
Bỗng gặp lại người bạn năm nào
Em vội tìm thanh lược cũ nhưng đã mất rồi trong lúc sang ngang người nhìn em lại hỏi.
Hỡi cô bán đèn giấy hồng năm nay cô đã có chồng hay chưa.
Em cũng khẽ trả lời.
Đèn hồng đã có người mua má hồng đã bị nắng mưa phai rồi
6/Khách đau đớn cúi đầu quay bước em nhìn theo rào rạt chua cay.
Anh ngoảnh lại nhìn em loáng lệ
Em lắc đầu buông chuỗi thở dài
Kỷ niệm trong em vùng sống dậy em muốn chạy theo chàng để tỏ tấm lòng yêu.
Nhưng ai xui con em cất tiếng kêu mẹ mẹ
Em dừng chân nhìn nó mà lệ đổ tuôn trào
Con em là chiến tuyến ngăn em theo tiếng gọi của lòng.
Bóng người dẫu khuất xa xôi nhưng vẫn sống mãi đời đời trong em..
Nếu “Tình anh bán chiếu” được mệnh danh là bài “vọng cổ vua” ở miền nam, thì “Cô bán đèn hoa giấy” có thể được xem là “bài vọng cổ hoàng hậu”. Như một định mệnh, bài “Tình anh bán chiếu” gắn liền với tên tuổi của “Đệ nhất nam danh ca vọng cổ” Út Trà Ôn, còn “Cô bán đèn hoa giấy” thì lại là bài để đời của nữ nghệ sĩ Thanh Hương, người giữ danh hiệu “Đệ nhất nữ danh ca vọng cổ ”.
Tác giả của bài vọng cổ “Cô bán đèn hoa giấy” là soạn giả Quy Sắc. Ông sinh năm 1924 tại Thủ Dầu Một-Bình Dương. Tên thật của ông là Nguyễn Phú Quý, mà chữ Quý thì được đánh vần là “quy sắc quý”, bởi vậy nghệ danh Quy Sắc chính là cách chơi chữ tên thật của ông. Ông đổ bằng thành chung của Pháp (Tức bằng Cao đẳng tiểu học- Diplôme d'études primaires supérieures franco-indigènes, tương đương tốt nghiệp cấp hai ở Việt Nam ngày nay), và trước khi đến với cải lương thì ông theo nghiệp giáo.
Khi đi làm gia sư cho nữ nghệ sĩ Thanh Nga, Quy Sắc đã gặp soạn giả-nhà thơ Kiên Giang và từ đó ông bắt đầu bước vào nghiệp viết cải lương. Ông đã cùng với Kiên Giang viết chung nhiều tuồng có giá trị. Vở tuồng đầu tiên của liên danh này là Người vợ không bao giờ cưới (Tức Sơn nữ Phà Ca). Đây là vở tuồng giúp nữ nghệ sĩ Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm vào năm 1958 khi mới 16 tuổi. Tính đến khi ông tạ thế năm 2010, Quy Sắc đã có đến 70 vở tuồng cải lương lớn nhỏ. Bên cạnh đó, ông cũng để lại nhiều bài vọng cổ đặc sắc trong đó đặc sắc nhất là bài Cô bán đèn hoa giấy.
Bài vọng cổ Cô gái bán đèn hoa giấy gồm có 6 câu nhịp 32. Bài ca là tâm tình của một thiếu nữ làm nghề bán đèn hoa giấy. Năm 14 tuổi, trong lúc bán đèn hoa giấy như mọi khi trong dịp xuân về, cô gái đã gặp gỡ một vị khách đặc biệt của cuộc đời cô : một chàng thư sinh trẻ tuổi. Thấy thiếu nữ bán đèn dễ thương, chàng trai vuốt má và tặng cho cô nàng một chiếc lược. Có ngờ đâu buổi sơ ngộ đã khiến cho cô gái bán đèn hoa giấy tương tư, đêm ngày mong nhớ.
Năm cô 16 tuổi, chiến tranh xảy đến, làng xóm tan hoang, cô gái phải theo cha mẹ chạy lánh nạn ở nơi thành thị nên không còn bán đèn nơi xóm cũ khi xuân về. Năm 20 tuổi, theo lệnh mẹ cha cô gái đã cất bước sang ngang.
Một thời gian sau, cô dẫn con thơ trở lại bán đèn dưới bóng dừa như thuở trước, và mong ngóng gặp lại người xưa. Cuối cùng, người khách năm xưa trở lại tìm cô. Khi biết được cô đã có chồng, khách buồn bã lê bước ra đi. Kỷ niệm trào dâng, cô bán đèn hoa toan chạy theo tiếng gọi con tim, nhưng chợt đứa con tuổi ngây thơ của cô cất tiếng gọi, thế là cô đành nuốt nước mắt gạt tình riêng mà ở lại với con.
Ta thấy nội dung bài ca là một chuyện tình lãng mạn, u buồn. Cái hay của bài ca là nó có vẻ rất liêu trai, nửa hư nửa thật, chợt đến chợt đi, nói chung là rất khó giải thích cũng giống như tình yêu vậy. Cái hay của bài ca là đượm buồn, nhưng là buồn man mát, không ồn ào nhưng thoang thoảng, không bị lụy nhưng dai dẳng, nó khiến cho người ta không thể nào quên hẳn cho được. Cái hay của bài ca là lời văn đậm chất văn học, mượt mà, trong sáng.
Như trong lần gặp gở đầu tiên, vị khách thư sinh hỏi cô gái có chồng chưa, nhưng hỏi một cách nên thơ và tế nhị như thế này: “Hỡi cô bán đèn giấy hồng, đèn hồng cô bán (chứ) má hồng bán chăng”. Cô nàng đáp lại cũng rất nên thơ: “Má hồng hãy hỏi song thân, em đây chỉ bán cho anh đèn hồng”. Lúc gặp lại nhau khi cô gái đã có chồng, chàng trai hỏi: “Hỡi cô bán đèn giấy hồng, năm nay cô đã có chồng hay chưa”. Cô gái nghẹn ngào: “Đèn hồng đã có người mua, má hồng đã bị nắng mưa phai rồi”. Chúng ta thấy, lời văn rất trong sáng, rất nên thơ, đạt đến đỉnh điểm của cái đẹp văn học.
Một điểm nhấn nữa của Cô bán đèn hoa giấy, đó là bài ca có cốt truyện rõ ràng, đúng chất tự sự của bài vọng cổ, khiến người ca và người nghe đều dễ theo dõi, dễ nhớ, không bị lan man. Nói chung là dễ đi vào lòng người.
Đệ nhất nữ danh ca Thanh Hương Đầu những năm 1950, Cô bán đèn hoa giấy đã làm say mê biết bao con tim người mộ điệu. Công của người viết thì đương nhiên thuộc về soạn giả Quy Sắc, còn công của người thể hiện, tức người ca, người đưa bài hát đến công chúng, người giúp bài hát len lỏi được vào trái tim người mộ điệu, đó chính là nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Hương.
Thanh Hương vốn là con nhà nòi: cha là nghệ sĩ bậc thầy Năm Châu, mẹ là giọng ca nữ nổi danh một thời, cô Tư Sạng. Có lẽ cha mẹ đều là bậc thầy trong làng cổ nhạc, nên bài vọng cổ đã thấm tận xương tủy của Thanh Hương. Thanh Hương thành danh cùng thời với Sầu nữ Út Bạch Lan. Hai giọng ca này đã từng song hành làm nghiêng ngửa thị trường băng đĩa những năm 1950-1960 và cả 1970. Làn giọng Thanh Hương đặc chất thổ có pha chút kim, âm vực rộng và mạnh. Thanh Hương ca vang vọng, ở xa vẫn nghe rõ mồn một. Sức hấp dẫn của giọng ca Thanh Hương là âm vực cao, tiếng rất trong trẻo, vang lộng, ngọt ngào, khi ca những đoạn lâm ly thì nghe rất mùi, rất êm tai, Thanh Hương ca vọng cổ đúng chất tự sự : mộc mạc, chân phương nhưng đủ đầy hoa lá.
Bộ nhịp của Thanh Hương rất vững và chuẩn, bởi vậy cô ca như đùa giỡn với cung đàn, người trong nghề thì nói là cô có biệt tài “nhảy múa trên dây đàn”. Cô ca rất xôm và rất tươi, rất rộn ràng sôi động. Theo các nhà phân tích, chỉ có một số nghệ sĩ có nghệ thuật ca thượng thừa như Út Trà Ôn hay Út Bạch Lan mới dám thi triển lối ca nhảy múa này.
Cuối thập niên 1950, trong cuộc bầu chọn của khán giả trên tờ báo Tiếng Dội do ông Trần Tấn Quốc làm chủ biên, về phía nam nghệ sĩ, danh hiệu “Đệ nhất nam danh ca vọng cổ” thuộc về Út Trà Ôn, còn danh hiệu “Đệ nhất nữ danh ca vọng cổ” thì thuộc về nghệ sĩ Thanh Hương. Từ đó đến nay, đã bao lượt trăng tàn rồi trăng khuyết, đã có biết bao nữ nghệ sĩ cải lương nổi danh làm xao động làng cổ nhạc, thế nhưng, không hiểu sao, cứ nhắc đến danh hiệu “Đệ nhất nữ danh ca” thì người mộ điệu nghĩ ngay đến nghệ sĩ Thanh Hương.
Thanh Hương bất tử cùng Cô bán đèn hoa giấy Nếu nhắc đến danh hiệu “đệ nhất nữ danh ca” là nhắc đến Thanh Hương, thì mỗi khi nhắc đến Thanh Hương, người mộ điệu nghĩ ngay đến bài vọng cổ Cô bán đèn hoa giấy. Vào thập niên 1950, khi hãng dĩa Hồng Hoa (tức hãng dĩa Asia trước kia) tung ra thị trường đĩa vọng cổ Cô Bán đèn hoa giấy, cái liên danh Thanh Hương - Cô bán đèn hoa giấy trở thành “tuyệt phẩm vọng cổ”, tuyệt về lời ca, tuyệt về giọng ca. Từ đó, cái tên Thanh Hương bắt đầu gắn liền với Cô bán đèn hoa giấy.
Bài Cô bán đèn hoa giấy mang chất tự sự, hoàn toàn phù hợp với giọng ca Thanh Hương. Thanh Hương có giọng đặc thổ có pha chút kim nên tiếng ca nghe vang vọng nhưng đượm u buồn, rôm rả nhưng đầy tâm sự, nó như tiếng lòng đang thổn thức, như con tim yêu đang loạn nhịp, buồn man mác mà không bi lụy. Thêm vào đó, như đã nói, Thanh Hương có kỹ thuật ca vọng cổ thượng thừa: bộ nhịp vững chắc, chính xác như đổ khuôn, sử dụng ca từ như nhảy múa trên cung đàn. Đặc biệt, Thanh Hương đã đạt đến trình độ “diễn xuất trong giọng hát”, tức cũng giống như Đệ nhất nam danh ca Út Trà Ôn, chỉ cần nghe Thanh Hương ca, không cần nhìn cô diễn tả bằng động tác, người nghe cũng cảm được những cung bậc tình cảm của nhân vật trong bài ca.
Với giọng ca đó, với cách ca đó, Thanh Hương đã thể hiện trọn vẹn tâm tình của Cô bán đèn hoa giấy: buồn man mác, không đủ mạnh để làm gục ngã cô gái, nhưng nó cứ thoang thoảng đâu đó để đeo đuổi theo cô gái suốt cuộc đời. Đoạn hay nhất của bài ca, hay vì tính văn học và về độ sâu tình cảm, đó là lúc cô bán đèn hoa giấy và vị khách thư sinh đối đáp như đã nói ở trên.
Trong buổi sơ ngộ, chàng thư sinh chắc cũng bắt đầu có cảm tình với cô bé bán đèn nên mới hỏi: “Hỡi cô bán đèn giấy hồng, đèn hồng cô bán, má hồng bán chăng?”, và cô bán đèn-Thanh Hương đáp “Má hồng hãy hỏi song thân, em đây chỉ bán cho anh đèn hồng”. Khi hay người gặp lại, chàng trai hỏi: “Hỡi cô bán đèn giấy hồng, năm nay cố đã có chồng hay chưa?”, cô bán đèn-Thanh Hương đáp: “Đèn hồng đã có người mua, má hồng đã bị nắng mưa phai rồi”. Ta thấy, Thanh Hương ca ngâm hai đoạn này thật tuyệt vời, người nghe cảm nhận được trong lời ca sự nặng trĩu của tâm tình và một nỗi buồn man mác.
Một câu hỏi đặt ra : Khi gặp lại, vì cô gái đã có chồng nên cô buồn là đúng, chứ còn trong buổi sơ giao thì đang lúc tươi vui sao lại u buồn? Thưa rằng, bài ca là một câu chuyện có cốt truyện hẳn hoi, do cô gái, tức người trong cuộc kể. Vì thế, cô đang kể tức là cô đang hồi tưởng lại từng chi tiết của câu chuyện, và dĩ nhiên đây là kỉ niệm về một mối tình đã lỡ, đương nhiên người kể phải u buồn, thế nhưng sự việc đã qua, và mối tình kia chỉ là kỉ niệm, nếu có còn chăng thì cũng ở tận cùng đáy tâm hồn, vì thế nó mới man mác, không ồn ào, và dĩ nhiên người kể không thể nào kể sướt mướt cho được.
Theo lô gích đó, ta thấy đoạn đẹp nhất, giàu chất văn học nhất của bài ca, tức tám câu thơ lục bát đối đáp, tưởng dễ ca nhưng thực chất lại là đoạn khó ca nhất. Bởi người ca không thể ngân nga cho điệu thơ được du dương, không thể lê thê cho sự u buồn trở nên bi lụy, mà phải làm sao thể hiện được chất tự sự trong lời ca, đưa được trọn vẹn tâm tình của Cô bán đèn hoa giấy vào lời ca, phải làm sao cho người nghe cảm nhận được sự trĩu nặng của tâm hồn, sự sâu xa của mối tình đầu và sự man mác của cuộc tình vừa chớm đã vội tan. Nét đặc sắc này đã được Thanh Hương thể hiện một cách tuyệt vời, khiến cho người nghe cũng bị cái buồn man mác len lỏi vào trong tim lúc nào mà không biết.
Lệ Thủy kế tục xứng đáng Cô bán đèn hoa giấy Khi nghệ sĩ Thanh Hương đã thành danh vang dội trong làng cải lương nam bộ, thì tổ nghiệp có lẽ đã hậu ái khi chuẩn bị người kế thừa cho giọng hát của cô, đó chính là nữ nghệ sĩ tài danh Lệ thủy. Hồi Lệ Thủy còn nhỏ, gia đình Lệ Thủy phải dắt dìu nhau lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Vì nhà nghèo nên ngoài giờ học, Lệ Thủy phải bồng em để cho mẹ làm việc kiếm tiền. Hàng ngày Lệ Thủy bồng em ra ngang hông chợ Khánh Hội chơi, nên thường nghe được bài Cô bán đèn hoa giấy do Thanh Hương ca, phát ra từ một tiệm sửa radio trong chợ.
Lệ Thủy nghe rồi bắt đầu thích, thích rồi mê quá giọng ca Thanh Hương. Ai có ngờ đâu, Cô bán đèn hoa giấy sẽ là bài gắn liền với tên tuổi Lệ Thủy bởi vì trong vố số các bài vọng cổ mà Lệ Thủy đã thể hiện, có thể nói tất cả những cái gì biểu trưng cho giọng ca điêu luyện của Lệ Thủy điều được tìm thấy trong Cô bán đèn hoa giấy.
Được biết, thuở thiếu thời, Lệ Thủy thần tượng giọng ca Thanh Hương. Nếu nghe Lệ Thủy ca khi cô còn trẻ, ta thấy từ giọng ca đến cách ca của cô rất giống Thanh Hương. Lệ Thủy chịu ảnh hưởng nhiều của Thanh Hương trong cách ca, cách phát âm, cách nhã chữ, cách sắp chữ. Nét thu hút trong giọng ca hai nữ nghệ sĩ này là : âm vực rộng, ca chân phương không cầu kỳ, ca mộc mạc, sắp chữ nằm gọn trong khuôn. Đây là trường phái ca vọng cổ thuộc hàng mẫu mực, thể hiện được cái tinh thần “chân phương hoa lá” của bài vọng cổ.
Khi thể hiện bài Cô bán đèn hoa giấy, Lệ Thủy có thể nói là đã có chút mạo hiểm, bởi vì bậc tiền bối của cô là nghệ sĩ Thanh Hương đã để lại cái bóng quá lớn trong bài hát này, bởi vì Lệ Thủy là người chịu ảnh hưởng của giọng ca Thanh Hương. Ấy thế nhưng, do giọng ca Lệ Thủy có chút khàn khàn rất riêng, lại là giọng kim pha thổ, nên Lệ Thủy đã tạo được nét riêng của mình trong bài hát. Không chỉ có thế, Lệ Thủy cũng đã tìm tòi sáng tạo trong cách ca để không bị rập khuôn người đi trước, do đó cô đã tạo được dấu ấn riêng cho bài hát, được người mộ điệu tán thưởng.
Như đã nói, điểm nhấn của Cô bán đèn hoa giấy là hai đoạn đối thoại bằng thơ lục bát trong hai lần gặp mặt của cô bán đèn hoa giấy và vị khách thư sinh. Lệ Thủy đã thể hiện trọn vẹn tâm sự nặng trĩu của cô gái trong đoạn ca ngâm này: nổi buồn không nức nở nhưng man mác. Có thể nói Lệ Thủy đã kế tục xứng đáng Thanh Hương trong bài ca Cô bán đèn hoa giấy, một sự kế tục có sáng tạo, vì thế tên tuổi Lệ Thủy cũng đã bất tử với bài ca này. Sau Lệ Thủy, chưa thấy có nữ nghệ sĩ nào nổi bật với bài hát này.
Bài ca khẳng định cái hồn vọng cổ Ở đây, ta thấy có những sự trùng hợp rất kỳ diệu. Bài Cô bán đèn hoa giấy dù không phổ biến bằng Tình anh bán chiếu, nhưng nếu Tình anh bán chiếu được xem là “Bài vọng cổ vua”, thì Cô bán đèn hoa giấy cũng được xem là “Bài vọng cổ hoàng hậu”. Lạ kỳ thay, người thể hiện thành công nhất bài Tình Anh bán chiếu chính là Út Trà Ôn, người được danh hiệu “Đệ nhất nam danh ca” trong cuộc bình bầu của những năm 1950. Danh hiệu đệ nhất nữ danh ca năm ấy thuộc về Thanh Hương, người thể hiện thành công nhất bài Cô bán đèn hoa giấy.
Một nét trùng hợp nữa là cả hai bai ca này đều mang chủ đề về tâm tình của một người bán hàng bình dân, một người là nam làm nghề bán chiếu và một người là nữ chuyên bán đèn hoa giấy mỗi dịp xuân về.
Thế nhưng, những nét trùng hợp đáng chú ý nhất có lẽ là về nội dung bài ca và về giọng ca thể hiện. Về nội dung, Tình Anh bán chiếu và Cô bán đèn hoa giấy đều là những bài vọng cổ thuộc hàng mẫu mực : giàu chất tự sự, lời cây đầy tính văn học, tình cảm nhân vật mộc mạc, chân phương, u buồn nhưng không sướt mướt bi lụy. Về giọng ca thể hiện: Út Trà Ôn và Thanh Hương đều có lối ca chân phương, mùi mẫn, âm vực rộng, không ngân mà thường "hơ". Đặc biệt hai người đều có bộ nhịp rất vững, cách phân nhịp độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca và diễn. Nói chung, hai người thuộc trường ca mẫu mực, không lạng bẻ, không kiểu cọ, thể hiện được trọn vẹn tính tự sự, tính chân phương-cái thần của bài vọng cổ. Hai giọng ca chân phương, tự sự đã thành công với hai bài ca cũng mẫu mực về tính chân phương, tự sự: Cô bán đèn hoa giấy và Tình anh bán chiếu.
Mấy mươi năm đã trôi qua, cải lương đã trải qua bao nỗi thăng trầm, và hiện tại bị xem là đang tuột dốc, ấy thế mà giọng ca Út Trà Ôn và Thanh Hương vẫn chưa có ai vượt nổi, vẫn làm say đắm người mộ điệu. Và cứ nhắc đến tài ca vọng cổ, thì người ta nghĩ ngay đến Út Trà Ôn và Thanh Hương, hễ nhắc đến danh hiệu “đệ nhất danh ca”, thì người ta nghĩ ngay đến Út Trà Ôn và Thanh Hương. Và cứ nhắc đến Út Trà Ôn thì người ta nghĩ đến Tình anh bán chiếu, còn nhắc đến Thanh Hương thì người ta nghĩ ngay đến Cô bán đèn hoa giấy. Đó là một minh chứng hùng hồn cho thấy, sức hấp dẫn lớn nhất của bài vọng cổ cũng chính là cái thần hồn của nó: đậm chất tự sự, và chân phương nhưng hoa lá.