Trong số những nam nghệ sĩ tiền phong, khán thính giả rất ái mộ các danh ca như Năm Nghĩa, Bảy Cao, Thanh Tao, Út Trà Ôn, Tám Thưa, Năm Phồi, Thành Công, Ba Khuê, Tám Bằng, Sáu Thoàn, Thanh Cao, v…v.… Trong số các danh ca đó, các anh Năm Nghĩa, Bảy Cao, Ba Khuê, Út Trà Ôn… đứng ra lập gánh hát và trở thành kép chánh của gánh hát nhà.
Nghệ sĩ tiền phong Năm Nghĩa
Trong số những nam nghệ sĩ tiền phong, khán thính giả rất ái mộ các danh ca như Năm Nghĩa, Bảy Cao, Thanh Tao, Út Trà Ôn, Tám Thưa, Năm Phồi, Thành Công, Ba Khuê, Tám Bằng, Sáu Thoàn, Thanh Cao, v…v.… Trong số các danh ca đó, các anh Năm Nghĩa, Bảy Cao, Ba Khuê, Út Trà Ôn… đứng ra lập gánh hát và trở thành kép chánh của gánh hát nhà.
Nghệ sĩ Năm Nghĩa tên thật là Lư Hoà Nghĩa sanh năm 1917 tại Bạc Liêu, mất năm 1959 tại Saigon.
Khi Năm Nghĩa được 15 tuổi, anh đã nổi tiếng danh ca nhờ có một làn hơi thiên phú và một kỹ thuật ca với giọng ơ ơ dứt câu rất là độc đáo. Thầy dạy cho anh Năm Nghĩa ca và đờn kìm là các ông nhạc sư Sáu Lầu, tức Cao Văn Lầu, nhạc sư Ba Chột, con của hậu tổ Nhạc Khị và nhạc sĩ Mười Khói là người chuyên đờn luyện giọng ca cho anh Năm Nghĩa khi nhạc sĩ Mười Khói đờn cho gánh hát Hậu Tấn - Năm Nghĩa và sau này anh Mười Khói đờn cho gánh hát Thanh Minh – Năm Nghĩa.
Bản Dạ Cổ Hoài Lang
Năm Nghĩa nổi tiếng trong giới đờn ca tài tử ở tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh phụ cận nhờ nơi giọng ca rất mùi và chắc nhịp và nhờ nơi anh biết đờn kìm và luôn luôn tìm chữ đờn mới, cách ca mới, bay bướm hơn, mới lạ và mùi mẫn hơn các bạn ca sĩ trong nhóm đờn ca tài tử Bạc Liêu.
Bản Dạ Cổ Hoài Lang nhịp đôi của nhạc sĩ Sáu Lầu sáng tác năm 1918. Năm 1927, nhạc sĩ Tư Chơi tức soạn giả Huỳnh Thủ Trung đờn mở thành ra nhịp tư và viết bài ca Tiếng Nhạn Kêu Sương, bản Dạ Cổ Hoài Lang nhịp tư đầu tiên. Ông nhạc sĩ Sáu Lầu rất khen và chấp nhận cách kéo nhịp giản ra của nhạc sĩ Tư Chơi vì nhạc sĩ Tư Chơi thêm chữ đờn trong lòng câu Dạ Cổ mà không phá căn bản của bài Dạ Cổ Hoài Lang.
Năm 1934, thời kỳ rất thạnh hành của bản Dạ Cổ Hoài Lang nhịp tư, nhưng danh ca Năm Nghĩa nghĩ cách kéo dài gấp đôi bản đờn Dạ Cổ với những chữ đờn được chỉnh sửa cho mùi hơn nhưng vẫn giữ y nguyên những chữ đờn ở những nhịp chính của bản đờn gốc.
Nhạc được kéo dài ra thành ra lời bài ca cũng phải viết nhiều chữ hơn nên danh ca Năm Nghĩa sáng tác bài ca vọng cổ Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa nhịp 8. Bài hát nầy được hãng dĩa Béka thu thanh và phát hành dĩa 78 tours trên toàn quốc, đã đề cao tên tuổi của danh ca vọng cổ Năm Nghĩa, mở màn cho sự phát triển của bản vọng cổ, từ nhịp tám tăng lên thành nhịp 16, rồi nhịp 32, nhịp 64 sau nầy, làm rạng danh cho những danh ca vọng cổ như Út Trà O6n, giọng ca vàng Hữu Phước, giọng hát Liêu Trai Mỹ Châu, giọng ca sầu nữ Út Bạch Lan …v…v.
Việc thêm chữ đờn, giản nhịp ra, thêm lời ca cho phù hợp với chữ đờn, người ngoài nghề nghĩ đó là việc bình thường nhưng trong giới nhạc sư, nhạc sĩ cổ nhạc, các nghệ sĩ tài danh Phùng Há, Năm Châu, Tư Chơi, Năm Nở đều đánh giá cao sự sáng tạo của nghệ sĩ Năm Nghĩa giúp cho bản vọng cổ được phát triển mạnh và trường tồn. Bản Dạ Cổ Hoài Lang được đổi tên là Vọng cổ, một bản nhạc được xem như là bản nhạc vua trong nghệ thuật cải lương.
Nhạc sư Cao Văn Lầu đã phát biểu cảm tưởng nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ngành ca kịch cải lương tại nhà Hội nghệ sĩ ở đường Cô Bắc như sau : Phải cám ơn thằng Năm Nghĩa, nếu nó không chế biến ra thành bản vọng cổ Bạc Liêu nhịp 8 thì bài Dạ Cổ Hoài Lang của tôi sẽ giống như các bàiOán, bài Nam bất biến. Cứ theo khuôn khổ đờn ca cũ như bao nhiêu bản cổ nhạc khác thì làm sao mà nó được phát triển và được cả mọi người ưa thích như ngày nay.
Cái hay của thằng Nghĩa là nó biết nhồi thêm nhiều chữ đờn cho mùi hơn, réo rắt hơn, xôm hơn mà vẫn giữ đúng các chữ đờn ở các nhịp chánh, thành ra khi hòa đờn với nhau, mạnh ai nấy biến tấu, miễn cùng giữ đúng chữ đờn ở những nhịp chánh thì nghe nhạc càng thích thú chớ không có trái tai hay đờn chỏi, đâm hơi với nhau.
Thu nhiều bộ dĩa hát nổi tiếng
Thưa quý thính giả, vừa rồi là giọng ca của danh ca Năm Nghĩa trong tuồng Hoa rơi cử Phật Nghệ sĩ Năm Nghĩa nổi danh trên đài phát thanh cùng hãng dĩa BéKa và Asia, anh đã thu những bộ diã hát nổi tiếng như bộ dĩa Quan Công Quy vị, vọng cổ câu, nhan đề Nặng Gánh Nợ Đời, Đêm Đông, Tình Yêu Trong Mộng Tưởng, Hoa Rơi Cửa Phật, Tam Ban triều điển Đổng Quý Phi, Gươm Vàng Máu Đỏ, Võ Đông Sơ…
Năm 1936, nghệ sĩ Năm Nghĩa đi hát cho gánh hát Hề Lập, cùng với kép Tư Long, hề Sáu Dình, Cô Năm Đặng, Ba Hông và Mai Huệ. Năm Nghĩa là kép ca sáng chói nhứt của gánh hát. hề Lập.
Năm 1942, Ông Phạm Minh Tấn, quản lý rạp hát Thành Xương và là chủ nhân của năm căn phố bên hông rạp Thành Xương, ông mời hai danh ca Năm Nghĩa và Bảy Cao hợp tác, thành lập hai gánh hát đại ban, lấy bảng hiệu Hậu Tấn - Năm Nghĩa và gánh Hậu Tấn - Bảy Cao. Gánh hát Hậu Tấn Bảy Cao chuyên hát tuồng chiến tranh mà thời đó nhiều người còn gọi là tuồng Cắc Bùm.
Gánh hát Hậu Tấn Năm Ngjhĩa chuyên hát tuồng Phật như Thích ca Đắc Đạo, Mục Liên Thanh Đề và các tuồng truyện cổ tích Thoại Khanh Châu Tuấn, Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa. Năm Nghĩa trong vai Phạm Công ca vọng cổ, diễn tả tấm lòng chung thủy trước mộ của Cúc Hoa đã khiến cho biết bao khán giả phải rơi lụy và si mê thần tượng vọng cổ Năm Nghĩa.
Giọng ca của danh ca Năm Nghĩa trong tuồng Tam Ban triều điển Đổng Qúy Phi ca chung dĩa hát với cô Năm Cần Thơ. Hồi xưa, giọng ca ngân dứt câu hơ hơ… ngân đổ hột là một cái mode thời thượng. Giọng ngân phải đều đặng, không được đứt khoản và phải vuốt nhỏ dần là một lối ca rất khó, danh ca Năm Nghĩa khởi đầu lối ca ngân đổ hột này.
Năm 1948, gánh hát Hậu Tấn – Năm Nghĩa hát ở Tân Định, nữa đêm bị kẻ gian phóng hỏa thiêu rụi gánh hát. Sau đó năm 1949, nghệ sĩ Bảy Cao bị Công An bắt nhốt trong khám nên ông Ba Tấn cho rã hai gánh hát Hậu Tấn - Năm Nghĩa và Hậu Tấn - Bảy Cao.
Năm 1949, ông Năm Nghĩa thành hôn với bà Nguyễn Thị Thơ, lập ra gánh hát Thanh Minh. Hầu hết những danh ca và nghệ sĩ tài danh thời đó đều có hát cho đoàn hát như các nghệ sĩ Út Trà Ôn, cô Ba Kim Anh, Kim Chưởng, Thanh Loan, Thu Ba, Bé Hoàng Vân, Hoàng Giang, Kim Giác, Việt Hùng - Ngọc Nuôi, Phước Trọng - Thúy Nga, Văn Chung - Thanh Hương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Minh Điển, Văn Ngà, Hữu Phước, Thành Được, Út Nhị, Út Hậu, Út Hiền, hề Kim Quang, hề Châu Hí, Tám Vân, Sáu Nhỏ, Vinh Sang, Bích Sơn, …v…v….
Ông Năm Nghĩa, bị thổ huyết vì bịnh loét bao tử, chết tại nhà thương Grall, tháng 12 năm 1959
** Mời các bạn lên trang chủ bấm tuồng" Hoa Rơi Cửa Phật" để thưởng thức giọng ca của chú Năm Nghĩa trong vở tuồng lịch sử này nha. Vở tuồng này sau còn có tên là Lan và Điệp. Vở này ra đời năm 1936 do soạn giả Trần Hữu Trang viết.
Nhạc sĩ Lư Hòa Nghĩa (Năm Nghĩa) – người mở đường cho bản Dạ cổ Hoài Lang thành bài vọng cổ
Cập nhật ngày: 20/12/2010
Nhạc sĩ Lư Hòa Nghĩa (Năm Nghĩa) sinh năm 1911, mất năm 1959. Từ lúc thiếu thời sớm có năng khiếu về cổ nhạc và giọng ca thiên phú. Năm Nghĩa còn có may mắn là được sư Nguyệt Chiếu, một danh sư cổ nhạc ở Bạc Liêu thời đó nhận dạy đờn ca tài tử.Sau 5 năm theo thầy, nhờ siêng năng rèn luyện nên ông tiến bộ rất nhanh, ca rất hay và đờn rất giỏi. Tuy quan hệ với nhiều bạn bè, nhưng Lư Hòa Nghĩa chơi thân với Cao Văn Lầu, thường cùng nhau tập dượt đờn ca. Khi bản "Dạ cổ Hoài Lang" ra đời, Năm Nghĩa rất tâm đắc, ông thấy thể điệu này rất hợp với giọng ca, ngón đàn của mình, nhưng mỗi câu ngắn quá, nên ông muốn chuyển sang nhịp 8 dài gấp đôi bản cũ, chữ đàn thay đổi cho mùi hơn. Thế là ông để tâm thực hiện và cuối cùng ông đã hoàn thành bản "Dạ cổ" mới với mỗi câu 8 nhịp, nhưng chưa có lời ca phù hợp với chữ đàn mới.
Thế rồi vào một đêm của năm 1934, Năm Nghĩa cùng với Sáu Lầu hàn huyên và hòa tấu, hai người mải mê trong cung đàn, tiếng nhạc đến khi trời đã quá khuya nên phải ngủ lại nhà người quen bên cạnh nhà Sáu Lầu (vì nhà Sáu Lầu nhỏ, chật hẹp). Đang lúc trằn trọc không ngủ được thì tiếng chuông công phu từ chùa Vĩnh Phước An gần đó vang lên từng hồi khiến ông xúc động và ông thức dậy viết một mạch 20 câu ca cho bản dạ cổ nhịp 8 và đặt tên cho bài ca là: "Văng vẳng tiếng chuông chùa".Điệu vọng cổ Bạc Liêu ra đời được hoan nghênh nhiệt liệt và vị trí của nó ngày càng lớn để được xem là đại diện của các bài ca cổ miền Nam. Vọng cổ đã trở thành món ăn tinh thần của người dân Bạc Liêu và Nam Bộ. Người ta đua nhau sáng tác và cứ theo đà đó, bài vọng cổ được kéo dài ra thành nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 như hiện nay. Từ cái khuôn là Dạ cổ Hoài Lang, Nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa đã trở thành người tiên phong mở ra cho bài vọng cổ một hướng đi đúng đắn và bài "Văng vẳng tiếng chuông chùa" của ông đã mở đầu cho kỷ nguyên vọng cổ Nam Bộ, và chiếm địa vị to lớn trong nền cổ nhạc Nam Bộ hiện nay.Năm 1948, Năm Nghĩa "chắp nối" với bà Bầu Thơ, một phụ nữ giàu có ở đất Tây Ninh và có một đời chồng ở đó. Cuộc hôn nhân này rất tâm đầu ý hợp, đã có với nhau 5 đứa con là: Bảo Quốc, Chí Bình, Ánh Đào, Ánh Mai, Chí Tiên. Còn Thanh Nga là con riêng của bà Bầu Thơ, lúc hai người chung sống với nhau, Thanh Nga được 6 tuổi nhưng ông vẫn yêu thương cô như con ruột.Ngay từ khi Thanh Nga, Bảo Quốc mới tập hát, ông Năm Nghĩa đã nhận ra đây là hai ngôi sao sáng của sân khấu cải lương trong tương lai, nên ông đã có kế hoạch đào tạo cho hai người. Ông dốc sức dạy dỗ các con và nhờ Nhạc sĩ Út Trong kềm cặp thêm cho Thanh Nga. Năm 16 tuổi, với vai Sơn nữ Phà Ca trong vở “Người vợ không bao giờ cưới”, Thanh Nga đã trở thành một diễn viên xuất sắc nổi tiếng khắp nơi. Riêng Bảo Quốc, theo lời chỉ dẫn của cha, anh đã cố gắng trau dồi nghề nghiệp nhưng có lẽ anh chỉ có duyên với các vai hài, nên các vai kép con không thành công lắm. Năm Nghĩa sớm nhận ra điều đó và đã chuẩn bị cho anh những vai chọc cười thiên hạ và chính nhờ sự sắp xếp này của ông đã tạo điều kiện để Bảo Quốc trở thành một danh hài lớn của Việt Nam.Từ năm 1951, Năm Nghĩa đã dựng đoàn hát Thanh Minh Năm Nghĩa, sau là Thanh Minh do Bảo Quốc làm chủ. Lúc thịnh đại, Năm Nghĩa và bà Bầu Thơ lập một lúc hai đoàn cải lương Thanh Minh Bảo Quốc và Thanh Minh Thanh Nga.Nghệ sĩ Năm Nghĩa không chỉ là một diễn viên ưu tú, một đạo diễn giàu kinh nghiệm mà còn là một soạn giả có tài. Ông đã biên soạn nhiều vở tuồng hay như: Chén cơm đô thành (1953), Thầy cai Tổng Bồi (1954), Tiếng trống hòa bình (1954), Anh hùng trên chiến mã (1956). Đặc biệt, bài vọng cổ "Văng vẳng tiếng chuông chùa" (1934) là một kỳ tích trong nền cổ nhạc Nam Bộ. Ông là người có công lớn trong việc mở đường và tạo chỗ đứng cho bản vọng cổ như ngày nay./.
Nghệ sĩ Hữu Châu, cháu nội nghệ sĩ tài danh Năm Nghĩa
Thứ hai - 29/09/2008 02:12
Nghệ sĩ Hữu Châu và mẹ, nữ nghệ sĩ Thanh Lệ.
Có thể nói là hiện nay các nghệ sĩ chuyên môn tấu hài đang sống một thời vàng son giống như trước đây trong các thập niên 50, 60, 70, các nghệ sĩ cải lương đã từng được hưởng. Người ta hiểu Thời Vàng Son là theo nghĩa cái thời kỳ mà sân khấu trình diễn được đông đảo khán giả đến xem hát, có nhiều tuồng tích hay, nhiều nghệ sĩ giỏi và nghệ sĩ được hưởng những lợi nhuận gồm có tiền contract ký với bầu gánh hát và lương mỗi suất hát cũng rất cao.
Nghệ sĩ Hữu Châu hiện nay là một nghệ sĩ chuyên môn tấu hài và diễn kịch nói, đắt show nhất. Hữu Châu được đánh giá cao khả năng biểu diễn kịch nói mặc dầu anh là người thuộc về thế hệ thứ ba của một gia đình nức danh về nghệ thuật sân khấu cải lương.
Nghệ sĩ Hữu Châu tên thật là Nguyễn Hữu Châu, sanh năm 1966 tại Saigòn. Cha của anh là Albert Nguyễn Hữu Thìn tức nghệ sĩ Hữu Thìn, mẹ là Trần Thị Hai tức nữ nghệ sĩ Thanh Lệ từng nổi danh qua các vai đào lẳng trong tuồng Bọt Biển, Cô Gái Đồ Long, Sau Ngày Cưới, Thái Hậu Dương Vân Nga, Đoạn Tuyệt, Hoa Mộc Lan…
Cô ruột của Hữu Châu là nữ nghệ sĩ Thanh Nga, chú của Hữu Châu là danh hài Bảo Quốc. Ông nội là nghệ sĩ Năm Nghĩa, bà nội là bà bầu Nguyễn Thị Thơ, bà bầu Thơ nổi danh là bầu của những ông bà bầu gánh hát cải lương. Những mất mát trong đời
Khi còn trẻ, nghệ sĩ Hữu Châu phải trải qua những đau buồn dồn dập vì những tai biến đổ ập vào gia đình của Hữu Châu.
Năm 1978, cô ruột của anh là nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga và chồng bị bắn chết ngay trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu.
Năm 1979, anh ruột của Hữu Châu là Thanh Hải, diễn viên múa theo đoàn hát Thanh Minh đi lưu diễn miền Bắc đã chết vì bị xuất huyết bao tử, gởi xác lại ở tỉnh Bắc Thái.
Cuối năm 1980, cha của anh là nghệ sĩ Hữu Thìn giúp cho vợ là Thanh Lệ dọn dẹp quán mì Phà Ca sau giờ bán khuya, xong rồi anh đạp xe đạp về nhà ở đường Ngô Tùng Châu, nhưng khi đến bên hông trường Nguyễn Bá Tòng, anh bị một kẻ vô danh đánh mạnh thanh sắt vào ót. Cảnh sát đi tuần thấy có người bất tỉnh trên lề đường, chở tới bệnh viện, lục bóp thấy giấy tờ mới biết là Hữu Thìn, con bà Bầu Thơ.
Theo lời của Thanh Lệ, vợ của Hữu Thìn thì bác sĩ cho biết là Hữu Thìn bị đánh bằng một cây sắt lớn, làm cho sọ bị nứt, máu chảy ứ bên trong nên bất tỉnh và chết không cứu trị được. Sau nầy, người ta kết luận là do tai nạn giao thông tại bên hông trường Nguyễn Bá Tòng.
Năm 1981, bà bầu Thơ, bà nội của Hữu Châu phải giao đoàn hát Thanh Minh của bà cho chánh phủ để tập thể hóa đoàn hát theo chủ trương lúc bấy giờ.
Năm 1982, bà Bầu Thơ đang ngồi tụng kinh phật tại tư gia số 240 đường Trần Hưng Đạo, bỗng gục xuống bất tỉnh. Vừa mất đứa con gái thương yêu, một nữ nghệ sĩ tài danh, kế đó mất đứa cháu nội và con trai, nay lại mất cả gia sản vì bị tập thể hóa, bà bầu Thơ bị một cái sốc lớn, đau tim càng nặng hơn nên bị tai biến mạch máu nảo, bà bị liệt nữa thân mình, đi đứng khó khăn, nói chuyện cũng bị ngọng nghịu.
Đến năm 1988, bà bầu Thơ té trong nhà, bị xuất huyết nảo và mất vào ngày 22 tháng 12 năm 1988 ở đường Ngô Tùng Châu. Từ bi hài kịch tới tấu hài
Nghệ sĩ Hữu Châu giả gái.
Nghệ sĩ Hữu Châu tốt nghiệp trường sân khấu 2, khóa 6, một lượt với Hồng Đào, Quang Minh, Hữu Nghĩa, Thanh Thủy. Ra trường Hữu Châu phải theo các bạn xuống tỉnh Bạc Liêu, thực tập trong đoàn kịch Minh Hải.
Nghệ sĩ Hữu Châu tốt nghiệp trường sân khấu 2, khóa 6, một lượt với Hồng Đào, Quang Minh, Hữu Nghĩa, Thanh Thủy. Ra trường Hữu Châu phải theo các bạn xuống tỉnh Bạc Liêu, thực tập trong đoàn kịch Minh Hải.
Một thời gian sau, thấy không thể có tương lai nên Hữu Châu trở về Saigon, ngồi bán thuốc lá lẻ trước hẻm vô căn nhà nhỏ của má Hữu Châu ở đường Nguyễn Trãi, kiếm tiền để nuôi mẹ và các em.
Sau đó Hữu Châu được đoàn kịch nói Kim Cương thu nhận về hát. Vai diễn đầu tiên của Hữu Châu trên sân khấu Kim Cương là vai Thầy Bói trong kịch “Hoàng Tử và Con Gái Lão Chăn Cừu”.
Thành công trong vai diễn đầu tiên, nghệ sĩ Hữu Châu được cho đóng vai ông Năm trong vở “Lá Sầu Riêng”, vai bác sĩ Huy trong “Nhơn Danh Công Lý” và vai Quan trong “Người Tình Trễ Xe”.
Năm 1988, Hữu Châu gia nhập nhóm tấu hài Bảo Quốc gồm có Bảo Quốc, Kim Xuân, Chí Hiếu, Hồng Loan và Hữu Châu. Hữu Châu đã được khán giả tán thưởng qua lối diễn hài tỉnh, không cường điệu méo mó mặt mày.
Đi theo chú mình biểu diễn trong nhóm hài tuy có thu nhập tương đối đủ sống nhưng Hữu Châu muốn tạo sự nghiệp tên tuổi cho chính mình chớ không núp dưới bóng của người chú danh hài nên cuối năm 1988, Hữu Châu gia nhập Câu Lạc Bộ Sân Khấu Nhỏ, anh tham dự hội diễn và đoạt được giải Ba Hội Diễn Kịch Nói toàn quốc.
Năm 1989, Hữu Châu thành công xuất sắc trong vai Lỗ Quý, kịch Lôi Vũ trên sân khấu Câu Lạc Bộ Sân Khấu Thể Nghiệm. Qua vai Lỗ Quý, Hữu Châu được giới sân khấu kịch nói đánh giá là một diễn viên trẻ có khả năng hát thành công nhiều loại vai kịch.
Năm 1990, nghệ sĩ Hữu Châu thêm một lần nữa khẳng định tài năng của mình sau khi Hữu Châu đoạt huy chương vàng Hội Diễn toàn quốc qua vai Đạo Sĩ trong kịch bản Đời Luận Anh Hùng của soạn giả Lê Chí Trung.
Cuối năm 1990, nghệ sĩ Hữu Châu và Hữu Nghĩa thành lập nhóm hài mang tên hai người, có sự cộng tác của hai nghệ sĩ Phương Thảo và Phú Hải. Nhóm hài Hữu Châu - Hữu Nghĩa thành công lớn với các tiết mục: Ba Giai Tứ Xuất, Nồi Cháo Gà, Sống Giả Chết Giả.
Năm 1991, Hữu Châu tách riêng ra, lập nhóm tấu hài mang tên Hữu Châu, diễn viên gồm có Hữu Châu, Tấn Thi, Trung Dân, Trinh Trinh đã biểu diễn nhiều nơi ở thành phố và các tỉnh với các tiết mục Thầy Đồ, Ai Lấy, Hội Ngộ, Người Giàu Cũng Khóc… Mong những vai diễn lớn
Năm 1994, Hữu Châu và nghệ sĩ Minh Nhí làm Ban Song Tấu Hài. Hữu Châu từ khi chuyển qua tấu hài, anh được khán giả nhiệt liệt ái mộ, do đó anh là một trong những danh hài đắt show nhất.
Thu nhập của anh cũng khá cao nhờ vào nghệ thuật tấu hài. Anh tâm sự: “Dù đi tấu hài kiếm được đủ tiền nuôi mẹ nuôi em, chớ tôi vẫn mong được hát trong một vai đàng hoàng. Trong năm 1995, tôi có vai diễn trong nhà hát Hòa Bình như vai ông Vạn Tuế trong vở kịch Lò Heo Quay và vai ông Minh trong vở Anh Sui Chị Sui. Đó là một niềm vui lớn đối với tôi.”
Khi được hỏi anh xuất thân từ một gia đình tài danh cải lương mà anh lại chuyên diễn kịch và tấu hài, anh có thấy nghịch lý không?
Hữu Châu cho biết: “Theo anh thì lâu nay, con em của các nghệ sĩ cải lương mà trở thành những nghệ sĩ tân nhạc hay tài tử điện ảnh thì cũng có nhiều, kể cả những nghệ sĩ cải lương tài danh đương thời cũng chuyển qua diễn kịch và tấu hài cũng không phải là ít. Tôi nghĩ là hát ở sân khấu cải lương hay kịch nói thì tôi xem cũng giống nhau vì mình bao giờ cũng sống với vai trò và vì khán giả.”
Hỏi vế thân thế và sự nghiệp hiện nay của anh ra sao thì Hữu Châu cho biết:
“Sự qua đời sớm của cha tôi nghệ sĩ Hữu Thìn, cô tôi nghệ sĩ Thanh Nga và bà nội tôi bà Bầu Thơ là một thiệt thòi lớn cho cuộc đời nghệ sĩ của tôi. Tôi cảm thấy quá bơ vơ khi bước vào nghề hát, cũng may còn có bạn bè, chú bác nghệ sĩ và chú Bảo Quốc thương mến, đó cũng là niềm an ủi để tôi hành nghề sinh sống và kiếm tiền nuôi mẹ và hai em.
Quả tình là bây giờ sân khấu phải vất vả lắm mới đủ sống nghĩa là hằng đêm phải làm gì đó ở sàn diễn thì mới sống được. Ở sân khấu lớn, hát cải lương trọn tuồng, nhiều diễn viên đã không đủ sống.
Bởi vậy con đường tấu hài là con đường hằng đêm để mình có mặt với khan giả, con đường tạm sống mặc dầu tôi vẫn ước mơ được diễn những vai có tầm cở trên một sân khấu đàng hoàng.”
Thưa quý thính giả, tâm sự và việc hành nghề của nghệ sĩ danh hài Hữu Châu có thể nói đó cũng là tâm sự của nhiều nghệ sĩ lấy nghề tấu hài để mưu sinh nhưng trong thâm tâm ai ai cũng muốn làm sao phục hồi được cái thời hoàng kim của sân khấu cải lương, để nghệ sĩ có thể hát được những vai tuồng mà mình ưa thích, những vai tuồng đàng hoàng chớ không phải chỉ có lối chọc cười như kiểu tấu hài hiện nay.
Mơ ước đó không lớn nhưng chắc khó mà thực hiện vì những người có trách nhiệm và có quyền không suy nghĩ cùng một hướng với các nghệ sĩ bình thường. Họ theo định hướng riêng, như vậy thì kể như đầu tàu chạy hướng Bắc mà các toa tàu thì muốn chạy về hướng Nam. Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.