Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn không tin NSND Lệ Thủy - một danh ca cải lương lẫy lừng của Việt Nam lại phải bỏ học từ rất sớm.
Muốn đền cho khán giả khi không thể... hát nữa!
Những ai không thích cải lương thì thôi, mà nỡ đã mê rồi thì "ngộ" lắm. Họ mê cải lương 1 thì mê nghệ sĩ tới... 100.
Chẳng thế mà NSND Lệ Thủy lại bảo, khán giả cải lương đã thương ai là thương chết người đó luôn. Phải là người này hát vai này, vở này người ta mới chịu đi coi, dẫu người mới có hay và đẹp hơn nhiều đi nữa.
Trong số những ngôi sao cải lương của Việt Nam, Lệ Thủy được khán giả thương đến kỳ lạ. Ngay cả khi Lệ Thủy đã gần 70 nhưng khi cất tiếng ca, khán giả vẫn "chết đứng chết ngồi".
Cái ngày Lệ Thủy còn theo đoàn về tỉnh hát. Đoàn biểu diễn buổi tối nhưng mới 4, 5 giờ chiều, ghe xuồng đã kéo đến. Có người đi bộ cả chục cây số, đốt đuốc dò đường đi xem, đông như ngày hội.
Trong những năm tháng cải lương còn ở trên “ngai vàng”, một lần, Lệ Thủy theo đoàn văn công về Bến Tre biểu diễn. Vở diễn kết thúc gần 11 giờ đêm, có 1 nhóm các cụ bà mê nghe Lệ Thủy hát cứ nắm tay Lệ Thủy lắc lắc mãi không chịu về.
Sau đêm diễn, đoàn về Sài Gòn nhưng bị kẹt chuyến phà lúc 4 giờ sáng nên phải đợi. Trên bến phà, Lệ Thủy gặp một toán các bà già đốt đuốc. Nhìn kỹ hóa ra các cụ đi xem hát hồi khuya đang trên đường đi bộ về nhà.
Thậm chí, có khán giả xem hát tuồng, thấy Lệ Thủy đóng vai con nhà nghèo, người hiền mắc nạn, họ tưởng ngoài đời Lệ Thủy cũng vậy nên tìm đến tận chỗ nghỉ của đoàn, người cho trái bầu, người cho nải chuối, có người bán con gà được mười mấy đồng cũng đem tới cho Lệ Thủy.
Đó là những kỷ niệm để đời với tình thương của khán giả dành cho nghệ sĩ cải lương mà trong một lần ngồi với tôi, Lệ Thủy nhớ lại.
Thấy khán giả thương mình quá, có lúc Lệ Thủy nghĩ, mai mốt không hát được nữa thì biết lấy gì bồi thường cho người ta đây?
Nhiều người bảo, mắc gì phải bồi thường. Còn Lệ Thủy vẫn nghĩ, phải chi có cái gì đền được thì Lệ Thủy vẫn đền cho người ta.
Vì Lệ Thủy thương khán giả lắm!
Hạnh phúc của nàng “Tô Ánh Nguyệt” hôm nay
Không chỉ khán giả mới yêu thích vai nàng Tô Ánh Nguyệt của Lệ Thủy mà chính người thủ vai cũng thích nhất vai diễn này, Lệ Thủy từng tâm sự như thế.
Nghệ sĩ Lệ Thủy nói rằng cô thích vai diễn này nhất vì vở diễn sống mãi với thời gian, vì nó lột tả rất thật tấm lòng, số phận người phụ nữ. Khi thể hiện vai nàng Tô Ánh Nguyệt, những tình tiết rất đàn bà làm Lệ Thủy rung động mãnh liệt.
Và hơn hết, cứ nói đến Tô Ánh Nguyệt là khán giả nghĩ đến Lệ Thủy.
“Tô Ánh Nguyệt” là tác phẩm nổi tiếng của soạn giả cải lương Trần Hữu Trang. Nàng Tô Ánh Nguyệt sống ở thời phong kiến. Nàng là một thiếu nữ yêu phải người đàn ông có vợ. Mối tình ấy làm nàng mang bầu và đành phải bỏ gia đình ra đi.
Ngày nàng gặp người đàn ông mình từng yêu thương đang ngồi kế vợ và nói những lời cạn tình cạn nghĩa, nàng đâu dám ngẩng mặt lên nhìn thẳng.
Nàng nhìn người ta lén lút và đau khổ. Vì nàng là người thứ 3 sai trái và đau khổ hơn là nàng trót trao nhầm tình yêu cho một người đàn ông hèn nhát. Nước mắt nàng chảy mãi không ngừng.
Ở lớp bi kịch ấy, ánh mắt Lệ Thủy diễn đạt đến mức ám ảnh người xem. Rất nhiều khán giả đã hỏi rằng, cuộc đời cô đào Lệ Thủy có giống nhân vật không mà sao lột tả tâm lý hay đến vậy?
Không. Cuộc đời nàng “Tô Ánh Nguyệt” ngoài đời kể từ khi đến với sân khấu cứ nhẹ nhàng như thuyền lướt trên sông, không sóng to gió lớn.
Mà dẫu có thì Lệ Thủy cũng cứ lướt lướt mà qua. Tâm hồn nàng "Tô Ánh Nguyệt" rất trong trẻo, chẳng bụi trần gian nào có thể làm mờ đi sự trong sáng và hồn hậu đó của nàng được.
13 tuổi, Lệ Thủy đã theo đoàn hát Trâm Vàng đi hát chuyên nghiệp. 14 tuổi được làm đào chánh. 15 tuổi đã nổi như cồn. Và thế là Lệ Thủy có người “quản lý”, người đó cũng chính là dì ruột của cô.
Dì dạy Lệ Thủy từ những điều nhỏ nhất: Đứa nào đưa thơ tay, con không được nhận vì như thế là không thành thật, phải có dấu bưu điện mới đàng hoàng.
Những người cho mình tiền, quà hay đồ giá trị thì đừng có nhận vì không ai cho không mình cái gì, mà phải đổi bằng một cái gì đó. Mà những người đó thường có địa vị xã hội, có vợ con rồi nên tốt nhất là không được dính vào.
Con không thiếu gì, có tên tuổi, có tiền... nếu con nhào vô cướp chồng người ta, vợ người ta tạt axit, con khỏi đi hát.
Thế là Lệ Thủy từ chối hết.
Sau này, Lệ Thủy quen và thương một anh chàng gốc gác miền Trung nhưng được ba mẹ mua cho căn chung cư ở Sài Gòn để tiện việc học hành.
Khi người ấy cầu hôn, Lệ Thủy vừa mừng vừa lo trong khi cả nhà ai cũng ưng bụng vì người đó được học hành lại hiền lành, dễ thương.
Lệ Thủy lo vì người đó là cử nhân kinh tế còn Lệ Thủy thì không được học hành gì từ nhỏ. Sợ về làm vợ rồi, mai mốt người ta làm lớn không cho đi hát nữa. Mà Lệ Thủy thì mê hát lắm, chỉ biết có hát thôi.
Lo thì lo thế nhưng Lệ Thủy vẫn cưới trước con mắt tiếc ngẩn tiếc ngơ của bao nhiêu chàng trai hâm mộ cô lúc bấy giờ. Năm ấy Lệ Thủy 27 tuổi. Mà thương làm sao, chồng chẳng những không bắt Lệ Thủy nghỉ ca hát mà hàng đêm còn chở vợ đi hát.
Có những khi khán giả ái mộ quá cứ đòi lệ Thủy ca thêm bài này bài kia, Lệ Thủy thì không nỡ từ chối. Hát thì hát mà dạ cứ xót xa chồng đứng ngoại đợi mỏi chân, muỗi cắn.
Rồi vào giai đoạn Lệ Thủy nổi như cồn với Minh Vương. Vào những năm 1980-1990, hễ Lệ Thủy làm đĩa hát là phải hát chung với Minh Vương mới bán được. Riết rồi đi nước ngoài diễn hay hát, người ta cũng yêu cầu phải hát chung với Minh Vương.
Thậm chí, nhiều khán giả thương Lệ Thủy, Minh Vương quá nên ghép hai người thành 1 cặp dù ngoài đời, hai người chỉ là bạn và ai cũng có hạnh phúc riêng của mình.
Lệ Thủy luôn ý thức được rằng, nữ nghệ sĩ hay được các ông lớn săn đón còn nam nghệ sĩ được các bà có tiền chiều chuộng. Vì sợ sự gãy đổ trong hạnh phúc gia đình nên Lệ Thủy luôn ý thức là mình không được như vậy.
Thế nên sau này, khi chồng Lệ Thủy dính vào một vụ án kinh tế lớn phải ngồi tù, tình cảm vợ chồng cô cũng không có gì xáo trộn.
Lệ Thủy tâm sự rằng, những năm tháng đó, Lệ Thủy vẫn đi xem các phiên xử, chỉ có điều Lệ Thủy phải che mặt để cánh báo chí không chĩa ống kính vào mình.
Những lúc bận đi tỉnh diễn vào đúng ngày xử án, Lệ Thủy vẫn đi bình thường. Trước khi đi, Lệ Thủy đến tòa, giơ hai ngón tay lên rồi vẫy tay cười chào chồng, thế là chồng hiểu vợ phải đi diễn hai ngày.
Lệ Thủy bảo, tốt xấu thế nào thì cũng là chồng mình. Mình đã yêu thì hãy tin tưởng và chờ đợi!
Tuổi thơ khốn khó
Lệ Thủy tên thật là Dương Thị Lệ Thủy về sau đổi thành Trần Thị Lệ Thủy. Lệ Thủy sinh năm 1948 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Lệ Thủy là chị cả trong gia đình có 8 chị em. Ba mẹ Lệ Thủy đều là những người làm công việc lao động chân tay bình thường.
Hồi Lệ Thủy còn nhỏ xíu xíu, căn nhà ở quê bị cháy. Mẹ gởi đứa em trai mới lẫm chẫm biết đi ở quê rồi cả gia đình líu ríu dắt nhau lên Sài Gòn mưu sinh. Năm đó Lệ Thủy mới 3 tuổi.
Ba của Lệ Thủy từng làm cửu vạn ở bến tàu. Ai kêu gì làm đó. Còn mẹ thì xin giúp việc cho người ta nhưng vì có con nhỏ nên không ai nhận. Thế là bà nhận nấu cơm tháng cho mấy người thợ bốc vác.
Sau, có người quen rủ làm bánh để giao cho mối. Rồi công việc làm bánh của mẹ cũng dần ổn định nên gia đình mua được căn nhà nhỏ nhưng Lệ Thủy phải bỏ học từ rất sớm chỉ vì tờ giấy khai sinh đã bị cháy cùng căn nhà ở quê năm nào.
Mà nhà thì nghèo, đông con nên nào có thời gian chạy đi làm lại giấy tờ. Lo cơm gạo hàng ngày đã mướt mồ hôi. Được học thì tốt mà không thì phụ ba mẹ kiếm tiền trang trải chi phí cho gia đình... còn tốt hơn!
Năm Lệ Thủy 12 tuổi, cô đã có thêm 6 đứa em.
Nhà đông em, Lệ Thủy bảo vui thì vui lắm nhưng mà mệt. Dỗ đứa này ngủ xong, đứa kia mơ thấy gì đó lại khóc rống lên, đứa nọ thấy đứa kia khóc cũng giật mình khóc theo.
Mấy đứa nhỏ hơn thấy mấy đứa kia khóc cũng lại hùa vào... khóc phụ. Thế là thành cái dàn đồng ca. Có lần, Lệ Thủy nói vui, chắc tại hát ru đám em miết nên cái giọng nó khan khan cho đến giờ.
Ở đầu nhà có tiệm sửa radio tối ngày mở cải lương. Lệ Thủy nghe riết thành ghiền, thành thuộc. Bắt chước người ta, Lệ Thủy hát cải lương để ru em ngủ. Dè đâu có người nghe lọt tai nên tới nhà xin ba mẹ cho Lệ Thủy đi hát.
Thời đó cải lương đang rất thịnh thế nên mẹ Lệ Thủy mừng quá. Còn ba thì sợ con gái theo nghề ca hát nay đây mai đó thì cực nhưng vì Lệ Thủy chịu cực quen rồi nên cuối cùng ba cũng gật đầu.
Thế là năm 12 tuổi, Lệ Thủy theo học thầy Năm Truyền. Thầy mê ca hát và biết nhạc nhưng nghề chính của thầy là thợ hớt tóc. Sau này, Lệ Thủy được học nhạc bài bản của thầy Tám Đen – một nhạc công đàn kìm danh tiếng ở Khánh Hội.
Thấy con mê ca hát quá, mẹ lại gửi Lệ Thủy tới đoàn Thống Nhất của nghệ sĩ Út Trà Ôn nhưng trong đoàn đã có vai đào con rồi nên anh rể của nghệ sĩ Út Trà Ôn gửi Lệ Thủy tới đoàn Trâm Vàng, làm con nuôi vợ chồng nhạc sĩ Mười Của và học ca luôn.
Nhưng ngày mới về đoàn, Lệ Thủy chưa được hát mà chỉ là ai sai gì làm đó. Rửa chén, giặt mùng mền, đun nước pha trà... Lệ Thủy bảo, gì chứ mấy chuyện đó, Lệ Thủy quen rồi.
Đúng vào thời điểm đó, ông bảy Viễn Châu đang tìm một tiểu đồng thế là Lệ Thủy có vai diễn đầu tiên trong vở “Quan âm Thị Kính”.
Cứ thế, tiếng hát của Lệ Thủy bay xa tới mọi miền và trở thành một ngôi sao hàng đầu của sân khấu cải lương Việt Nam.
The Following 3 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:
MEM (29-02-2016),
ntkmq (29-02-2016),
romeo (29-02-2016)
Alex Huỳnh
Ủa, sao kỳ dzị ta ? Nhớ là xem tuồng Tô Ánh Nguyệt, lúc Nguyệt yêu Minh và trót mang bầu là Minh chưa có vợ mừ. Sao bài viết này lại bảo cô Nguyệt là thiếu nữ trót yêu người đàn ông có vợ ? Sao ngộ dzị ? Có tào lao mía lau gì ở đây hok ta ?
Ủa, sao kỳ dzị ta ? Nhớ là xem tuồng Tô Ánh Nguyệt, lúc Nguyệt yêu Minh và trót mang bầu là Minh chưa có vợ mừ. Sao bài viết này lại bảo cô Nguyệt là thiếu nữ trót yêu người đàn ông có vợ ? Sao ngộ dzị ? Có tào lao mía lau gì ở đây hok ta ?
Ánh Nguyệt sống ở thời phong kiến. Nàng là một thiếu nữ yêu phải người đàn ông có vợ. Mối tình ấy làm nàng mang bầu và đành phải bỏ gia đình ra đi. ông nầy chắc không có xem cải lương nên viết sai pét cốt truyện của người ta hay định cải biên cải tổ vì đây