NGÀY GIỖ MẸ
Tác giả: Đăng Duy
Lối:
Mẹ ơi! Có muộn màng không khi con nhớ về mẹ?
Cả một đời vất vả gian lao
Như cánh buồm trước biển cả bão giông
Chưa có một mùa xuân vui trọn vẹn.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Mẹ ơi! Con nhớ ngày mẹ ra đi về cõi vĩnh hằng xa thẳm, đàn cháu con hôm nay xum vầy đông đủ kính dâng lên mẹ một nén hương... lòng. (-)(-) Nhớ dáng mẹ năm xưa tóc bạc lưng còng. (+) Ngày ấy con rưng rưng dòng nước mắt, buồn tiễn biệt tính lại thì mấy độ thu sang. (SL) Lệ khóc mẹ hiền đã phai nhạt với thời gian, ngày giỗ mẹ con bùi ngùi xúc cảm. Nén hương lòng theo khói hương bay, gởi chút thâm tình về mẹ hiền yêu kính./-
Câu 2:
Mẹ kính yêu ơi! Hương đàn trà quả, vật chất dương gian một chút lòng thành. (-)(-) Hèn mọn làm sao so với công đức sanh thành. (+) Ngày giỗ mẹ chúng con quây quần tưởng nhớ, mâm cao cổ đầy nhưng mẹ có dùng đâu. (SL) Ôi! cuộc đời là bể khổ thương đau, là tử biệt sinh ly, là vô thường định mệnh. Mẹ về theo khói hương bay, chút lòng con trẻ mẹ nào có hay./-
Lối:
Thuở ấu thơ con thường nghe mẹ hát
Giai điệu vui buồn của bài vọng cổ quê hương
Nay đến ngày giỗ mẹ kính yêu
Con xin dâng lên mẹ bài ca vọng cổ.
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Con cất lên tiếng ca nhân tình thế thái, những lời ca nhân ái của con… người. (-)(-) Đạo lý nhân gian ta nên khóc hay cười? (+) Cười cho những ai đua tranh vật chất, chạy theo bạc tiền phụ nghĩa anh em. (SL) Mẹ thường dạy rằng: “Tào khang chi thê bất khả hạ đường, bần tiện chi giao mạc khả vong”. Vợ chồng là nghĩa trăm năm, anh em là cả tình thâm cao vời./-
Câu 6:
Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi một mình. Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm lỡ bước biết người nào lo? Ôi! cuộc đời của mẹ là chuỗi ngày gian truân cay đắng, vì mẹ phải trọn thủy trọn chung. Mẹ ơi! Mẹ đã qua đời từ lâu lắm, nhưng chúng con cứ ngỡ mới vừa hôm qua. Dù cuộc sống bôn ba xa rời xứ sở, nhưng ở nơi đâu con cũng nhớ cội thương nguồn. (SL)
Mẹ thường bảo rằng : “Một giọt máu đào hơn ao nước lã, dù thế nào cũng phải đùm bọc lẫn nhau”. Mẹ ơi! con ghi tạc đáy lòng, anh em như thủ túc trọn đời thương yêu./.