“Vua kép lão” Diệp Lang
Thứ Sáu, 10 Tháng chín 2010, 16:09 GMT+7
NSND Diệp Lang trong vai nhà đại thi hào Nguyễn Du vở Kim Vân Kiều. Ảnh: H.THANH
Hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, chưa một lần nghệ sĩ Diệp Lang được chọn đóng vai kép đẹp. Năm 1962, lần đầu tiên gia nhập vào sân khấu đại ban Kim Chưởng, Diệp Lang (lúc ấy 21 tuổi) đã được soạn giả Thu An chọn vào vai người cha 70 tuổi trong vở Người anh khác mẹ. Không ngờ vai diễn này đã giúp cho Diệp Lang đoạt giải thưởng Thanh Tâm năm 1963, đồng thời mang lại cho ông thêm bằng danh dự của giải thưởng này một năm sau đó.
Và nó như một định mệnh, những vai diễn tiếp theo của Diệp Lang cũng toàn là vai lớn hơn tuổi đời của ông rất nhiều. Danh hiệu “Vua kép lão” từ đó đã gắn liền với tên tuổi của ông cho đến ngày hôm nay với hầu hết lời khẳng định của giới chuyên môn: không ai đóng vai lão hay bằng Diệp Lang.
“Kép lão vẫn sống thọ”
Dù đã đóng hàng trăm vai lão nhưng mỗi vai của Diệp Lang đều có những nét độc đáo, đặc biệt riêng, không hề có sự lẫn lộn. Chính vì thế, nhiều khán giả gặp Diệp Lang ngoài đời, cứ gọi ông bằng tên các vai diễn đầy sự yêu mến: ông Hai Nguyện (Ánh lửa rừng khuya), hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu), hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), ông Hương Cả (Tô Ánh Nguyệt), ông Tư trời biển (Lời ru của biển), Lỗ Quý (Lôi Vũ), ông Bá Kiến (Chí Phèo - Thị Nở), ông Tư đàn cò (Cung đàn thương nhớ), thi hào Nguyễn Du (Kim Vân Kiều)…
Nghệ sĩ Diệp Lang sinh ra tại thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Cha ông ngày trước là thầy đàn kìm Ba Diệp rất nổi tiếng. Tuy nhiên, cha của Diệp Lang không muốn ông nối nghiệp đàn nên ông đã tìm thầy dạy hát cho ông để sau này được đứng trên sân khấu biểu diễn. Không phụ lòng cha, Diệp Lang chuyên tâm học hành, không theo chúng bạn chơi bời lêu lổng. Bắt đầu từ những gánh hát lênh đênh trên sông nước với các vai quân sĩ, cận vệ, lính chạy cờ không nói được tiếng nào, cho đến những vai chỉ nói một câu… rồi chết.
Cuộc đời nghệ thuật của Diệp Lang bắt đầu sang trang mới sau khi cha ông mất được một năm. Người bạn thân của cha Diệp Lang là soạn giả kiêm ông bầu Nguyễn Huỳnh đã đưa ông về đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ, và cũng chính soạn giả Nguyễn Huỳnh đã đổi tên thật của ông là Dương Công Thuấn thành Diệp Lang (tức con trai Ba Diệp). Và ông đã giữ nghệ danh này cho đến ngày hôm nay. Tài năng ca diễn của nghệ sĩ Diệp Lang không chỉ vang danh trong nước mà cả nước ngoài. Giữa thập niên 80, Diệp Lang là một trong số ít nghệ sĩ được vinh dự sang châu Âu biểu diễn, vai hội đồng Thăng trong vở Đời cô Lựu do ông thủ vai khiến các kiều bào rất ngưỡng mộ.
Trong vai trò kép lão, Diệp Lang đã bao phen “lấy” hết nước mắt của khán giả nhưng cũng không biết bao lần ông khiến khán giả “ghét cay ghét đắng”. Như hồi vở Tiếng hò sông Hậu được quay truyền hình, phát sóng. Có lần ông theo đoàn Sài Gòn 2 về diễn tại An Giang, buổi trưa khi vào chợ mua đồ chay về ăn, một số chị tiểu thương nhận ra bảo: “ông hội đồng Dư ác quá mà cũng biết ăn chay nữa hả?!?” khiến ông… chỉ biết cười trừ. Dù “bị ghét” nhưng ông rất vui vì biết mình đã thể hiện thành công nhân vật. Các vai kép lão của ông phần lớn khi kết thúc đều… qua đời, hình Diệp Lang thường được đưa lên… bàn thờ. Một số người “dị đoan” bảo với ông như thế là xui xẻo, là điềm không tốt nhưng ông cũng mặc kệ. Ông cười “Kép lão như tôi giờ vẫn còn sống thọ đó thôi”.
Thật ra, ông cũng đã nhiều lần thoát khỏi “bàn tay tử thần” trong gang tấc. Thời gian Diệp Lang theo cha học tuồng ở đoàn cải lương Kim Thoa, trong một đêm diễn vở Lấp sông Gianh tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân TP.HCM), đoàn bị ném lựu đạn, có hai người trong đoàn thiệt mạng, cha con ông may mắn thoát chết. Năm 2003, khi vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND thì ông cũng phát hiện ra trong người mình đầy bệnh, nào bệnh tim, bệnh huyết áp cao, hẹp động mạch thận, phù động mạch chủ, nhiều lúc hai mắt tự dưng chẳng thấy gì... Có lần vừa diễn xong tại kịch Phú Nhuận, ông ngã quỵ phải đưa vào bệnh viện tưởng không qua khỏi. Nhưng rồi bệnh tật đã không quật ngã được ông, khỏe lại là ông lại bước lên sân khấu, lại ngồi vào ghế Ban giám khảo các cuộc thi… “Đã vương lấy kiếp tằm, còn hơi thở là vẫn còn nhả tơ” - ông bảo thế!
Làm nghệ thuật chân chính không thể làm giàu
Là một nghệ sĩ đa năng: diễn cải lương, đóng kịch, đóng phim, đạo diễn kể cả vai trò quản lý (từng là Trưởng đoàn cải lương 284 danh tiếng) nhưng hiện tại kép lão này vẫn sống đạm bạc trong căn hộ chung cư cũ kỹ. Nhiều lần diễn xong, ngồi taxi về nhà, anh tài xế taxi thắc mắc hỏi sao nghệ sĩ nổi tiếng mà không có xe hơi riêng, nhà ở cái chung cư cũ quá. Diệp Lang cười khề khà nói: “Nghệ sĩ chứ đâu phải doanh nhân mà đi xe này, ở nhà kia. Có người nổi tiếng mà có giàu đâu, như tôi vầy nè…”.
Ông nói thêm: “Tôi làm nhiều, nhưng chỉ đủ sống. Tôi không giàu lên khi đã chấp nhận sống chết với nghệ thuật chân chính. Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình, tôi là người may mắn, bà xã tôi mấy chục năm qua đã cùng tôi “đồng cam cộng khổ”, là điểm tựa vững chắc để tôi chuyên tâm làm nghệ thuật. Các con tôi cũng ngoan ngoãn, hiếu thảo. Tôi nghĩ như thế là đã quá đủ…”. Người mà ông nhắc đến chính là bà Thu Phong, từng là hoa khôi của Trường Gia Long, con của nghệ sĩ nổi tiếng Tô Huệ. Sau khi chia tay với người vợ đầu tiên là nghệ sĩ tài danh Phượng Liên, Diệp Lang về ở chung với soạn giả Hà Triều một thời gian rồi ra tá túc tại rạp Hưng Đạo, rất thiếu thốn. Một hôm, đang tập tuồng cho đoàn Sài Gòn 2, ông gặp bà. Tính Diệp Lang hơi khép kín, ưu tư, nhưng gặp Thu Phong bỗng cởi mở hẳn ra. Thế là yêu nhau, cưới nhau và giữ gìn hạnh phúc cho đến tận ngày hôm nay.
Hiện điều ông băn khoăn nhất là điện ảnh đang hồi sinh, kịch nói đang thịnh, chỉ có cải lương thì còn gặp nhiều khó khăn. “Thời gian bị bệnh tật hoành hành, tôi sợ và hốt hoảng vô cùng. Tôi sợ mình không đủ thời gian và sức lực để có thể đưa cải lương trở lại thời hoàng kim. Sức khỏe của tôi hiện đã tạm ổn, tôi tâm niệm sẽ dành trọn quãng đời còn lại cho bộ môn mà mình đã chọn từ thuở lên 10…”.
Song Minh
TS-NSƯT Bạch Tuyết cho biết:
“Diệp Lang là một trong số ít những diễn viên, nghệ sĩ mà sự góp mặt trong mỗi tác phẩm là yếu tố quan trọng khẳng định chất lượng nghệ thuật của đêm diễn. Sự nỗ lực nghiêm túc của anh trong từng vai diễn, dù rất nhỏ cũng là một trong cách thể hiện lòng biết ơn với khán giả - những người bỏ tiền mua vé vào rạp xem hát. Khâm phục biết bao của người nghệ sĩ như anh trong thánh đường nghệ thuật cải lương…”.