So với các bạn diễn cùng trang lứa, Hồ Ngọc Trinh là một trong những gương mặt nghệ sĩ được đánh giá khá cao cả về giọng ca lẫn khả năng diễn xuất. Âm vực rộng, giọng ca nghe man mác buồn nhưng giàu cảm xúc và đầy nội lực với những cách luyến láy, nhấn âm, nhả chữ rất riêng, tất cả giúp Hồ Ngọc Trinh có một giọng ca khó có thể nhầm lẫn với bất kỳ một ai khác.
“Khởi nghiệp” từ giải nhất cuộc thi Giọng ca cải lương do đài Phát thanh truyền hình Long An tổ chức, 15 năm theo nghề, Hồ Ngọc Trinh đã là chủ sở hữu của bộ sưu tập huy chương, giải thưởng mà nhiều nghệ sĩ trẻ mơ ước; Huy chương vàng Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 và 2012.
Huy chương Bạc cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch toàn quốc 2014, giải Diễn viên trẻ xuất sắc (hội diễn sân khấu cải lương Chuyên nghiệp Toàn quốc 2012), Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang 2007, Chuông Bạc cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2006.
Nhưng nhắc đến Hồ Ngọc Trinh, khán giả không chỉ nhớ đến một cô đào rất có duyên với giải thưởng mà nhớ nhiều hơn đến hình ảnh của một nghệ sĩ rất thông minh trong xử lý tâm lý nhân vật và luôn chăm chút cho vai diễn từng chi tiết từ tạo hình nhân vật, phục trang đến sự phối hợp trong ca diễn...
Có theo con đường làm nghề của Hồ Ngọc Trinh mới thấy, tất cả những gì có được của Hồ Ngọc Trinh hôm nay không chỉ sự may mắn mà còn là kết quả của một quá trình rèn luyện, nỗ lực không ngừng trong từng vai diễn.
Đoạt giải nhất cuộc thi Giọng ca cải lương khi chưa tròn 17 tuổi, sân khấu cải lương khi ấy với cô bé Hồ Ngọc Trinh là những gì rất lạ lẫm, xa xôi bởi suốt thời thơ ấu, Hồ Ngọc Trinh chỉ mê tân nhạc. Được chú động viên và hướng dẫn tập ca tham dự cuộc thi Giọng ca cải lương.
Hồ Ngọc Trinh nghĩ đơn giản: chú và nội ủng hộ quá chừng, vậy thôi mình thi cho biết. Với tâm lý thi thử nên cứ thi tới đâu, dợt bài ca tới đó, ai dè đậu thiệt, mà lại đậu giải cao. Như “trang giấy trắng” với nghề diễn, nhưng trong mắt những đạo diễn giỏi nghề khi ấy, Hồ Ngọc Trinh như một viên ngọc, chỉ cần được mài dũa, chắc chắn sẽ tỏa sáng lung linh.
Như tất cả những diễn viên trẻ mới vào nghề khác, Hồ Ngọc Trinh cũng phải trải qua giai đoạn học nghề, đóng vai phụ rồi thay vai cho những nghệ sĩ đi trước. Nhưng may mắn của Hồ Ngọc Trinh là thời gian học việc không quá dài. Vài năm theo đoàn, Hồ Ngọc Trinh nhanh chóng trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí đào chánh khi diễn viên chánh của đoàn nghỉ hát.
Đặt câu hỏi:” Bỗng dưng trở thành đào chánh, phải đóng thế những vai diễn ít nhiều đã để lại dấu ấn cho khán giả qua lối diễn xuất của một nghệ sĩ đã tạo dựng tên tuổi và có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh trong nghề nghiệp Trinh có bị áp lực?”
Câu trả lời của Hồ Ngọc Trinh rất giản dị: “Áp lực là cảm giác khó tránh khỏi trong lần đầu được thay vai. Nhưng cảm giác đó không tồn tại quá lâu. Đơn giản, tôi xác định mình chỉ là người thay thế, còn phải học hỏi rất nhiều.
Thay vì lo lắng mình sẽ bị so sánh, hãy dồn hết sức cho vai diễn và lao động nghệ thuật để tìm một lối thể hiện nhân vật bằng chính cảm nhận, cảm xúc của mình và có những vai diễn tốt nhất trong khả năng!”
Quan điểm làm nghề đó không chỉ giúp Hồ Ngọc Trinh thôi áp lực để làm tốt vai trò người đóng thế mà còn để lại nhiều dấu ấn cho khán giả bởi khả năng tạo được sự khác biệt trong nhiều vai diễn tưởng sẽ rất giống nhau bởi đều là những vai đào thương.
Không phải tự nhiên Hồ Ngọc Trinh luôn được giao những vai diễn quan trọng trong các vở diễn ở đoàn cải lương Long An. Nhắc đến Hồ Ngọc Trinh, khán giả quê hương cô đào trẻ sẽ nhớ ngay đến cô Năm Điền (Nghĩa sĩ Cần giuộc), Cao Thị Anh Thơ (Lời thề trước miễu), Yến Nương (Kép hát là vua), Út Hồng (Phố an cư), Thảo (Hoa tình nở muộn), Quyên Quyên (Kẻ phụ tình), Trang (Hai mảnh tình quê)
Đều là những vai đào thương, nhưng mỗi vai diễn luôn được Hồ Ngọc Trinh nghiên cứu rất kỹ “lý lịch” nhân vật để xác minh hoàn cảnh sống, tính cách nhân vật... và tìm những điểm nhấn để các vai diễn không bị nhấn chìm trong nước mắt mà mang cảm xúc khác nhau, dẫu bị đẩy đến tận cùng của nỗi đau.
Không tự mãn, không bao giờ hài lòng với chính mình, dường như Hồ Ngọc Trinh luôn thích làm khó mình khi quyết định thử sức với những vai khó ở những cuộc thi mà đa số các diễn viên trẻ thường chọn vai diễn “tủ”, đúng sở trường để dễ dàng đoạt huy chương.
Năm 2007, chọn Lý Chiêu Hoàng để dự giải Triển Vọng cuộc thi Trần Hữu Trang, Hồ Ngọc Trinh đã mạnh mẽ thoát khỏi cái bóng đào thương của chính mình để giành Huy chương vàng một cách thuyết phục.
Bảy năm sau, một lần nữa Hồ Ngọc Trinh lại tự làm khó mình khi quyết định chọn Thái hậu Dương Vân Nga với lớp diễn nước nhà trong cơn biến loạn, thù trong giặc ngoài, Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng băng hà, ấu chúa mất tích... để tham dự cuộc thi tài năng trẻ sân khấu cải lương và dân ca kịch toàn quốc 2014.
Nhiều người cho rằng Hồ Ngọc Trinh đã chọn một vai quá sức, sẽ khó đoạt giải thưởng. Thay vì chọn lối đi khó, sao không chọn con đường an toàn hơn bằng những vai diễn thuộc sở trường của mình?
Nhưng Hồ Ngọc Trinh lại nghĩ khác. Cuộc thi là cơ hội để mình thử thách với những vai diễn khó, những vai diễn hiếm có cơ hội được thể hiện và cũng là dịp để được bay bổng với ước mơ được hóa thân thành nhân vật của người nghệ sĩ.
Vốn là diễn viên của những vở diễn đề tài xã hội, thử thách đầu tiên Hồ Ngọc Trinh phải vượt qua là vũ đạo và sự phối hợp giữa giọng ca, diễn xuất, vũ đạo.. để mỗi động tác vũ đạo phải xuất phát từ tâm lý nhân vật chứ không chỉ múa minh họa cho nhân vật.
Huy chương bạc của cuộc thi có thể chưa làm hài lòng những người yêu mến Hồ Ngọc Trinh, nhưng với cô đào trẻ, đó là một thành công, bởi cô có đủ mạnh mẽ và bản lĩnh để vượt lên chính mình.
Không chỉ gắn với sân khấu, nhiều năm nay Hồ Ngọc Trinh còn là gương mặt hiếm hoi trong số các cô đào miền Tây có khả năng “phủ sóng” ở hầu hết các đài truyền hình từ Nam ra Bắc. Giữ vị trí đào chánh ở nhiều vở diễn trong Ngân Mãi Chuông vàng của Đài Truyền Hình TP.HCM:
Ái Lan (Chiều đông gió lạnh về), Xuyên Lan (Tiếng hạc trong trăng), Hiếu (Khách sạn hào hoa), Thương (Sợi dây đai), bà Dung (Biển Lòng của mẹ)... mỗi sự xuất hiện của Hồ Ngọc Trinh là một sắc thái, luôn mang đến cho khán giả những bất ngờ thú vị.
Nỗ lực đó của Hồ Ngọc Trinh một lần nữa tiếp tục mang lại cho cô niềm vui khi vai Bà Dung (vở Biển Lòng của mẹ) đã được lọt vào danh sách vòng đề cử của Giải Mai Vàng 2014.
Có lẽ không sai khi nói Hồ Ngọc Trinh là cô đào rất có duyên với các giải thưởng. Bên cạnh những giải thưởng quan trọng, mở đường cho Hồ Ngọc Trinh đến với danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú, cô còn gặt hái rất nhiều thành công khác:
Huy chương Bạc giải Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền 2001; giải Thí sinh nhỏ tuổi nhất có giọng hát hay nhất, giải Bông Lúa Vàng 2003; Huy chương Đồng tiếng hát dân ca các dân tộc toàn quốc 2005; giải A đờn ca tài tử khu vực phía Nam 2004; Giấy khen của Bộ trưởng Bộ Văn Hóa dành cho học sinh xuất sắc nhất lớp tập huấn diễn viên trẻ toàn quốc 2006; Giải B, cuộc thi Dân ca Việt Nam 2010...
Có đủ tài năng và cơ hội để bay xa hơn khỏi một đoàn cải lương tỉnh, nhưng mười lăm năm nay, dù khi mới tập tễnh vào nghề hay đã là một ngôi sao của sân khấu cải lương, Hồ Ngọc Trinh vẫn gắn với đoàn nghệ thuật Long An.
Ngày lễ tết, khi các nghệ sĩ khác “bay sô”” khắp nơi với giá cát sê cao ngất thì Hồ Ngọc Trinh vẫn từ chối tất cả mọi lời mời để được về hát trên quê hương mình, cho khán giả mình; dù đó là những chương trình phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa với cát sê chỉ vài trăm ngàn.
Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An là nơi chắp cánh cho tôi đôi cánh để bay bổng với những giấc mơ nghệ thuật. Khán giả Long An là những người đầu tiên tiếp cho tôi nhiều động lực để gắn bó, phấn đấu và vượt lên chính mình.
Bao nhiêu năm nay, tôi vẫn được tạo mọi điều kiện tốt nhất để làm nghề, đó là những nghĩa tình mà tôi không bao giờ quên. Đi đâu, làm gì, trong trái tim tôi vẫn có một khoảng trời riêng dành cho mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra, lớn lên và thành đạt” Hồ Ngọc Trinh tâm sự.
Cô đào trẻ Hồ Ngọc Trinh giờ đã có thêm trọng trách mới khi được tín nhiệm để trở thành thành viên trẻ nhất của Ban Chấp Hành Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tỉnh Long An, nhiệm kỳ 2014-2019.
Với thời gian cống hiến cho nghệ thuật và những giải thưởng đã có được, cộng thêm những trăn trở, đau đáu với nghề, “thói quen” thích tự thử thách mình, nghệ sĩ Hồ Ngọc Trinh hoàn toàn xứng đáng được phong tặng danh hiệu NSƯT trong đợt xét tặng sắp tới.
Nghệ sĩ trẻ chịu khó đi thi có huy chương là thành nghệ sĩ này, nghệ sĩ nọ, mặc dù những vai diễn đạt huy chương đó có ai nhớ đến không???? Trong khi những nghệ sĩ lão thành cống hiến cả cuộc đời cho sân khấu thì chẳng được danh hiệu gì........
NSUT đối HNT quá ư là xứng đáng vì đã cống hiến nhiều cho nền sân khấu CL, chúc Trinh ngày càng có nhiều vai diễn hay, xuất sắc để mãi xứng đáng là tầng lớp NS trẻ kế thừa. Tôi tin Trinh dư sức làm chuyện này!!!!