NSƯT Minh Vương: Sân khấu là tình yêu lớn nhất đời tôi!
28/12/2008
Cải lương đông hay vắng khán giả đến thế nào ông vẫn luôn có mặt khắp các nẻo đường lưu diễn để phục vụ khán giả.
Đêm 19-12-2008, sau hơn 20 năm, nghệ sĩ Minh Vương đã trở lại vai diễn Nguyễn Trãi để đời của mình trong vở Rạng ngọc Côn Sơn ở rạp Hưng Đạo. Đêm diễn để lại nhiều rung cảm trong lòng khán giả về giá trị nghệ thuật một thời của cải lương xưa, song lại khẳng định giá trị người nghệ sĩ ở NSƯT Minh Vương bây giờ sau bao thăng trầm của cuộc đời ông làm nao lòng biết bao khán giả và bạn đồng nghiệp...
Có một nghệ sĩ Minh Vương mới
Khoảng hơn một năm trở về đây, khán giả, bạn bè, đồng nghiệp đều cùng chung nhận xét: Nghệ sĩ Minh Vương đã trở nên khác hẳn, theo hướng tích cực hơn về mọi mặt. Bỏ lại sau lưng bao nhiêu rắc rối về đời tư, đến năm 2006 Minh Vương đã được phong tặng danh hiệu NSƯT.
Từ một nghệ sĩ có tiếng là thụ động, mờ nhạt, hơn một năm qua, Minh Vương vụt sáng như một nghệ sĩ tiên phong trong các hoạt động xã hội-nghề nghiệp. Ông cùng nghệ sĩ Lệ Thủy lập ra “Sân khấu vàng” vừa gây được ảnh hưởng tốt đến tình hình sân khấu cải lương, vừa giúp được nhiều mảnh đời nghệ sĩ và khán giả nghèo khó bằng doanh thu của những suất hát từ thiện. Nhiều chương trình văn nghệ gây quỹ cho người nghèo cũng luôn có mặt ông vừa như một nghệ sĩ đóng góp, vừa như một đại diện danh dự lên trao tặng doanh thu... Ông tạo được uy tín để hai năm liên tiếp có mặt trong hội đồng giám khảo nghệ thuật của cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ”...
Với quyết định dựng lại Rạng ngọc Côn Sơn, nghệ sĩ Minh Vương cũng đã hoàn toàn thuyết phục người trong giới về tinh thần tiên phong vì nghề nghiệp. Không ngại diễn lại vai Nguyễn Trãi để đời với những diễn viên non nớt, ông thực hiện lại Rạng ngọc Côn Sơn vì vở diễn có nhiều vai trẻ phù hợp với các thí sinh từng đoạt giải “Chuông vàng vọng cổ”. Ông muốn tạo cơ hội cho lớp trẻ, dù rằng thực tế đêm diễn ngày 19-12, sự non nớt của những “chuông vàng vọng cổ” đã ảnh hưởng đến diễn xuất của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không khí toàn vở... Với số tiền bán vé và bán bản quyền thu hình để phát hành băng đĩa, đêm 19-12 Minh Vương và đồng nghiệp đã trao được 20 triệu đồng tặng trẻ em nghèo và nghệ sĩ nghèo đón Tết 2009.
Riêng về diễn xuất, nghệ sĩ Minh Vương cũng đang được giới làm nghề đánh giá là có những bứt phá mới. Ông dần thoát khỏi những vai thư sinh, công tử tròn trịa giống nhau của mình để đến với những vai diễn có góc cạnh hơn để làm người xem nhớ lâu, đặc biệt là vai những nhân vật đứng tuổi mang nhiều tâm trạng. Xem Nguyệt khuyết, sự chừng mực trong từng hành động diễn đi đôi với từng nét diễn mang cảm xúc dạt dào của một tình yêu đè nén giữa người làm công đứng tuổi với bà chủ góa bụa của Minh Vương khiến người xem thổn thức, in sâu. Còn sự hài hước, bông lơn châm biếm của Minh Vương trong vai ông già Nam bộ Hai Tất bộc trực, ghét kẻ ác ở Sông dài lại khiến người xem đánh giá cao nét diễn đa dạng nơi ông...
Nỗi buồn đến nhẹ như mưa...
Các nghệ sĩ Kim Cương, Bạch Tuyết, Hồng Nga, Lệ Thủy... đều khẳng định bản tính Minh Vương hiền lành, nói thật, không so đo đồng tiền, không tranh giành hơn thua cùng đồng nghiệp và yêu nghề.
Có rất nhiều khán giả ái mộ, yêu mến Minh Vương. Xung quanh ông cũng có khá nhiều xì căng đan tình ái và tiền bạc. Vậy mà suốt mấy mươi năm, gương mặt của người nghệ sĩ này luôn trĩu nặng nỗi buồn. Cuộc sống riêng của ông cũng khá nhiều lặng lẽ với chỉ mỗi mình mình và thường chẳng có tài sản riêng gì đáng kể cho đến tận bây giờ.
Thời vàng son của cải lương, cát xê cao chất ngất, ông chẳng giữ gì cho mình với suy nghĩ để tiền cho vợ nuôi con. Đi hát về, cuộc sống của ông thường lặng lẽ với bốn bức tường trong nhà. Khi không chịu nổi cuộc sống gia đình không hạnh phúc, ông ngoắc chiếc xích lô, bỏ đi không quay đầu lại. Để có tự do, ông chẳng lấy thứ gì ngoài bộ đồ trên người dù nhà cửa xênh xang ngay trung tâm quận 3, xe hơi mấy chiếc. Ông về sống nhờ nhà người em ở quận 8, ở trong một căn phòng chỉ đủ để vừa chiếc nệm, quần áo đi hát không có tủ treo ông xếp để trên nệm. Ông đi hát lang thang khắp nơi để tạo dựng lại. Lúc đó, ở tuổi 40, ông mới bắt đầu biết đến đồng tiền do mình làm ra...
Hỏi về tình yêu, nghệ sĩ Minh Vương chỉ cười buồn: “Có lẽ tình yêu lớn nhất đời tôi là sân khấu. Bất chấp bao nhiêu đắng cay, lận đận, chỉ cần được đứng trên sân khấu là tôi hạnh phúc. Lúc vui sướng nhất đời tôi là khi nhìn xuống thấy khán giả xem đông!”.
Chính vì tình yêu sân khấu mà bất chấp bao sóng gió dư luận, nghệ sĩ Minh Vương vẫn chấp nhận gắn bó với quê hương dù gia đình ông đang ở hết bên Úc nhất quyết bảo lãnh ông qua. Ở lại với sân khấu, Minh Vương là một trong những nghệ sĩ bền bỉ nhất với nghề. Cải lương đông hay vắng khán giả đến thế nào, ông vẫn luôn có mặt khắp các nẻo đường lưu diễn để phục vụ khán giả...
Một “khôi nguyên” có tấm lòng vàng
Nghệ sĩ Minh Vương tên thật là Nguyễn Văn Vưng, sinh năm 1950 ở Cần Giuộc, Long An trong một gia đình công chức nghèo, đông con. Năm 10 tuổi, theo gia đình chuyển về quận 8, Sài Gòn, đi vớt lăng quăng cho cá lia thia ăn, cậu bé Vưng đã đứng ngẩn người khi đi ngang một lớp học vọng cổ. Vốn say mê ca hát, thường bắt chước ca theo các danh ca Út Trà Ôn, Minh Cảnh... qua radio, cậu bé làm gan xin thầy Bảy Trạch cho theo học vọng cổ. Không ngờ ông thầy nhận ngay, còn cho học miễn phí vì trò Vưng có giọng tốt.
Ở tuổi 60, NSƯT Minh Vương vẫn luôn tích cực là một nghệ sĩ tiên phong trong sự quý mến của đồng nghiệp và khán giả.
Năm 1963, 14 tuổi cậu học trò cưng được thầy dẫn đi thi giải “Khôi nguyên vọng cổ”. Vượt qua gần 300 thí sinh, Nguyễn Văn Vưng rực rỡ đoạt giải khôi nguyên trị giá 10.000 đồng. Vốn tính thơm thảo, cậu học trò nhỏ tặng ngay cho thầy nửa số tiền thưởng để đền ơn, phân nửa còn lại đưa hết cho cha mẹ. Bây giờ, hơn 40 năm sau, danh hiệu “Khôi nguyên vọng cổ” với giọng ca vàng và tấm lòng thơm thảo của NSƯT Minh Vương vẫn còn mãi với chính bản thân anh lẫn trong lòng đồng nghiệp, khán giả.
Mấy mươi năm qua, giọng ca khôi nguyên đã giúp Minh Vương trở thành một trong những nghệ sĩ vượt thời gian với hàng loạt vở tuồng thu đĩa có nội dung trữ tình như Người tình trên chiến trận, Hoa Mộc Lan... và hàng trăm bài ca cổ nồng nàn làm đắm say bao thế hệ khán giả. Không chỉ thế, anh còn nổi tiếng là người có tấm lòng vàng trong giới, thường dễ chịu với bầu show, nhất là rất có tấm lòng với công nhân hậu đài. Gặp những xuất hát vắng, anh hay đem cát xê của mình tặng những nghệ sĩ, công nhân nghèo.
HÒA BÌNH
Theo Pháp Luật