1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Họ là những soạn giả lừng danh, sáng tác biết bao kịch bản cải lương giá trị lay động lòng người nhiều thế hệ. Họ được xem là những “thầy tuồng” đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp sân khấu truyền thống Việt Nam.

    Với soạn giả Trần Hữu Trang, có được một củ khoai lang lót dạ buổi sáng, một bữa cơm ăn cùng anh em hậu đài đã là hạnh phúc lắm rồi.

    Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Tô Ánh Nguyệt là những vở cải lương nổi tiếng, đến mức hầu như người Việt Nam nào cũng biết tên nhưng không hẳn ai cũng nhớ tác giả của chúng - soạn giả Trần Hữu Trang. Bút pháp của ông thể hiện trong từng lời ca, câu thoại đậm chất nhân văn, thấm nhuần tư tưởng đấu tranh cho cuộc sống tốt đẹp.

    Anh thợ hớt tóc mê cổ nhạc

    NSND soạn giả Viễn Châu nhớ lại: “Anh Tư Trang (soạn giả Trần Hữu Trang) là người có học, ham đọc sách, rành chữ nho. Từ thuở nhỏ, do đã có chí hướng thoát khỏi kiếp nông nô nên sau khi lập gia đình, anh rời quê ra tỉnh làm thợ hớt tóc. Ở Mỹ Tho, Tư Trang gặp Nguyễn Công Mạnh, người khuyến khích anh gắn với phong trào đờn ca tài tử. Từ phong trào này, anh đã đam mê cổ nhạc rồi từng bước dấn thân vào sự nghiệp sáng tác”.

    Theo soạn giả Viễn Châu, ít ai biết mẹ của NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) và mẹ của soạn giả Trần Hữu Trang là chị em ruột. Khi nghệ sĩ Năm Châu bước vào thế giới cải lương, khoảng năm 1929, thì Trần Hữu Trang được ông giới thiệu vào gánh hát Trần Đắc, giữ chân bán vé và chép tuồng.
    NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương trong vở Tô Ánh Nguyệt của tác giả Trần Hữu Trang

    Trần Hữu Trang đến với cải lương đúng vào thời điểm loại hình nghệ thuật này đang phồn thịnh. Các gánh hát lớn như: Tân Thinh, Tập Ích ban, Văn Hý ban, Tái Đồng ban, Phước Cương, Huỳnh Kỳ, Trần Đắc... đã gây tiếng vang trên các sân khấu từ Nam ra Bắc. Sống ở Mỹ Tho, chiếc nôi hoạt động văn hóa nghệ thuật lúc bấy giờ, ông đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước.

    Trong giai đoạn 1926-1928, ông là một trong những người hăng hái đấu tranh đòi chính quyền thực dân thả nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, hưởng ứng những buổi diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh. Có lần, một chiến sĩ cách mạng bị mật thám bám riết, phải chạy vào hiệu hớt tóc của Trần Hữu Trang. Ông đã che giấu và còn tặng 20 đồng làm lộ phí.

    NSND Viễn Châu cho biết soạn giả Trần Hữu Trang có một người bạn tham gia phong trào đấu tranh chính trị, bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo với mức án 15 năm. Người vợ ở nhà lấy chồng khác, đem con giao cho Trần Hữu Trang nuôi dạy. Chi tiết này được ông đưa vào kịch bản cải lương Đời cô Lựu và Chị chồng tôi.

    Trong thời gian Trần Hữu Trang gắn bó với gánh hát Phụng Hảo của NSND Phùng Há, chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Diểu đã từng đến gặp ông để trao đổi về khuynh hướng sáng tác “tả thực xã hội” - một phong cách sáng tác mà cho đến nay vẫn là kim chỉ nam của nhiều thế hệ soạn giả.

    Có tài nhưng không tật

    Các thế hệ nghệ sĩ và soạn giả tài danh đều nhìn nhận soạn giả Trần Hữu Trang là một người có cuộc sống giản dị. Ông không vướng vào bất cứ thói hư tật xấu nào.

    Theo soạn giả Kiên Giang, khác với nhiều văn nghệ sĩ hễ “có tài là có tật”, soạn giả Trần Hữu Trang là người đầy tài năng nhưng không có tật xấu. Từ khi biết nhau cho đến lúc soạn giả Trần Hữu Trang lìa đời (20-11-1966), soạn giả Kiên Giang thấy ông chưa bao giờ là người giàu có, dù kịch bản được nhiều đoàn dàn dựng.

    “Các gánh hát ít vốn thời đó đến nhờ giúp kịch bản, anh thường không lấy tiền. Với anh, có được một củ khoai lang lót dạ buổi sáng, một bữa cơm ăn cùng anh em hậu đài đã là hạnh phúc lắm rồi. Trang phục thường dùng của anh là bộ bà ba trắng. Anh không thuộc số soạn giả ham rượu chè. Tôi học ở anh sự ngăn nắp, trật tự trong đời sống cũng như công việc.

    Anh thường sáng tác trong nhà hát. Anh chú ý từng dấu chấm phẩy, nét chữ rõ ràng. Nhờ quá trình làm nghề chép vở nên anh là soạn giả nổi tiếng có bản thảo chu đáo và nét chữ đẹp.

    Đắt giá hơn là cách anh sử dụng bài bản cải lương đúng tình huống, đúng lớp lang. Chúng tôi quen gọi anh là “Tam Tạng” vì cái tên Trần Hữu Trang và cũng vì cá tính hiền lành của anh” - soạn giả Kiên Giang tiết lộ.

    “Hầu hết các vở của soạn giả Trần Hữu Trang đều có giá trị “tả thực xã hội” sâu sắc. Ông là người giương cao ngọn cờ “tả thực xã hội” và kiên trì với đường lối sáng tác này, không bị ngả nghiêng trước những đợt gió đổi chiều trong xã hội. Những tác phẩm đó cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự” - NSND Ngọc Giàu đúc kết.

    Soạn giả Trần Hữu Trang SN 1906 tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân. Kịch bản đầu tay Lửa đỏ lòng son của ông sáng tác vào năm 1928. Những năm 1930, ông cho ra đời hàng loạt sáng tác: Tô Ánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), Đời cô Lựu (1937).

    Ông cộng tác với các gánh hát Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu. Những sáng tác sau đó của ông như: Tìm hạnh phúc, Mộng hoa vương, Chị chồng tôi, Tình lụy, Khi người điên biết yêu - cộng tác với Năm Châu, Lê Hoài Nở - đã tạo nhiều dấu ấn.

    Soạn giả Trần Hữu Trang được nhà nước truy tặng Huân chương Thành đồng và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996). Tên ông còn được đặt cho một con đường, một ngôi trường ở TP HCM. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức là sự ghi công ông trong lĩnh vực sân khấu cải lương.

    Kỳ tới: Hà Triều - Hoa Phượng: Cặp đôi hoàn hảo

    Bài và ảnh: Thanh Hiệp



    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    MEM (03-09-2014), romeo (03-09-2014)

  3. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Cặp đôi ăn ý Hà Triều - Hoa Phượng!

    Tên tuổi của 2 ông gắn liền nhau như một thể thống nhất trong các tuyệt phẩm cải lương không bao giờ phai mờ trong lòng khán giả mộ điệu và nghệ sĩ

    Khác với các loại “tuồng tiên”, “kiếm hiệp kỳ tình” một thời khiến khán giả cải lương chán ngán, sự xuất hiện của cặp liên danh soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng đã làm nên những kiệt tác để đời.

    Cho dù 2 ông đều đã “về trời” nhưng bút pháp tài hoa trong những tác phẩm mà 2 ông để lại cho sân khấu cải lương như: Khi hoa anh đào nở, Thái hậu Dương Vân Nga, Con gái chị Hằng, Mưa rừng, Tấm lòng của biển, Sông dài, Nửa đời hương phấn, Tuyệt tình ca, Mùa xuân trên non cao, Tần nương thất, Cô gái Đồ Long… không bao giờ phai mờ trong lòng khán giả mộ điệu và nghệ sĩ cải lương.

    Kỳ phùng hội tụ

    NSND Lệ Thủy nhận xét: “Chất văn học đậm đà trong từng lời ca, từng câu thoại mà 2 ông viết ra đã rót vào tim nghệ sĩ chúng tôi niềm cảm xúc mãnh liệt”. Bút pháp của Hà Triều - Hoa Phượng, theo nhận định của giới chuyên môn, luôn giữ vững phương pháp tả thực tâm lý xã hội sâu sắc. Tên tuổi của 2 ông gắn liền nhau như một thể thống nhất.

    Là người xuất thân từ gia đình lao động, 2 soạn giả đến với sân khấu cải lương không vì ham danh vọng mà vì yêu quý nghệ thuật cải lương. Họ là đại diện trong số những soạn giả hiếm hoi không chịu uốn cong ngòi bút trước cường quyền hay sự cám dỗ của tiền bạc để tác phẩm không bị hoen ố.

    Hai ông theo đuổi sân khấu cải lương với ý thức xây dựng và phát triển nó ngày càng tốt đẹp hơn, trong nền nghệ thuật dân tộc Việt, đúng với tinh thần: “Cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.
    Nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa và NSƯT Hùng Minh trong vở Tấm lòng của biển - một trong những tác phẩm của 2 soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng

    Soạn giả - NSND Viễn Châu nói: “Hai ngòi bút này khẳng định nguồn gốc lành mạnh của cải lương để phát triển theo xu hướng xây dựng chứ không đả phá. Được xem là kỳ phùng hội tụ, họ bổ sung cho nhau. Nếu Hoa Phượng phóng khoáng, đẩy mạnh cao trào, tung hứng với những lời thoại, câu ca xoáy sâu vào đời sống thực tế thì Hà Triều có những niêm luật chỉn chu, sắp xếp, điều chỉnh rất hài hòa, nhẹ nhàng mà tinh tế.

    Họ hợp soạn ăn ý, chỉ cần đọc qua màn đầu Hoa Phượng viết thì màn sau Hà Triều đã phát triển thành một mạch kịch liền lạc, súc tích. Cứ thế, họ cho ra đời hàng trăm tác phẩm được xem là kiệt tác của sân khấu cải lương đương đại”.

    Theo soạn giả Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hà Triều - Hoa Phượng luôn nắm vững nguyên tắc phát triển hình thức là để thể hiện tốt nội dung. Hai ông chú trọng nội dung, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức thể hiện bởi hai mặt này có quan hệ hữu cơ và tác động lẫn nhau.

    Nhân cách lớn

    “Lịch sử sân khấu cải lương hơn 90 năm đã cho thấy khi sàn diễn phồn vinh, các soạn giả đua nhau chạy theo hình thức phô trương với đủ chiêu thức; ngược lại, khi sàn diễn lâm vào cảnh khó khăn thì nhiều soạn giả tìm phương cứu vãn bằng cách tăng cường tính thị hiếu, đôi lúc rẻ tiền.

    Theo Hà Triều - Hoa Phượng, những việc làm này gây tác hại lớn cho sự nghiệp sân khấu cải lương nói chung và ý thức sáng tác kịch bản nói riêng” - ông Lê Duy Hạnh nhận định.

    Nhân cách lớn của 2 soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng còn nằm ở cuộc sống giản dị, luôn làm gương cho nghệ sĩ. Hai ông đã “đo ni đóng giày” vai diễn cho nhiều nghệ sĩ. NSƯT Thanh Sang kể: “Hai ông đã cho tôi vai Tạ Tốn (vở Cô gái Đồ Long) để tôi nhận HCV giải Thanh Tâm năm 1964”.

    Còn với nghệ sĩ Hồng Nga: “17 tuổi, tôi đã đóng vai mẹ nên buồn lắm nhưng 2 ông khuyên hãy ráng diễn vai này rồi sẽ nổi tiếng. Và vai cô giáo Lan trong vở Tuyệt tình ca đã mang lại cho tôi rất nhiều tình cảm của công chúng. Tôi mang ơn 2 ông”.

    Thật vậy, nếu lời ca, nét nhạc là những yếu tố căn bản của cải lương thì 2 soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng đã hiểu sâu hàm ý đó và nắm vững nghệ thuật ca diễn để nghiên cứu từng bài bản, đặt vừa mức cho mỗi trường hợp cụ thể.

    Chính vì thế, tính chất nghệ thuật cải lương trong tác phẩm của 2 ông vừa mang truyền thống vừa hiện đại. Cho đến ngày nay, những kịch bản của 2 ông vẫn được xem là khuôn mẫu cho thế hệ soạn giả trẻ nghiên cứu, học hỏi.

    NSƯT Út Bạch Lan tâm sự: “Những tác phẩm như: Đêm vĩnh biệt, Nửa đời hương phấn, Sông dài, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Mưa rừng, Rồi 30 năm sau… đã là những kiệt tác tự hào cho sân khấu cải lương”.

    Như Bá Nha - Tử Kỳ

    Soạn giả Hà Triều tên thật là Đặng Ngươn Chúc, sinh năm 1931, tại làng Vĩnh Uy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Năm 1955, Hà Triều gặp lại một người bạn cũ là Hoa Phượng - tên thật là Lương Kế Nghiệp (sinh năm 1933 tại Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) - lúc này cũng đang lưu lạc lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Hai ông gặp nhà thơ Kiên Giang và được gợi ý hợp tác với nhau viết kịch bản cải lương.

    Năm 1957, nhà thơ Kiên Giang đặt Hà Triều - Hoa Phượng viết vở Khi hoa anh đào nở khai trương cho Đoàn Cải lương Thúy Nga trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo (tức rạp Công Nhân ngày nay). Đây cũng chính là vở hát đã đưa tên tuổi nghệ sĩ Thành Được lên hàng “ngôi sao” cải lương với vai Tô Điền Sơn.
    Soạn giả Hà Triều (trái) và soạn giả Hoa Phượng

    Năm 1965, Đoàn Dạ Lý Hương diễn vở xã hội Nỗi buồn con gái (hay Tần nương thất) của 2 ông được ban tuyển chọn giải Thanh Tâm bình chọn và trao giải Vở cải lương hay nhất trong năm. Qua 10 năm (1955-1965), “liên danh” Hà Triều - Hoa Phượng đã viết chung khoảng 50 vở diễn.

    Từ những kịch bản đó, nhiều nghệ sĩ đã thành danh và đoạt các giải thưởng cao quý của giải Thanh Tâm như: Thành Được, cố NSƯT Thanh Nga, nghệ sĩ Văn Chung, cố nghệ sĩ Tấn Tài, NSƯT Thanh Sang, NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Tuấn, NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, nghệ sĩ Hồng Nga, NSƯT Thanh Nguyệt, cố nghệ sĩ Kim Ngọc, nghệ sĩ Mộng Tuyền...

    Soạn giả Hoa Phượng mất năm 1984, còn Hà Triều mất năm 2003 nhưng nghệ sĩ và người thân của 2 ông đã quyết định chọn ngày 22-10 hằng năm làm ngày giỗ chung cho đôi bạn tri kỷ, gắn bó nhất của sân khấu cải lương như Bá Nha - Tử Kỳ này.

    Kỳ tới: Nhị Kiều - “Nữ tướng không già”

    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    MEM (06-09-2014), romeo (05-09-2014)

  5. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Nhị Kiều - “Nữ tướng không già”

    Từ cô gái quê theo đoàn hát vì mê kép cải lương rồi trở thành soạn giả lừng danh như một duyên nghiệp

    Theo soạn giả Nguyễn Phương, nữ soạn giả có nhiều kỷ lục trong sự nghiệp sáng tác phải kể đến Nhị Kiều. Hơn 40 năm làm nghệ thuật, nữ soạn giả Nhị Kiều đã để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị. Bà được mệnh danh là “nữ tướng không già” khi sáng tác không ngừng nghỉ và viết bất cứ lúc nào với bút pháp trẻ trung, trái tim giàu cảm xúc cho đến khi lìa đời.

    Yêu thần tượng nên làm soạn giả

    Xuất thân là cô gái quê có nhan sắc ở tỉnh Bến Tre, Minh Nguyệt đến với nghệ thuật cải lương bắt đầu từ chuyện mê kép hát. NSND Kim Cương kể: “Năm 1954 - 1955, Đoàn hát Việt Kịch Năm Châu xuống lưu diễn tại tỉnh Bến Tre, hát ở cù lao Minh, cù lao Bảo, qua các quận Ba Tri, Mỏ Cày, Thạnh Phú, Khâu Băng…

    Có một cô gái đẹp ở Mỏ Cày theo chân đoàn hát, thường xuyên đến xem vì ái mộ kép hát Tám Vân, người đóng vai Duy Bạt trong tuồng Gió ngược chiều. Nghệ sĩ Tám Vân xúc động trước tình cảm đó nên đã kết nghĩa trăm năm với cô. Cô gái đó tên là Minh Nguyệt và Cô Nguyệt là bút danh những ngày đầu sáng tác của Nhị Kiều.

    Bà theo chồng không chỉ vì muốn xem thần tượng nghệ thuật của mình hát mà còn muốn ông phải ca, ngâm, diễn xuất những tác phẩm do chính bà viết ra. Với ý chí của mình, bà tự học cách soạn tuồng, cách viết và ca cổ nhạc. Từ đó, giới sân khấu cải lương có một nữ soạn giả tài hoa, được mệnh danh là nữ tướng không già”.
    Nghệ sĩ Vũ Luân, Tú Sương trong vở Thanh Xà, Bạch Xà - Một tác phẩm nổi tiếng của soạn giả Nhị Kiều

    Bà còn là người có tài viết rất nhanh. Thời cải lương hưng thịnh, bà đến phòng thu, ngồi ở bàn viết, bên trong nghệ sĩ thu âm, bên ngoài bà sáng tác, có khi trang bản thảo chưa ráo bút, bài ca đã được chuyển đến để nghệ sĩ thu âm tức thì.

    Khi phong trào làm video cải lương phát triển, bà viết 3 ngày một kịch bản dựa theo tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh. NSƯT Vũ Linh nói: “Vở của má Tám Nhị Kiều viết thì khỏi chê, bài ca đâu ra đó, tâm trạng và cảm xúc dạt dào”.

    Bút pháp của bà tinh tế, giàu cảm xúc như phân tích của NSND Ngọc Giàu: “Bà viết cho tình yêu và nhịp đập trái tim mình nên mạch văn giàu nỗi niềm, dễ gieo cảm xúc vào lòng người ca, người nghe. Trái tim bà không già bởi những câu vọng cổ bà viết ngày nay nghe lại vẫn thấy nguyên vẹn một trái tim yêu.

    Các vở: Thanh Xà - Bạch Xà, Gánh hàng hoa, Cung thương sầu giọt đắng, Hoa cẩm chướng, Huyền thoại một chuyện tình, Giọt mưa thu, Lỡ chuyến đò thương, Vết thương kỷ niệm, Vị đắng lá sầu đâu, Trăng nước Lạc Dương Thành, Người khách thương hồ, Nửa đêm chợt tỉnh, Lòng người bạc đen… nghe da diết, chất chứa biết bao điều nhân nghĩa”.

    Ham học, mê đọc

    Hơn 80 tuổi, bà vẫn còn mê đọc sách. Thú vui của bà là đọc sách cho ông xã nghe khi nghệ sĩ Tám Vân không còn nhìn rõ mặt chữ. “Từ những trang sách đó, bà học cách viết, cách sử dụng văn chương cho từng trang bản thảo kịch bản của mình” - NSƯT Diệu Hiền kể.

    Với đức tính ham học, bà luôn nuôi ý nguyện xây dựng nhiều kịch bản hay cho nghề viết của mình. Nhờ kiến thức này mà nhiều soạn giả đồng nghiệp đã chọn bà để hợp soạn những kịch bản cải lương.

    Soạn giả Nguyễn Phương cho hay: “Có bàn tay của chị Nhị Kiều nhúng vào, những trang bản thảo của chúng tôi trở nên mềm mại, nhất là những lời ca và câu thoại của các nhân vật nữ”.

    Phần lớn sáng tác của soạn giả Nhị Kiều được xây dựng theo mạch cảm xúc có hậu như thể loại tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Nhiều bài ca và vọng cổ, lời đối thoại các nhân vật được diễn tả thong dong, dễ hiểu và bộc lộ hết nội tâm của nhân vật trong kịch bản của bà.

    Trong 40 năm theo nghiệp sáng tác kịch bản sân khấu cải lương, bà đã gặt hái nhiều thành công và không vấp phải thất bại nào.

    Sau này, trong chương trình Những cánh chim không mỏi do Đài Truyền hình TP HCM tổ chức để tôn vinh bà và nghệ sĩ Tám Vân, bà đã nói về kinh nghiệm sáng tác của mình: “Bản thân soạn giả dù lớn tuổi cũng phải học để đạt được sự hội nhập cần thiết. Tôi không cho phép ngòi bút mình già cỗi nên vẫn cố mà học”.

    Bà được xem là một soạn giả viết nhiều nhất, viết nhanh nhất và cũng là một soạn giả cao niên minh mẫn cho đến khi lìa đời vào năm 2010, thọ 90 tuổi.

    Nhiều kỷ lục

    Soạn giả Nhị Kiều tên thật là Quản Thị Minh Nguyệt, sinh năm 1921, tại làng An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Bà sáng tác với bút danh Cô Nguyệt, rồi Hoàng Thị Nguyệt và sau cùng là Nhị Kiều. Sự nghiệp sáng tác của bà có đến 200 kịch bản cải lương, hơn 1.000 bài vọng cổ và hàng chục kịch bản phim cải lương khác.
    Soạn giả Nhị Kiều và nghệ sĩ Tám Vân bên nhau trong những năm tháng cuối đời

    Ngoài kịch bản viết riêng, từ năm 1963 đến năm 1972, bà đã hợp soạn với các soạn giả khác tạo ra nhiều kịch bản giá trị, như: Hương lúa tình quê, Trăng rụng bến Từ Châu, Kim Hồ Điệp, Lỗi tình cố nhân (với thi sĩ Anh Tuyến); Khói sóng Tiêu Tương (với Hà Triều - Hoa Phượng);

    Những đứa con lai (với soạn giả Thanh Cao); Mùa sen trắng nở, Mạnh Lệ Quân, Thạch Phá Thiên, Đường về Vạn Kiếp (với soạn giả Nguyễn Đạt); Bao Công xử án Trần Thế Mỹ, Sở Vân, Đường nào lên Thiên Thai (với soạn giả Hoàng Lan); Qua cầu đắng cay, Tâm sự cha tôi, Mùa thu lá bay, Cánh chim bạt gió (với soạn giả Thế Châu)…

    Bà cũng phóng tác tiểu thuyết của nhà văn Ngọc Linh thành kịch bản cải lương Nắng sớm mưa chiều, tiểu thuyết của Trang Thế Hy thành tuồng Vầng trăng bên kia sông.

    Những ai biết đến “nữ tướng không già” Nhị Kiều đều phải nể bà ở đức tính tiết kiệm. Bà sống mực thước, không chạy theo vật chất nên cuộc sống về chiều rất đạm bạc, thanh cao.

    Kỳ tới: Thế Châu - Thầy giáo mắc nợ cải lương.

    Bài và ảnh: Thanh Hiệp


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    MEM (06-09-2014), romeo (05-09-2014)

  7. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Thế Châu - Thầy giáo mắc nợ cải lương!

    Từ một thầy giáo mê cải lương, do nặng nợ với sân khấu nên nghiệp sáng tác đeo đuổi ông cho đến cuối đời

    “Uống chớ đại huynh! Tuy rượu quán nghèo nhưng nồng nàn hương vị, xin kính cẩn tay nâng mời tri kỷ chén rượu ngày xưa cho trọn vẹn... thâm tình…”. Câu vọng cổ để đời trong tác phẩm Bên cầu dệt lụa của soạn giả Thế Châu đã đi vào đời sống.

    Bất cứ dân mê đờn ca tài tử nào, cứ có tiệc hoặc dịp bầu bạn bên ly rượu cũng đều ngâm nga câu ca này. Nó như nhắc nhở tình bằng hữu chớ tách bạch sang hèn mà nên giữ lấy đạo lý làm người.

    Bút pháp sư phạm

    Khi phục dựng Bên cầu dệt lụa, NSƯT Hữu Châu đã giữ gìn từng câu, từng lời trong kịch bản bất hủ của một soạn giả bậc thầy có lối hành văn nâng cải lương lên hàng sang trọng.

    Với NSƯT Thanh Sang, Thế Châu thành công bởi 2 yếu tố: Bút pháp của người làm nghề sư phạm và niêm luật chuẩn mực của bài bản cải lương vọng cổ. “Trần Minh khố chuối” Thanh Sang nhận xét: “Thế Châu không theo xu thế thích đổi mới, chêm thơ ca, hò vè, lý lung tung vào bản thảo nên những sáng tác của anh rất chuẩn mực.

    Câu vọng cổ anh viết như dòng sông chảy êm đềm, lúc tĩnh lặng, lúc gợi sóng nhưng không bao giờ vẩn đục. Kịch bản Trường tương tư anh viết, lời ca thấm sâu vào huyết mạch người nghe. Văn chương và niêm luật trong kịch bản của Thế Châu không có sự phá cách bừa bãi, cũng không có chuyện nghệ sĩ ca rồi bắt anh phải sửa theo ý họ”.

    NSƯT Thanh Sang (trái) và nghệ sĩ Thanh Tú trong vở Bên cầu dệt lụa của soạn giả Thế Châu (ảnh trên)

    NSƯT Hùng Minh, diễn viên Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, cho biết vào thập niên 1960, Thế Châu là một thầy giáo làng. “Hồi mới gặp Thế Châu, tôi bất ngờ khi biết anh có chiếc máy hát xưa quay dây thiều thuộc hàng sang nhất thời đó. Thế Châu nói nhờ nó mà anh tiếp cận nghệ thuật cải lương.

    Sân nhà anh giáo những lúc sáng trăng, bà con hàng xóm kéo đến ngồi kín để nghe cải lương. Thế Châu lắng nghe rồi hiểu khán, thính giả cải lương cần gì ngoài giọng ca của đào kép. Có lẽ nhờ biết quan sát và lắng nghe nên anh sáng tác rất thiện nghệ” - NSƯT Hùng Minh nhớ lại.

    Duyên nghiệp riêng mang

    Soạn giả Thế Châu tên thật là Ngô Văn Long, SN 1936. Ông sinh ra và lớn lên tại miền quê Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Ông là thầy giáo trước khi đến với nghề soạn giả chuyên nghiệp.

    NSND Lệ Thủy kể mùa hè năm 1964, lúc bà đoạt Giải Thanh Tâm cùng NSƯT Thanh Sang, hội thi văn nghệ giữa các trường được tổ chức ở Bình Dương. Trường Tiểu học Lái Thiêu đăng ký dự thi vở cải lương Lê Lai cứu chúa do thầy giáo Long sáng tác. Vở này đã đoạt giải nhất.

    Trong lần liên hoan văn nghệ ấy, soạn giả Loan Thảo đã đến xem, tìm gặp thầy giáo Long để giao lưu, kết bạn và gợi ý hợp tác viết kịch bản cải lương. Từ đó, soạn giả Thế Châu được nhiều tác giả nổi tiếng lúc bấy giờ biết và hợp tác sáng tác như: Nhị Kiều, Hoa Phượng, Hà Triều… và ông đã đến với cải lương chuyên nghiệp.

    Từ năm 1965-1975, soạn giả Thế Châu viết nhiều vở tuồng được dàn dựng trên sân khấu của các đoàn cải lương lớn: Dạ Lý Hương, Kim Chung, Tân Thủ Đô… Ông đã soạn chung với soạn giả Nhị Kiều những vở: Qua cầu đắng cay, Tâm sự cha tôi, Vợ tạm chồng hờ…; viết chung với soạn giả Hoa Phượng, Loan Thảo các vở: Bến tương tư, An Lộc Sơn, Hành khất đại hiệp… Thế Châu cũng viết riêng các vở: Thủ cung xa, Sao trời lại xanh, Trường tương tư...

    Sau năm 1975, ông tiếp tục sáng tác và được Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga mời cộng tác, viết những vở: Bên cầu dệt lụa, Hoa tím bằng lăng, Tấm Cám, Mùa gió chướng… Đây là thời điểm vàng son trong cuộc đời theo nghiệp sáng tác của soạn giả Thế Châu. Trong đó, Bên cầu dệt lụa là đỉnh cao sự nghiệp của ông, để lại dấu ấn trong lòng hàng triệu khán giả mộ điệu qua 2 nhân vật Trần Minh, Nhuận Điền. Ngày nay, nhắc đến Thanh Sang và Thanh Tú, nhiều khán giả vẫn nhớ ngay đến 2 nhân vật này.

    Cuộc đời cô độc

    Ở cuộc sống đời thường, Thế Châu rất cô độc, chỉ có một người bạn thân và vài người cháu, con của cô em gái. “Có lần tôi hỏi sao không lấy vợ, Thế Châu bảo cây bút và cải lương là nợ, là duyên của anh ấy rồi” - nghệ sĩ Thanh Tú cho biết.

    NSƯT Thanh Nguyệt tâm sự: “Có lẽ do cô đơn, không gặp được mối lương duyên nên trong nhiều sáng tác của Thế Châu, anh xây dựng hình tượng người phụ nữ rất nhân hậu. Mẫu tình yêu của trái tim anh có thể là nàng Quỳnh Nga, cũng có thể là công chúa Bích Vân nhưng chung quy vẫn là những phụ nữ sống mãnh liệt với tình yêu và đề cao lòng chung thủy”.

    Soạn giả Thế Châu đã về cõi vĩnh hằng nhưng những sáng tác bất hủ của ông vẫn sống trong lòng khán giả mộ điệu nghệ thuật cải lương với nhiều cảm xúc, nhiều bài học nhân nghĩa ở đời...

    Cả đời theo nghiệp sáng tác kịch bản sân khấu cải lương, những soạn giả lừng danh luôn viết từ nhịp đập con tim, từ cảm xúc chân thật, không chạy theo sự hào nhoáng, danh vọng nào. Chính vì thế, tác phẩm của họ sống mãi trong lòng công chúng.

    Trong những ngày truyền thống của sân khấu Việt Nam, nhiều người đã nhắc về họ với tấm lòng tôn kính, đồng thời kỳ vọng thế hệ soạn giả, tác giả sân khấu trẻ noi theo các tấm gương lao động nghệ thuật đó mà tiếp nối phát triển những thành tựu sáng tác của thế hệ trước để lại.

    Chỉ mong sân khấu sáng đèn

    “Nhuận Điền” Thanh Tú cho biết năm 1976, khi vở Bên cầu dệt lụa ra đời và rất thành công, Thế Châu chính thức rời bục giảng. Đến năm 1983, ông tạm gác nghiệp sáng tác, chuyển sang kinh doanh nhưng thất bại và phải quay lại cầm bút. Mang tính mô phạm nên ông ít chịu nói về mình, chưa bao giờ than vãn về nỗi khổ tâm mà chỉ mong sân khấu cải lương sáng đèn.

    NSND Lệ Thủy xúc động kể lại: “Có lần, một đoàn hát tỉnh diễn vở Bên cầu dệt lụa đã tăng cường tôi và anh Thanh Sang. Suất diễn đó đạt doanh thu, đoàn trả hết nợ do nhiều tháng hát ế ẩm. Bà trưởng đoàn mang tiền tác quyền đến nhà trao cho soạn giả Thế Châu. Anh ký vào giấy và ghi:

    “Từ nay về sau, đoàn hát này mở màn Bên cầu dệt lụa, tôi không nhận tác quyền”. Bà trưởng đoàn cầm tiền về mua gạo nuôi đoàn được thêm vài tuần. Đến khi Thế Châu mất, cả đoàn hát này đến xin để tang. Họ xem Thế Châu như người cha thân thương trong nghiệp diễn của mình”.

    Bài và ảnh: Thanh Hiệp



    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    huongle (06-09-2014), romeo (06-09-2014)

ANH EM CHANNEL