Mở đầu câu chuyện Trường Oanh cười lớn và bảo rằng anh không phải là con nhà nòi nhưng cũng coi như là con nhà nòi vậy. Bởi lẽ ba mẹ của NS Trường Oanh là nhân viên hậu đài cho Đại ban Minh Tơ lừng lẫy, nên từ lúc "cha sanh mẹ đẻ" NS Trường Oanh đã sống trong một đại gia đình làm nghệ thuật ở ngôi đình Cầu Quan - chiếc nôi đã nuôi dưỡng rất nhiều thế hệ Nghệ sĩ danh tiếng. Được NSND Thanh Tòng, Bạch Lê, Trường Sơn, Bạch Lựu, Thanh Loan truyền nghề nên có thể nói NS Trường Oanh có vốn nghề rất vững.

NS Trường Oanh còn nhớ như in năm 1983 anh được NS Xuân Thu hóa trang để ra sân khấu hát vai đầu tiên là vai Sứ giả trong tuồng Bão Táp Nguyên Phong. Cảm giác mừng lo suốt đêm không ngủ được, rồi các vai diễn khác trong Câu Thơ Yên Ngựa, Tô Hiến Thành Xử Án, Trần Quốc Toản, ... Trường Oanh đã gây được ấn tượng rất tốt trong lòng khán giả.
Khoảng năm 1993 - 1994, cũng như nhiều Nghệ sĩ khác khi các đoàn hát gặp khó khăn, NS Trường Oanh cũng tham gia đi hát chầu rồi về cộng tác cho đoàn Huỳnh Long, Dạ Lý Hương(Vũ Luân), Đồng Ấu Bạch Long, Sông Bé 2,...cho đến khi các đoàn giải tán. Từ đó đến nay Trường Oanh là một Nghệ sĩ tự do.
Trả lời phỏng vấn vì sao anh là người may mắn khi ban đầu bước vào nghề và được sống trong một giai đoạn rực rỡ của sân khấu cải lương thập niên 80 - 90, nhưng tên tuổi của anh vẫn còn rất âm thầm, lặng lẽ... NS Trường Oanh cho biết "Các anh chị trong gia đình Minh Tơ thương Trường Oanh lắm, tận tình chỉ dạy từng li từng tí một.
Nhiều khi lên sân khấu hát không tròn vai, cũng buồn lắm vì mình thấy phụ lòng anh chị. Được các anh chị động viên tham dự các cuộc thi nhưng vì nhiều lý do nên đành lỡ hẹn. Giờ nhiều khi suy nghĩ cũng cảm thấy hối tiếc, nếu ngày trước Trường Oanh nghe lời các anh chị thì có lẽ ngày nay Trường Oanh đã được nhiều khán giả biết đến hơn.
Âu chắc cũng là do cái số của mình, bây giờ chỉ cố gắng làm nghề tốt, nếu có cơ hội mình sẽ tiếp nhận và đem kinh nghiệm mình được truyền dạy để vun vén cho các em cháu."
Hiện nay NS Trường Oanh vẫn đang gắn bó với nghề hát và làm thêm một nghề tay trái là làm mão ngạch. Đây là một cái duyên nhưng cũng giúp anh ổn định cuộc sống gia đình của mình. Chính nghệ sĩ Trường Quang dẫn dắt anh vào nghề khi hãng phim Hà Nội đặt hàng cho phim Đêm Hội Long Trì. Vậy đó mà đã 15 năm anh gắn bó với nghề ngạch mão.
Ngồi xem nghệ sĩ Trường Oanh tập tiết mục Lý Thường Kiệt cảm tác đề thơ trong đêm truyền nghề 3 của nhóm Nghệ sĩ Trường Giang mới thấy hết được cái tài của anh. Từng điệu bộ, giọng ca sao mà vững chắc và điêu luyện. Thế mới biết đằng sau bức màn nhung còn có rất nhiều nghệ sĩ thật sự giỏi nghề, nhưng "cái duyên" vẫn còn nặng nợ mà "cái phận" vẫn còn long đong.
Nghệ sĩ Trường Oanh tâm niệm rằng quyết gắn bó với nghề dù khó khăn thế nào đi nữa, cố gắng hết sức mình bằng cái tâm của một người nghệ sĩ, vì bên cạnh còn rất nhiều cô chú, anh chị và các em các cháu đồng lòng cùng nhau sống chết với cải lương!
Hạc Lâm
Nguồn tin: Báo sân khấu