Gặp chị cười vang trong hậu trường Nhà hát Bến Thành những ngày hội ngộ cùng Đoàn Thanh Minh, Thanh Nga. Chị vui vì bắt gặp lại chính mình ngày xưa, cái ngày còn tham gia trong vũ đoàn của gánh hát này, tham gia múa cung đình cho công chúa xem, giờ thì chị đã là bà ngoại, nhìn các em diễn viên của K2 và K36 – học trò NSƯT Hữu Châu tập múa, chị bật khóc, chốc lát rồi lại cười thật tươi.
NS Thanh Hằng tâm sự: “Về đây mới thấy có mùa xuân, có tiếng cười, chứ bên Úc xa quê, xa sân khấu, xuân đối với những người xa quê hương như càng gieo vào lòng nỗi cô đơn, sầu muộn vô cảm. Nỗi cô đơn, lạnh lẽo khiến cho con người phải ưu tư sâu sắc.
Mùa xuân trong con mắt mọi người luôn rất đẹp, với tôi thì mùa xuân mang đến sự ấm áp và niềm vui khiến cho con người cảm thấy thật hạnh phúc khi được ở bên nhau để quên đi cái lạnh lẽo và cô đơn mùa đông. Nhưng tại sao đối với những người xa quê hương, đất nước thì mùa xuân lại buồn đến như vậy?
Bởi, khí tiết của xứ người khác xứ mình, ngày tết của mình cũng khác họ. Có khi không rơi đúng ngày cuối tuần thì ai ai cũng đến hãng xưởng làm việc. Và lại một mùa xuân nữa đến, đây là mùa xuân thứ bao nhiêu tôi cũng không nhớ, tôi đã xa sân khấu quê hương, xa khán giả sân khấu thân thương của tôi.
Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ cái ngày tôi rời xa quê hương, xa sàn diễn của tôi để bước vào một cuộc sống mới. Thời gian qua cuộc sống đã dạy cho tôi những bài học vô giá, những bài học có sự chân thành, giả dối, có đắng cay ngọt ngào, có nước mắt và cả niềm vui.
Cuộc sống với biết bao ưu tư sầu muộn ngổn ngang vẫn ngỡ rằng mới ngày nào mình rời xa quê hương mà nay đã dần quen với không khí đó, để khi về quê nhà, được hòa mình vào không gian nghệ thuật, tôi vỡ òa hạnh phúc”.
Thời gian tham gia tập dợt để biểu diễn vở Tiếng trống Mê Linh là thời gian mà NS Thanh Hằng cảm thấy mình được ăn tết muộn. “Bên đó có điều gì để mà vui, mà cười đâu. Cứ đưa con đi học, về nhà nấu ăn, rồi lo tập thể dục trị bệnh, sau đó bữa ăn cho gia đình, là tới chiều tối rồi.
Cứ thế trôi qua, có những tiếc nuối về những giấc mơ sân khấu, có những hư hao, có những luyến lưu mong nhớ để cuối cùng vẫn là buồn nhớ, cô đơn đọng lại trong lòng của tôi. Mùa xuân đi để lại những nổi buồn không người chia sẻ, mùa xuân đến lại mang cho lòng tôi thật nhiều tâm trạng và cảm xúc.
Vẫn biết cuộc đời có sinh ly tử biệt, có hợp có tan, nhưng trong khi mùa xuân đến thật an lành và linh thiêng, mọi người đến với nhau, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất thật vui vẻ và hạnh phúc thì lúc đó tôi lại ngồi một mình trong căn phòng lạnh lẽo, tự hỏi mình đã là một nghệ sĩ, giờ biết tìm đâu những niềm vui, những tiếng cười hay một lời an ủi, động viên để khỏa lấp đi những nổi trống vắng, hư hao trong sự cô đơn khi mùa xuân đến.
Và tôi cất bài vọng cổ, rồi lại khóc một mình. Sự lựa chọn ra đi để lo cho hạnh phúc, cho sự êm ấm của các con với tôi là một sự hy sinh đúng nghĩa nhất. Do vậy tôi không hối tiếc, chỉ bày tỏ sự chạnh lòng bởi trái tim người nghệ sĩ nhạy cảm và dễ bị tổn thương”.
NS Thanh Hằng quan sát những diễn viên múa, rồi nhìn ngắm lại hình ảnh cố NSƯT Thanh Nga, thăm hỏi, trò chuyện với các cô chú, anh chị trên sàn tập, để tìm thấy cái tết muộn thật giá trị của mình. Thật thương cho đời nghệ sĩ xa quê, thương cho những suất hát đong đầy tình thương mà với NS Thanh Hằng.
Chị mong sao các suất diễn này sẽ kéo dài không dứt, “để được nghe lời ca tiếng hát, tiếng rao đờn vọng cổ, tiếng cười nói ồn ào trong hậu trường chuẩn bị đêm hát. Và thiêng liêng vô cùng khi cánh màn nhung mở ra, những tràng pháo tay cho từng nghệ sĩ của khán giả. Điều đó sẽ theo tôi suốt cuộc đời vì đây là những suất hát giá trị nhất đối với tôi” – NS Thanh Hằng tâm sự trong nước mắt.