Người ta biết đến nhà thơ Kiên Giang qua bài thơ nổi tiếng Hoa trắng thôi cài lên áo tím, ông đồng thời cũng là soạn giả những vở cải lương nổi tiếng: Người đẹp bán tơ (Sơn nữ Phà Ca), Ngưu Lang - Chức Nữ, Lưu Bình - Dương Lễ, Áo cưới trước cổng chùa…
Chuyện đời, chuyện nghề của Kiên Giang cũng lắm vui nhiều buồn bởi những cuộc tình đầy rẫy sự trắc trở, bi thương.
Nhà thơ - soạn giả Kiên Giang đang tìm lại những tư liệu kịch bản cũ
Nhà thơ, soạn giả Kiên Giang mở đầu cuộc chuyện trò: “Có nhiều thứ tôi không hài lòng về cuộc sống của mình. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn “cưu mang” nó cho đến cuối cuộc đời”.
“Giải mã” cái tên Hà Huy Hà
Soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà tên thật là Trương Khương Trinh, sinh năm 1929 tại miệt thứ U Minh, cùng làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang với cố nhà văn Sơn Nam. Năm 1942, Khương Trinh lên Sài Gòn học tại Trường tư thục Lê Bá Cang, học chỉ 2 năm thì hết tiền mới về Cần Thơ vào học Trường tư thục Nam Hưng.
Trở về quê nhà, Trương Khương Trinh tham gia thiếu niên tiền phong, sau đó phụ trách lớp học thiếu nhi cứu quốc, trong đó có Đội Thiếu nhi Cứu quốc Khu 9 do ông làm Trưởng đoàn. Mỗi ngày, Khương Trinh có nhiệm vụ tập hát cho thiếu nhi và đưa đội đi biểu diễn khắp nơi bằng ghe. Trong đoàn có Đặng Ngươn Chúc, sau này là soạn giả Hà Triều, người duy nhất đệm đàn banjoline và mandolin cho đoàn.
Cái tên Hà Triều - Hoa Phượng thì hầu như ai cũng biết, đặc biệt là những người yêu bộ môn nghệ thuật cải lương. Song, người góp phần đưa tên tuổi của đôi bạn tri kỷ Hà Triều - Hoa Phượng đến với công chúng thì không phải ai cũng biết. Người đó chính là soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà.
Năm 1956, Trương Khương Trinh lên lại Sài Gòn, năm ấy ông 27 tuổi. Thời gian này ông sửa bài cho Báo Tiếng Chuông. Ở Sài Gòn, Khương Trinh nhớ quay quắt những tháng ngày trên bến dưới ghe cùng anh em đi diễn ở khắp nơi, từ làng đến chiến khu.
Trong chiến khu, Khương Trinh có tên là Huy Hà, tên thường gọi là Hà Huy Hà. Sau thời gian sửa bài ở Báo Tiếng Chuông, Khương Trinh được tham gia viết bài. Nhiều bài viết lên án ngoại lai được ông thể hiện bằng ngòi bút sắc bén, lấy tên là Hà Huy Hà.
Ông cũng là cây bút địch vận nổi tiếng trên nhiều tờ báo trước đó. Sau những bài viết của Hà Huy Hà, lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin lúc bấy giờ cho gọi ông lên gặp cò Ích, tức Lê Tấn Ích. Cò Ích hỏi: “Mày tên gì?”. Ông trả lời: “Tôi tên Trương Khương Trinh”. Sau vài câu hỏi theo kiểu biết rồi mà cứ vòng vo, áo của Kiên Giang ướt đẫm mồ hôi. Cò Ích bảo về và căn dặn: “Viết vừa vừa thôi”. Từ đó về sau, ông mạnh dạn lấy bút danh là Hà Huy Hà, viết nhiều bài phê phán nặng ký đăng trên Báo Tia Sáng.
Nói về học trò Hà Triều - Hoa Phượng
Trở lại câu chuyện về hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng. Soạn giả Hoa Phượng tên thật là Lương Kế Nghiệp và Hà Triều, tức Đặng Ngươn Chúc. Hai người là bạn cùng thời kháng chiến. Năm 1954, Hà Triều lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Trong những tháng ngày tìm việc, Hà Triều tìm đến nơi ở của Hà Huy Hà, Trưởng đoàn cũ của ông. Thời gian này, Hà Huy Hà đã là ký giả kịch trường được nhiều người biết đến.
Hà Triều viết chữ đẹp nên được Hà Huy Hà giao việc chép thơ và bản thảo kịch bản cải lương, sau đó tham gia viết bài phê bình sân khấu đăng trên nhiều tờ báo có tiếng. Một năm sau, cũng tại Sài Gòn, Hà Triều gặp lại người bạn cũ là Hoa Phượng đang lang thang tìm việc. Được Hà Triều giới thiệu bạn và nhờ tìm giúp việc, Hà Huy Hà gợi ý cho đôi bạn hợp tác viết kịch bản cải lương.
Mỗi lần có đoàn hát lớn như Thanh Minh, Thủ Đô về diễn là Hà Huy Hà kéo hai người này đi coi. Lần sau khi xem xong, họ được Hà Huy Hà đãi cơm và hỏi: “Hỏi thiệt tụi bây nhắm có viết tuồng được không?”. Hoa Phượng tự tin đáp: “Chẳng những được mà còn hay hơn các tuồng vừa xem”. Từ đó Hà Triều - Hoa Phượng kết nghĩa với nhau làm soạn giả.
Vở đầu tiên mà soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng viết ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Tuy nhiên vở này không thành công vì khá nhiều người không tin tưởng vào hai cái tên lạ hoắc Hà Triều - Hoa Phượng nên đã phá vỡ nó. Hà Huy Hà cũng lấy làm tiếc nhưng luôn động viên đôi bạn không nản chí.
Sau này, khi Đoàn thi ca vũ kịch Thúy Nga thành lập đã mời Hà Huy Hà về phụ trách kỹ thuật. Đây là cơ hội, là bước ngoặt mới cho soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng. Ngay khi về cộng tác với Thúy Nga, Kiên Giang yêu cầu Hà Triều - Hoa Phượng viết vở tuồng Lối vào cung cấm (tuồng Tàu).
Chỉ vài ngày sau, kịch bản đã hoàn tất. Vở diễn này khá thành công, khán giả cũng đã có cảm tình với soạn giả. Song, lúc bấy giờ đoàn Phùng Há nổi tiếng về các tuồng Tàu, không thể sánh kịp nên Hà Huy Hà gợi ý viết tuồng Nhật Bản.
Từ tuồng Tàu sang tuồng Nhật Bản thì phải thay đổi lời nói, văn từ đến cảnh trí… Từ đó vở Lối vào cung cấm có một cái tên khác là Khi hoa anh đào nở. Vở này không chỉ có tuồng mà còn có ca múa, vũ kịch. Khi hoa anh đào nở tái diễn suốt một tháng mà vẫn đông người xem. Đoàn Kim Chung mới từ Bắc vào cũng có lời quảng cáo cho vở này là: “Độc nhất vô nhị, diễm huyền vô song”.
Vở thứ 2 đánh dấu tên tuổi của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng là vở kịch nóiSông dài. Đó là một vở diễn ăn khách, gây chấn động do hai đoàn Thẩm Thúy Hằng và La Thoại Tân diễn. Lúc bấy giờ, soạn giả Nguyễn Phương của đoàn Thanh Minh còn lấy vở này thêm lời ca vào và một lần nữa, cái tên Hà Triều - Hoa Phượng có thêm một chỗ đứng vững chắc trong lòng khán thính giả.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Kỳ 2: Tình đầu không thơ nhạc
Soạn giả Kiên Giang từng nói, những cuộc tình của ông cũng đầy rẫy sự trắc trở, bi thương. Với mối tình đầu và cũng là người vợ đầu, hình ảnh của bà chưa bao giờ xuất hiện trong thơ, nhạc nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn đến các sáng tác của ông.
Thích dạng các bài viết về cuộc đời soạn giả. Bởi ngày xưa soạn giả đóng một vai trò quan trọng trong mỗi đoàn hát. Hà Triều - Hoa Phượng có rất nhiều tuồng nổi tiếng, giờ đọc thì hiểu hơn thời gian đầu là nhờ soạn giả Kiên Giang dìu dắt và động viên.
Ông Kiên Giang là tác giả của vở tuồng nổi tiếng để đời của ông luôn - ÁO CƯỚI TRƯỚC CỔNG CHÙA, giờ đọc mới biết được 2 soạn giả yêu thích mình là học trò của ông Kiên Giang, cảm ơn anh Phong Vũ nhiều nhé, đợi tiếp kì sau, hihi.
Kỳ 2: Mối tình không thơ nhạc"
Nhà thơ - soạn giả Kiên Giang đã nói, những cuộc tình của ông đầy rẫy sự trắc trở, bi thương. Với mối tình đầu và cũng là người vợ đầu, hình ảnh của bà chưa bao giờ xuất hiện trong thơ, nhạc nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn đến các sáng tác của ông.
Nhà thơ Kiên Giang (trái) và nhà thơ Thanh Nhã (ảnh nhân vật cung cấp)
“Tôi thương bà Sương vì bà là người phụ nữ chịu thương chịu khó, hết mực chiều chồng. Cả những lúc khó khăn nhất, một mình bà vẫn chống chọi, gánh gồng mưu sinh. Làm vợ của một soạn giả, một thầy giáo, một nhà thơ có tên tuổi nhưng bà vẫn chấp nhận về quê cất chòi giữ đồng nuôi vịt…”, nhà thơ Kiên Giang bồi hồi nhớ lại.
Cưới ngay kẻo… lỡ
Vợ đầu của nhà thơ - soạn giả Kiên Giang tên Nguyễn Ngọc Sương, người phụ nữ đẹp người đẹp nết. Bà Sương là người con gái thứ ba của thầy giáo làng Nguyễn Sử Ký. Trong Đoàn văn nghệ thiếu nhi lưu động do ông làm Trưởng đoàn có ca sĩ nhí tên Thanh Phong.
Một hôm, sau buổi diễn, ngồi trên xuồng từ rạch Cái Mới về xóm Tổng Quảng, ông quay lại hỏi Phong: “Nhà mày có chị hay em gái không?”. Người được hỏi thiệt tình trả lời: “Có, đông lắm”. Mặt ông rạng rỡ: “Vậy về nói chị gái nấu cơm ăn đi…”.
Mục đích của ông không chỉ để ăn cơm mà gặp những người đẹp. Sau lần gặp đầu tiên đó, hôm ông đưa đoàn đi diễn ở xóm Cái Bần, xã Thủy Liễu thì hai người chị thứ hai và thứ ba của Thanh Phong đứng lấp ló phía góc chùa. Lần gặp nữa, hai chị mời ông và bà Lê Thị Tị, phụ trách y tế của đoàn đến dự tiệc.
Tiệc đang chuẩn bị ở nhà sau, ông luôn để mắt tới người con gái mặc áo vá vai. Nét đẹp chân phương, tần tảo của cô gái đã “hớp hồn” Kiên Giang. Người con gái đó là cô ba Nguyễn Ngọc Sương.
Mùa dưa hấu, Kiên Giang cùng ông Nguyễn Thành Mân (sau này là chú vợ) mang một cặp dưa hấu to, đẹp đến nhà biếu gia đình Sương. Sau một hồi hỏi han qua lại, Kiên Giang bạo miệng: “Thưa bác, cháu diễn ở đây, được gia đình bác chăm lo chu đáo, cháu rất quý tấm lòng thơm thảo của gia đình. Cháu sống xa nhà thường xuyên, thấy ở đây như nhà của mình. Cháu để ý cô Ba.
Bác hỏi ý kiến cô Ba thế nào rồi cho cháu hay ạ”. Nói thì nói vậy nhưng trong đầu ông không nghĩ thầy giáo Ký sẽ đồng ý tác hợp cho hai người. Nửa tháng sau, khi đoàn chuẩn bị rời làng sang làng khác diễn thì ông hay tin cô Ba đã “ưng”. Người ông như lâng lâng niềm vui khó tả. Bỗng mặt ông chùng xuống vì lo lắng phận nghèo sống rày đây mai đó lấy gì để cưới xin.
Lo nhưng phải cưới ngay, kẻo… lỡ. Một sáng đẹp trời, ông chèo xuồng một mạch từ U Minh Hạ ra mũi Gảnh rồi sang Rạch Giá nhờ người nhắn má sang làm đám nói. Thầy giáo Ký không đòi hỏi gì ở nhà trai ngoài những câu căn dặn bọn trẻ “có phước cùng hưởng, có họa cùng chia”.
Đám cưới diễn ra trong trại đóng ghe của hàng xóm ở ấp Xẻo Trát, làng Long Thạnh vào một đêm trăng sáng. Ngày vui, ông mặc chiếc áo cẩm tự, đó là món quà ông vừa nhận được khi đạt giải II cuộc thi Thơ đồng bằng sông Cửu Long.
Vợ soạn giả nuôi vịt
Bà Sương có mang cũng là lúc ông đi chiến dịch Long Châu Hà (Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên). Vợ chuyển dạ, ông Ký và người cậu vợ đưa bà Sương bằng xuồng qua Rạch Giá để vào nhà bảo sanh. Bà hạ sinh đứa con đầu lòng, đặt tên là Trương Thị Ngọc Nữ. Năm 1957, ông rước vợ con lên Sài Gòn sinh sống ở đình Phú Thạnh, nay thuộc Q.Tân Phú. Ở tạm cùng gia đình ông tại đình này còn có soạn giả Minh Nguyên. Thời gian sống ở đây, soạn giả Kiên Giang đã viết 3 đĩa vọng cổ.
Khi Đoàn ca nhạc vũ kịch Thúy Nga thành lập, ông rời Báo Tiếng Chuông để về đây phụ trách kỹ thuật. Khi trở thành soạn giả tên tuổi, ông mới có tiền mua nhà ở đường Trần Bình Trọng, Q.5. Các con kế của ông lần lượt sinh ra tại căn nhà này là Trương Thị Ngọc Thùy, Trương Huy Ngọc, Trương Hà Châu.
Trước Hà Châu, ông còn có một người con nữa là Nguyễn Ngân Hà. Sở dĩ Ngân Hà mang họ Nguyễn của mẹ là vì tháng ngày loạn lạc, ông phải trốn cảnh bắt bớ. Ngân Hà còn được ba đặt cho cái tên khác là Phà Ca.
Lúc bấy giờ, soạn giả cải lương Quy Sắc (tức Nguyễn Phú Quý, quê Sông Bé cũ, nay là Bình Dương, đã mất) có viết kịch bản cải lương Đời sơn nữ. Kịch bản này được Kiên Giang xem và sửa lại theo yêu cầu của Quy Sắc và đổi tên thành Người vợ không bao giờ cưới, hay còn gọi là Sơn nữ Phà Ca.
Kịch bản viết xong ký tên là Phúc Nguyên - Kiên Giang (Phúc Nguyên là tên con gái đầu của Quy Sắc). Con trai đầu của Quy Sắc là Mộng Long nên Kiên Giang đặt tên con gái Ngân Hà là Phà Ca. (Mộng Long và Phà Ca là hai nhân vật trong Người vợ không bao giờ cưới). Soạn giả Kiên Giang và Quy Sắc còn hứa gả con cho nhau.
Với Kiên Giang, bà Sương là người phụ nữ quê mùa, tần tảo hết lòng vì chồng con. Ông nhớ lại những ngày khó khăn nhất, bà đã tích cóp mua cho ông một cái bàn để ông viết lách. Chiếc bàn này đối với ông là một kỷ vật. Dù phải liên tục thay đổi chỗ ở, ông vẫn mang theo suốt 60 năm.
Những năm ông bán căn nhà ở đường Trần Bình Trọng để về quê, đó là quãng thời gian khó khăn nhất. Đêm lại ông chèo xuồng đi dạy học. Còn bà nằm giữa đồng để trông coi đàn vịt. Soạn giả Kiên Giang kể: “Thời gian tôi phải ở lại bên xã Thủy Liễu, ở nhà không may vịt nhiễm bệnh và chết hết. Vợ tôi khóc nức nở, tiếc hùi hụi bao vốn liếng, tôi thấy thương làm sao”.
Trần Tuy An
Kỳ 3: Người đa tình
Ngoài mối tình thời đi học dang dở trong Hoa trắng thôi cài lên áo tím vì tháng ngày loạn lạc, nhà thơ Kiên Giang còn có ba người vợ, trong đó có hai người đăng ký kết hôn là Nguyễn Thị Sương và Dương Thị Bạch Tuyết.
Ông còn có người vợ khác tên Mai Thị Thoa nhưng cuộc tình giữa hai người cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Chỉ hai câu thơ: Yêu nghề trau chuốt hoa tay/ Khéo đo, khéo cắt, khéo may, khéo chiều” mà ông đã có bà.