Cải lương miền Tây ngắc ngoải!
Nghệ sĩ cải lương ở miền Tây chỉ sống được trong quán nhậu, nhà hàng du thuyền trong không khí ăn uống, nhậu nhẹt ồn ào với những tiếng cụng ly, cười nói rôm rả át cả tiếng đờn ca
Đi trên các tuyến đường trung tâm TP Cần Thơ trong dịp Tết Canh Dần vừa qua du khách có thể dễ dàng nghe những bài ca cổ vang lên tại các quán ăn, quán nhậu (lúc nào cũng đông người). Trên nhà hàng du thuyền tại bến Ninh Kiều cũng có chương trình ca cổ phục vụ du khách hằng đêm.
Hỏi một người dân “thổ địa”, tại đây, ở đâu trên mảnh đất được xem là cái nôi của nghệ thuật cải lương này có một điểm biểu diễn nghệ thuật cải lương đúng nghĩa, du khách chỉ nhận được cái lắc đầu.
Một tiết mục ca cổ phục vụ du khách tại một điểm du lịch tại tỉnh Bến Tre
Ca trong tiếng “dzô dzô”
Khi chiếc du thuyền trên dòng sông Hậu rời bến chở khách du ngoạn cũng là lúc sân khấu sáng đèn, các nghệ sĩ của gánh hát Thái Dương lần lượt biểu diễn những bài vọng cổ phục vụ thực khách. Nhưng tiếng hát lời ca nhanh chóng bị lãng quên trước không khí ăn uống tưng bừng, cười nói hể hả của hàng trăm thực khách.
Những tiếng cụng ly chan chát cùng với giọng la hét của thực khách: “dzô dzô” rôm rả át cả tiếng đàn ca. Khi chiếc du thuyền đã đi xa, đứng ở bên này bến Ninh Kiều, du khách còn nghe vẳng lại không khí ăn uống ồn ào của thực khách rõ hơn tiếng hát của nghệ sĩ.
Ở các quán nhậu cũng vậy, nghệ sĩ hát cứ hát, khách nhậu cứ nhậu. Những bài vọng cổ chỉ góp thêm chút dư vị vào những cuộc chơi thỉnh thoảng bằng những tràng vỗ tay tán thưởng kiểu mua vui.
Nhìn các nghệ sĩ khản tiếng hát trên sân khấu trong khi bên dưới gần như chẳng mấy ai chú ý đến mà không khỏi xót xa.
Không chỉ ở Cần Thơ, các quán nhậu có phục vụ ca cổ hiện nay phát triển khá thịnh hành ở nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Một nghệ sĩ đã ngậm ngùi: “Bây giờ cũng chẳng còn mấy ai thích đi xem diễn cải lương trên sân khấu. Gánh hát tan rã, anh em nghệ sĩ còn yêu nghề đành phải chọn cách kiếm sống đi hát phục vụ trong những quán nhậu hằng đêm như thế này.
Nhiều anh chị em ban ngày đi làm công việc khác, đến đêm tranh thủ đi hát để kiếm thêm thu nhập. Hát ở quán nhậu cũng chỉ để kiếm tiền thôi chứ có ai nghĩ gì đến cái danh nghệ sĩ”.
Loại hình du lịch khám phá miền sông nước kết hợp với nghe nhạc tài tử cũng là một cách tạo cơ hội cho các nghệ sĩ miền Tây trụ lại với nghề và thỏa phần nào niềm đam mê được hát. Nhưng phía sau lời ca tiếng hát làm vui lòng du khách ấy lại có những mặt trái không hề nhẹ nhàng. Nghệ sĩ trẻ cảm thấy bị xúc phạm khi khách say rượu có thể buông lời gièm pha, cợt nhã. Chuyện nghệ sĩ bị bắt chẹt, bị bớt xén thu nhập phải giao nộp tiền boa cho chủ là một thực tế có thật.
Theo đánh giá của một trưởng đoàn cải lương, mức thu nhập của nghệ sĩ hằng tháng cũng chỉ có thể so sánh với mức thu nhập của công nhân, nhiều khi không đủ trang trải cho cuộc sống.
Không sống nổi trên mảnh đất sinh ra mình
TP Cần Thơ có rạp cải lương Hậu Giang nhưng những người dân, thậm chí hướng dẫn viên du lịch tại đây cũng không hay biết lúc nào thì có suất diễn, chỉ biết rằng Đoàn Cải lương Tây Đô - Cần Thơ thỉnh thoảng có vài suất diễn tại đây.
Nghệ sĩ Thanh Nam, Trưởng Đoàn Cải lương Kiên Giang, nói rằng hầu hết các đoàn cải lương tỉnh bây giờ chỉ hoạt động cầm chừng. Ông không khỏi ngậm ngùi khi nền nghệ thuật cải lương đang ngày càng bị mai một.
Hiện đoàn cải lương Kiên Giang có khoảng 40 diễn viên biên chế. Nhiều diễn viên trong đoàn chủ yếu được phát hiện từ các buổi biểu diễn sân khấu quần chúng, rồi cũng vì yêu cải lương mà theo đoàn biểu diễn nhưng các suất diễn trong năm cũng rất thưa thớt.
“Không phải đến bây giờ, mà trước đây, có rất nhiều nhà chuyên môn đã quan tâm, trăn trở, cố tìm cách vực dậy cải lương miền Tây nói riêng và nghệ thuật cải lương nói chung nhưng đó không phải là điều dễ dàng. Kinh phí không có, nhân lực cũng thiếu và khán giả thì càng lúc càng không mấy quan tâm đến sân khấu cải lương. Tất cả đã khiến cho nghệ thuật cải lương mai một dần ngay trên mảnh đất được xem là cái nôi của mình” - trưởng Đoàn Cải lương Kiên Giang ưu tư.
Dăm ba tháng mới đi diễn một lần, còn thì đa phần các nghệ sĩ phải xoay sang nghề khác để kiếm sống. Cái khó bó cái hay. Việc đầu tư cho vai diễn cũng thiếu sự tìm tòi sáng tạo và ngày càng thiếu vắng những kịch bản cải lương có sức đi vào lòng người khi chính các nghệ sĩ cũng không thể dồn toàn tâm sức cho sân khấu.
Những người trẻ tuổi có năng khiếu, chất giọng tốt không thiết tha tìm đến đầu quân cho các đoàn Nhà nước, chủ yếu đi hát kiếm tiền trong các quán nhậu, nhà hàng... nên lực lượng đào kép trẻ tài sắc không được bổ sung ở các đoàn.
Có phải khán giả miền Tây không còn yêu nghệ thuật cải lương? Câu trả lời là không phải. Bằng chứng là ở đâu trên mảnh đất này có hội hè, đám tiệc vui vẻ là có hát cải lương. Vậy mà sân khấu cải lương lại đang mất dần sức sống trên chính cái nôi khai sinh ra và nuôi dưỡng mình. Tại sao vậy?
Tìm khán giả ở vùng sâu
Cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chỉ còn lại khoảng 7 đoàn cải lương, trong đó nổi bật là Đoàn Cải lương Hương Tràm (Cà Mau), Tây Đô (Cần Thơ). Còn lại cũng chỉ hoạt động thưa thớt, chủ yếu phục vụ phong trào và biểu diễn gây quỹ từ thiện.
Không thể trụ lại ở những rạp hát lớn khi mỗi suất diễn chỉ lèo tèo vài trăm khán giả, các đoàn cải lương đã tìm đường đến với bà con vùng sâu nông thôn. Số tiền vé thu được từ vài ba suất diễn tại những huyện vùng sâu, vùng xa (trung bình khoảng 15.000 đồng/vé) cũng không thấm vào đâu so với kinh phí đoàn bỏ ra thực hiện vở. Đó cũng là một lý do làm cho chất lượng nhiều vở cải lương càng lúc càng giảm sút.
Nếu không có kinh phí tài trợ khoảng 1 tỉ đồng mỗi năm của Nhà nước, các đoàn cải lương tỉnh rất khó tồn tại.
Tết năm nay, Đoàn Cải lương Tây Đô tỏa đi diễn phục vụ tại các huyện Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Thới Lai, Ô Môn, Bình Thủy, Phong Điền...
Đoàn Cải lương Hương Tràm đã có kế hoạch hạ thủy lưu diễn tại các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Cái Nước... cho đến 30-4 mới quay về TP Cà Mau.
Đoàn Cải lương Kiên Giang lưu diễn ở Phú Quốc. Đoàn Văn công Đồng Tháp lưu diễn ở các huyện nhưng cũng chỉ đến mùng 7 Tết...
Bài và ảnh: TIỂU QUYÊN