Thứ sáu, 10/08/2012,
Dù tuổi đã ngoài 80 nhưng trong ký ức của nghệ nhân dân gian Bạch Huệ vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh những đêm trăng sáng ở miệt vườn sông nước Cần Thơ và biết bao buổi sinh hoạt tại các chiếu đờn ca tài tử.
Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ
Chiều nào cũng vậy, cứ nghe các bác, các chú rao tửng từng tưng ngoài đầu xóm là người bà không yên. Năm 13 tuổi, bà đã thuộc lòng bài vọng cổ 16 nhịp và hầu như có mặt khắp các “chiếu” tài tử ở vùng sông nước Cần Thơ…
Theo cha mẹ lên Sài Gòn, nghệ nhân Bạch Huệ tá túc nhà một người bà con ở quận 4. Trời xui đất khiến thế nào, ở đây bà lại gặp nhóm đờn ca tài tử của cô Kim Cúc (Tư Long Sơn).
Vậy là, hễ nơi nào có tiệc tùng, đình đám nhóm đờn ca tài tử này đều có mặt. Không lâu sau đó, bà được vào ban Việt Nam cổ nhạc đoàn của danh ca Tám Thưa, trình diễn trên đài phát thanh và ở sân khấu các rạp Sài Gòn.
Giọng ca của bà nhanh chóng thăng hoa, được mời vào ca cho đài Pháp Á, tiếp đó các hãng đĩa như Asia, Hoành Sơn, Pathé… liên tục mời bà thu âm các tuồng tích và ca đơn. Khoảng năm 1950 - 1951, bà cùng nghệ sĩ Thành Công được độc giả của tờ báo Tiếng Dội (của ông chủ bút Trần Tấn Quốc) bình chọn là “Đệ nhất danh ca” lúc bấy giờ. Các hãng đĩa tìm đến ký hợp đồng với bà, giọng ca của bà được phát liên tục trên các đài phát thanh…
Từ sau năm 1975, bà về giảng dạy tại Viện Nghiên cứu âm nhạc TPHCM, dạy lớp nâng cao nghệ thuật tài tử cải lương cho các học viên Trường Nghệ thuật sân khấu 2, cố vấn cho CLB Đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa TPHCM. Trên 60 năm cống hiến cho đờn ca tài tử, bà đã hướng dẫn cho rất nhiều bạn trẻ đến với bộ môn nghệ thuật này.
Không chỉ ở TPHCM, tại nhiều tỉnh thành miền Đông hay miền Tây Nam bộ, mỗi dịp trình diễn hay liên hoan đờn ca tài tử người ta lại thấy một bà cụ tóc bạc trắng, di chuyển khó nhọc nhưng chỉ một lúc sau đã thấy bà ngồi trên sân khấu, cất giọng mượt như nhung, với tiếng ngân sâu thẳm tự đáy lòng, rung rung lay động lòng người.
Các câu lạc bộ lại càng không thể thiếu nghệ nhân dân gian Bạch Huệ. Tựa như kiếp tằm phải nhả tơ, bà nhủ lòng khi nói đó là trách nhiệm phải truyền lại cho những người sau. Tuy nhiên, nói đến bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử, bà không khỏi chạnh lòng bởi hiện nay các câu lạc bộ đờn ca tài tử tuy có phát triển về số lượng nhưng về chất lượng nghệ thuật vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.
“Tôi nghĩ, nhà nước và các cấp ngành quản lý văn hóa cần có những chương trình giảng dạy thật bài bản, dài hơi, tạo điều kiện căn cơ để khôi phục nghệ thuật đờn ca tài tử truyền thống. Riêng tôi luôn sẵn sàng truyền dạy”, nghệ nhân dân gian Bạch Huệ nói vậy. Giọng bà như chùng xuống: “Ở nhiều nơi, thấy mấy em ca tài tử trong các quán ăn, quán nhậu, hát trong lúc thực khách cầm ly bia dzô dzô… mà xót cả ruột. Đờn ca tài tử truyền thống xuất phát từ bờ kênh, góc ruộng, bờ tre, sân đình, cũng có trên sân khấu nhưng không thể là trong không khí nhậu nhẹt ô tạp như thế”.