Một bài tân cổ có 6 câu. Nhưng thực tế thì chỉ dùng 4 câu cho một bài tân cổ.
Nhưng tại sao bài tân cổ không hề gây sự nhàm chán cho người mộ điệu.
Nếu một bản nhạc thì dù khung nhạc gì, nhưng có quá nhiều lời (nhạc) lên khung nhạc đó, thì bản nhạc đó gây bội thực ngay.
Vậy đâu là làm nên sự khác biệt cho một bài tân cổ? Có ai giải thích giúp không?
Tại sao giới mộ điệu vẫn lùng sục sưu tầm những bài tân cổ trước 1975 (đúng ra là các bài thu âm từ 1970 -> 1975) mà rất thờ ơ các bàn tân cổ được sáng tác sau này.
Cá nhân tôi nhận thấy các bài tân cổ sáng tác trước năm 1975 hay vì:
- Phần tân nhạc là những bản nhạc đã đi vào lòng người (và bằng chứng là nó vẫn còn sống mãi tới ngày nay)
- Các nghệ sĩ dù chỉ chuyên hát vọng cổ nhưng ca tân nhạc rất hay, rất lạ, giữ được cái tông giọng từ tân sang cổ
- Lời vọng cổ rất thơ, rất ca dao, không hề có các từ thô, phô
- Cả tân lẫn cổ luôn đề cao tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương và không hề (hoặc rất ít) dùng những từ thù hận hằn học
- Nghệ sĩ luyến láy câu vọng cổ rất hay, giọng ca rõ, phóng khoáng và cực kỳ truyền cảm
- Mỗi nghệ sĩ có một phong cách riêng và hình như bài vọng cổ do nghệ sĩ nào trình bày dường như đã đo ni đóng giày từ trước
Đó là phong cách sống của con người miền Nam và phong cách này đã đi vào hơi thở vọng cổ.
Nếu những ai từng nghe câu vọng cổ theo gió vọng lại trong những đêm trăng thanh thì thấy da diết vô cùng.
Rất tiếc những bài vọng cổ ngày này không còn những đặc điểm đó nữa và tôi có cảm giác các nghệ sĩ ngày nay không biết trình bày một bài tân cổ (không biết nói như vầy có quá đáng lắm không?)
Trước đây khi Minh Vương và Lệ Thủy còn sung sức và cố vực dậy nghệ thuật cải lương đang thoi thóp, tôi đã có nhận xét (tự nói với chính mình thôi): "Khi nào hai nghệ sĩ này dừng, cải lương sẽ chết..."
Điều này, tới bây giờ, tôi thấy đúng. Gần 40 năm, nhưng không có một nghệ sĩ nào có giọng ca ấn tượng thì ngày tàn của cải lương đã điểm. Bản thân tôi thấy làm tiếc khi phải nhận xét khá thẳng thừng như thế.
Tôi biết, có thể những lời tôi nói có thể sai, tào lao,... nhưng đó là ý kiến của tôi. Mặc dù, tuổi tôi có thể còn trẻ nhiều hơn các nghệ sĩ (ngày nay), tôi có thể chả hiểu biết gì về cải lương, nhưng có một sự thật là tôi nghe cải lương từ còn trong bụng mẹ.
Một vở cải lương trước 1975 thường có tiết tấu nhanh và các nghệ sĩ ca diễn liên tục. Tôi thật sự sốc khi nghe Lệ Thủy hát liên tục trong Đêm Lạnh Chùa Hoang (cực đã) rồi nghe bất kỳ một tuồng nào sáng tác bây giờ (quá hãi hùng, thảm họa).
Nhiều lúc khi xem, tôi chả hiểu đây là kịch, chèo, hay tuồng nữa???
Quay lại lời bài tân cổ trên, tôi thấy tác giả muốn theo phong cách tân cổ trước 1975. Theo tôi có hai câu này làm bài tân cổ mất hay:
Biên cương gió núi mịt mù . (-)
Anh còn vác súng diệt thù em ơi !
Khi hát đúng, nghe ra như dzầy (nghe kì kì thế nào ấy???):
Biên cương gió núi mịt mù . (-)
Anh còn dzác súng diệt thù em ơi !
Mặt khác, ngay cả trong bài tân nhạc là tràn ngập nỗi nhớ nhung của đôi bạn trẻ, không trách đời, không trách mình, và tất nhiên cũng chả trách quân thù nào ở đây cả.
Mấy lời quá lố. Xin lượng thứ!