Chàng kép nhì (thỉnh thoảng được đôn lên kép chánh) của đoàn cải lương Bến Tre, tuy đã đoạt ba giải thưởng thi hát vọng cổ đình đám ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: giải ba giọng ca CL Nguyễn Thành Châu 2004, giải nhất Tiếng hát truyền hình tỉnh Bến Tre 2006, giải nhì cuộc thi Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền 2008, nhưng lại không gặp may mắn với Chuông vàng Vọng cổ của HTV.
Cả hai lần thi, Lê Minh Hảo đều gặp trục trặc khi thể hiện bài thi trong đêm chung kết xếp hạng, nên chàng kép xứ dừa chỉ nhận giải thưởng có phần khiêm tốn so với giọng ca khỏe, mùi, có nội lực của mình: giải tư CVVC 2008 và giải ba – Chuông đồng – CVVC 2009. Âu cũng là “học tài thi phận”! Mặc dầu vậy, khán giả ghiền cải lương hẳn cũng có con mắt “giám khảo” của riêng mình, nên đã bầu chọn cho Hảo là giọng ca được yêu thích nhất trong suốt 5 đêm chung kết…
Từ trái qua: Lư Quốc Vinh, Trần Thị Thu Vân, Lê Minh Hảo
Lê Minh Hảo có vóc dáng tầm tầm, gương mặt đậm nét chân quê, giọng nói cũng hiền khô, ra dáng con nhà tử tế. Cũng như Lê Văn Gàn, Thu Vân và Võ Thành Phê…, Hảo cũng là con út trong gia đình có 6 anh em. Cha Hảo năm nay đã vào tuổi 72, mẹ thì 66. Cha mẹ anh ngoài nghề làm vườn còn mưu sinh với quán phở - cà phê ở chợ Trường Thịnh huyện Mỏ Cày Bắc tỉnh Bến Tre, nên từ nhỏ ngoài giờ đi học Hảo đã biết phụ gia đình bưng bê, chạy bàn, buôn bán. Sau khi lấy vợ năm 2003, Hảo cũng có hơn một năm nấu phở bán, cho đến khi anh quyết định dành hết thời gian cho niềm đam mê ca hát.
Cũng như bao người con miền Tây – cải lương đã thấm vào máu, Lê Minh Hảo cũng biết ca vọng cổ nghêu ngao từ tấm bé. Chính anh trai của Hảo là người phát hiện cậu em út có giọng ca tốt trong những lần đi hát… karaoke, nên đã động viên Út Hảo thi vào khoa cải lương Trường sơ cấp Văn hóa Nghệ thuật Bến Tre vào năm 1995. Sau 6 tháng học nghề với các thầy giỏi ở thành phố về dạy như đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu, thầy Xuân Hiểu, thầy Hạp…, Lê Minh Hảo được đóng vai Tâm (kép con) trong vở tốt nghiệp “Oan nghiệt” do thầy Giàu dựng, rồi được đoàn CL Bến Tre nhận về từ năm 1996 cho đến nay.
Ban đầu chỉ hát vai quân sĩ, rồi được giao đóng đủ loại vai từ lão, kép con, chính diện, phản diện… và định hình với vị trí kép nhì, nhưng thỉnh thoảng Lê Minh Hảo cũng được làm kép chánh, như vai Tuấn nghiện ma túy, phải đi cai nghiện để trở thành người tốt trong vở “Cạm bẫy trắng” do ĐD Trần Ngọc Giàu dàn dựng. Trong Hội diễn SK chuyên nghiệp 2005, vai kép nhì Năm Đạt du kích trong vở “Dưới rặng dừa xanh” do Lê Minh Hảo thủ diễn chỉ nhận bằng khen, nhưng đến kỳ Hội diễn năm 2009, anh đã đoạt Huy chương bạc với vai chính diện – bác sĩ Sơn Tùng.
Kể từ năm 2009, Chuông vàng Vọng cổ của HTV đã mở ra cho Lê Minh Hảo nhiều cơ hội mới, tên tuổi anh được biết đến nhiều hơn. Ngoài những chương trình ca cổ trên HTV mà Hảo ca chung với nghệ sĩ Giang Bích Phượng, Thu Vân…, vở cải lương “Kẻ giấu mặt” anh đóng vai phản diện, và hai lần góp mặt trong Ngân mãi Chuông vàng: đóng vai tướng quân Trần Chu vở “Tâm sự Ngọc Hân” và tướng Tạ Tử Lăng sẵn sang hy sinh mạng sống để cứu Nữ Chúa (Hồ Ngọc Trinh) – người mình thầm thương trộm nhớ trong vở “Khi rừng mới sang thu”, anh còn xuất hiện trên sóng các Đài Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh…
Bà xã làm ngành dược ở Công ty dược Bến Tre lẫn con gái lên 8 tuổi rất ủng hộ “ba Hảo” theo nghề và đều biết ca cải lương. Ngoài niềm vui khi gia đình nhỏ là tín đồ của cải lương, thì gia đình lớn – các anh chị của Lê Minh Hảo kể từ hồi Út Hảo nổi tiếng nhờ tham gia các cuộc thi ca cổ, cũng ham mê đàn ca tài tử nhiều hơn nên thường đi hát giao lưu trong những chương trình “hát với nhau” ở địa phương.
Tháng 10 này, khi theo đoàn CL Bến Tre tham dự Hội diễn Sân khấu Cải lương Chuyên nghiệp Toàn quốc tổ chức tại Đồng Nai cùng các nghệ sĩ của đoàn: NSƯT Tuyết Ngân, Võ Thị Trí, Khánh Dũng, Như Thủy, Lâm Tuấn, Cẩm Liên…, hy vọng Lê Minh Hảo sẽ có vai diễn hay để thi thố khả năng và sẽ tiếp tục làm nên chuyện…