Giới thiệu với nhà mình một tuồng cải lương nổi tiếng.
Tục truyền, tục truyền ngày xửa ngày xưa
Tục truyền, tục truyền ngày xửa ngày xưa
Có đàn tiên nữ lãng du, lãng du Đông Hồ
Có đàn tiên nữ lãng du, lãng du Đông Hồ
Đàn tiên, vũ khúc Nghê Thường
Xiêm y gợn ánh trăng vàng lung linh
Sân khấu tiên, đây là mặt nước
Ánh đèn, là ánh trăng rằm
Cái tên tuồng Áo Cưới Trước Cổng Chùa chắc chắn không còn xa lạ gì với chúng ta rồi, một vở tuồng nổi tiếng được xem là để đời của soạn giả Kiên Giang được viết vào khoản thập niên 50, kể lại một chuyện tình đẹp nhưng trắc trở, bi đát của xứ nước mặn Hà Tiên. Vở tuồng này là phiên bản thu âm đầu tiên, nghe chơn chất, tự nhiên.
Xuân Tự và Phương Thành là hai người bạn gái từ nhỏ. Phương Thành mồ côi sống thời thơ ấu với lão Hải Lâm - cha Tô Châu - và thời con gái với mẹ ruột của Xuân Tự. Phương Thành lớn tuổi hơn nhưng giống Xuân Tự từ nết na đến giọng nói. Xuân Tự đã hứa hôn với Tô Châu - con trai của lão Hải Lâm một bạn cố tri của cha Xuân Tự. Những ngày chưa cưới, Xuân Tự và Tô Châu trong những ngày rằm tháng Giêng thường thắp đèn trời:
Mỗi năm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Tổng trấn Hà Tiên lúc bấy giờ là Mạc Thiên Tử nhân dịp di viếng chùa đã ghé mắt xanh đến nàng Xuân Tự. Từ đó Xuân Tự được đưa về Mẫu đơn trình để làm thứ thiếp. Xuân Tự vẫn không quên mình là cô gái đất phù sa và đã hứa hôn nên từ khước mặc áo gấm nhung để làm bà Tổng Trấn. Nhưng rồi...
Áo cưới em treo trước cổng chùa
Tình đầu trao trả lại người xưa
Đời em như cánh Phù dung rụng
Trước cổng chùa tầm tã gió mưa
Ngày rằm tháng Giêng đã tới, đó là ngày cưới của Tô Châu, sư nữ chùa Phù Dung trở về thềm cũ để chứng kiến lễ cưới giữa Tô Châu - Phương Thành, tiếng pháo cưới vừa dứt, tiếng chuông chùa lại ngân nga, người sư nữ Xuân Tự trở lại chùa Phù Dung, người mẹ mù lòa mĩm cười:
Mẹ tin con mới vu quy
Dẫu rằng Xuân Tự qui y lâu rồi./.
Vở tuồng được các danh ca nổi tiếng thực hiện. Thanh Hương va Xuân Tự phải nói rất hay, giọng ca trong trẻo và rất cảm xúc. Giọng ca của cô ngân lên là có cảm xúc riêng tức thì:" Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ" nghe như muốn rơi rớt nước mắt, câu ngâm như chứa niềm cảm xúc khó tả, nhiều tình cảm khác nhau từ nhiều vở tuồng, mỗi vở tuồng có nét tình cảm riêng. Như vở tuồng Nước Mắt Kẻ Sang Tần lại có cảm xúc khác, cảm xúc hy sinh vì nước vì non, rồi những câu vọng cổ cuối tuồng như thể hiện được một công chúa nhưng cũng đau đớn trước muôn dân:" Nếu không được Ngụy Bá sắp bài mưu kế thì phụ vương đã mất chiếc ngai vàng" nghe hay vô cùng luôn .. Về lại Áo Cưới Trước Cổng Chùa, những bản ca nhạc tình cảm được cô Thanh Hương ca rất tuyệt vời, ca trên nền tiếng nhạc đàn tranh của nhạc sĩ Bảy Bá (Soạn giả, NSND Viễn Châu). Bài ca đầu tuồng được viết trên và bài khi Xuân Tự viếng chùa:"
Kìa ánh trăng sáng ngời sáng soi hiên chùa
Đẹp biết bao khiến tình nở theo trăng rằm
Trăng thanh thanh minh chứng cho lòng trẻ thơ ước nguyền
Mong sao cho duyên kiếp vững bềnh mãi như trăng tròn"
Tiếng song lang đêm từng tiếng để nhịp cho bài ca nghe mới thật là mộc mạc, không có những tiếng nhạc sóng mà chỉ có tiếng đàn tranh ngân từng nốt nhạc mà thôi, lại nghe mới thật là đơn sơ. Danh ca Hữu Phước với giọng ca mùi, trầm ấm cũng rất hay. Hữu Phước trong tuồng ca toàn vọng cổ, câu nào cũng thật mùi và tình cảm, nghe sao như rất thật. Những lời ca, tâm sự với cô gái khi còn là người yêu hay đứng trước cô sư nữ chùa Phù Dung đều rất hợp, như soạn giả Kiên Giang đã đo ni sẵn vai này cho Hữu Phước và cô Thanh Hương vậy.
Nghệ sĩ Minh Chí, một vai cũng không nhỏ trong vở tuồng này, ngài Tổng Trấn.. Nghệ sĩ Minh Chí trước khi vài tuồng này đã rất nổi tiếng và thu âm nhiều trước đó rất nhiều năm, xem như một giọng ca tiên phong, đã chuyên nên vào ca vai này cũng quá đã, giọng hùng hồn, cũng có chất mùi mẫn. Bên cạnh đó, hai giọng ca hai nữ nghệ sĩ vô cũng quan trọng là cô ba Kim Anh và nghệ sĩ Bạch Huệ. Cô ba Kim Anh trước đó đã lấy biết bao nước mắt của khán giả qua vở tuồng Tinh Mẫu tử của SG Viễn Châu năm 1955, nay nghe bà ca vai Xuân Mẫu mới xúc động làm sao, nghe bà ca ngâm rõ mồn một từng chữ, rất chín chữ, nghe rất tuyệt vời. Cô Bạch huệ thì không còn ai lạ nữa, trong vở tuồng này cô còn rất trẻ, giọng ca rất trong, ca vai Phương Thành rất hồn nhiên và vui vẻ khi một lúc phải giả cả Xuân Tự để vui lòng của Xuân Mẫu, rất tự nhiên. Cô Bạch Huệ có ca một bản Sương Chiều nghe ngọt ngào vô cùng, nhịp rất hay... Còn một số nghệ sĩ trong các vai phụ cũng có nét riêng ấn tượng như cô Ngọc Xứng hay chú Ba Túy,...
Nhìn chung lại thì vở tuồng đã rất thành công vào thời điểm lúc bấy giờ, chiếm được nhiều cảm tình của khán giả thời ấy và cho đến bây giờ. Chỉ đánh giá qua ca mà thôi và ta không có dịp để xem những nghệ sĩ này diễn trên SK, nhưng qua audio giọng ca thì đã có được nhiều cảm xúc như vậy rồi, nghe rất tình cảm, tự nhiên và dễ dàng biết được nội dung vở tuồng. Hậu nhi nghe tuồng này rất nhiều nhiều rồi, giờ giới thiệu sơ qua cho cả nhà và cả nhà mình cũng nghe qua vở tuồng này, nghe xong cả nhà mình có nhận xét cảm xúc chia sẽ.