Mộng Vân
Tên đầy đủ: Phan Long Trung
Ngày sinh: 1910
Đời thường nghệ sĩ:
Tên họ thật của ông là Phan Long Trung, sau đổi lại Trần Tấn Trung, lại có tên riêng là Mộng Vân – cái tên thơ mộng này được ông dùng làm nghệ danh trong cả cuộc đời. Lúc sinh thời Mộng Vân vốn là một nhà báo, một nhạc sĩ, cũng vừa là một soạn giả; mỗi lãnh vực ông đều nổi bật với nhiều ưu điểm lớn; tiếng tăm của ông vang dội khắp nơi, tác phẩm nghệ thuật của ông một thời được ái mộ nhất. Thế mà từ trước nay tài liệu nói về cuộc đời của ông rất hiếm hòi, ít ai biết nhiều về người nghệ sĩ tài hòa này, cả đến thân nhân và đệ tử của ông mỗi người cũng chỉ biết được một vài phương diện. Theo lời vợ của ông là bà Phạm Ngọc Dung thì ông sinh năm Canh Tuất (1910) tại làng Vĩnh Lợi tổng Thạnh Hòa tỉnh Bạc Liêu (nơi sinh của ông hiện nay thuộc khu vực Trà Văn thị xã Bạc Liêu), thuở nhỏ ông học chữ Nho với ông Cả Tòng và có đến trường để học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, nhờ trời phú cho trí thông minh nên ông học rất giỏi. Nhưng ông là người có chí khí hơn người, nên sau khi rời khỏi ghế nhà trường ông không làm việc cho Pháp. Ông sớm có ý thức về cách mạng, nhất là cách mạng văn hòá, nên khi được Trần Đình Tuệ mời ông cộng tác cho tờ báo La Cloche Fêlée (Cái chuông rè), ông thấy đây là phương tiện rất tốt để thực hành ý định của mình, nên đã viết một số bài báo để phản ảnh tình hình xã hội lúc bấy giờ, trong những bài viết ông luôn gói ghém ý nghĩa cải tạo xã hội và canh tân đất nước. Lúc đó ông chưa chính thức gia nhập tổ chức cách mạng nào, nhưng vẫn thường xuyên qua lại và trao đổi ý kiến với nhà cách mạng Nguyễn An Ninh nên bị mật thám Pháp theo dõi. Đến đầu năm 1928 ông mới chính thức tham gia Hội Kín - một tổ chức chống Pháp của Nguyễn An Ninh, nhưng nhưng đến cuối năm đó, trong một đêm họp mặt với Nguyễn An Ninh và nhiều chiến sĩ cách mạng khác, do tin tức bị lộ nên bị địch vây bắt; Nguyễn An Ninh và một số đồng chí bị tống giam còn ông và Trần Đình Tuệ trốn thoát, nhưng sau đó lại phải bỏ xứ sang Nam Vang để lánh mặt; cũng trong thời gian này ông tự cải cải sửa tên họ từ Phan Long Trung thành Trần Tấn Trung để tránh sự truy tầm của Pháp. Trong thời thơ ấu khi còn là học sinh, Mộng Vân đã để ý đến cổ nhạc, lại may mắn được học nhạc với một bậc danh sư là Nhạc Khị nên tiến bộ rất nhanh; như trên đã nói ông vốn là cậu bé thông minh nên học chữ cũng mau mà học nhạc cũng giỏi, chỉ trong vài năm là Mộng Vân đã nắm bắt được gần như trọn vẹn sở đắc của thầy. Nhưng sau đó vì phãi bận rộn trong nhiều công việc nên chưa phát huy cái khả năng về cổ nhạc. Mãi đến khi trốn chạy lên Nam Vang ông mới có thì giờ nghiên cứu lại mọi vấn đề về cổ nhạc mà ông đã học được. Mặc dù Mộng Vân đờn rất giỏi, nhưng ông không chỉ siêng năng luyện tiếng đờn mà còn chú ý về mặt sáng tác. Một số đồng môn huynh đệ của Mộng Vân từng nói ông đã chịu ảnh hưởng về tư tưởng và việc làm của Trịnh Thiên Tư; điều này có lẽ đúng, vì các sáng tác phẩm của ông đa số đều mượn “cổ” nói “kim”, đa số đều có ý nghĩa canh tân trong đó. Năm 1932, Mộng Vân đã viết xong một kịch bản lớn – đây là vở cải lương đầu tay của ông mang tên Quan Công hiển thánh, vở này đề cao tình bè bạn, lòng trung nghĩa và tính ngay thẳng của con người. Sau khi viết xong kịch bản, Mộng Vân trở về An Giang nhờ người mang tập bản thảo xuống Bạc Liêu trao cho soạn giả Trịnh Thiên Tư nhờ góp ý. Trịnh Thiên Tư sau khi xem xong nhận thấy nội dung của kịch bản rất hay, tình tiết nhân vật rất hấp dẫn thật phù hợp với hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, nên đã giới thiệu với ông Đốc Tùng. Lúc này ông Đốc Tùng đang quy tụ đào kép để lập đoàn Thái Dương may lại được một vở tuồng hay như thế nên ông đã chọn để khai trương cho đoàn hát của ông. Trong đêm khai trương mặc dù là tuồng tích mới, diễn viên cũng mới, không sao tránh được những bỡ ngỡ lúc đầu nhưng với phục trang sặc sỡ, cảnh trí huy hoàng và giọng ca thật mùi của dàn đào kép Hai Nhuận, Chín Quy, Tư Luông, Năm Út, Ba Chương (Ba Vàm Lẻo), Năm Đặng… nên được khán giả ái mộ và hoan nghênh nhiệt liệt; các nhạc sĩ nổi tiếng vào bậc nhất ở Bạc Liêu Lúc bấy giờ như: Sáu Lầu, Ba Chột, Hai Tài, Bảy Cuội, Bảy Giáo, Mười Đờn đều có mặt trong ban nhạc của vở diễn, khiến cho đêm khai trương càng thêm long trọng . Năm 1933, ở Bạc Liêu lại xuất hiện một đoàn hát mới đó là đoàn Huỳnh Vân của Ký Huỳnh và Tám Tắc Vân; soạn giả Mộng Vân đã viết vở Nghĩa nhẹ hơn tình cho đoàn này khai trương, cũng đuợc sự ủng hộ rất nhiệt tình của khán giả. Trong ba năm từ 1934 đến 1936, ông đã viết tiếp các vở Gương Quốc Sĩ, Tráng sĩ Kinh Kha, Lưỡng Lonng đại hiệp, Hồng châu hiệp nữ cho các đoàn Tân Hí và Hề Lập. Mỗi vở trong bốn vở này đều có cái hay riêng, nhưng vở Tráng sĩ Kinh Kha được mọi người chú ý, kể như là vở tuồng ăn khách lúc bấy giờ; riêng hai vở Lưỡng Long đại hiệp và Hồng châu hiệp nữ (còn có tên Gìn nhiệm vụ) đã làm cho Bảy Cao nổi tiếng. Tư năm 1937 đến năm 1939, Mộng Vân đã biên soạn một loạt các vở: Huyết chiếu hận thù, Cõi lòng tan nát, Lửa lòng thiếu phụ, Hồng Long quái khách I, Hồng Long quái khách II , Hồng Long quái khách III , Hiệp khách xa trường, Lữ Thành Đồng, Độc Long lão hiệp, Mộ cô Hồng (còn có tên Hiếu nặng hơn tình và Tình trong suối lệ), Thuyền về, Đảng Chiếc lá vàng I, Đảng Chiếc lá vàng II, Đêm kinh khủng, Trường xích đạo I, Trường xích đạo II, Trường xích đạo III, Tướng cướp Tuyệt Long Sơn (vở này trước đó đã có hai tên: Tráng sĩ Kích và Tráng si Mách), Người ba mặt và Hiệp Vân Long. Riêng ba thứ Hồng long quái khách thường được khán giả gọi nôm na là Con rồng đỏ nhưng sau đó lại đổi tên là Long hình quái khách; còn vở Đảng chiếc lá vàng sau đó cũng được sửa lại là Chiếc lá vàng. Năm 1940, ông Trần Khâm Thành (Năm Thành) và vợ là bà Phạm Thị Điệp (Chín Điệp) lại lập đoàn Chấn Hưng ở Bạc Liêu, Mộng Vân đã đưa vở Trong khói lửa cho đoàn này khai trương. Từ đó đến năm 1943, ông tiếp tục biên soạn rất nhiều vở cho nhiều đoàn hát khác như: Bích Liên vương nữ, Ái tình và nghĩa vụ, Trái tim không máu I, Trái tim không máu II, Người cha tội ác, Xâu chuỗi ngọc I, Xâu chuỗi ngọc II, Xâu chuỗi ngọc III (ba vở này lúc đầu có tên la Mặt nạ đỏ), Tuổi thanh niên trong hai quan niệm, Máu kẻ thù (còn có tên Ông Ba đập đá, Giọt máu công nhân, sau đổi lại Bảo Nguyệt nương), Giọt máu sông Hằng (trước đó có tên là Cành hoa trước gió, sau đó được Nghệ sĩ Bảy Cao sửa lại chút ít và đổi tên là Hoàng Hà đẩm máu), Bên kia thành, Mối tình tan vỡ (sau đổi là Hoàng tử lưng gù). Năm 1944, Mộng Vân lập đoàn hát Mộng Vân, các nghệ sĩ nhờ kịch bản của ông mà nổi tiếng nên đã trở về gia nhập rất đông. Trong thời gian này Mộng Vân rất bận bịu, ông phải làm bầu, vừa làm soạn giả kiêm cả đạo diễn; ông đã viết các vở thật ăn khách cho đoàn của ông như : Đêm tơ vương, Lửa thù, Tố nữ, Thử lửa, Triều Tiên vong quốc sử I, Triều Tiên vong quốc sử II, Sự chiến thắng của trái tim. Cũng trong thời gian đó nếu có đoàn hát nào yêu cầu về tuồng tích ông cũng sẵn sàng phục vụ; ví dụ như năm 1946, ông Tư Chức lập đoàn Oanh Vàng, Mộng Vân đã viết vở 714 cho ông Tư khai trương; tiếp theo là đoàn Tân Tiến ra đời, ông cũng viết luôn hai thứ Cành vàng trong lửa đỏ và Đội quân tình nguyện; đến khi Tư Râu lập đoàn Sao Mai cũng sử dụng của ông hai vở Chuỗi hận ngày xuân va Bác sĩ Thần Phương; sau đó theo lời yêu cầu của ông Tư Long và cô Tư Len, Mộng Vân đã viết ba vở Trên hoang đảo, Ái tình và huyết nhục, Đề Thám cho đoàn Tân Xuân. Đoàn hát của Mộng Vân hoạt động được hơn một năm thì giải tán, nhưng toàn bộ diễn viên và công nhân được ông Ba Tẹt và cô Nguyệt Yến gom lại để lập đoàn Phát Thanh; Mộng Vân đã viết hai vở Nữ thần trong động lửa I và Nữ thần trong động lửa II cho đoàn nầy mở màn. Cũng trong thời gian đó đoàn Hậu Tấn Bảy Cao và Hậu Tấn Năm Nghĩa ra đời, Mộng Vân đã ủng hộ cho hai người đồng hương của mình bằng hai vở tuồng rất hấp dẫn: Bảy Cao với vở Cô gái Quảng Trị và Năm Nghĩa với vở Ngũ Tử Tư quá quan; sau đó ông còn viết thêm cho Năm Nghĩa các vở Phạm Lãi Tây Thi, Đôi Bạch Loan I và Đôi Bạch Loan II. Trong khoảng cuối của cuộc đời, Mộng Vân vẫn còn đủ sức để biên soạn một loạt kịch bản rất đặc sắc cho các đoàn Nhạn Trắng, Thanh Minh, Hoa Sen… đó là các vở Ba ngọn đèn xanh, Lưỡi bén hơn gươm, Bên chiến lũy, Hội nghị nhị cường, Ngày về của thương binh và vở cuối cùng là Đất nước lâm nguy đã viết xong vào đầu năm 1948. Năm đó cũng là thời điểm Mộng Vân lâm bệnh, bệnh của ông càng lúc càng nặng đến nỗi ông không thể sáng tác được nữa, tình trạng ấy kéo dài được hơn một năm thì ông từ giã cõi đời. Cái chết của ông kể như một mất mát lớn, không những cho giới cổ nhạc Bạc Liêu mà còn cho cả ngành Cải lương Việt Nam. Đặc điểm nghệ thuật của Mộng Vân là biết sáng tạo đúng lúc, đúng thời điểm, hợp với nhu cầu với thị hiếu của mọi người ; đồng thời ông biết cách củng cố các sáng tạo đó để đưa vào phục vụ trong thực tiễn : – Ông đã màu sắc hóa trang phục diễn viên và làm lộng lẫy cảnh trí sân khấu để tạo sự hấp dẫn cho người xêm. Kịch bản của Mộng Vân được khán giả Nam bộ gọi là “tuồng hương xa kiếm hiệp”. – Ông đã sử dụng chuyện xưa tích cũ, các truyện tích Tây, Tàu… với những tình tiết ly kỳ, rùng rợn, gay cấn… để hình thành kịch bản Cải lương, để tuyên truyền những cái hay cái tốt và để phản ánh những hình ảnh có thực trong xã hội lúc bấy giờ. – Sáng tạo nổi bật nhất của Mộng Vân là việc ông sáng tác một số bản vắn để gối đầu vô Vọng cổ thay thế cho những câu nói lối đã có từ xưa. Ngoài ra trong khi biên soạn kịch bản Mộng Vân thường sử dụng những nhạc bản mới do chính ông sáng tác, điều này khác rất xa so vơí soạn giả khác, và cũng chính điều này đã chứng tỏ ông có khả năng rất lớn trong việc sáng tạo nhạc điệu. Theo lời các đệ tử của ông như Bảy Cao, Tám Vân thì các nhạc bản loại này có trên con số 30, nhưng hiện nay chúng tôi chỉ mới sưu tầm được 09 bản có ghi đầy đủ dấu nhạc đó là: Quý phi túy tửu, Sơn Đông hướng mã, Kiều nương, Bá hòa, Giang Tô điểu ngữ, Phòng nguyệt, Tấn phòng, Tân xái phỉ và Sương chiều. – Trong cuộc Hội thảo khoa học về Hiện tượng Mộng Vân tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 03 năm 1991, nghệ sĩ Bảy Cao (Lê Văn Cao) đã xác nhận Mộng Vân là người đầu tiên kéo dài bản Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 sang nhịp 4 mà điển hình là bài Bá Lý Hề, ông còn nói thêm : “Lúc đó nghệ sĩ Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung) cũng có sáng tác một bài nhan đề là Ác lặn non đoài cũng theo thể điệu này”. Nhưng qua sự tra cứu thì vào những năm trong thập niên 30 của thế kỷ này, quả có 2 bài trên và một số bài khác trong các vở cải lương của Mộng Vân, nhưng tất cả những bài đó đều là những lời ca đã ra đời sau nhạc bản Dạ cổ hoài lang nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư rất lâu; nói cách khác Mộng Vân và một vài người khác đã căn cứ vào lòng bản Dạ cổ hoài lang nhịp 4 đang có mặt lúc bấy giờ để biên soạn ra những lời ca nói trên, việc biên soạn lời ca dựa theo các lòng bản đã có sẵn để hoàn thành kịch bản là việc làm thông thường của soạn giả, việc làm này khác rất xa với việc trước tác hoặc canh tân một bản nhạc mới. Thực ra Mộng Vân không phải là người đầu tiên chuyển đổi bản Dạ cổ hoài lang từ nhịp 2 sang nhịp 4, nhưng đúng là người đầu tiên chuyển đổi bản Vọng cổ nhịp 8 thành bản Vọng cổ nhịp 16; chính nhạc sĩ Trần Tấn Hưng đã xác nhận “Sau khi bản Vọng cổ nhịp 8 của Năm Nghĩa ra đời tuy là một phát kiến lớn, nhưng Mộng Vân nói độ mùi chưa đủ nên sau đó ít lâu ông đã biên soạn nhạc bản Vọng cổ nhịp 16”; nhạc sĩ Trần Tấn Hưng còn nhấn mạnh “Chính tôi đã căn cứ vào bản này để chế tác ra bản Vọng cổ nhịp 32”. Như vậy, tuy Mộng Vân không phải là người đầu tiên chuyển đổi bản Dạ cổ hoài lang nhịp 2 sang nhịp 4, nhưng chính là người đầu tiên chuyển đổi bản Vọng cổ nhịp 8 thành nhịp 16; ông đã trực tiếp góp công bồi đắp cho bản Vọng cổ càng ngày càng phòng phú hơn . Một đặc điểm khác là kịch bản của Mộng Vân mang tính phổ cập rất lớn, không kén người diễn và người xem. Một vở tuồng của ông cùng lúc được nhiều đoàn trình diễn như vở Bích Liên vương nữ đã được các đoàn Chấn Hưng, Nhạn Trắng, Tỷ Phượng, Lê Thành Lư cùng diễn trong một thời gian; hoặc vở Xâu chuỗi ngọc cũng được nhiều đoàn cùng diễn như: Chấn Hưng, Hậu Tấn Năm Nghĩa, Tiếng Chuông, Đồng Thinh… Nhiều người đã nói Mộng Vân biên soạn kịch bản theo kiểu “Đo ni đóng giày”; điều này quả đúng như thế, mà đây cũng là một điểm ưu việt của Mộng Vân. Ví dụ như trường hợp của nghệ sĩ Ba Khuê vốn dĩ là một người to con, mặt lớn, sắc vóc có nhiều điểm hạn chế; vậy mà những hạn chế này đều biến thành ưu điểm khi Mộng Vân biên soạn vở Hoàng tử lưng gù, Ba Khuê được phân vai chính trong vở tuồng này, ông phải hóa trang thật xấu xí, độn lưng gù, quần áo rách rưới, ngoại hình thật bi đát cộng với giọng ca thật mùi của ông, nên chỉ diễn xong vở này ít lâu là Ba Khuê đã nổi tiếng. Ngoài ra đối với các nghệ sĩ Chín Quy, Năm Nghĩa, Út Trà Ôn, Bảy Cao, Trường Xuân… Mộng Vân cũng đều làm như thế cả. Cái cách viết tuồng tích tùy theo sắc vóc của diễn viên, tạo những điểm hạn chế của đối tượng thành những ưu điểm của nghệ thuật thật đúng là sở trường của Mộng Vân. Các đặc điểm nghệ thuật của Mộng Vân không những đã ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều soạn giả lúc bấy giờ như: Mộng Vân Tử, Bảy Cao, Năm Nghĩa, Vân Sinh, Văn Đưa, Sáu Hải, Văn Nghiêm, Tô Miều… và hàng loạt các tác giả, soạn giả hiện nay đã bắt chước theo lối sáng tác của ông. Với một lực lượng đông đảo, một chủ trương sáng tác rõ ràng và với một số lượng tác phẩm dồi dào như thế; vô hình trung đã trở thành một trào lưu nghệ thuật nói chung hoặc một trường phái sân khấu nói riêng. Soạn giả Mộng Vân thật đúng là con người vượt bậc, chỉ riêng về phần sáng tác của ông trong 16 năm cuối đời đã biên soạn 68 kịch bản (chưa kể một số kịch bản chưa ghi nhận được) và sáng tác hơn 30 nhạc khúc - một thời gian ngắn như thế mà hoàn thành được số lượng tác phẩm nghệ thuật lớn lao và giá trị như thế, quả thật ở Việt Nam khó có người thứ hai. Có thể nói Mộng Vân đã cống hiến gần như trọn vẹn cuộc đời của mình để bồi đắp cho nền cổ nhạc Nam bộ và đã mở ra một trường phái sân khấu cho Cải lương Việt Nam. Trong sách Guinness Việt Nam Thế kỷ XX của Nhà xuất bản Trẻ do Huy Vĩnh biên soạn năm 2001, ở chương 19 trang 183 có đoạn viết: “Soạn giả viết nhiều vở cải lương nhất là hai soạn giả Hà Triều – Hòa Phượng (TPHCM) đã viết chung với nhau được gần 100 vở cải lương trước và sau năm 1975. Riêng một mình thì soạn giả Viễn Châu (TPHCM) đã viết hơn 50 vở”. Nếu theo sách Guinness Việt Nam Thế kỷ XX thì hai soạn giả Hà Triều và Hòa Phượng cùng viết chung cũng chưa đến 100 kịch bản, nếu chia làm đôi thì mỗi người chỉ được trên 40 kịch bản; còn soạn giả Viễn Châu tuy có số lượng kịch bản nhiều hơn, nhưng cũng chỉ dừng lại ở hàng năm. Như vậy, với số lượng 68 kịch bản như đã kể trên, soạn giả Mộng Vân mới đúng là người viết kịch bản Cải lương nhiều nhất ở Việt Nam. Không những ông viết kịch bản nhiều nhất mà thời gian viết kịch bản chỉ trong 16 năm (từ năm 1932 tới năm 1948) của ông cũng nhanh và ngắn nhất, nếu so với các đồng nghiệp của ông trong thế kỷ XX. Soạn giả Mộng Vân thật sự rất xứng đáng với hai danh hiệu kỷ lục này.
Đang cập nhật
Đang cập nhật
Đang cập nhật

BẢNG XẾP HẠNG AUDIO

  • Theo tuần
  • Theo tháng

BẢNG XẾP HẠNG VIDEO