Thành tích nghệ thuật : CÔ NĂM CẦN THƠ (1917-2007)
Những năm 1940-1950, trong làng cổ nhạc Nam bộ, tên tuổi nữ danh ca Cô Năm Cần Thơ nổi danh khắp nơi với giọng ca vàng thu đĩa và hát trên sóng phát thanh chứ không lên sân khấu diễn tuồng. Cùng thời vàng son rực rỡ này còn có danh ca Lệ Liễu, Cô Năm Sa Đéc, Cô Ba Trà Vinh… là những giọng hát làm say đắm lòng người nhưng rất ít người được ngắm dung mạo. Lần đầu tiên tôi gặp cô cũng không phải trên sân khấu cải lương mà trong một túp lều đơn sơ ở Công viên Tao Đàn, TP Hồ Chí Minh cách nay đã rất nhiều năm.
Cố nữ danh ca Năm Cần Thơ tên thật là Trương Thị Trắc, sinh năm 1917 tại Cần Thơ, gia nhập làng ca cổ khi còn rất trẻ với nghệ danh ẩn dụ Năm Cần Thơ thính giả mộ điệu chỉ thưởng thức qua các đĩa hát các hãng đĩa Pathé, Béka, Asia… mà không ai biết tên thật của nghệ sỹ là gì.
Người mộ điệu thời ấy ở miền Nam rất ghiền giọng hát của Cô Năm Cần Thơ khi nghe ca độc những bản như: Thoại Ba công chúa, Đắc Kỷ thọ hình và các bộ đĩa hát tuồng Hiếu tình trung nghĩa, Địch mẫu biệt kim lang, Mổ tim Tỷ Can, Tô Ánh Nguyện, Tam ban Đổng Qúy phi, Mộng Hoa Vương, Máu nhuộm hoàng cung, Đêm dài vô tận, Đường về Tổ quốc…
Trước 1945, Cô Năm Cần Thơ nổi tiếng là danh ca trong quán Đức Thành Hưng bên hông chợ Bến Thành ở Sài Gòn, được khán giả ái mộ với giọng ca khỏe khắn, cao chót vót và phong cách rất phong lưu tài tử.
Trong 3 thập niên 30, 40 và 50, các Đài Phát thanh Pháp Á, Đài Phát thanh Sài Gòn dành chương trình chiều thứ tư và thứ bảy hàng tuần để phát chương trình cải lương với những giọng ca huyền thoại đương thời cho khán giả thưởng ngoạn như: Năm Cần Thơ, cô Tư Sạng, cô Tư Bé, cô Ba Trà Vinh, Ba Vĩnh Long, cô Ba Bến Tre, nam danh ca Tám Thưa, Tám Bằng, Ba Giáo, Năm Phồi, Tư Xe, Minh Chí, Quang Phục… là những cánh chim đầu đàn của sân khấu cải lương.
Có người còn kể lại, vào khoảng cuối năm 1946 đầu 1947, một số nghệ sĩ ở thành phố được tổ chức vào chiến khu hát phục vụ quân dân kháng chiến khu 7 nghe. Tại đây danh ca Năm Cần Thơ đã hát lớp vọng cổ "Bể hận quyết lấp cho bằng" do nhạc sĩ Hai Dậu đờn kìm, nhạc sĩ Tấn Thìn đơn ghi-ta khiến mọi người say mê.
Thời đó, Cô Năm Cần Thơ còn được mệnh danh là Họa mi vì ca rất hay 20 câu vọng cổ có nhan đề "Chim Họa Mi" - một sáng tác đầu tay của soạn giả nổi tiếng Viễn Châu vào đầu thập niên 50- danh ca Năm Cần Thơ hát lần đầu chinh phục tất cả người mộ điệu khó tính tại quán Lệ Liễu trong vũ trường Thị Nghè, Sài Gòn. Thời gian này có tờ báo còn ví Cô Năm Cần Thơ là một "Nữ hoàng xàng xê", ý chỉ nữ nghệ sĩ số 1 về ca cổ các bản oán.
Trong sự nghiệp ca hát, Cô Năm Cần Thơ còn được Tướng Bảy Viễn cho mở quán nhậu ca cổ nhạc tên Quán Họa Mi trong khuôn viên khu giải trí song bạc Đại Thế Giới (Chợ Lớn, quận 5) vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Tại quán, ngoài những ca nghệ sĩ nổi tiếng còn có dàn thầy đờn cổ nhạc hùng hậu như: nhạc sĩ Sáu Tửng, Hai Thơm, Ba Khuê và Mười Lương (Trần Hữu Lương) chồng của danh ca Năm Cần Thơ.
Chính nhạc sĩ Mười Lương đã dạy nghề cho người học trò xuất sắc của mình là Henri Trần Quang sau này thành danh với giọng ca luyến láy chứa đậm chất trữ tình của danh ca Năm Cần Thơ với nghệ danh Hữu Phước.
Cũng tại đây, hàng đêm có nhiều ca sĩ, nhạc sĩ thường xuyên lui tới ca hát và cũng đã có rất nhiều đại gia lừng danh như Hắc Công tử Bạc Liêu, Bạch Công tử Mỹ Tho thường xuyên lui tới và cũng đã có nhiều nghệ sĩ trẻ nổi tiếng sau này như: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Kim Chưởng, Thanh Hương… tỏa sáng trên sân khấu và dĩa hát vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Khi những người trẻ lên ngôi thì cũng là lúc thế hệ tiền bối như Cô Năm Cần Thơ, Cô Ba Trà Vinh, Cô Năm Sa Đéc… lui vào sau hậu trường, nhường chỗ cho những đào kép trẻ tài danh. Lui khỏi màn nhung sân khấu sống ẩn dật khoảng 10 năm, đến 1974 Cô Năm Cần Thơ quay về lại với sông nước xứ Cần Thơ mở quán nghệ sĩ trên đường Trần Quý Cáp với sự cộng tác của danh cầm mù Duy Trì nên thu hút khá đông khán giả mộ điệu lui tới thường xuyên.
Từ sau năm 1975, không một khán giả mộ điệu nào biết nữ danh ca Năm Cần Thơ trôi dạt nơi đâu. Những nghệ sỹ lừng lẫy một thời như Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chính, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết… loáng thoáng đâu đó người đời còn bắt gặp trên sân khấu màn ảnh và ngoài đời thường, nhưng thế hệ vàng tiền bối rút lui sau tấm màn nhung để sống một cuộc đời ẩn dật, lặng lẽ…
Cho đến khoảng năm 1994, có người phát giác ra danh ca Năm Cần Thơ chính là bà lão gầy gò, ốm yếu đang sống cô độc trong một túp lều được che bằng những tấm bạt nilon cũ mèm trong một góc của Công viên Tao Đàn, TP Hồ Chí Minh. Đó là căn nhà cuối cùng, hay đúng hơn là căn lều tạm che mưa nắng của người nữ nghệ sĩ một thuở huy hoàng rực rỡ.
Người nghệ sĩ càng phong lưu trong sự nghiệp ca hát bao nhiêu thì cũng lắm đoạn trường, lắm phong trần trong cuộc đời bấy nhiêu. Nghệ sĩ như kiếp con tằm nhả tơ để trả nợ đời, vậy mà nữ danh ca Năm Cần Thơ vẫn chưa bao giờ dệt đủ cho mình một chiếc áo ấm để mặc cuối đời.
Sau khi phát hiện Cô Năm Cần Thơ, đã có nhiều lần Ban Ái Hữu Hội Sân khấu, Viện Dưỡng lão nghệ sĩ quận 8 xin rước cô về an dưỡng, chăm sóc để sống hết những ngày cuối đời với nhiều nghệ sĩ già cô đơn… nhưng cô đã từ chối, có lần cô còn trốn biệt vì sợ "tụi nhỏ" bắt về.
Cô nói: "Vô trỏng khỏe thì có khỏe, nhưng chật chội lắm, đi đâu về đâu cũng phải trình thưa, không tự do chút nào. Năm (cô thường xưng như vậy) từ trước tới giờ sống tự do quen rồi. Năm muốn đi đâu thì đi, muốn tấp chỗ nào cũng được". Cô muốn sống phong lưu tài tử, rong chơi mà không thích bất cứ sự ràng buộc nào.
Con cháu trưởng thành, cũng chính là lúc cô dường như trút hết gánh nợ cuộc đời để sống vui với bạn bè qua ly cà phê sáng, tô bún mì, chơi vài ván bài với bạn già trong góc công viên… Và cũng từ đó, cô trở thành nghệ sĩ đầu tiên được Ban Ái hữu Hội Sân khấu trợ cấp hằng tháng khoảng 200.000 đồng, cộng thêm tiền "lì xì" của em cháu nghệ sĩ mến mộ cô thường tạt ngang ghé thăm. Chính một ông nghệ sĩ nay đã ra người thiên cổ đã nhờ tôi chở đến công viên Tao Đàn để biếu chút tiền cho nữ danh ca Năm Cần Thơ nên cũng từ đó, tôi được biết đến người nghệ sĩ tài danh này.
Trở lại sân khấu lần sau cùng trong chương trình "Vầng trăng cổ nhạc" lần thứ 5 tại Đầm Sen, khán thính giả yêu danh ca Năm Cần Thơ được dịp mãn nhãn với sự trở lại của nghệ sĩ tài danh dù ở tuổi 80. Cô ca bản Phú Lục kể lại tích nàng Kiều nổi trôi số phận nghe vẫn rắn rỏi, uyển chuyển làm cho cháu con nhớ lại thời huy hoàng của nữ nghệ sĩ lừng danh này.
Với chất giọng phong lưu tài tử của người Tây Đô, tạo nên sự hài hòa, đan quyện vào nhau như phả chất đồng quê vào sông nước phù sa để tạo ra những khúc Xuân tình, Phú Lục, Tây Thi, Cửu khúc Nam Giang, Trường tương tư, Bình sa lạc nhạn… làm say lịm hồn bốn phương tri kỷ, tri âm.
Rồi kiếp tằm một lần nữa nhả những sợi tơ cuối cùng vì nợ lá dâu, Cô Năm Cần Thơ được mời đến các Quán nghệ sĩ của nghệ sĩ Bảo Anh, danh cầm Văn Giỏi, vua hề Văn Hường… để hát giao lưu… Cho đến ngày 24/1/2007, nữ nghệ sĩ lừng danh Năm Cần Thơ đã trút hơi thở cuối cùng…