1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Ông Trần Tấn Quốc, tên khai sinh Trần Chí Thành, sinh ngày 25/9/1914 (Giáp Dần), tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Thân phụ là cụ Trần Tấn Hưng (1884 - 1960) - Đông y sĩ khá nổi tiếng tại Cao Lãnh. Thân mẫu là bà Lê Thị Lư (1884 - 1975).


    Thuở nhỏ, ngoài việc học ở nhà trường với các thầy giáo tên tuổi như: Trần Quang Hạo, Trần Nhựt Ưởng, Nguyễn Văn Hằng (Hằng lớn), Bùi Văn Hiển; Trần Chí Thành học thêm chữ Nho với thân phụ và với ông Trà Giang thôn lão (thân phụ của ông tòa Phan Văn Thiết).

    Năm 1930, Trần Chí Thanh đậu bằng Sơ học (sau đổi tên là bằng tiểu học: Certificat d’ Etudes primaires), lúc đó mới 16 tuổi. Hai người mà ông ngưỡng mộ và thán phục thời bấy giờ là ông Nguyễn An Ninh và ông Diệp Văn Kỳ.

    Ảnh hưởng tuyên truyền giáo dục của người cậu là Lê Ngọc Ấn và mợ là Trần Thị Nhượng, Trần Chí Thành tham gia rải truyền đơn, biểu tình ngày 03/5/1930 tại Cao Lãnh. Sau đó, Trần Chí Thành bị giặc bắt với tội danh “Hoạt động phá hoại chống nhà nước”, tòa Vĩnh Long kêu án 5 năm tù, đày Côn Đảo (vào đầu năm 1931).

    Tháng 10/1934, ông ra tù (sớm hơn 1 năm). Tháng 6/1936, ông chính thức gia nhập vào làng báo Sài Gòn, với tư cách phóng viên tờ nhật báo Việt Nam.

    Từ năm 1936 - 1975, Trần Tấn Quốc đã nếm trải đủ cung bậc của nghề làm báo suốt 40 năm, qua 7 chế độ chính trị khác nhau.

    Ông cộng tác với nhiều tờ báo ở Sài Gòn, từng biên tập và làm chủ bút các tờ: Điểm tín (1940 - 1945), Tin Điển, Tin Mới, Dư Luận, Việt Thanh (1946 - 1947), Đuốc Nhà Nam (1968 - 1972). Ông đã sử dụng 12 bút hiệu: Chí Thành, Trần Chí Thành, Trần Tấn Quốc, Cao Trần Lãnh, Thanh Tâm, Trần Tích Lương, Trần Tử Văn, Thanh Huyền, Anh Thành, Chàng Ba, Nghệ Sĩ Mù, Cô Hạnh. Bên cạnh, ông còn đóng góp tích cực cho bộ môn sân khấu cải lương. Đó là sáng kiến mở ra trang “kịch trường” đầu tiên trên tờ báo Tiếng đội (năm 1950) và đặc biệt là giải “Thanh Tâm”, nhằm khuyến khích các nghệ sĩ trẻ “nhiều triển vọng” của ngành sân khấu “với cao vọng xây dựng một thế hệ nghệ sĩ cải lương tài và đức đi đôi, hầu xóa bỏ ít nhiều thành kiến đối với nghề hát xứ ta…”.

    Chính vì vậy mà ông giao du, quen biết rộng rãi, từ các bậc ký giả lão thành như: Nguyễn Phan Long, Đào Trinh Nhứt, Nam Đình - Nguyễn Thế Phương v.v. đến các nghệ sĩ tài danh như; Bảy Nhiêu, Năm Phỉ, Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Năm Nở, Tư Chơi, Bảy Nam, Từ Anh, tư Út v.v.

    Ông viết các tác phẩm: Sài Gòn Septembre 1945, Nam Bộ kháng chiến, Cô gái Côn Đảo, Kỷ niệm làm báo 1936 - 1975.

    Ngoài ra, ông còn viết nhiều hồi ký, phóng sự, sưu khảo rất giá trị về sử liệu. Chẳng hạn, bài Cảm nghĩ khi xem lễ 14 Juillet tại Cao Lãnh, ký tên CT, đăng trên một nhật báo ở Sài Gòn (khoảng 1935), đã làm xôn xao dư luận lúc bấy giờ.

    Tháng 6/1975, Trần Tấn Quốc thu xếp gia đình tại Sài gòn và đến cuối năm ông về hẳn quê nhà (xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

    Ông qua đời vào lúc 2 giờ khuya, ngày 28/7/1987, hưởng thọ 73 tuổi, sau một cơn đau tim và khó thở.

    Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Tấn Quốc đã được cố soạn giả Viễn Châu đúc kết qua 2 câu đối gởi tặng ông vào năm 1977:

    “Công nhân, tiếng dội, Buổi sáng, Đuốc Nhà Nam, giải Thanh Tâm gắng sức vun bồi, duyên bút mực, nghiệp báo chương, xếp lại hành trang, đất Cao Lãnh bao dài bao nuối tiếc…”.


    Theo Trác Nguyên
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL