1. trieuton
    Avatar của trieuton
    Lời tòa soạn: Hai mẩu chuyện sau đây không chỉ là chuyện mà là những bài học làm người. Tôn sư trọng đạo là bài học muôn đời làm nên cốt cách dân tộc, đất nước. Để được vậy, xã hội cần phải có những con-người-học-tập và những "cú tát" như thế.

    1. Nhà hắn thuộc dạng “khó ba đời”. Ba hắn xưa là ông giáo làng, thất chí nên bỏ việc, về cày ruộng. Mấy mảnh đất màu trồng rau đậu và vài sào ruộng chỉ đủ nuôi 5 miệng ăn. Gặp khi bão lũ, sâu bệnh thì mùa màng mất trắng. Cả nhà phải bữa đói bữa no, một hạt cơm “cõng” bốn năm lát sắn.

    Mẹ bệnh liên miên. Mấy anh chị đã có gia đình riêng, đều nghèo kiết xác. Hắn phải phụ ba mọi việc. Ba bảo đừng làm nữa, lo mà học hành. Nghèo thì phải lo học, “không thì cả đời làm kiếp ngựa trâu cày bục mặt như bố mẹ”. Hắn không sợ nghèo, chỉ sợ không có điều kiện học. Mà không có điều kiện thật. Năm hắn chuẩn bị thi tốt nghiệp cuối cấp THCS, trời hạn kinh khủng. Mất mùa, cả làng đói, nhà hắn cũng ăn khoai sắn cầm hơi. Rồi đến lúc không còn khoai sắn mà ăn. Mẹ phải ăn cháo lỏng. Hắn đứng nép sau phên tre, nhìn mẹ ôm bụng nhăn nhó đau mà nước mắt chảy ròng ròng. Giọt nước mắt thằng con trai tuổi đang lớn đong đầy sự tủi thân.

    Không tiền đóng học phí, không tiền ăn học, hắn quyết định nghỉ, “đút vở bụi tre”, lên thành phố kiếm cơm.

    Trước khi lên thành phố, hắn đến thăm cô Loan dạy Văn. Hắn là đứa học trò cô Loan thương nhất vì nhà nghèo, hiền ngoan, học khá. Vừa thưa chuyện, cô Loan đã tát một cái làm hắn nảy đom đóm. Cô giận. Hắn khóc. Đoạn, cô dúi vào tay hắn một xấp tiền mỏng. "Em nghỉ học mấy ngày qua, cả lớp đều biết. Các bạn gom góp mỗi người một chút tặng em đóng học phí…”.

    “Một chút” của các bạn, ấy là mỗi người một rổ khoai, nửa ang lúa, một bó mía, một lọn củi…, trong đó có cả phần của cô Loan. Nhà ai cũng nghèo sát đất như nhà hắn chứ có khá gì hơn. Cô Loan gom lại, chở hết xuống chợ huyện bán, lấy tiền đem về.

    Hắn cầm xấp tiền tình nghĩa, thầm nghĩ: Cái sự học cao quý là thế lẽ nào hắn dám bỏ, trong khi cô giáo và bạn bè hết lòng lo cho hắn. Cái tình người, tình bạn trong lúc hàn vi cao cả là thế, nỡ nào hắn “phụ bạc”.

    Hắn quyết định phải học. Học thật giỏi.

    Mười năm sau, hắn trở về. Nơi thứ hai hắn ghé thăm sau khi về nhà mình là cô Loan. Ấy là dịp 20-11, trên tay hắn là một món quà hết sức đặc biệt, được bỏ trong một chiếc bao tải to.

    Trong đó là một rổ khoai, nửa ang lúa, một bó mía, một lọn củi… Món quà tựa ngày xưa. Bạn bè năm cũ không hẹn mà gặp, cùng tụ tập ở nhà cô Loan đông đủ. Cùng nhìn món quà “lạ”, cùng kể về cú tát năm xưa, mọi người phá lên cười sung sướng!

    “Lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “nhân bất học bất tri lý”… Ôi, hiểu và làm được theo những lời răn dạy ấy, tình người, tình đời đẹp biết bao nhiêu…

    2. Hắn là con nhà giàu sụ. Mẹ kế nghiệp nhà ngoại, buôn bán tơ vải, trúng quả quanh năm. Ba hắn làm sếp ở một công ty Nhà nước, bận rộn tối ngày. Nhà giàu nứt đố đổ vách, hắn lại là con một nên được cưng như trứng, hứng như hoa. Bận bịu làm ăn, ba mẹ thuê đến 3 người giúp việc. Một người lo chuyện nhà, một người lo chợ búa cơm nước và một người để hắn… sai vặt!

    Sợ con học kém, ba mẹ hắn tìm thêm một gia sư, dạy kèm cho hắn cả 5 môn toán, văn, lý, hóa, ngoại ngữ.

    Từ năm lớp 6 đến lớp 8, hắn học khá. Cũng có “gen” học, cũng phần vì sợ bị bạn bè chê “giàu mà dốt” nên hắn cắm đầu học.

    Nhưng rồi năm lên lớp 9, năm quan trọng nhất của cấp THCS, hắn đâm ra đổ đốn. Ham chơi, ngủ gục trong lớp, hắn học sút hẳn. Bị thầy cô kiểm điểm, giai đoạn đầu hắn mượn tập của bạn về, nhờ… ôsin chép. Nhưng trình độ ôsin có hạn, chịu thua. Hắn nhờ gia sư chép.

    Gia sư hắn, một nữ sinh viên sư phạm năm ba, rất giỏi và rất nghèo!

    Tất nhiên cô gia sư chẳng bao giờ chiều theo yêu cầu quái đản của hắn. Rồi bản chất của con nhà trọc phú cuối cùng cũng lòi ra khi hắn tuyên bố xanh rờn với cô giáo dạy kèm: “Không chép thì cút !”.

    Một cú bạt tai tóe lửa khiến hắn choáng váng. Hắn không ngờ cô giáo dạy kèm dám đánh mình. Lâu nay trong đầu hắn luôn nghĩ cô gia sư cũng như mấy người ôsin kia thôi, chỉ là phận làm thuê, có khác chăng cô có trình độ.

    Còn cô gia sư cũng không ngờ mình ra đòn với học trò. Cả năm rồi kèm cặp thằng bé con nhà giàu, cô luôn nghĩ cậu ta cũng như đứa em trai mình. Sẵn sàng dạy dỗ nó hết mình nhưng cũng sẵn sàng la mắng nó, cốt để cho nên người, chứ chẳng dám đòn roi.

    Bớt choáng vì cú tát, thằng học trò lập bập tìm điện thoại, chắc là gọi mẹ nó, kể tội. Rồi hắn quay lại, đanh giọng: “Mẹ tôi nói tháng này cô đừng hòng nhận tiền”.

    Cô giáo dạy kèm bật khóc, tông cửa chạy ra ngoài. Cô tức không phải vì sẽ mất khoản tiền công kia mà vì đứa học trò vô lễ, vì cái nghiệp bạc, vì cái sự đời éo le…

    Ba ngày sau, cũng đúng vào ngày 20-11, cô giáo dạy kèm đang ngồi đọc sách trong phòng trọ thì nghe tiếng gõ cửa. Thật bất ngờ, tìm đến nhà cô là đứa học trò nhà giàu đi cùng bố của nó. Sau màn chào hỏi, ông thưa: “Hôm nọ thằng bé ăn nói thế nào với cô?”.

    Cô gia sư kể lại mọi chuyện. Vừa xong, bất ngờ ông ta dang tay tát một cái thật mạnh vào má thằng con mình. “Tôi mà biết sớm thì khi ấy đã nhờ cô tát cho nó một cái nữa, thay cho tôi. Giờ biết chuyện, tôi xin thay cô làm việc đó. Tôi xin lỗi cô vì đã không dạy được nó những điều hay lẽ phải” – ông nói, rồi yêu cầu con nói lời xin lỗi cô giáo.

    Đối với cô giáo tương lai này, có lẽ cú tát ấy là món quà ý nghĩa nhất, không chỉ đối với cô mà đối với cả ngành sư phạm, với một bộ phận người không nhỏ trong xã hội. Cú tát như một bài học làm người, nặng ngàn cân, có sức lay động lớn vô cùng.

    Và, ông bố của đứa học trò nhà giàu kia, có ai biết rằng chính là cậu học trò nhà nghèo “khó ba đời” năm xưa trong câu chuyện đã kể trên.

    (Từ lời kể của bạn bè là giáo viên đang ở TPHCM, tác giả viết lại chuyện này để hầu bạn đọc nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20-11!)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 5 Users Say Thank You to trieuton For This Useful Post:


  3. trieuton
    Avatar của trieuton
    Tặng lại bà con nghe nhân ngày nhà giáo 20/11

    Dưới cổng trường làng (Hữu Phước - Hương Lan )
    http://www.mediafire.com/?dl5zzz1cmif

    Trường cũ tình xưa (Chí Tâm - Thanh Kim Huệ )
    + Các bạn đang xem VIDEO trên website Cải Lương Số
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 4 Users Say Thank You to trieuton For This Useful Post:


  5. Koala
    Avatar của Koala
    Truyện hay quá. Chúc thầy Trieuton và các thầy cô giáo của diễn đàn cailuongso luôn vui khỏe và vững bức trên nghiệp giảng mà mình đã chọn lựa.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. Vô Trần
    Avatar của Vô Trần
    Chia sẽ với anh và mọi người bài này

    Tôn Sư Trọng Đạo





    Người bình dân Việt Nam, trong lời ǎn tiếng nói dân gian và những khúc hát ru của mình, đã truyền miệng ngàn đời hàng hàng châu ngọc những lời dăn dạy con cháu về truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn.

    Hai cặp lục bát dưới đây đã thấm vào lòng chúng tôi từ thuở còn nằm nôi, chính là một trong những lời ru - ca dao - tục ngữ cài đan, lồng ghép, tạo nên sự đa thanh, đa nghĩa, biểu cảm lạ lùng.

    "Bồng bồng mẹ bế con sang

    Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo

    Muốn sang thì bắc Cầu Kiều

    Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"

    Hai câu trên rõ ra lời ru con - lời ca dao yêu thương, ngậm ngùi, kể lể. Mẹ bồng con đi dọc bờ sông vắng. Muốn sang sông nhưng: "Đò đục quan cấm, đò ngang không chèo". Mẹ than cùng con, mẹ than đời mẹ. Giọng giãi bày, nghẹn ngào, ấm ức.

    Hai câu dưới, hiển nhiên là tục ngữ nối theo, kết tinh bao trải nghiệm đắng cay suốt cuộc đời nổi nênh của mẹ. Có người hiểu câu 3: muốn sang trọng thì bắc cầu đẹp (lộng lẫy). Một số ý kiến khác: muốn sang (qua) sông thì phải bắc (làm) cầu để qua. Đặt trong vǎn mạch cả 4 câu. Chúng tôi nghiêng về cách kiểu thứ 2. Từ "sang" (động từ ) ở câu này đồng nghĩa cùng loại với từ "sang" trong câu đầu. Bởi mơ ước suốt đời của rmẹ là đứa con được sang bờ bên kia, vượt thoát dòng sông mênh mông đói nghèo, dốt nát.

    So với nhiều câu tục ngữ nói về thầy (không thầy đố mày làm nên, một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, cơm cha, áo mẹ công thầy..v..v..) hai câu này mượt mà duyên dáng hơn. Trong hình thức lục bát, nối tiếp tự nhiên từ hai câu ca dao giàu âm thanh (bồng bồng), hình ảnh (mẹ bế con đò dọc, đò ngang, cầu kiều...), tuy là lời ru lúc ẵm con mà chở nặng lời mẹ dạy con từ sớm, từ xa, người ta có thể truyền trao kinh nghiệm sống, ứng xử, nhưng để có học thức, có vǎn hoá, (hay chữ) nhất định không thể thiếu được vai trò của ông thầy.

    Đó là lời bà mẹ Việt Nam nghèo, đảm đang, đặt cả niềm tin vào vị thế người dạy con mình, dẫu đời bao ngang trái, vẫn kiên dũng bắc cầu cho con qua sông, vượt lên nghèo đói lạc hậu.

    Vậy, chỉ còn cách "bắc cầu mà nối", vì "dốt phải đi tìm thầy"! Không nên hiểu "sang" ở đây là "giàu sang" thì bắc "cầu kiều" (đẹp). Đây cũng chẳng phải là chiếc cầu nổi (phù kiều) hoặc trùng lặp ("cầu" - "kiều" chữ Hán). "Cầu Kiều" là chiếc cầu cao ("kiều", tiếng cổ còn có nghĩa là "cao") để cho đò dọc, đò ngang đều qua lại được. Cần phải cao, chắc để con bước lên đường học tập vững vàng. (Trần Hồng Quang - Văn Đường)


    Đối với người con Phật, ngoài tình thầy trò ở ngoài đời, chúng ta còn có cảm nhận sâu sắc ân nghĩa Thầy dạy đạo. Cha, mẹ và thầy giáo thế học có công nuôi dưỡng thân xác, đào tạo và nâng cao trình độ kiến thức cho ta, nhưng đó chỉ là thân ngũ uẩn sanh diệt và tri kiến thế gian. Còn thầy dạy đạo dìu dắt hướng dẫn ta phương pháp tu học để thoát khổ, thoát ly sanh tử, trao cho ta Giới thân Tuệ mạng bất sanh bất diệt, trưởng dưỡng hạnh lành nâng bước cho ta dự vào hàng Thánh. Công ơn ấy ngẫm ra còn nặng gấp bao lần những ân tình ân nghĩa nói trên.

    Tục ngữ có câu: “dạy con từ thuở còn thơ” hoặc: “nên tre nhờ uốn thuở còn măng”. Cho nên trong suốt quá trình tu tập đó vị thầy luôn luôn kề cận, quan sát người đệ tử trong từng hơi thở, trong từng suy nghĩ, từng bước đi để dìu dắt, để hướng dẫn người học trò không đi lệch hướng. Ngoài việc dạy dỗ, rèn luyện đức hạnh người Thầy có lúc ân cần dịu dàng như người mẹ hiền ấp ủ cho chúng ta đỡ những lúc gió sương, vỗ về an ủi khi vấp ngã, lỗi lầm, săn sóc từng giấc ngủ bữa ăn, quan tâm đến những vui buồn của chúng ta trong cuộc sống. Có khi cũng cứng rắn, nghiêm khắc như người cha, che chở cho ta những lúc bão giông, rầy la quở phạt khi chúng ta sai lầm, ương bướng, khi ta bước thấp bước cao gập ghềnh nghiêng ngã. Nhưng dù ở hình thức nào thì cũng đều phát xuất từ tấm lòng thương tưởng của vị Thầy dành trọn vẹn cho những người học trò. Mong mỏi chúng ta trưởng thành để khỏi phụ cái chí hướng ban đầu mà chính chúng ta tự chọn. Vì vậy, Thầy đối với ta nghĩa cao như núi tình sâu như đại dương, ân nghĩa ấy chúng ta lấy gì đền đáp? Người xưa nói: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là “một chữ là thầy, nữa chữ cũng là thầy”, huống chi Thầy đã cho ta giới thân tuệ mạng, trọn vẹn một ân tình.

    Mới hay:

    “Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

    Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”

    Tóm lại, với cha mẹ thì có mối quan hệ huyết thống, giữa thầy trò luôn có mối quan hệ khắng khít về tâm linh.Vị Thầy ân cần khuyên bảo quan tâm đến trò, thì người trò sẽ như được gắn thêm đôi cánh, có thêm sức mạnh để bay cao hơn, xa hơn vào bầu trời trí tuệ. Đồng thời người trò cũng có bổn phận chăm sóc sức khoẻ, đỡ đần những công việc cần thiết trong khả năng của mình mà không bao giờ câu nệ sự khó nhọc, toan tính, so đo, từ những công việc nặng nhọc cho đến những công việc nhẹ nhàng

    Thầy giáo đạo ảnh hưởng không nhỏ đến nền giáo dục trong xã hội hiện đại. Thầy giáo đạo còn gọi là bậc thầy tâm linh, được hiểu là một người tỉnh thức mà không phải là một thầy giáo sư phạm hay một nhà triết học đơn thuần, bởi vì một người tỉnh thức thì không những có thể trao truyền kiến thức mà còn chuyển hoá được cuộc đời cho đệ tử bằng con đường tu tập đưa đến sự thăng hoa trong cuộc sống. Thái độ của vị thầy dạy đạo là phải sống trong thực tại để nhận ra sự thật của cuộc đời, mục đích chủ yếu của vị ấy là truyền đạt kinh nghiệm sống cho đệ tử bằng những yếu tố thực nghiệm của bản thân và cách thực hành chứ không phải bằng lý thuyết suông. Các vị ý thức được rằng công việc hoằng hoá chúng sanh là vì lợi ích an lạc lâu dài. Vì thế một mặt đem tâm nguyện ấy phụng sự chúng sanh, một mặt là để cúng dường và báo ân Phật.

    Bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều có những nét truyền thống đặc trưng rất riêng biệt. Theo quan điểm sống của người phương Tây thì chú trọng đến cuộc sống hiện thực, mọi cái đều phải chứng minh được, sờ nắm được, họ ít khi đồng tình với những vấn đề mang tính trừu tượng. Với người phương Đông thì lại khác. Họ rất chú trọng đến đời sống tâm linh, đó là một cõi thiêng liêng làm chỗ dựa tinh thần và mang lại hạnh phúc vĩnh hằng. Bởi vậy, với người phương Đông thì niềm tin bao giờ cũng là tài sản vô giá, không phải là họ tin vào những đấng thần thánh xa xôi nào mà chính ngay trong đời sống thực tại này. Họ coi trọng những mối quan hệ chung quanh mình, những ân tình mà nhân loại mãi mãi tôn thờ đó là thâm tình của cha mẹ dành cho con cái, Thầy dành cho trò, tình bằng hữu đối với nhau…giữa cha mẹ và con cái có mối quan hệ huyết thống cho nên những tình cảm xuất phát một cách tự nhiên, còn giữa thầy và trò thì sự hàm ơn lại bày tỏ một cách sâu lắng hơn và khó lột tả hơn nhưng nó lại làm rung động lòng người.



    Trong mỗi chúng ta ai cũng đều ý thức được rằng, cha mẹ sanh thân ta, nuôi dưỡng ta trưởng thành nhưng người mà truyền trao cho ta những kiến thức thì chính là công lao của những bậc Thầy. Thầy dạy đạo, thầy dạy chữ, thầy dạy nghề.v.v. Cho dù ngày nay ta có trở thành bậc vĩ nhân trong thiên hạ đi nữa thì cũng nhờ công ơn vun vén của Thầy từ lúc ban đầu. Người Thầy có trách nhiệm hoàn thành nhân cách, mở mang trí tuệ cho ta đưa ta đến một tương lai rạng rỡ. Đó là nói đến Thầy thế học, còn tấm lòng vị tha của những bậc Thầy dạy đạo cũng cao quý biết chừng nào. Không cứ gì phải người xuất gia mới có Thầy dạy đạo mà ngay cả những người ở thế gian cũng có những người thầy là tấm gương sáng để họ noi theo, để học cách đối nhân xử thế. Ở trong đạo thì tình cảm mà người Thầy dành cho học trò của mình là một tình cảm vô điều kiện không vụ lợi.(Thích Nữ Đồng Quảng)



    Thầy, vầng mây bậc, thong dong, núi cao biển rộng

    Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy, hóa hiện đường mây.

    Quan hệ Thầy và Trò, đó là mối quan hệ thiêng liêng và cao cả; là hình ảnh sáng ngời, tuyệt vời giữa càn khôn sinh diệt. Không thể có một tác nhân nào, một điều kiện gì có thể chia cắt, hay tách biệt mối quan hệ ấy. Xưa cũng như nay, tình cảm cao quý này luôn luôn được tôn kính, được trân trọng, giữ gìn. Cho nên, Cổ đức có dạy: “Tôn Sư trọng Đạo” là vì vậy.

    Quan hệ này, nói ra rất rộng, nó có mặt khắp mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ đời sống vật chất cho đến đời sống tinh thần.

    Trong sự nghiệp xây dựng gia đình huyết thống, thì đó là mối quan hệ Cha-Con. Với quan hệ này, người ta cho rằng, người con là khúc ruột được cắt ra từ Cha và Mẹ, nên người con là sự tiếp nối sự sống của người Cha cũng như người Mẹ. Vì thế khi nhìn vào người con,chúng ta có thể thấy được nét nghiêm nghị của Cha cũng như nụ cười hiền dịu của Mẹ. Với quan hệ này, được gọi là quan hệ máu mủ, ruột thịt.

    Còn trong sự nghiệp xây dựng gia đình tâm linh, thì đó là quan hệ Thầy-Trò. Với quan hệ này, Pháp chính là gạch nối giữa hai hình ảnh ấy. Nhờ chất liệu Pháp mới có quan hệ Thầy trò. Người học trò được công nhận là học trò và người Thầy được công nhận, được tôn xưng là Thầy, đều nhờ vào chất liệu này. Người học trò hiện hữu, tồn tại giữa cuộc đời là nhờ có hình ảnh người Thầy, và ngược lại. Do đó, mối quan hệ Thầy -Trò là mối quan hệ tương tức (Interbeing), tương nhập (Interpenetration), có trong nhau, cùng nhau hiện hữu để chuyển tải, hóa hiện Đạo vào cuộc đời. Quan hệ này không tách biệt được, nếu tách biệt thì không tồn tại. Nếu không có trò thì Thầy cũng không có mặt giữa đất trời, giữa cuộc sống này. (Thích Thanh Tâm)



    Sưu tầm.

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  7. The Following 3 Users Say Thank You to Vô Trần For This Useful Post:


  8. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Chúc thầy cô trong có 1 ngày nhà giáo thật ý nghĩa.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  9. The Following User Says Thank You to Giang Tiên For This Useful Post:


ANH EM CHANNEL