Dòng đời là một dòng sông trôi đi mang theo bao kỷ niệm của kiếp người, nhưng đối riêng tôi những ngày lang thang theo gánh hát trong những ngày cúng lễ Kỳ Yên cùng anh em trong một gánh hát, là những ngày dài đầy kỷ niệm.
Ngày đó tôi vừa hai mươi tuổi rất yêu thích cải lương, nên thường xuyên đi theo gánh hát cúng đình trong những ngày lễ Kỳ Yên, dạo đầu đi theo để phụ giúp trang trí dựng sân khấu mà thôi. Bầu gánh là chú Bãy Tường một người dễ gần, chịu giao tiếp và lúc nào cũng cười nên dễ lấy lòng của ban tổ chức lễ hội cúng đình, nên chúng tôi thường được mới đi hát nhiều nới. Hôm nay ở Gành Hào ngày mai ở tận Đầm Dơi. Đêm còn ở Lục Sĩ Thành sáng lại có mặt ở Trà Vinh. Chúng tôi cứ trôi đi không định hướng theo những lễ hội.
Tuy cuộc sống đây đó vậy mà vui, tôi còn nhớ mãi lời chú Bãy Tường thường nói: Cuộc đời anh em mình là vậy bốn biển là nhà, cuộc đời cũng bao la như là biển, nơi đâu mình cũng xem như là nhà. Nhưng đối với riêng tôi biển là cuộc đời chứ cược đời thì không thể là biển được! Vì biển thì trường tồn vĩnh cửu còn cuộc đời này nhiều lúc sẽ thay đõi cho mình lắm nỗi cay đắng xót xa. Cơm áo gạo tiền lắm lúc con người phải dùng những thủ đoạn thấp hèn. Tôi đã phải cố giử cho đôi tay mình độ lượng dù cuộc đời chưa từng độ lượng với riêng tôi.
Tôi rất mê hát nhưng chưa dám lên hát lần nào, vì tôi không đủ tự tin trước đám đông, không đủ bản lỉnh khoe giọng hát của mình. Rồi đến một ngày tôi cũng phải hát.
Đó là một lần đoàn hát ở miếu bà Hỏa cầu Đất sét thị trấn Cái Tắc. Nơi đây nghe nói rất linh thiêng, bà con kể lại rằng: Cũng vào một đêm cúng đình lửa cháy dữ dội ngoài cửa đình cháy lan vào, mọi người đang xem hát nên hoãng loạn vì không lối thoát, lửa cứ tiến vào mọi người khóc lóc van vái, bỗng nhiên gió từ đâu thổi lại làm cho ngọn lửa bị đẩy lùi lại không cháy tiếp vào trong, nên mọi người mới sống đến bây giờ. Để nhớ công ơn này mọi người lập nên ngôi miếu nhỏ để thờ bà Hỏa. Theo thời gian cuộc sống cũng dần khá lên, ngôi miếu cũng khang trang thêm.
Tối đó đến giờ hát mà anh Nghĩa kép trong đoàn nhậu với mấy anh em khác trúng gió, nói không ra hơi nên chú Bảy kêu tôi hát thế cho anh. Cải lương thì tôi đâu biết bài bản nên chỉ hát nhạc sến, tôi nhớ lúc đó tôi hát ca khúc Giờ xa lắm rồi của tác giả Hoài Linh, nhưng vì run quá tôi hát quên lời trong lúc đó không biết làm sao, tôi xen đại câu vọng cổ Lan và Điệp vào khán giả cười rần rần. Sau màn biểu diễn của tôi má Hai trong đoàn kêu lại nói mai mốt mày diễn hài nghe, nhìn mày trầm tính vậy mà diễn hài cũng hay lắm. Đó là lần đầu tiên tôi được hát trước mọi người trên sân khấu, dù chỉ là sân khấu cúng đình ở một làng quê nghèo, nhưng đối với tôi đầy kỷ niệm.
Rồi theo vòng xoáy của cuộc đời, tôi phải lang thang nhiều nơi mưu sinh xa rời gánh hát, thỉnh thoãng trong chiêm bao tôi vẫn nhớ mình gặp lại những gương mặt thân quen trên sân khấu ngày nào.
Sau tết vừa rồi trong một lần đi lấy củi về chùa dự trữ cho mùa An cư kiết hạ ở Cái Tàu, lúc đợi phà qua cồn tôi tình cờ gặp lại má Hai trong gánh hát năm nào. Dễ có hơn mười năm trời tôi mới gặp lại má, nhận ra tôi trong bộ đồ nâu sồng má cất giọng miền tây như bao người miền tây khác:
Tổ cha mày lâu quá má mới gặp lại mày, bộ đi tu rồi hả?
_Ở nhà khổ quá không có gạo vào chùa làm công quả kiếm cơm má à, tôi cười trã lời.
Má Hai và tôi vào quán nước nhỏ cập bến phà tâm sự kể nhau nghe về gánh hát ngày xưa. Hỏi ra mới biết chú Bãy Tường thì theo thời hiện đại hóa nên trong những lễ cúng đình không còn hát nhiều như lúc trước, nên chú lập đoàn lô tô, thời gian mưa bão nhiều thiếu nợ nên phải bán nhà, bây giờ thì về đâu tận xứ Vĩnh Thạnh, còn anh kép Nghĩa thì thân tàn ma dại vì rượu. Khi hỏi đến chị Trang đôi mắt má rưng rưng nói:
Sau khi không đi hát nửa má và nó mướn nhà ở Cầu Bắc củ, hàng ngày đi hát ở quán nhậu hôm nào có đám tiệc ai kêu thì đi, rồi nó có chồng, chồng nó lại nghiện ma túy nên lây HIV cho nó, sau khi chồng nó mất hai năm sau nó cũng đi theo. Tội nghiệp con nhỏ lúc đem đồ ra liệm cho nó, bộ đồ Sơn Nữ màu tím hoa sim khi nó đóng vai Phà Ca vẫn còn nguyên vẹn mới, má đã mặc lại cho nó lần cuối cùng này.
Vẫn khôi hài như ngày nào má lại tiếp:
Thằng cha Bãy Tường không biết lúc lập gánh hát có xem ngày không, chắc lấy nhằm ngày sao chỗi hay sao quả tạ nên bây giờ ai cũng te tua hết.
Chia tay má trở về lòng tôi buồn vô tận, phải chăng trong cuộc sống này mọi người sinh ra như một định mệnh. Nếu thay đỗi được định mệnh thì thay đỗi được cã đời người? Nhưng không tôi không muốn thay đỗi vì ai sinh ra trong cõi đời này dù giàu sang hay nghèo khổ ai cũng có quyền mơ ước có quyền sống với ước mơ của mình. Còn với tôi ước mơ chỉ mong thấy lại những gánh hát trong những dịp lễ Kỳ yên, được thấy những nghệ sỹ không tên tuổi nhưng đầy lòng yêu sân khấu cãi lương.
Đã lâu rồi tôi không được xem hát cãi lương, nhưng tôi vẫn nhớ đến những nghệ sỹ đã sống hết mình cho sân khấu. Xin mượn lời thơ của Tố Hữu viết cho một người vĩ đại, tri ân những tấm lòng gửi đến những người đã và đang dám hy sinh cho sân khấu cãi lương.
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông sông chảy nặng phù sa