Nghệ sĩ Ngân Giang
Sau năm 1975, có những nghệ sĩ được đào tạo theo trường lớp nhưng cũng có rất nhiều nghệ sĩ thành tài theo lối được trực tiếp truyền nghề như các nghệ sĩ tiền phontg thời trước. Nhiều nghệ sĩ học ca vở lòng, học đóng vai quân hầu, lính chạy hiệu rồi đóng qua các vai phụ nhiều năm, gặp dịp mới có thể đóng được các vai quan trọng trên sân khấu.
Không phải con nhà nòi
Nghệ sĩ Ngân Giang không phải là con nhà nòi, không có ông cha hay anh em trong nghề hát cải lương nhưng có dip may được nghệ sĩ đàn anh trực tiếp truyền nghề hát nên Ngân Giang nổi bậc như một ngôi sao lạ, vụt sáng giữa bầu trời nghệ thuật của miền Nam Việt Nam.
Nghệ sĩ Ngân Giang tên thật là Phùng Văn Rành, sanh ngày 9 tháng 9 năm 1960, quê ở xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành tỉnh Định Tường - Tiền Giang, tức tỉnh Mỹtho. Thân phụ là ông Hồ Văn Bi, nông dân, mẹ là bà Phùng Thị Biếu, công nhân ở cảng Saigon quận 4.
Ngân Giang – Phùng Văn Rành lấy theo họ mẹ, cha em mất năm 1963, lúc em mới có 3 tuổi. Mẹ bỏ làng quê, lên Saigon làm công nhân cho Cảng Saigon. Em Rành chỉ học cho biết đọc biết viết rồi em đi học nghề sửa xe ở đường Nguyễn Tri Phương Quận 5, em được chủ hãng cho ăn, ở tại hãng xe.
Em Rành đi xem hát cải lương ở rạp Olympic, thích nghệ sĩ Minh Phụng và Lệ Thủy trong tuồng Đêm Lạnh Chùa Hoang nên khi về hãng làm việc, em bắt chước ca vọng cổ theo giọng ca của Minh Phụng. Nhưng ca hoài mà ai cũng nói là không giống Minh Phụng. Ông thợ máy chánh thấy vậy mới khuyên em Rành đi tìm thầy học cổ nhạc cho có căn bản thì mới có thể đi hát được.
Em Rành dành dụm tiền để học ca tân nhạc của thầy Nguyễn Đức, học ca cổ nhạc của thầy Yên Sơn ở đường Lê Hồng Phong( đường Pétrus cũ) và học thêm một khóa cổ nhạc của thầy Văn Vĩ. Em Rành ca được ba Nam, sáu Bắc và vọng cổ nhưng vẫn không có dịp nào được hát trên sân khấu.
Trong dịp về thăm má em, nhà ở con hẻm Trình Minh Thế, quận 4, mặt tiền đường là nhà của soạn giả Điêu Huyền, em Rành gặp soạn giả Điêu Huyền và trình bày hoàn cảnh của em, em đã học ca cổ nhạc mấy năm rồi, biết ca nhiều bài bản nhưng không có ai quen để giới thiệu em cho đi đoàn hát.
Điêu Huyền nghe thử giọng ca của Em Rành, biết em là con của bà Biếu trong xóm trong nên ông giới thiệu cho em gia nhập đoàn hát cải lương Saigon 2 và đặt cho em nghệ danh là Ngân Giang, ý nói giọng ca của em vang lộng và dài hơi như dòng sông ngân, đồng thời ông gởi gấm em cho nghệ sĩ Diệp Lang dạy nghề.
Giọng ca đặc biệt
Tuy nói là được Diệp Lang dạy nghề nhưng Ngân Giang cũng phải mất hết hai năm đóng vai quân sĩ trong tuồng Tìm Lại Cuộc Đời, Khách Sạn Hào Hoa và vở Ánh Lửa Rừng Khuya. Sau đó Ngân Giang được đóng một vai phụ, một anh nông dân trong tuồng Tiếng Hò Sông Hậu. Trong tuồng nầy, Ngân Giang được dịp phô trương giọng hò dài hơi của anh qua vài câu hò đối đáp giữa các nông dân trên đồng ruộng.
Khi hát tuồng nầy ở nhà hát Thành Phố, giọng hò dài hơi của Ngân Giang được khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Nghệ sĩ Thanh Tòng có xem đêm hát đó nên khi vãn hát, Thanh Tòng thuyết phục Ngân Giang về với đoàn hát Minh Tơ, anh hứa sẽ truyền nghề hát tuồng cổ cho Ngân Giang và hứa sẽ giao cho Ngân Giang hát vai chánh để khai thác giọng ca đặc biệt hay của anh.
Ngân Giang không bỏ lở dịp may ngàn vàng nầy, anh nhận lời với Thanh Tòng và hôm sau anh nạp đơn xin nghĩ hát ở đoàn Saigon 2.
Nghệ sĩ Ngân Giang sau khi nạp đơn xin nghĩ đoàn hát Saigon 2, dù lúc đó anh chỉ đóng vai quân sĩ hay nông dân có hò một vài câu hò, nghĩa là một vai tuồng không quan trọng, nhưng ông trưởng đoàn cải lương Saigon 2 chưa cấp giấy chấp thuận cho anh rời đoàn Saigon 2 thì anh không được phép đi diễn ở bất cứ đoàn hát nào khác.
Năm 1980, được sự giúp đở dạy nghề của nghệ sĩ Thanh Tòng, Ngân Giang được giao cho hát vai chánh trong tuồng Xuân Về Trên Đỉnh Mã Phi.
Đến đầu tuần, ngày thứ ba, đoàn Minh Tơ hát trình kiểm duyệt xong, đoàn tính khai trương tuồng hát đó tại rạp Hào Huê, nhưng ngay ngày thứ hai, trước khi đoàn Minh Tơ khai trương tuồng Xuân Về Trên Đỉnh Mã Phi thì Phòng Sân Khấu kêu đại diện của đoàn Minh Tơ lên, thông báo là nghệ sĩ Ngân Giang không được hát vì đoàn Saigon 2 thưa Ngân Giang đã bỏ đoàn ngang.
Ban quản trị đoàn Minh Tơ có cô Cẩm Vân là cán bộ của Sở Văn Hóa đưa xuống, cô năn nỉ xin cho Ngân Giang hát vì đã quảng cáo lỡ rồi nhưng Ông Trưởng đoàn Saigon 2 không đồng ý.
Thời may anh Năm Anh, quản lý của đoàn Saigon 2 không biết ý định của ông trưởng đoàn, anh nói : Ngân Giang chỉ đóng vai quân sĩ và những vai phụ, không có Ngân Giang không ảnh hưởng gì đến đêm hát của đoàn Saigon 2, anh Năm Anh đề nghị cho Ngân Giang đi hát cho Minh Tơ.
Nhờ vậy mà nghệ sĩ Ngân Giang được Phòng Sân Khấu chấp thuận cho hát ở đoàn Minh Tơ, đó là một kỷ niệm khó quên trong đời đi hát của nghệ sĩ Ngân Giang.
Các tuồng đã diễn
Nghệ sĩ Ngân Giang đã hát thành công vai chánh trong tuồng Xuân Về Trê Đỉnh Mã Phi, sau đó anh đóng vai chánh tiếp các tuồng Ngọn Lửa Thăng Long, Dựng Cờ Cứu Nước, Câu Thơ Yên Ngựa, Thanh Gươm và Nữ Tướng,
Năm 1983, Ngân Giang cộng tác với đoàn hát Tinh Hoa - Vũng Tàu.
Năm 1985, anh được nâng lên làm Phó trưởng đoàn cải lương Vũng Tàu 2, phụ trách nghệ thuật sân khấu.
Năm 1994, Ngân Giang trở về Saigon, cộng tác với đoàn hát Hương Mùa Thu.
Năm 1995, anh về cộng tác với đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long.
Năm 1996, Ngân Giang hát ở Câu Lạc Bộ Cải Lương Ba Thế Hệ.
Thưa quý thính giả, nghệ sĩ Ngân Giang đệ tử lò cổ nhạc Yên Sơn và Văn Vĩ, nhờ có giọng ca rất thanh, rất trong và khoẻ khoắn, được sự giúp đở của soạn giả Điêu Huyền và nghệ sĩ Thanh Tòng, từ một người chỉ được đóng vai quân sĩ, đánh kiếm chạy hiệu đã được nâng lên đóng vai chánh các tuồng của đoàn hát đại ban Minh Tơ.
Ngoài các tuồng đã kể, Ngân Giang còn là diễn viên chánh của các tuồng Tình Hận Thâm Cung, Tô Ánh Nguyệt, Hoàng Hậu Ba Tư, Nắng Sớm Mư Chiều, Đêm Lạnh Chùa Hoang, Tâm Sự Loài Chim Biển và hàng trăm vở tuồng khác trên các sân khấu đoàn Tinh Hoa, Vũng Tàu, Huỳnh Long, Hương Mùa Thu. Câu Lạc Bộ Cải lương Ba Thế Hệ.
Nghệ sĩ Ngân Giang đã được mời thu dĩa nhựa và băng vidéo hàng trăm dĩa vọng cổ và tuồng hát cải lương, đặc biệt anh được mời ca chung một dĩa tân cổ giao duyên với các nữ nghệ sĩ tài danh như Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Thanh Ngân, Cẩm Tien….
Thưa quý thính giả, qua cuộc đời nhiều cảnh thăng trầm của nghệ sĩ Ngân Giang, có thể nói là người nghệ sĩ có giọng ca tốt, được học nghề hát rất căn bản, có khả năng hát vai chánh nều không có cơ hội may mắn và không được người tốt giúp đở thì nghệ sĩ Ngân Giang sẽ không được khán giả ái mộ như ngày nay, mà anh chỉ là một quân sĩ chạy hiệu cho đoàn hát cải lương Saigon 2.
(Theo SG Nguyễn Phương - ĐACTD