1. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    NS Bạch Long: Lùi một bước, trời cao bể rộng…



    PNCN - Có cha, có mẹ nhưng từ bé nghệ sĩ (NS) Bạch Long phải đi làm con nuôi. Xuất thân trong một gia đình nổi tiếng có truyền thống làm nghệ thuật (cha là NSND Thành Tôn, mẹ là NS Huỳnh Mai, cậu là NS Minh Tơ, anh họ là NSND Thanh Tòng…) nhưng con đường nghệ thuật của anh lại lắm gian truân. Năm 1990, anh thành lập nhóm Đồng ấu Bạch Long; hai lần đoạt huy chương vàng Diễn viên chính trong Hội diễn Sân khấu Thiếu nhi toàn quốc với vai Kim Đồng và Thánh Gióng.

    Mấy chục năm qua, Bạch Long mượn mái đình làm nhà và những năm gần đây cho đến tận bây giờ vẫn lang thang ở nhà thuê. Nào phải chỉ lận đận trong đời và trong nghệ thuật, ngay trong tình duyên anh cũng mang nhiều nỗi buồn tan vỡ, để đến hôm nay đã 51 tuổi vẫn một mình một bóng…

    Bất chấp tất cả những buồn đau, trắc trở của số phận, anh vẫn luôn giữ cho mình một tâm thái an tịnh, lạc quan, và trên tất cả là niềm đam mê dành cho nghệ thuật cải lương và tâm huyết đối với việc đào tạo lớp trẻ yêu thích bộ môn cải lương.

    PV: Có khi nào anh thử lý giải tại sao con đường nghệ thuật của anh không suôn sẻ, thuận lợi? Những vai diễn đầu tiên có để lại ấn tượng trong anh cho đến hôm nay?

    Nghệ sĩ Bạch Long: Tôi đi theo đoàn hát từ năm 12 tuổi, hằng đêm chỉ có nhiệm vụ gõ chập - cheng. Tôi chú ý xem các cô, chú, anh, chị… diễn và từ từ học thuộc hết các vai tuồng. Hễ có diễn viên nào vắng mặt không đến diễn thì tôi xin được thế vai. Tôi đã bắt đầu con đường nghệ thuật của mình bằng những vai đóng thế như vậy. Vai chính danh đầu tiên của tôi là Ngô Tùng Quân lúc nhỏ (trong vở Ngô Tùng Quân xuất thế) nhưng lại chỉ... thoại đúng một câu! Kế tiếp, tôi vào vai ông địa, diễn chung với cha mình khi ông đóng vai người chủ quán. Tôi không bao giờ quên được những vai đầu tiên đó. Tôi đã phải trải qua một thời gian xem người ta diễn mà mày mò tự học. Sau đó, tôi mới được sự hướng dẫn của cậu Minh Tơ, anh Thanh Tòng, thầy Út Trong. Trải qua 10 năm với biết bao vai đóng thế, vai nhỏ…, đến năm 1982 tôi mới có vai chính đầu tiên là vai Thánh Gióng trong vở Phù Đổng Thiên vương…

    Tại sao con đường nghệ thuật của tôi lại nhiều lận đận ư? Tuy gia đình tôi là một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng cha tôi lại không muốn các con theo nghề vì ông thấy nghề này quá gian truân. Khi anh chị em chúng tôi theo nghề, cha tôi chủ trương để cho các con tự thân vận động và đi lên bằng chính năng lực của mình chứ không phải dựa vào cái thế của gia đình. Bản thân tôi là người thẳng tính, tôi không biết khom lưng nịnh nọt, không biết đi bằng đầu gối… Có lẽ đó là những lý do khiến con đường nghệ thuật của tôi không suôn sẻ, thuận lợi.

    * Anh đã dồn hết tâm lực, tiền bạc để gầy dựng nhóm Đồng ấu Bạch Long và nhóm đã có một thời gian dài hoạt động gây tiếng vang, được đông đảo khán giả cả người lớn lẫn thiếu nhi mến mộ… Nhưng rồi khi cải lương thoái trào thì nhóm cũng phải tan rã. Đó là giai đoạn khó khăn nhất của anh. Anh đã làm cách nào để vượt qua giai đoạn này?


    - Đã theo nghề diễn, điều quan trọng giúp người NS có thể trụ lại với nghề trước những cơn sóng gió chính là sự đam mê, lòng yêu nghề. Không chỉ đau lòng vì nhóm Đồng ấu Bạch Long - tâm huyết của mình tan rã, tôi còn khủng hoảng vì lúc đó bản thân mình cũng chẳng có vai diễn. Tôi đã phải lột chiếc đồng hồ đang đeo trên tay để nhờ một người học trò mang đi cầm. Cậu học trò đi suốt một buổi thì lại mang chiếc đồng hồ trở về đặt trên bàn kèm với 300.000đ và nói: “Thầy ơi, em đã hỏi thử nhiều nơi nhưng ở đâu cũng chê, không chịu cầm cái đồng hồ này. Em mới lãnh lương được 500.000đ, thầy hãy cầm đỡ 300.000đ…”. Sau khi cậu học trò ra về, tôi đã òa khóc như một đứa trẻ. Tôi tự hỏi vì sao mình lại đến nông nỗi này… Khóc chán, tôi đến bàn thờ Tổ, thắp nhang và khấn vái: “Xin Tổ hãy phù hộ cho con. Nếu như Tổ không cho con tiếp tục làm nghệ thuật, có lẽ con tự tử chết mất, vì cả đời con không biết làm gì khác ngoài làm nghệ thuật…”. May sao, vài tuần sau thì anh Huỳnh Anh Tuấn mời tôi thế vai một anh lính ngự lâm trong vở kịch Ba chàng lính ngự lâm của Sân khấu kịch Idecaf. Lần thế vai đó đã thành công, thuyết phục được đồng nghiệp, làm hài lòng khán giả. Kể từ đó - năm 2000 - đến nay tôi gắn bó với sân khấu kịch Idecaf qua các vở diễn cho người lớn và cho cả thiếu nhi.

    * Khi mẹ nuôi anh vừa mới mất, xác mẹ vẫn còn nằm đó chưa kịp liệm, anh đã phải vội vã chạy đi diễn - lại là một vai hài (vì không có người thế vai)… Lúc đó anh nghĩ gì, anh có cảm thấy cái nghề diễn đôi khi cũng cay nghiệt?

    - Đầu tiên, tôi đã tự hỏi: “Mình có nên đi diễn hay không khi mẹ còn nằm đây?”. Khi biết không có ai thế vai mình và nhất là khi nghĩ đến nếu mình bỏ vai thì có khả năng đoàn sẽ phải trả vé, ảnh hưởng đến bao nhiêu anh em khác trong đoàn, tôi đã quyết định sẽ đi diễn. Tôi yên tâm vì đã có nhiều cô bác, anh chị hàng xóm tốt bụng lo cho mẹ tôi trong lúc tôi đi diễn.

    * Anh là một người thầy hết lòng tận tụy với học trò. Nhiều học trò của anh đã thành danh như: Quế Trân, Tú Sương, Vũ Luân, Trinh Trinh, Mỹ Hằng… Các học trò của anh vẫn luôn nhớ ơn và tôn kính thầy. Nhưng đôi khi, hình ảnh thầy Bạch Long vẫn bị lãng quên đâu đó giữa vòng hào quang của một số học trò...


    - Tôi thương học trò của mình. Tôi bắt gặp ở các em hình ảnh thời nhỏ dại mới tập tễnh bước vào nghề của mình. Tôi muốn dìu dắt các em. Tôi đã không ngại cực, ngại khổ, không tiếc công tiếc của để tập hợp các em trong một nhóm, giúp các em có điều kiện học nghề và được biểu diễn. Tôi không chỉ dạy cho các em những kỹ năng của nghề diễn mà quan trọng hơn, tôi còn dạy cho các em cái tâm với nghề và đạo đức của người NS. Tôi vui khi thấy học trò tiến bộ, vui nhất là khi chứng kiến học trò đã vượt cả thầy, làm được những điều mà chính thầy không làm được. Tôi buồn nhất khi học trò đánh mất đạo đức của người NS, mượn nghệ thuật để vụ lợi cá nhân. Cũng có một số học trò của tôi “quên thầy” khi đã thành danh. Chuyện này chỉ làm tôi buồn một chút thôi. Tôi tự an ủi mình: “Con cái cũng có khi bất hiếu với cha mẹ, nói chi đến học trò…”.

    * Có bao giờ trong anh xuất hiện ý nghĩ hối tiếc: “Giá như mình không theo nghề cải lương, giá như không dồn sức cho việc đào tạo lớp trẻ… mà làm một công việc nào khác thì cuộc sống của mình đã tốt đẹp hơn, giàu có hơn…”?


    - Cuộc sống tôi đầy vất vả và khó khăn, có thời kỳ trong túi không có một đồng, không có tiền ăn, không có tiền thuê nhà… Có dạo tôi chạy chiếc xe cub cà tàng - cũ nát đến mức mỗi lần tôi dừng lại đổ xăng thì người ta xúm lại coi và ngạc nhiên không tưởng tượng nổi tại sao NS Bạch Long lại đi chiếc xe tệ đến mức này… Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ hối tiếc vì sự lựa chọn của mình. Tôi biết rất rõ: tôi không thể làm gì khác ngoài làm nghệ thuật. Tôi cũng luôn vững tin: cải lương sẽ sống mãi.

    * Hình như anh luôn sống theo phương châm “lùi một bước, trời cao bể rộng”? Trong đời mình, anh đã phải “lùi” như vậy bao nhiêu lần?


    - (cười) Tôi đã “lùi” như vậy nhiều lần. Khi nào cần “lùi” thì cứ “lùi”. Ai muốn “lấn” tôi, tôi cứ để cho họ “lấn”. Một học trò đã nói với tôi: “Thầy giống như một quả bóng đặc biệt, mỗi khi bị người ta ép hay chích vào, quả bóng không nổ mà nó sẽ bung ra với một lực phản hồi rất lớn…”. Đó chính là cái “lùi” của tôi. Thế nên mới nói: “Lùi một bước, trời cao bể rộng”. Đó cũng chính là chữ “nhẫn”.

    * Năm mươi mốt tuổi vẫn chưa lập gia đình, phải chăng do anh vẫn chưa nguôi quên nỗi đau của những mối tình tan vỡ trong quá khứ?

    - Tôi đã có mối tình đầu rất đẹp. Khi đó tôi 20 tuổi, cô ấy 19 tuổi - bán cà phê trước rạp Long Phụng - một điểm diễn của đoàn hát. Cô ấy để ý tôi trước và âm thầm tìm hiểu về tôi. Cô tìm đến nhà tôi, chăm sóc mẹ nuôi tôi. Rồi chúng tôi yêu nhau. Hồi đó tôi nghèo lắm, thù lao đi diễn không đủ sống. Cô dành dụm tiền bán hàng hằng ngày, bỏ ống heo để chuẩn bị cho một ngày chúng tôi làm đám cưới. Ngờ đâu mẹ nuôi tôi bệnh nặng, cô đập ống heo, lấy tiền lo thang thuốc và tang ma cho mẹ nuôi tôi. Đột ngột ngày nọ cha cô xuất hiện, ông nói với tôi: “Gia đình tôi là người Hoa, tuyệt đối không thể gả con gái cho người Việt. Vả lại, tôi hỏi cậu một câu, cậu kiếm tiền không đủ lo cho cái thân cậu, nếu cậu cưới con gái tôi, thử hỏi cậu lấy gì mà nuôi con gái tôi…?”. Câu nói của người cha khiến tôi cảm thấy bị tổn thương nặng nề. Vì vậy, tôi đã đề nghị với cô ấy hãy chia tay nhưng lúc đó cô ấy kiên quyết không chịu. Ai dè, hơn một tháng sau, tôi bất ngờ nhận được thiệp cưới của cô ấy. Cầm thiệp cưới tôi đã khóc như một đứa con nít. Tôi hiểu cô ấy đã không thể cãi lời cha. Thế là cuộc tình của chúng tôi tan vỡ sau bốn năm gắn bó…

    Mãi đến năm tôi 31 tuổi, tôi mới yêu lần thứ hai, cô ấy kém tôi năm tuổi. Sau mấy năm yêu nhau, cô ấy ra nước ngoài du học. Thời gian bốn năm cô du học, ít nhiều không tránh khỏi chuyện xa mặt cách lòng. Ngày quay về, hình như cô đã thay đổi. Thời điểm đó, tôi cũng đang bế tắc trong công việc nên tâm trạng rất nặng nề. Dù vậy, chúng tôi vẫn không hề nói đến chuyện chia tay. Đột nhiên, một ngày tôi đang chạy xe trên đường, bỗng dưng nghe điện thoại reo. Thì ra cô gọi đến và thông báo: “Tuần sau em làm đám cưới. Em sẽ gửi thiệp cưới cho anh, anh nhớ đi dự nhé…”. Tôi lặng người, một lúc lâu mới có thể lên tiếng: “Vậy à? Anh chúc mừng em”. Thế là cuộc tình này tan vỡ sau gần 10 năm… Từ đó đến nay, tôi cũng có đôi ba lần gặp gỡ, đôi ba lần rung động nhưng chưa lần nào có thể gọi là tình yêu đúng nghĩa. Có lẽ, hình bóng của người yêu đầu tiên quá lớn, tôi không thể tìm đâu một cô gái có tình yêu mãnh liệt và trong sáng như cô ấy, cho nên đến giờ phút này tôi vẫn một mình.

    * Trong cái hoàn cảnh trớ trêu của mình, anh mơ gì về một mái ấm gia đình?


    - Đã có những năm tháng - nhất là thời kỳ đang yêu, tôi luôn mơ ước về một mái ấm gia đình. Trong mái ấm đó, tôi là một người chồng, người cha hạnh phúc, có vợ hiền con ngoan. Tôi mơ mình có đến bốn đứa con và bọn trẻ làm thành một ban nhạc, người cha là tôi ngồi nhìn các con biểu diễn trên sân khấu mà lòng tràn trề vui sướng… Nhưng đã lâu lắm rồi, tôi không còn mơ giấc mơ này nữa. Tôi cảm thấy nó khó có thể trở thành hiện thực. Tôi đã chấp nhận và thích nghi với cuộc sống cô đơn. Càng mơ chỉ càng thêm thất vọng. Thôi thì cứ để cho cuộc sống tiếp diễn. Cái gì đến sẽ đến… Bây giờ, tôi chỉ có một ước mong thiết thực: mong được… trúng số để có tiền mua một căn nhà nhỏ, để có chỗ lập bàn thờ Tổ, thờ Phật, thờ những người thân yêu đã khuất… Thu nhập hiện tại của tôi từ việc diễn kịch chỉ đủ sống chứ không có dư để tính đến chuyện mua nhà. Ở nhà thuê thì chủ nhà không cho lập bàn thờ.

    * Cám ơn anh đã dành cho PNCN cuộc trò chuyện này.


    Diễm Chi (thực hiện)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. thanh liem
    Avatar của thanh liem
    noi buon cua nguoi mang niem vui
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL