Đều là lọai đàn có 2 dây, thùng đàn và cần đàn gần giống nhau nên một số người hay nhầm lẫn giữa 2 cây đàn này. Koala xin góp nhặt vài dòng để giúp các bạn phân biệt:
Đàn Kìm (Đàn Nguyệt, Quân Tử cầm)
Đàn nguyệt được sử dụng rộng rãi trong dòng nhạc dân gian cũng như cung đình bác học cổ truyền của người Việt. Xuất hiện từ thế kỷ XI, cho tới nay nó vẫn giữ một vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt âm nhạc của người Việt và là nhạc cụ chủ yếu dành cho nam giới, nên còn gọi là Quân Tử cầm.
Đờn Kìm có thùng cộng hưởng hình tròn, đường kính 36cm, bề dày thùng 6,4cm, cần đàn dài 72cm, tòan bộ đờn Kìm dài 108cm. Trên đầu cần có giá đờn dài 12cm, tổng cộng có 8 phím gắn trên cần đàn phát ra 9 thanh âm. Đàn có gắn 2 dây: dây Tồn trầm (dương), dây Tang bổng (âm).
Nhờ có cần tương đối dài và những phím cao, nhạc công có thể tạo được những âm nhấn nhá uyển chuyển, mềm mại.
Tiếng đàn trong, vang, khả năng biểu hiện phong phú - khi thì sôi nổi giòn giã, lúc lại nỉ non sâu lắng, do đó đàn nguyệt có mặt cả trong những cuộc hoà tấu nhạc lễ trang nghiêm, những cuộc hát văn lôi cuốn, những lễ tang bùi ngùi xúc động cũng như những cuộc hoà tấu thính phòng thanh nhã với những hình thức diễn tấu khác nhau.
Bên dưới là video minh họa cho đờn Kìm (nguồn youtube):
Đàn Sến
Được dùng phổ biến ở miền Nam. Hộp đàn hình hoa đào sáu cánh hoặc hình lục giác, hình tròn, đường kính 28 cm, thành đàn dày 6 cm, cần đàn dài 70 cm, trên mặt đàn có 17 phím bấm. Phím đàn được gắn dựa theo thang âm 7 cung chia đều. Đàn có 3 trục gỗ nhưng chỉ dùng 2 trục để lên dây còn 1 để trang trí. Hai dây đàn bằng tơ se, được lên cách nhau một quãng 4 hoặc quãng 5: Fa - Do1 hoặc Sol - Do1. Khi diễn tấu nhạc công gẩy đàn bằng miếng gẩy nhựa tạo ra âm sắc trong trẻo, tươi sáng.
Âm thanh từ đàn sến không có độ sâu lắng như đàn Kìm mà nó réo rắt hơn, chữ đờn thường nhiều hơn cho cùng một bản và đặc biệtlà đàn sến có cách đàn rung còn đàn Kìm thì không
Bên dưới là video minh họa cho đờn Kìm (nguồn youtube - không kiếm được video nào chất lượng hình ảnh tốt hơn, mọi người thông cảm):