Trong lúc cải lương đang xuống dốc, đạo diễn kịch nói Vũ Minh lại rẽ ngang làm cải lương. Cải lương của Vũ Minh trẻ hơn, bước kịp nhịp sống hiện đại mà vẫn giữ được chất cải lương tinh túy khiến khán giả hào hứng trở lại, tạo tiếng vang tốt trong dư luận Chúng tôi trò chuyện với Vũ Minh về bước chuyển này.
Chào Vũ Minh, xem những vở kịch hiện đại, thời thượng gây nhiều tranh cãi như Hợp đồng mãnh thú, Sát thủ hai mảnh,… khó có thể nghĩ rằng anh lại bất ngờ rẽ sang cải lương và làm cải lương nền nã, cổ điển như thế.Vì sao anh làm được điều đó?
+ Đạo diễn Vũ Minh: Cải lương là niềm đam mê từ thuở 6-7 tuổi của tôi, khi được mẹ dẫn đi xem hát. Hơn 10 tuổi phải tự kiếm sống bằng đủ thứ nghề, tôi đã nhịn ăn để mua vé xem cải lương. Nhà ở quận Phú Nhuận, tôi lội bộ đến mấy cây số sang quận 10… để theo chân hai đoàn hát Thanh Nga, Minh Tơ. Tôi xem gần đủ những vở nổi tiếng, những nghệ sĩ nổi tiếng lúc đó. Lớn lên tôi chỉ mơ ước được làm nghệ sĩ cải lương, song do không đủ cơ duyên nên mới làm múa rối, rồi kịch. Bây giờ, khi đủ cơ duyên, tôi bắt tay thực hiện khao khát của mình.
Sau thành công của Câu thơ yên ngựa, Điều Tam Xuân báo phu cừu, có lần anh bảo rằng mệt mỏi, không dám làm cải lương nữa. Nếu Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang không đầu tư vở cải lương Đả chiến phá sông Ngân, anh có làm cải lương?
Lúc đó, tôi sợ sự đơn độc, sợ gánh nặng kinh tế vì mình bỏ vốn, phải lo tất cả mà tôi không phải là người giàu có gì. Bởi đã làm cải lương phải làm cho thật tốt, chẳng ngại tốn kém, các nghệ sĩ tham gia còn nhắc tôi, sợ tôi lỗ. Nhưng bù vào đó, tôi được sự ủng hộ hết mình từ Sở VH-TT&DL, Hội Sân khấu TP.HCM, anh em nghệ sĩ. Có nghệ sĩ còn trả lại tôi cát xê. Nhờ vậy tôi thành công. Tôi luôn mong muốn có thêm sự đầu tư bên ngoài vào cải lương. Song nếu không có sự đầu tư, tôi vẫn làm tiếp cải lương theo kiểu liệu cơm gắp mắm.
Với tình trạng hiện nay, anh có tin vào sức sống lâu dài về sau của cải lương?
Tôi không thể nói cải lương có thể tồn tại hay không, chỉ biết là mình yêu cải lương và làm cải lương bằng cái tâm của mình. Sân khấu chúng ta có cái dở là không cho trẻ em vào xem hát. Với đầu óc trẻ con, tôi từng mê mẩn với màu sắc, sự lộng lẫy của cảnh trí, phục trang sân khấu. Tôi nghe nhạc, nghe ca mà mê mẩn. Tôi ngạc nhiên vì sao nghệ sĩ chết rồi mà bữa sau diễn lại… Tất cả cái đó theo mình đến lớn. Tôi nhớ những năm 1980, tất cả đoàn hát từ kịch đến cải lương đều có suất diễn sáng Chủ nhật dành riêng cho thiếu nhi.
Nhưng trẻ con hôm nay có phim ảnh kỹ thuật số tân tiến, có thể xem dễ dàng bằng tivi, vi tính ở nhà, cải lương liệu đủ hấp dẫn khán giả cả người lớn lẫn trẻ nhỏ?
+ Sân khấu, với sự nghe nhìn trực tiếp luôn có một không khí và một sức hút riêng. Khán giả cải lương còn thì cải lương còn. Mà khán giả cải lương thích cái gì? Khán giả thích kịch bản đi vào lòng người với nhân tình thế thái, đời sống thường nhật để thấy mình trong đó. Khán giả mê nghệ sĩ hát hay, diễn giỏi để họ cùng khóc cười theo nhân vật, mê cảnh trí, kỹ thuật sân khấu bắt mắt, hấp dẫn. Cải lương đang cần có lại những điều này để có khán giả lại.
. Anh nghĩ gì nếu có nhận xét vở cải lương anh làm chỉ là khôi phục lại cái cũ có sẵn chứ không làm mới gì cả?
+ Nói vậy cũng đúng, vì những cái đó là đặc trưng, là giá trị của cải lương không cần thay đổi, không cần làm mới. Trước nay khán giả bức xúc vì những giá trị đặc trưng này bị mất đi, bây giờ tôi cố gắng khôi phục lại nên có thành công. Cái riêng của tôi là làm cho cải lương tiết tấu nhanh hơn, tâm lý, đường dây kịch chặt chẽ hơn, hành động kịch phù hợp hơn với đời sống hôm nay. Tôi đang làm lại cải lương chuyên nghiệp như xưa.
. Khi anh làm việc, có bị khoảng cách nào giữa nghệ sĩ cải lương và nghệ sĩ kịch không?
+ Thời tôi còn bé, các nghệ sĩ cải lương thế hệ vàng là những tượng đài. Bây giờ, khi được làm với các nghệ sĩ nổi tiếng này, từ nghệ sĩ Diệp Lang đến các nghệ sĩ Thanh Bạch, Bạch Lê, Trường Sơn… tôi run lên vì hạnh phúc.
Cải lương khó hơn kịch. Cho dù cải lương hiện nay không còn như xưa, tôi vẫn cho rằng mỗi nghệ sĩ cải lương đều là tài năng đặc biệt. Họ phải vừa nhớ lời tuồng, hát theo nhạc, phối hợp động tác vũ đạo theo nhạc, theo lời và vừa diễn tả tâm lý nhân vật… với lao động nghệ thuật rất nặng.
. Xin cảm ơn anh!
Đạo diễn Vũ Minh
Ra trường năm 2001, vở kịch tốt nghiệp Kẻ ghét đời (hài kịch cổ điển Pháp) do Vũ Minh đạo diễn được công diễn chính thức ở IDÉCAF. Từ đây, Vũ Minh dựng tiếp nhiều kịch bản của Lưu Quang Vũ như Bệnh sĩ, Trái tim trong trắng, Người tốt nhà số 5… để lại nhiều cảm tình cho người xem lẫn giới chuyên môn.
Đến Hạnh phúc trên đồi hoa máu, Vũ Minh tạo được dấu ấn trong thể loại kịch tâm lý xã hội. Từ đây, Vũ Minh bỗng rẽ sang dựng vở theo phong cách nhạc kịch và thành công với Trái tim nhảy múa, dựng kịch thiếu nhi trong chương trình Ngày xửa ngày xưa để lại nhiều vở dễ thương như Aladin và đủ thứ thần, Na Tra, Vua bò cạp… Năm 2006, Vũ Minh thay đổi phong cách, dựng vở kịch có chất trào phúng náo kịch hay những đề tài giới tính, tình dục với những pha tươi mát gây dư luận lớn như Sát thủ hai mảnh, Lùng người trong mộng, Họng súng vô hình…
THEO HÒA BÌNH - BÁO PHÁP LUẬT TPHCM